(St 4:1-15.25; Mc 8:11-13)
Bài đọc 1 vẽ thêm một bức tranh đầy đau thương trong gia đình đầu tiên của nhân loại. Đây là bức tranh đau thương thứ hai xảy ra trong lịch sử nhân loại. Trong bức tranh thứ nhất tương quan “vợ-chồng” bị đổ vỡ – Họ không tin tưởng và đổ lỗi cho nhau. Còn bức tranh thứ hai trình bày sự đổ vỡ trong mối tương quan “anh-em” hoặc “chị-em” – Họ ganh tỵ và giết nhau. Suy gẫm trên lời Chúa trong bài đọc 1 hôm nay, chúng ta có thể rút ra hai thái độ tiêu cực [từ Cain] cần phải tránh và một thái độ tích cực [của Thiên Chúa] cần phải học sau đây.
Thái độ thứ nhất mà chúng ta cần phải tránh là sự ganh tỵ và giận dữ. Sách Sáng Thế trình bày cho chúng ta thấy nguyên nhân của việc Cain giết Aben là do ganh tỵ và giận dữ: “Sau một thời gian, Cain lấy hoa màu của đất đai làm lễ vật dâng lên Đức Chúa. Aben cũng dâng những con đầu lòng của bầy chiên cùng với mỡ của chúng. Đức Chúa đoái nhìn đến Aben và lễ vật của ông, nhưng Cain và lễ vật của ông thì Người không đoái nhìn. Cain giận lắm, sa sầm nét mặt” (St 4:3-5). Cain ganh tỵ vì Thiên Chúa đoái nhìn đến lễ vật của Aben. Có nhiều lối giải thích khác nhau về lý do tại sao Thiên Chúa đoái nhìn đến lễ vật của Aben, mà không đoái nhìn đến lễ vật của Cain. Một trong những lối giải thích được nhiều người chấp nhận là: Aben đem dâng cho Chúa của lễ đẹp nhất chọn từ “những con đầu lòng” của đàn vật mình, là những con vật không tỳ ố hay thương tích; còn Cain dâng cho Chúa những hoa màu dư thừa của ruộng đồng. Lối giải thích này dường như không được ẩn chứa trong đoạn Kinh Thánh trên. Theo các chuyên gia Kinh Thánh, đoạn trích này nói về văn hoá du mục của người Do Thái: Người Do Thái là những người chăn nuôi du mục, hơn là trồng trọt. Vì lý do này mà lễ vật dâng tiến lấy từ việc chăn nuôi của họ, từ tay họ làm ra được ưa thích hơn so với lễ vật lấy từ việc trồng trọt. Tuy nhiên, điều làm cho lễ vật của Aben được thương nhận là vì ông “dâng những con đầu lòng của bầy chiên mình.” Điều này tiên báo của lễ đẹp lòng Thiên Chúa mà Chúa Giêsu, như “Con đầu lòng,” dâng lên Chúa Cha trên Thánh Giá.
Khi thấy lễ vật của mình không được đoái nhận, Cain không nên ganh tỵ và giận dữ. Đúng ra Cain phải tự xét lại xem lễ vật và động lực dâng lễ vật của mình có đẹp lòng Thiên Chúa không. Thay vì xét mình và hoán cải thì Cain đã “phán xét người khác” và “lên án tử.” Đây chính là lý do đưa Cain đến bờ vực sâu của phạm tội. Chúng ta cũng vậy! Biết bao lần trong cuộc sống thường ngày, thay vì “nhìn vào bên trong chính mình và hoán cải” trước mặt Chúa, chúng ta lại “nhìn ra ngoài, nhìn vào anh chị em của mình để lên án và kết tội.” Nói theo ngôn từ của bài đọc 1 là, chúng ta đã nhiều lần ganh tỵ và giận dữ với anh chị em mình. Khi chúng ta giận dữ với ai, thì chúng ta đã giết người đó trong con tim và tư tưởng của mình. Hành động giận dữ luôn là kết quả của một hành động xấu. Sách Sáng Thế nói cho chúng ta rằng: “Đức Chúa phán với Cain: ‘Tại sao ngươi giận dữ? Tại sao ngươi sa sầm nét mặt? Nếu ngươi hành động tốt, có phải là ngươi sẽ ngẩng mặt lên không? Nếu ngươi hành động không tốt, thì tội lỗi đang nằm phục ở cửa, nó thèm muốn ngươi; nhưng ngươi phải chế ngự nó” (St 4: 6-7). Khi chúng ta để sự nóng giận chế ngự chúng ta, chúng ta đã để cho ma quỷ thừa cơ lợi dụng như Thánh Phaolô răn dạy chúng ta: “Đừng để mặt trời lặn mà cơn giận vẫn còn; đừng để ma quỷ thừa cơ lợi dụng” (Eph 4:26). Hãy luôn sống điềm tĩnh và kiểm soát sự nóng giận của mình. Đừng để hối hận vì chỉ một giây phút nóng giận mà phá hỏng đi những mối tương quan chúng ta đã mất nhiều thời gian xây dựng; đừng để hối hận vì không thể rút lại những lời nói thiếu tế nhị, xúc phạm và gây tổn thương cho người khác khi tức giận. Người có tính hay giận dữ là “người yếu nhất,” vì họ không thể chiến thắng được “một” trong những cảm xúc của họ, thì làm sao họ có thể chiến thắng chính mình và chiến thắng người khác.
Thái độ thứ hai chúng ta cần tránh là thái độ “nói dối” và “không biết hối hận” của Cain: “Đức Chúa phán với Cain: ‘Aben em ngươi đâu rồi?’ Cain thưa : ‘Con không biết. Con là người giữ em con hay sao?’” (St 4:9). Nhiều người thường giải thích đoạn văn trên theo chiều hướng xem thái độ của Cain là thái độ của những người ích kỷ, chỉ sống cho riêng mình và “không có đời sống cộng đoàn.” Những người có thái độ này là những người “không biết đến” anh chị em vì họ “không phải là người giữ” anh chị em của họ. Lối giải thích này, một mức độ nào đó, đúng theo bối cảnh của nó. Tuy nhiên, khi đặt bản văn trong bối cảnh của tương quan trong gia đình, tác giả sách Sáng Thế muốn trình bày cho chúng ta một sự thật đau lòng về con người: Nói dối để chối bỏ trách nhiệm về việc làm của mình. Vừa mới giết và dấu xác em mình xong, Cain không nói sự thật khi Thiên Chúa hỏi đến Aben. Cain không nói sự thật vì Cain đã bị “Satan, cha của sự dối trá” chiếm ngự. Nói cách khác, Cain không dám chịu trách nhiệm về việc làm của mình. Đây chính là điều mà cha mẹ của Cain là Adam và Eva đã làm – họ không nhận lỗi của mình nhưng đổ lỗi cho nhau! Chúng ta cũng nhiều lần không nhận trách nhiệm về lỗi phạm của mình bằng việc “nói dối.” Chúng ta sợ bị mất mặt, sợ bị mất hình ảnh “đáng tôn kính của mình” trước mặt người khác khi nói thật và sống thật. Nhiều khi chúng ta còn biện minh rằng: “Lời nói dối của tôi không hại đến ai. Nhiều khi còn bảo vệ hạnh phúc của mình và của người khác.” Đây là điều mà nguyên tắc luận lý dạy: Lấy phương tiện biện minh cho hành động. Tuy nhiên, trong trường hợp trên, nguyên tắc này đã bị áp dụng sai vì phương tiện xấu thì không thể biện minh cho mục đích tốt. Phương tiện xấu không thể làm cho hành vi tốt được! Nói dối là nói dối. Không thể làm cho sự việc và hành động trở nên thật.
Thái độ tích cực chúng ta cần học là thái độ đầy yêu thương và tha thứ của Thiên Chúa. Như Ngài đã đối xử rộng lượng với Adam và Eva, Cha Mẹ của Cain, Thiên Chúa cũng khoan dung và bảo vệ ông dù ông xúc pham đến Ngài: “Đức Chúa phán với ông: “Không đâu! Bất cứ ai giết Cain sẽ bị trả thù gấp bảy.” Đức Chúa ghi dấu trên Cain, để bất cứ ai gặp ông khỏi giết ông” (St 4:15). Yêu một người đáng yêu, tha thứ cho một người đáng tha thứ là bình thường, là con người. Còn yêu một người không đáng yêu, tha thứ cho một người không đáng tha là “ngoại thường,” là thiêng liêng.
Bài Tin mừng hôm nay rất ngắn gọn và xảy ra ngay sau khi Chúa Giêsu làm phép lạ hoá bánh ra nhiều lần thứ hai. Việc những người Pharisêu đòi Chúa Giêsu một dấu lạ có thể mang hai ý nghĩa: (1) Họ muốn thử Chúa Giêsu như bài Tin Mừng trình bày, và (2) Maccô muốn nói đến dấu lạ ẩn chứa đằng sau phép lạ hoá bánh ra nhiều mà Chúa Giêsu muốn nhắm đến [điều chúng ta sẽ nghe trong ngày mai khi Chúa Giêsu giải thích cho các môn đệ]. Cuộc tranh luận hôm nay là cao trào của cuộc tranh luận giữa Chúa Giêsu và nhóm Pharisêu mà đã được bắt đầu với sự kiện các môn đệ không rửa tay trước khi ăn uống (x. Mc 7:1-23). Chúng ta cùng nhau phân tích cách chi tiết ba câu của bài Tin Mừng để rút ra thêm những bài học quý giá cho ngày sống của mình:
Thứ nhất, “khi ấy, những người Pha-ri-sêu kéo ra và bắt đầu tranh luận với Đức Giêsu, họ đòi Người một dấu lạ từ trời để thử Người” (Mc 8:11). Trong câu này, chúng ta thấy động lực đòi dấu lạ từ trời của những người Pharisêu là để “thử thách” Chúa Giêsu. Hành vi này gợi cho chúng ta nhớ lại hành vi thử thách Chúa Giêsu của ma quỷ trong hoang địa. Nhiều khi chúng ta cũng “thử thách” Thiên Chúa như vậy. Nhưng chúng ta không đòi xem “dấu lạ từ trời.” Chúng ta chỉ đòi Chúa cho chúng ta “những điều dưới đất” mà chúng ta xin. Chúng ta đến với Chúa với những động lực không tinh tuyền. Thay vì đến với Chúa với lòng yêu mến và tạ ơn, chúng ta lại đến với Chúa với thái độ “làm cho xong việc đạo đức” hoặc để cho người khác “chiêm ngưỡng và tôn vinh” sự thánh thiện của mình. Hãy đến với Chúa với lòng khiêm nhường và con tim tràn đầy yêu thương.
Thứ hai, “Người thở dài não nuột và nói: ‘Sao thế hệ này lại xin một dấu lạ? Tôi bảo thật cho các ông biết: thế hệ này sẽ không được một dấu lạ nào cả’” (Mc 8:12). Chúng ta thấy trong câu này thái độ buồn phiền của Chúa Giêsu. Ngài buồn vì nhóm Pharisêu vừa mới chứng kiến phép lạ hoá bánh ra nhiều thì đã đòi dấu lạ từ trời để chứng minh Ngài là “Đấng Messia từ trời đến.” Nhưng Chúa Giêsu từ chối không “khoa trương” quyền năng của mình theo “ý muốn” của con người. Chúng ta thấy Chúa Giêsu buồn sầu vì họ không thể vượt qua dấu chỉ bề ngoài để đến với thực tại mà dấu lạ muốn chỉ đến: Không phải Môsê (con người) ban cho các ông manna trong hoang địa, nhưng là Cha Ta (Thiên Chúa), Đấng ngự trên trời ban cho các ông. Chúng ta cũng vậy! Nhiều lần trong ngày sống của mình, chúng ta “không muốn” vượt qua dấu chỉ bên ngoài được tìm thấy trong các biến cố xảy ra để đọc được ý nghĩa bên trong mà Chúa Giêsu muốn nói với chúng ta. Vì vậy, chúng ta tiếp tục sống trong thái độ hoài nghi và không tin tưởng. Đối với chúng ta là những Kitô hữu [nhất là những người được thánh hiến cho Thiên Chúa], dấu lạ vĩ đại nhất mà Chúa Giêsu ban cho chúng ta là biến bánh và rượu trở nên Mình và Máu Thánh Ngài để nuôi dưỡng chúng ta. Dấu lạ hàm chứa hai ý nghĩa: Một mặt nói lên tình yêu tuyệt đối và vô điều kiện của Thiên Chúa cho con người và mặt khác nói lời mời gọi tha thứ cho nhau để trở nên một với nhau trong Ngài. Hãy sống dấu lạ này cách triệt để trong từng giây phút của ngày sống chúng ta.
Thứ ba, “rồi bỏ họ đó, Người lại xuống thuyền qua bờ bên kia (Mc 8:13). Câu này tạo nên bối cảnh để chuẩn bị cho một cuộc tranh luận khác mà những người chống đối không còn là những người Pharisêu, nhưng là các môn đệ, những người “ngồi chung thuyền” với Ngài để qua bờ bên kia. Chúa Giêsu luôn muốn lên con thuyền của cuộc đời của chúng ta. Ngài luôn muốn hành trình với chúng ta. Liệu chúng ta có cho phép Ngài bước vào chiếc thuyền của đời mình và đồng hành với chúng ta không? Liệu chúng ta có trở nên nghi ngờ và tự hỏi nhiều điều trong lòng như các môn đệ dù Chúa Giêsu đang “ở với chúng ta trên thuyền” và đã chứng kiến những kỳ công Ngài đã làm trong cuộc đời chúng ta?
Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Dũng, SDB