Suy Niệm Lời Chúa – Thứ Bảy sau Chúa Nhật V Thường Niên – Hãy Biết Chính Mình Trước Mặt Chúa

(St 3:9-24; Mc 8,1-10)

Chúng ta thấy một bức tranh thật tương phản trong bài đọc 1 và Tin Mừng hôm nay. Bài đọc 1 dường như trình bày cho chúng ta hình ảnh của một cuộc “phán xét” đầu tiên trong lịch sử của con người với những hình phạt tương xứng cho những “bị cáo” có liên quan. Hình phạt bi thảm nhất của con người trong “bản án” này là bị đuổi ra khỏi vườn Êđen, vùng đất hạnh phúc. Còn trong bài Tin Mừng, chúng ta thấy hình ảnh “đoàn tụ” của những người bị “tản mác khắp bốn phương trời” để ăn uống no nê từ bàn tiệc Chúa Giêsu dọn sẵn. Chúng ta cùng nhau phân tích hai bài đọc hôm nay để rút ra những điều Chúa muốn nói với chúng ta.

Bài đọc 1 hôm nay gồm ba phần: Phần 1 (St 3:9-13) nói về lý do con người phạm tội và “nỗ lực” của Thiên Chúa để thiết lập lại mối quan hệ bị đổ vỡ; phần 2 (St 3:14-19) trình bày những hình phạt mà từng “bị cáo” phải chịu; và trong phần 3 (St. 3:20-24) chúng ta thấy việc con người bị đuổi ra khỏi vườn Êđen.

Trong phần 1, chúng ta thấy sự chủ động của Thiên Chúa trong việc tái lập lại mối quan hệ với con người sau khi con người ăn trái cây: “Đức Chúa là Thiên Chúa gọi con người và hỏi: “Ngươi ở đâu?” (St 3:9). Chính Thiên Chúa là Đấng chủ động bắt đầu cuộc đối thoại với con người. Về phía mình, con người nghe tiếng Chúa, nhưng vì sợ hãi nên lẩn trốn (x. St 3:10). Chi tiết làm chúng ta ngạc nhiên ở đây chính là việc con người không sợ hãi Thiên Chúa sau khi ăn trái cây cho bằng họ “sợ hãi vì nhận ra mình trần truồng.” Đây chính là lý do con người lẩn trốn Thiên Chúa. Như vậy, Thiên Chúa không đáng sợ vì Ngài là tình yêu, là Đấng chậm giận, giàu tình thương và lòng thành tín. Điều làm con người sợ hãi và lẩn trốn Thiên Chúa chính là sự trần truồng của họ, là tội lỗi của họ. Nói cách cụ thể hơn, cảm thức chạy trốn Thiên Chúa của con người khi phạm tội không đến từ việc sợ hãi Thiên Chúa, nhưng đến từ sự bất xứng của con người khi nhìn thấy tội lỗi của mình. Ở đây, chúng ta cũng cần phải ý thức rằng: “Chạy trốn Thiên Chúa vì tội lỗi của mình” là một cám dỗ khác của con người trong mọi thời, hay đúng hơn “chạy trốn Thiên Chúa” là một hệ quả của việc không chấp nhận giới hạn của mình. Nhưng Thiên Chúa vẫn luôn đi bước trước. Ngài luôn muốn thiết lập lại tương quan với chúng ta. Ngài luôn muốn chúng ta đi ra khỏi nơi chúng ta lẩn trốn, đó là sự trần truồng của mình, là mặc cảm tội lỗi của mình. Hãy “cho phép” Thiên Chúa yêu chúng ta “một lần nữa” sau mỗi lần chúng ta sai phạm! Hãy ra khỏi nơi lẩn trốn của mình để gặp Đấng là tình yêu và tìm lại niềm vui vì được yêu và được mời gọi sống tình yêu.

Phần 2 nói về những hậu quả do tội lỗi mang đến cho con người. Một trong những hậu quả lớn nhất xảy ra cho con người sau khi phạm tội không chỉ là việc con người phải chết hay bị đuổi ra khỏi vườn Êđen, nhưng còn là “mất niềm tin vào nhau,” không còn xem nhau như những món quà Thiên Chúa trao tặng, mà là “nguyên nhân lỗi phạm của mình.” Chính thái độ không tin tưởng dẫn con người đến việc đổ lỗi cho nhau, không ai chịu nhận trách nhiệm về mình. Hậu quả này vẫn đè nặng trên ngày sống của mỗi người chúng ta ngày hôm nay. Chúng ta thường nghi ngờ hay dễ dàng mất niềm tin vào người khác, dù ai trong chúng ta cũng biết rằng trong mọi mối tương quan, nếu không có tin tưởng sẽ không có đối thoại cách cởi mở, nếu không có đối thoại sẽ không có sự hiểu biết để cảm thông, nếu không có cảm thông sẽ không có tha thứ, nếu không có tha thứ sẽ không có tình yêu chân thật, và nếu không có tình yêu chân thật sẽ không có sự tin tưởng. Đây chính là “cái vòng trật tự” trong tương quan mà Thiên Chúa muốn cho con người ngay từ đầu. Nhưng con người đã không muốn sống theo vòng trật tự này, mà muốn tạo cho mình một cái vòng khác, thay vì bắt đầu với sự tin tưởng [nhìn nhau trần truồng nhưng không xấu hổ] con người bắt đầu với sự nghi ngờ [người nữ mà Ngài đặt sống với con đã đưa con trái cây và con đã ăn. … không phải con, mà là con rắn đã dụ con], và như thế, con người ở mãi trong cái vòng luẩn quẩn vô định của sự nghi ngờ Thiên Chúa và mất niềm tin vào nhau.

Bài học chúng ta rút ra trong phần 3 chính là thái độ đầy ân cần chăm sóc con người của Thiên Chúa dù con người đã bất tuân lệnh Ngài: “Đức Chúa là Thiên Chúa làm cho con người và vợ con người những chiếc áo bằng da và mặc cho họ” (St 3:21). Điều này thường trái ngược với thái độ của chúng ta trong đời sống thường ngày. Khi một người làm chúng ta tổn thương, chúng ta thường tỏ thái độ ghét bỏ hoặc không còn quan tâm chăm sóc. Nhưng chúng ta thấy Thiên Chúa không làm như thế. Ngài chăm sóc và đi tìm con người. Qua hành động này, Ngài mời gọi chúng ta phải đi bước trước trong việc hoà giải, dù chúng ta không phải là người có lỗi; chúng ta phải là người chăm sóc và yêu thương người có lỗi với chúng ta. Đây là một điều rất khó với chúng ta, nhưng không phải là không thể! Chỉ những người biết chính mình là một hữu thể giới hạn và cần đến Chúa và người khác mới có khả năng tha thứ và làm điều tốt cho những người xúc phạm đến mình.

Trong bài Tin Mừng hôm nay, chúng ta thấy lần thứ hai Chúa Giêsu hoá bánh ra nhiều. Lần đầu (Mc 6:30-44) xảy ra trong vùng đất của người Do Thái, còn lần thứ hai này xảy ra trong vùng đất của những người dân ngoại. Điều này cho chúng ta thấy là Chúa Giêsu không chỉ nuôi sống những người Do Thái, nhưng còn cả những người dân ngoại. Có một số khác biệt trong hai lần hoá bánh ra nhiều như sau: (1) Lần đầu có 5 ngàn người ăn, trong khi lần thứ hai có 4 ngàn người; (2) lần đầu dân chúng chỉ ở với Chúa Giêsu có 1 ngày, cón lần hai 3 ngày; (3) chi tiết các môn đệ đến thưa với Chúa Giêsu giải tán đám đông để họ đi mua thức ăn trong lần hoá bánh ra nhiều không tìm thấy trong lần thứ hai; (4) lần đầu tiên các môn đệ không biết chắc số bánh vá số cá mình có mà phải đi xem, còn lần thứ hai thì họ biết chắc là họ có bảy cái bánh mà không cần đi xem; (5) lần đầu có 5 chiếc bành và hai con cá, lần thứ hai có bảy chiếc bánh và mấy con cá nhỏ; (6) Chúa Giêsu chỉ đọc lời chúc tụng một lần cả trên bánh và cá trong lần đầu, còn trong lần thứ hai Ngài đọc hai lần riêng biệt cho bánh và cá; (7) lần đầu họ thu lại được 12 thúng bánh vụn và cá, còn lần thứ hai được bảy giỏ. Dù có những khác biệt như trên, nhưng cả hai lần hoá bánh ra nhiều có những điểm tương đồng như sau: (1) cả hai nhắc lại việc Thiên Chúa nuôi dân Người trong hoang địa; (2) cả hai diễn tả bàn tiệc của Đấng Messia; (3) cả hai ám chỉ đến Bí Tích Thánh Thể. Từ những điểm khác biệt và tương đồng trên đây, chúng ta chỉ chọn 3 điểm để suy gẫm cho ngày hôm nay về bài Tin Mừng.

Chi tiết thứ nhất là thái độ “chạnh lòng thương dân chúng của Chúa Giêsu” (x. Mc 8:2). Thái độ này là thái độ của người mục tử trước đàn chiên không người chăn dắt [được nói đến trong chương 6 câu 34]. Tuy nhiên, điều chúng ta cần để là việc Chúa Giêsu chăm sóc “toàn diện” cho chiên của mình, chứ không chỉ chăm sóc về phần thiêng liêng [nghe Ngài giảng dạy] hay phần thể xác [cung cấp bánh ăn cho họ]. Ngài hiểu rõ con người không chỉ sống bằng cơm bánh, nhưng còn bằng mọi lời do miệng Thiên Chúa phán ra. Trong cuộc sống của chúng ta, chúng ta thường chăm sóc cho chính mình và người khác một cách không “quân bình” hay không “toàn diện.” Lúc này thì thiêng liêng, còn lúc kia thì quá nhân bản. Người ta thường nói: Nhân đức là trung dung, là đi ở giữa: Không đi quá bên trái, cũng không đi quá bên phải. Đây là thái độ chúng ta cần phải học nơi Đức Giêsu Kitô để có một cuộc sống trung dung, bình thản cho chính mình và giúp người khác đạt đến sự phát triển toàn diện như thế.

Chi tiết thứ hai là thái độ học hỏi của các môn đệ. Như chúng ta đã trình bày ở trên, trong lần đầu tiên các môn đệ không biết rõ họ có bao nhiêu bánh và cá. Khi Chúa Giêsu hỏi đến, họ phải “đi và xem” (Mc 6:38). Sự “thiếu hiểu biết” này đã được sửa lại trong lần hoá bánh ra nhiều thứ hai này. Khi Chúa Giêsu hỏi đến số bánh họ có, họ liền trả lời mà không do dự. Chúng ta học được điều gì ở thái độ này của các môn đệ? Đó là việc biết ý của Đấng mình đi theo mỗi ngày một hơn. Người môn đệ là người phải biết học hỏi từ kinh nghiệm sống mỗi ngày. Mỗi kinh nghiệm sống qua đi, người môn đệ học được điều Chúa muốn họ, để không bị phạm lỗi lại lần thứ hai. Chúa Giêsu cũng dạy chúng ta mỗi ngày qua những kinh nghiệm sống. Tuy nhiên, chúng ta chưa có được con tim nhạy cảm và sự quyết tâm để lãnh hội những bài học Ngài muốn dạy chúng ta, nên chúng ta thường lặp lại những lỗi phạm của chúng ta. Hãy lớn lên mỗi ngày trong sự hiểu biết thánh ý Thiên Chúa. Chỉ như thế, chúng ta mới có thể thực hiện những điều Ngài muốn hơn là những điều chúng ta muốn. Và đây chính là bí mật cho việc không tái phạm lỗi lầm của mình.

Điểm cuối cùng là cả hai phép lạ đều xảy ra trong hoang địa. Theo các học giả Kinh Thánh, cả hai phép lạ này gợi cho dân nhớ lại việc Thiên Chúa nuôi dân Israel bằng manna trong hoang địa. Tuy nhiên, khi suy gẫm về tương quan giữa Thiên Chúa và con người, chúng ta nhận ra rằng: Những biến cố quan trọng luôn xảy ra trong hoang địa [nơi hoang vắng], nơi mà chỉ có Thiên Chúa [Chúa Giêsu] đối diện với dân, nơi Thiên Chúa một mình đối diện với người Ngài muốn gặp gỡ, không có một sự ồn ào hoặc chia trí nào từ bên ngoài. Điều này nhắc nhở chúng ta về một thực tại trong cuộc sống của chúng ta, đó là: Phép lạ chỉ xảy ra khi chúng ta “ở một mình với Chúa.” Thật vậy, những biến đổi “như phép lạ” chỉ xảy ra khi chúng ta ngồi thinh lặng trước Chúa Giêsu Thánh Thể hay trong những giờ xét mình trước Ngài. Nói một cách cụ thể, những ai muốn thay đổi bản thân [tính tình] của mình phải yêu mến sự thinh lặng với Chúa. Sự thinh lặng này không phải là điều chúng ta tạo ra, nhưng là một món quà Chúa ban. Hãy xin Ngài món quà này: Nó chỉ được ban cho những người khao khát được nuôi dưỡng bằng chính ân sủng của Chúa và muốn được biến đổi thật sự.

Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Dũng, SDB