NHỮNG NGÀY LỄ PHỤNG VỤ
22 tháng 02
Lễ kính Lập Tông tòa Thánh Phêrô, Tông đồ
Lễ kính hôm nay hướng sự chú ý của chúng ta vào ngai tòa hay “Tông tòa” của Thánh Phêrô – hay đúng hơn, là sứ vụ đặc biệt mà Chúa Giêsu đã trao phó cho Thánh Phêrô. Lễ này có từ thế kỷ thứ 3 và khác biệt với ngày kính nhớ cuộc tử đạo của Thánh Phêrô vào ngày 29 tháng 6. Lễ này được bắt nguồn từ ngai tòa của Thánh Phêrô, nơi mà vị Giám mục Rôma ngự trị và cai quản Giáo hội. “Tông tòa” là ngai tòa cố định của vị Giám mục, được đặt trong nhà thờ mẹ của giáo phận – từ đó xuất phát thuật ngữ “nhà thờ chính tòa” – là biểu tượng quyền bính của vị Giám mục, người với tư cách là kế vị các Thánh Tông đồ, được kêu gọi để chăm sóc đoàn chiên và truyền giảng Tin Mừng cho cộng đoàn Kitô hữu. Chúng ta có thể nói rằng “nhà thờ chính tòa” đầu tiên chính là Phòng Tiệc Ly, nơi Chúa Giêsu tụ họp các môn đệ để cử hành Bữa Tiệc Ly và cũng là nơi họ, cùng với Đức Trinh Nữ Maria, nhận lãnh ơn Chúa Thánh Thần. Sau đó, Thánh Phêrô đến Antiôkia, thành phố được Thánh Banaba và Thánh Phaolô loan báo Tin Mừng, nơi các môn đệ của Chúa Giêsu lần đầu tiên được gọi là “Kitô hữu” (x. Cv 11,26). Thánh Phêrô trở thành vị Giám mục đầu tiên của Antiôkia, điều giải thích lý do họ cử hành lễ Lập Tông tòa Thánh Phêrô vào ngày 22 tháng 02. Sau này, Thánh Phêrô đến Rôma, nơi kết thúc đời của ngài bằng cuộc tử đạo. Chính vì “cái chết vinh quang” này mà Rôma được chọn làm địa điểm chính thức của Tông tòa Thánh Phêrô, với ngày lễ được cử hành vào ngày 18 tháng 01. Đức Giáo hoàng Gioan XXIII đã hợp nhất hai ngày lễ này và bãi bỏ ngày cử hành sau.
Quyền mục tử và giảng dạy mà Chúa Kitô trao cho Thánh Phêrô tông đồ, như được nhắc lại trong bài Tin Mừng được chọn cho lễ kính hôm nay, là trọng tâm của ý nghĩa ngày lễ. Có hai văn bản cổ xưa giúp chúng ta hiểu được tầm quan trọng và giá trị của lễ này. Thánh Giêrônimô đã viết: “Tôi quyết định tham khảo ý kiến từ Tông tòa Thánh Phêrô, nơi đức tin đã được cao rao qua môi miệng của một Tông đồ; giờ đây tôi đến xin lương thực nuôi dưỡng linh hồn mình ở đó, nơi tôi đã nhận lãnh tấm áo của Chúa Kitô. Tôi không theo ai ngoài Chúa Kitô, vì thế tôi hiệp thông với mối phúc của ngài, nghĩa là với Tông tòa Thánh Phêrô, vì tôi biết rằng đây là tảng đá trên đó Giáo hội được xây dựng.” Và Thánh Augustinô cũng viết: “Lễ trọng hôm nay có tên gọi ‘Ngai tòa’ từ các bậc tiền nhiệm, bởi lẽ người ta nói rằng vị Tông đồ đầu tiên, Thánh Phêrô, đã ngồi trên ngai Giám mục này. Vì vậy, thật xứng hợp để các Giáo hội tôn kính nguồn gốc của Tòa Thánh này, nơi mà vị Tông đồ đã đảm nhận vì lợi ích của các Giáo hội.”
Khi Đức Giêsu đến vùng kế cận thành Xêdarê Philípphê, Người hỏi các môn đệ rằng: “Người ta nói Con Người là ai?” Các ông thưa: “Kẻ thì nói là ông Gioan Tẩy Giả, kẻ thì bảo là ông Êlia, có người lại cho là ông Giêrêmia hay một trong các vị ngôn sứ.” Đức Giêsu lại hỏi: “Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai?” Ông Simôn Phêrô thưa: “Thầy là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống.” Đức Giêsu nói với ông: “Này anh Simôn con ông Giôna, anh thật là người có phúc, vì không phải phàm nhân mặc khải cho anh điều ấy, nhưng là Cha của Thầy, Đấng ngự trên trời. Còn Thầy, Thầy bảo cho anh biết: anh là Phêrô, nghĩa là Tảng Đá, trên tảng đá này, Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy, và quyền lực tử thần sẽ không thắng nổi. Thầy sẽ trao cho anh chìa khoá Nước Trời: dưới đất, anh cầm buộc điều gì, trên trời cũng sẽ cầm buộc như vậy; dưới đất, anh tháo cởi điều gì, trên trời cũng sẽ tháo cởi như vậy” (Mt 16,13-19).
Thầy là Đấng Kitô
Sau khi hỏi các môn đệ về việc “người ta” nghĩ Ngài là ai, Chúa Giêsu đã thu hẹp phạm vi và hỏi họ: “Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai?” Đây là một câu hỏi đã vang vọng qua mọi thời đại, nhấn mạnh rằng đức tin vào Đức Giêsu là đức tin vào Chúa, vào Chúa Giêsu Kitô, gắn liền với vai trò của Thánh Phêrô và các Đấng kế vị. Chúa Giêsu, Con Thiên Chúa, luôn dẫn dắt Giáo hội qua mọi giai đoạn lịch sử. Vì thế, không có cơn bão nào có thể khiến con thuyền Giáo hội bị đắm chìm.
Dấu chỉ hiệp nhất
Thánh Phêrô và các Đấng kế vị được chọn làm “dấu chỉ hữu hình và chính yếu của sự hiệp nhất”, trở thành điểm quy chiếu để mọi người bước đi trên hành trình đức tin cách tự tin và vững vàng. Vì thế, lễ kính Lập Tông tòa Thánh Phêrô là sự nhìn nhận ý nghĩa thiêng liêng của Thánh Phêrô và các Đấng kế vị, đồng thời là một biểu lộ đặc biệt tình yêu của Thiên Chúa, Mục Tử nhân lành và vĩnh cửu của chúng ta. Ngài muốn quy tụ toàn thể Giáo hội của Ngài và hướng dẫn Giáo hội trên con đường dẫn đến ơn cứu độ.
Tâm Bùi chuyển ngữ
từ Vatican News