Gia đình, được Công đồng Vatican II định nghĩa là “Giáo hội tại gia“, là hạt nhân nền tảng của xã hội và là nơi truyền tải các giá trị nhân bản và Kitô giáo. Tuy nhiên, trong thế kỷ XXI, thể chế gia đình đang đối diện với những thách đố chưa từng có: sự thay đổi văn hóa, áp lực xã hội, khủng hoảng giá trị và những quan niệm mới về các mối quan hệ con người. Trước thực tế này, Giáo Hội mang đến một tầm nhìn đầy hy vọng và sự đồng hành gần gũi với các gia đình.
Những thách đố của gia đình ngày nay
Trong một thế giới bị chi phối bởi chủ nghĩa cá nhân và chủ nghĩa tương đối, nhiều gia đình đối diện với những khó khăn như thiếu sự giao tiếp, khủng hoảng hôn nhân, nuôi dạy con cái trong một môi trường thế tục hóa, và ảnh hưởng của những ý thức hệ đi ngược lại quan điểm Kitô giáo về con người. Đức Giáo Hoàng Phanxicô, trong Tông huấn Amoris Laetitia, nhìn nhận những thách đố này và kêu gọi Giáo Hội trở thành một “bệnh viện dã chiến”, nơi biết đón nhận, đồng hành và chữa lành những gia đình bị tổn thương.
Một trong những thách đố cấp bách nhất là bảo vệ sự sống từ lúc thụ thai đến khi chết một cách tự nhiên. Nền văn hóa vứt bỏ, bị Đức Giáo Hoàng Phanxicô lên án, không chỉ đe dọa thai nhi mà còn ảnh hưởng đến người già, người bệnh và những người dễ bị tổn thương nhất. Gia đình, với vai trò là thánh địa của sự sống, được mời gọi trở thành chứng tá sống động về giá trị thánh thiêng của mỗi con người.
Tầm nhìn của Giáo hội về gia đình
Giáo lý Công giáo khẳng định rằng gia đình được xây dựng trên hôn nhân giữa một người nam và một người nữ, một sự kết hợp bất khả phân ly, mở ra với sự sống và tình yêu. Mô hình này, được gợi hứng từ kế hoạch của Thiên Chúa, không chỉ là một truyền thống đơn thuần mà còn là con đường dẫn đến hạnh phúc và sự viên mãn. Sách Giáo lý Giáo Hội Công giáo (số 2201-2206) nhấn mạnh rằng gia đình là tế bào cơ bản của xã hội và là nơi đầu tiên chúng ta học biết yêu thương, tha thứ và phục vụ.
Giáo Hội cũng nhận ra rằng nhiều gia đình không hoàn toàn phù hợp với mô hình lý tưởng này do các hoàn cảnh như ly hôn, sống chung không hôn thú, hoặc mất đi người thân yêu. Tuy nhiên, thay vì loại trừ họ, Giáo Hội chào đón họ với lòng thương xót, đồng thời mở ra những lộ trình hòa giải và tăng trưởng thiêng liêng.
Những chứng từ của các gia đình Công giáo
Để hiểu được đức tin có thể biến đổi đời sống gia đình như thế nào, thật ý nghĩa khi lắng nghe những chứng nhân đang sống ơn gọi hôn nhân và bậc cha mẹ với sự tận tâm và niềm vui. Dưới đây là hai chứng từ:
1. Gia đình Martinez:
“Chúng tôi là một gia đình năm người, và dù không phải lúc nào cũng dễ dàng, chúng tôi đã tìm thấy sự nâng đỡ trong đức tin để vượt qua những khó khăn. Chúng tôi cùng nhau cầu nguyện mỗi tối, và điều đó đã giúp chúng tôi duy trì sự hiệp nhất ngay cả trong những lúc khó khăn nhất, như khi tôi mất việc. Chúng tôi biết rằng Thiên Chúa không bao giờ bỏ rơi chúng tôi, và rằng với tư cách là một gia đình, chúng tôi được mời gọi trở nên sự phản chiếu tình yêu của Ngài.”
2. Ana và Luis, một đôi vợ chồng trẻ:
“Khi kết hôn, chúng tôi biết rằng mình muốn xây dựng một gia đình theo thánh ý Chúa. Dù xã hội tạo áp lực để chúng tôi sống theo cách khác, chúng tôi đã quyết định tin tưởng vào giáo huấn của Giáo Hội về hôn nhân và sự sống. Việc nuôi dạy con cái trong đức tin không hề dễ dàng, nhưng khi nhìn thấy chúng lớn lên với các giá trị như tôn trọng và liên đới, chúng tôi tràn đầy hy vọng.”
Làm thế nào để củng cố gia đình ngày nay:
1) Sống đức tin trong gia đình: Cầu nguyện chung, đọc Kinh Thánh và tham dự Thánh lễ là những nền tảng giúp củng cố đời sống thiêng liêng trong gia đình.
2) Giáo dục về các giá trị: Cha mẹ có sứ mạng truyền dạy cho con cái sự tôn trọng sự sống, phẩm giá con người và các nguyên tắc Kitô giáo.
3) Đồng hành mục vụ: Các giáo xứ và phong trào gia đình cần cung cấp sự đào tạo và hỗ trợ cho các gia đình, đặc biệt là những gia đình đang gặp khủng hoảng.
4) Bảo vệ sự sống: Gia đình được mời gọi trở thành phát ngôn viên cho nền văn hóa sự sống, chống lại phá thai, trợ tử và mọi hình thức bạo lực.
5) Chứng tá của tình yêu thương: Tình yêu vợ chồng, chung thủy và sinh hoa trái, là sự phản chiếu tình yêu của Đức Kitô dành cho Giáo Hội. Sống tình yêu này với sự tận hiến và hy sinh chính là chứng tá tốt đẹp nhất mà một gia đình có thể mang đến cho thế giới.
Gia đình, niềm hy vọng cho thế giới
Dù đối diện với nhiều thách đố, gia đình vẫn là ngọn hải đăng hy vọng giữa bóng tối. Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã diễn tả điều này một cách rõ ràng: “Gia đình là nơi gặp gỡ, chia sẻ, ra khỏi chính mình để chào đón và gần gũi với người khác”. Trong một thế giới ngày càng phân mảnh, gia đình Công giáo được mời gọi trở thành dấu chỉ của sự hiệp nhất, yêu thương và đức tin.
Là mẹ và là thầy dạy, Giáo Hội luôn đồng hành cùng các gia đình trên hành trình của họ, cung cấp những khí cụ thiêng liêng và mục vụ cần thiết để đối diện với những thách đố của thế kỷ XXI. Như Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã nói: “Tương lai của nhân loại được hình thành trong gia đình”. Vì thế, chăm sóc và củng cố gia đình không chỉ là một nhiệm vụ cấp bách mà còn là một sứ mạng của tình yêu thương.
Nt. Anna Ngọc Diệp, OP
Dòng Đa Minh Thánh Tâm
Chuyển ngữ từ: exaudi.org (31.01.2025)
Nguồn: hdgmvietnam.com