Suy Niệm Lời Chúa – Thứ Ba sau Chúa Nhật V Thường Niên – Sống Theo Giới Răn Thiên Chúa Hơn Là Truyền Thống Con Người

(St 1:20 – 2,4a; Mc 7:1-13)

Trong sách Sáng Thế, chúng ta đọc thấy rằng: Khi Thiên Chúa sáng tạo những sự vật khác, Ngài chỉ đơn giản “phán” và mọi sự xảy ra như lời Ngài phán. Tuy nhiên, khi đến sáng tạo con người, thì mọi sự thay đổi: Thiên Chúa không chỉ đơn giản phán như trước, mà Ngài: Dừng lại – suy nghĩ – đối thoại – thực hiện. Hơn nữa, sau khi sáng tạo con người, “Thiên Chúa ban phúc lành cho họ, và Thiên Chúa phán với họ: “Hãy sinh sôi nảy nở thật nhiều, cho đầy mặt đất, và thống trị mặt đất. Hãy làm bá chủ cá biển, chim trời, và mọi giống vật bò trên mặt đất.” (x. St 1: 28). Đây chính là điều làm con người hoàn toàn khác với các tạo vật khác. Chúng ta có thể nói rằng, đây chính là “hình ảnh của Thiên Chúa trong con người. Những tạo vật khác không có khả năng dừng lại – suy nghĩ – đối thoại – thực hiện. Những tạo vật khác chỉ sống theo định luật mà Thiên Chúa đã đặt để trong chúng. Còn con người thì không, con người có thể chống lại định luật này với khả năng “dừng lại – suy nghĩ – đối thoại – hành động.” Chúng ta có sử dụng khả năng này trong đời sống thường ngày của chúng ta không? Hay chúng ta để cho những cảm xúc tự nhiên chiến thắng chúng ta [như những thú vật], để rồi chúng ta có những thái độ và lối ứng xử, đôi khi, “không có nhân tính”?

Chi tiết thứ hai chúng ta suy gẫm trong bài đọc 1 là việc Thiên Chúa tạo dựng nên con người theo hình ảnh và giống Ngài. Ngài tạo dựng nên họ có nam có nữ (x. St 1:26-27). Điều này nói lên sự bình đẳng trong nhân vị giữa người nam và người nữ. Cả hai được tạo dựng nên theo hình ảnh và giống Thiên Chúa. Tuy nhiên, ở đây chúng ta phải lưu ý rằng: Nam nữ bình đẳng với nhau trong nhân vị: Họ “bình đẳng” chứ không “giống” nhau. Chúng ta thấy điều này ngay trong cấu trúc của cơ thể, của tính tình, lối suy nghĩ, cách làm việc, v.v. Như vậy, chữ “bình đẳng” trong nhân vị bao gồm tư tưởng “khác biệt nhưng không tách biệt,” hay nói cách khác, “khác biệt nhưng không loại trừ mà là bổ sung.” Điều này có nghĩa là gì? Điều này có nghĩa là người nam và nữ là hình ảnh của Thiên Chúa trong cách thức chuyên biệt của họ. Đừng bắt chước ngưới khác trong cách thức “là hình ảnh Thiên Chúa” của họ. Hãy là “hình ảnh Thiên Chúa” trong cách thức bạn là! Vì đây là điều Ngài muốn khi tạo dựng nên bạn theo hình ảnh và giống Ngài.

Chi tiết thứ ba chúng ta cần lưu ý là điệp khúc “Thiên Chúa thấy thế là tốt đẹp.” Điệp khúc này được thay đổi “một tí” sau khi con người được sáng tạo: “Thiên Chúa thấy mọi sự Ngài đã làm ra quả thật là ‘rất’ tốt đẹp” (St 1:31). Với sự xuất hiện của con người, là hình ảnh của Thiên Chúa, mọi sự trở nên ‘rất’ tốt đẹp. Điều này cho thấy, chỉ trong con người mà những tạo vật khác đạt đến sự tốt lành mà nó không có trước đó. Ví dụ, một viên kim cương không có giá trị gì khi nó nằm trong lòng đất, chưa được con người khám phá ra. Nó chỉ ‘tốt’ như là một tạo vật trong vũ trụ. Nhưng khi con người khám phá và đem làm đồ trang sức, thì viên kim cương đạt được điều tốt mà nó không có trước đó. Theo cách nhìn này, câu nói trên của sách Sáng Thế hàm chứa lệnh truyền của Thiên Chúa cho con người khi sử dụng những tạo vật khác: Hãy làm cho các tạo vật khác đạt tới sự tốt lành mà chúng không có trước đó. Đó chính là sự cộng tác của con người vào trong công trình sáng tạo của Thiên Chúa. Suy cho cùng, chúng ta không tạo ra sự tốt lành trong các tạo vật, chúng ta chỉ làm cho chúng được tốt hơn khi sử dụng đúng mục đích mà Thiên Chúa đã sáng tạo ra.

Điểm cuối cùng trong bài đọc 1 hôm nay làm chúng ta lưu ý là sự kiện Thiên Chúa nghỉ ngơi trong ngày Sabát: “Thế là trời đất cùng với mọi thành phần đã hoàn tất. Ngày thứ bảy, Thiên Chúa đã hoàn thành công việc Người làm. Khi làm xong mọi công việc của Người, ngày thứ bảy, Thiên Chúa nghỉ ngơi. Thiên Chúa ban phúc lành cho ngày thứ bảy và thánh hoá ngày đó, vì ngày đó Người đã nghỉ, ngưng làm mọi công việc sáng tạo của Người” (St 2:1-3). Mệnh lệnh nghỉ ngơi trong ngày Sabát không gì khác là lời mời gọi đi ra khỏi những bận rộn của tuần sống của mình để dành thời gian thinh lặng và nghỉ ngơi trong Chúa để không rơi vào tình trạng đi xa khỏi ý định ban đầu của Thiên Chúa cho cuộc sống của chúng ta và của các tạo vật. Chỉ những người dành thời gian thinh lặng và nghỉ ngơi trong Chúa mới có khả năng hiểu được ý nghĩa của vạn vật và cuộc sống của mình. Nói cách khác, chỉ những người, dù bận rộn, nhưng vẫn dành thời gian trò chuyện với Chúa mới có khả năng biết và thi hành ý Chúa.

Bài Tin Mừng hôm nay được xem là bước chuẩn bị cho cuộc tranh luận về đề tài “ô uế và không ô uế.” Cao trào của cuộc tranh luận về đề tại này sẽ được tìm thấy trong chương 8 (11-21), khi những người Pharisêu đòi Chúa Giêsu cho họ xem dấu lạ để thử người về quyền bính Ngài có trong việc giảng dạy về đề tài này. Đoạn Tin Mừng hôm nay cũng nhằm mục đích chuẩn bị cho hành trình giảng dạy của Chúa Giêsu bên ngoài Galilê, trong những vùng đất mà người Do Thái xem là ô uế, những vùng đất của dân ngoại.

Như thường lệ, Thánh Máccô trong bài Tin Mừng hôm nay sử dụng nghệ thuật tương phản trong thái độ để chuyển tải sứ điệp của mình. Cuối chương 6, trong bài Tin Mừng ngày hôm qua (Mc 6:53-56), chúng ta thấy thái độ đón nhận Chúa Giêsu của dân chúng. Thái độ này hoàn toàn tương phản với thái độ từ chối của “những người Pharisêu và một số kinh sư.” Nếu chúng ta liên kết với đề tài tương phản giữa “giới răn Thiên Chúa” và “truyền thống của tiền nhân” mà bài Tin Mừng hôm nay đề cập đến, chúng ta nhận ra rằng: Trong ý định ban đầu của Thiên Chúa, Ngài muốn “mọi người được cứu độ và nhận biết chân lý” (1 Tim 2:4). Điều này được phản chiếu trong việc mọi người đón nhận Ngài; nhưng theo “truyền thống của những người Do Thái” chỉ những ai được tuyển chọn, là con cháu Abraham thì mới được hưởng ơn cứu độ. Điều này được phản chiếu trong thái độ của những người Pharisêu và một số kinh sư. Còn chúng ta: Chúng ta muốn mọi người được cứu độ, ngay cả những người chúng ta không thích, hay chúng ta chỉ muốn những người trong “nhóm” của chúng ta được cứu độ?

Như chúng ta đã chia sẻ ngày hôm qua, Giáo Hội chọn bài đọc 1 từ sách Sáng Thế để đưa chúng ta về với ý định ban đầu của Thiên Chúa. Điều này chúng ta thấy rõ trong cuộc tranh luận giữa Chúa Giêsu và những người Pharisêu và một số kinh sư trong bài Tin Mừng hôm nay. Cấu trúc của bài Tin Mừng hôm nay gồm 2 phần. Phần 1 là thách thức của những người Pharisêu và một số kinh sư về việc các môn đệ Chúa Giêsu không rửa tay trước khi ăn theo truyền thống của tiền nhân (Mc 7:1-8); và phần 2 là việc Chúa Giêsu chỉ trích những người chống đối Ngài đã dùng truyền thống của con người để thay thế cho các giới răn của Thiên Chúa qua việc thực hành korban: “Quả thế, ông Mô-sê đã dạy rằng: ‘Ngươi hãy thờ cha kính mẹ’ và ‘kẻ nào nguyền rủa cha mẹ, thì phải bị xử tử!’ Còn các ông, các ông lại bảo: ‘Người nào nói với cha với mẹ rằng: những gì con có để giúp cha mẹ đều là ‘coban’ nghĩa là lễ phẩm đã dâng cho Chúa’ rồi, và các ông không để cho người ấy làm gì để giúp cha mẹ nữa (Mc 7:10-12). Theo Chúa Giêsu, họ dùng truyền thống con người để tránh bổn phận của mình trước mặt Thiên Chúa cũng như biện minh cho những lỗi phạm của mình về luật bác ái. Ở đây, Chúa Giêsu một cách gián tiếp tuyên bố rằng: Ngài là Đấng có quyền giải thích luật. Đây chính là một khẳng định mang tính Kitô học. Tuy nhiên, điều chúng ta cần học ở đây là: Đừng tìm cách biện minh cho những lỗi phạm của chúng ta về việc thực hành bác ái.

Đi sâu hơn vào trong vấn đề tranh luận, chúng ta thấy cuộc tranh luận này bắt đầu với việc rửa tay, một hành vì mang tính cách bên ngoài và những người Pharisêu và một số kinh sư chỉ dừng lại ở đó. Nhưng Chúa Giêsu hướng những người chống đối Ngài vào yếu tố bên trong. Ngài trích lời của ngôn sứ Isaia để nói về điều này: “Dân này tôn kính Ta bằng môi bằng miệng,còn lòng chúng thì lại xa Ta. Chúng có thờ phượng Ta thì cũng vô ích, vì giáo lý chúng giảng dạy chỉ là giới luật phàm nhân” (Mc 7:6-7). Trong câu này, chúng ta thấy Chúa Giêsu muốn chúng ta phải trở về với ý định của Thiên Chúa khi thờ phượng Ngài. Ngài muốn chúng ta thờ phượng Ngài với cả con người của mình: trọn linh hồn và thân xác. Tóm lại, điều Thiên Chúa muốn chúng ta là không chỉ tôn thờ Ngài bằng môi bằng miệng, nhưng với trọn con tim. Nói cách khác, hãy đến với Chúa như là một “con người thống nhất – hồn và xác” chứ không phải chỉ thân xác như một “thây ma” hoặc chỉ linh hồn như một “bóng ma.”

Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Dũng, SDB