Suy Niệm Lời Chúa – Thứ Hai sau Chúa Nhật V Thường Niên – Sống Thiếu Đức Tin

(St 1:1-19; Mc 6:53-56)

Trong những ngày tới, chúng ta sẽ nghe sách Sáng Thế trong bài đọc 1. Giáo Hội muốn đưa chúng ta trở về với ‘thời gian ban đầu’ để khám phá ra ý định nguyên thuỷ của Thiên Chúa cho con người và vũ trụ, đồng thời cũng để nhắc nhở chúng ta về việc con người đã dùng tự do của mình, thay vì sống theo ý định của Thiên Chúa, thì sống theo ý định và chương trình riêng của mình. Và khi con người đi sai ý định của Thiên Chúa, tội đã tràn vào trong thế gian. Sách Sáng Thế là sách đầu tiên trong Ngũ Kinh và trong Kinh Thánh. Tên sách được đặt theo chữ đầu tiên trong sách “bere’sit” (“lúc khởi đầu”).

Trong bài đọc 1 hôm nay, chúng ta nghe từ trình thuật sáng tạo Tư Tế (St 1:1-2:4a). Trình thuật này được gọi là “trình thuật sáng tạo Tư Tế” vì, theo các học giả Kinh Thánh, trình thuật này được viết bởi các tư tế Do Thái trong thời lưu đày ở Babylon (khoảng 586B.C. đến 538 B.C.). Trình thuật này trình bày công trình sáng tạo của Thiên Chúa trong 6 ngày và ngày thứ 7 Thiên Chúa nghỉ ngơi. Nói một cách cụ thể, trong trình thuật sáng tạo này chúng ta tìm thấy tuần đầu tiên của lịch sử nhân loại và vũ trụ. Tuần sống đầu tiên này được kết thúc bằng việc tuân giữ ngày Sabát (x. Xh 31:17). Đây chính là điều chúng ta vẫn thực hành ngày hôm nay, nhưng thay vì kết thúc tuần sống với việc tuân giữ ngày Sabát, chúng ta bắt đầu với việc tuân giữ “ngày thứ nhất trong tuần” – ngày Chúa Nhật – ngày Chúa Giêsu phục sinh. Bài đọc 1 hôm nay kể cho chúng ta nghe về việc sáng tạo của Thiên Chúa trong bốn ngày đầu. Trong bốn ngày đầu tiên này, có hai điểm chúng ta có thể suy gẫm cho ngày sống của mình.

Thứ nhất là hành động “phân rẽ” của Thiên Chúa trong hai ngày đầu và hành động “trang điểm” đất trời trong ngày thứ ba và thứ tư. Trong hai ngày đầu, Thiên Chúa phân rẽ ánh sáng và bóng tối (St 1:4) [ngày và đêm (St 1:5)], nước phía dưới vòm và nước phía trên (St 1:7), đất và biển (St 1:10). Thiên Chúa cũng ban khả năng “phân rẽ” này cho chúng ta để chúng ta biết “phân rẽ” điều tốt và xấu, ánh sáng và bóng tối trong cuộc đời của mỗi người chúng ta. Khả năng này chính là món quà cao quý nhất làm chúng ta trở nên giống Chúa, tức là có khả năng sáng tạo và làm cho cuộc đời của chúng ta trở nên phong phú và tốt đẹp hơn. Một cách cụ thể hơn, trước khi quyết định thực hiện điều gì, chúng ta hãy tập “phân rẽ” những thái độ cần có và không cần có để hành xử cho hợp theo ý Thiên Chúa. Hành động chọn lựa theo ý Thiên Chúa gắn liền với hành động trang điểm đất trời trong ngày thứ ba và thứ tư. Như Thiên Chúa trang điểm đất trời với những gì tốt đẹp mà Ngài dựng nên, cuộc sống của chúng ta cũng chỉ trở nên đẹp khi chúng ta trang điểm nó với những gì hợp với ý Thiên Chúa.

Thứ hai là điệp khúc “Thiên Chúa thấy thế là tốt đẹp” (St 1:10,12, 18). Điệp khúc này được lặp lại sau mỗi lần Thiên Chúa sáng tạo ra mỗi loài. Điều này nói cho chúng ta về sự tốt lành của tạo vật: Tất cả những gì đến từ bàn tay sáng tạo của Thiên Chúa đều tốt lành. Đây là ý định của Thiên Chúa cho mỗi tạo vật của Ngài ngay từ nguyên thuỷ. Nhưng chúng ta đã đi quá xa với ý định này của Thiên Chúa. Chúng ta đã tạo ra quá nhiều điều không tốt trong cuộc đời của mình, của gia đình, của cộng đoàn, của xã hội, và của Giáo Hội. Thay vì cộng tác vào công trình sáng tạo của Thiên Chúa, là tạo ra những gì tốt đẹp nhất cho cuộc sống của mình và của người khác, chúng ta đã cộng tác với quyền lực bóng tối để che khuất đi vẻ đẹp nguyên thuỷ của Thiên Chúa trong chúng ta và các tạo vật. Một vị thánh nói rằng: “Khi bạn không làm việc cho và với Thiên Chúa, thì ma quỷ sẽ làm việc trên bạn và trong bạn.” Như vậy, tôi xin đề nghị chúng ta làm theo nguyên tắc “hơi bi quan” sau: Bạn hãy luôn chọn và làm điều tốt trong từng giây phút của cuộc sống. Nhưng nếu bạn không làm được điều gì tốt trong ngày, bạn cũng đừng làm điều gì xấu!

Bài Tin Mừng hôm nay là phần kết chương 6 của Tin Mừng Thánh Máccô. Chương này bắt đầu với việc Chúa Giêsu bị từ chối và bị “coi thường” ở quê hương mình. Ngài không làm gì ở đó, mà chỉ “chữa lành một vài người đau ốm ở đó bằng việc đặt tay trên họ” (Mc 6:5). Và hôm nay kết thúc với cùng một chủ đề. Tuy nhiên, trong chương này Chúa Giêsu muốn chữa một loại bệnh “nguy hiểm nhất,” đó là bệnh “thiếu đức tin” mà đã được nói đến trong phần mở đầu của chương (Mc 6: 6). Thật vậy, trong phần mở đầu, Chúa Giêsu không làm phép lạ vì những người dân ở Nazareth “thiếu niềm tin”; kế đến, sau phép lạ hoá bánh ra nhiều, các môn đệ sợ hãi khi Chúa Giêsu đi trên mặt nước sau phép lạ hoá bánh ra nhiều vì họ cũng thiếu lòng tin (Mc 649-50). Còn chúng ta hôm nay thế nào? Đức tin của chúng ta vào Chúa Giêsu có được gia tăng mỗi ngày khi thấy những điều tốt đẹp Ngài làm cho chúng ta hay không? Nếu chúng ta vẫn thiếu niềm tin vào Chúa Giêsu, hãy xin Ngài như các tông đồ đã xin Ngài: Lạy thầy, xin thêm lòng tin cho con (x. Lc 17:5).

Người ta thường nói: “Tiếng lành đồn xa.” Điều này thật đúng cho Chúa Giêsu trong ngày hôm nay: “Thầy trò vừa ra khỏi thuyền, thì lập tức người ta nhận ra Đức Giêsu. Họ rảo khắp vùng ấy và nghe tin Người ở đâu, thì bắt đầu cáng bệnh nhân đến đó” Mc 6:54-55). Nhưng trong kinh nghiệm hằng ngày, chúng ta cũng khám phá ra rằng: Không chỉ có “tiếng lành đồn xa,” mà “tiếng dữ cũng được đồn xa không kém,” nhiều khi còn xa hơn tiếng lành! Thật vậy, có nhiều người khi nghe đến tên của họ, ai cũng nhảy lên vui sướng và muốn được gặp, được sống với. Nhưng ngược lại, có những người khi tên của họ vừa được xướng lên, ai cũng phải “rùng mình khiếp sợ” hay “bĩu môi chắt lưỡi.” Chúng ta thuộc loại nào trong hai loại trên? Hãy sống thế nào để mọi người luôn muốn gặp, muốn biết và muốn sống với chúng ta. [Điều này là một lời mời gọi khẩn thiết cho những người sống đời thánh hiến cho Thiên Chúa].

Một chi tiết trong bài Tin Mừng hôm nay mà được xem là thách đố nhất cho chúng ta là: “Người đi tới đâu, vào làng mạc, thành thị hay thôn xóm nào, người ta cũng đặt kẻ ốm đau ở ngoài đường ngoài chợ, và xin Người cho họ ít là được chạm đến tua áo choàng của Người; và bất cứ ai chạm đến, thì đều được khỏi” (Mc 6:56). Chúng ta thấy, bất cứ ai chạm đến Chúa Giêsu đều được chữa lành. Chúng ta không chỉ chạm đến “tua áo choàng” của Ngài, chúng ta chạm đến chính Thịt và Máu Ngài. Hơn thế nữa, chúng ta không chỉ chạm vào Mình và Máu Ngài, chúng ta còn được rước Ngài vào lòng của chúng ta. Quả thật, không những chúng ta chạm đến Ngài, mà Ngài chạm đến miệng lưỡi và con tim chúng ta khi chúng ta rước Ngài trong Bí Tích Thánh Thể. Nhưng chúng ta có được chữa khỏi những chứng bệnh làm chúng ta xa cách Chúa và xa cách nhau không? Đừng làm cho việc “chạm đến Chúa Giêsu” mỗi ngày trở nên vô hiệu trong cuộc sống chúng ta!

Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Dũng, SDB