(Mk 7:14-15.18-20; Lc 15:1-3.11-32)
Bài đọc 1 nói cho chúng ta lòng thương vô biên của Thiên Chúa là Mục Tử nhân lành. Điều mang lại cho chúng ta thật nhiều an ủi là Mikha trình bày cho chúng ta một hình ảnh về Thiên Chúa thật giàu lòng thương xót. “Thần minh nào sánh được như Ngài, Đấng chịu đựng lỗi lầm, Đấng bỏ qua tội ác cho phần còn sót lại của cơ nghiệp Ngài? Người không giữ mãi cơn giận, nhưng chuộng lòng nhân nghĩa, Người sẽ lại thương xót chúng ta, tội lỗi chúng ta Người chà đạp dưới chân. Mọi lỗi lầm chúng ta, Người ném xuống đáy biển. Ngài sẽ bày tỏ lòng thành tín cho Gia-cóp, và tình thương cho Áp-ra-ham, như đã thề với tổ phụ chúng con từ thuở trước “Mk 17:18-20).
Ngày hôm qua chúng ta đã nghe tường thuật về dụ ngôn các tá điền gian ác không sinh lợi cho chủ; và chúng ta thấy hình ảnh của một người chủ thật công bình. Nhưng bài Tin Mừng hôm nay trình bày cho chúng ta hình ảnh của một người cha thật nhân hậu. Hai hình ảnh này nói về Thiên Chúa, Đấng công bình và nhân hậu, luôn được Giáo Hội sử dụng để nhắc nhở chúng ta trong mùa chay này để chúng ta biết Thiên Chúa dù Ngài rất nhân hậu, nhưng lại công bình, Ngài công bình nhưng rất nhân hậu để chúng ta không rơi vào thái cực của việc quá tin tưởng mà quên mất phần nỗ lực của mình, hoặc quá dựa vào sức mình mà quên tin tưởng vào Chúa.
Hai câu đầu tiên của bài Tin Mừng tạo nên bối cảnh của câu chuyện đặc sắc trong Tin Mừng hôm nay: “Khi ấy, các người thu thuế và các người tội lỗi đều lui tới với Đức Giê-su để nghe Người giảng. Thấy vậy, những người Pha-ri-sêu và các kinh sư bèn xầm xì với nhau: “Ông này đón tiếp phường tội lỗi và ăn uống với chúng” (Lc 15:1-2). Câu chuyện này chỉ tìm thấy trong Tin Mừng của Thánh Luca.
Bài Tin Mừng hôm nay là một dụ ngôn, một câu chuyện hay một vở kịch gồm có ba vai diễn: người cha, người con cả và người con thứ. Trước đây, chúng ta xem dụ ngôn này là dụ ngôn người con hoang đàng. Nhưng ngày hôm nay, nó được gọi là dụ ngôn người cha nhân hậu vì nhân vật chính trong dụ ngôn không phải là người con út, người thường được xem là người con hoang đàng. Chúng ta cùng nhau phân tích ba vai diễn này để xem chúng ta đang đóng vai nào trong vở kịch đầy yêu thương của Thiên Chúa.
Người con thứ: cậu thường được xem là “người con hoang đàng.” Thật sự, không có gì sai khi cậu đến xin cha chia phần gia tài thuộc về cậu. Điều sai ở đây là cậu bỏ nhà ra đi, đi khỏi vòng tay đầy yêu thương của người cha và gia đình. Trong văn hoá thời đó, bỏ đi khỏi gia đình đồng nghĩa với chết. Điều này giải thích câu nói của người cha với người anh cả: “Nhưng người cha nói với anh ta: ‘Con à, lúc nào con cũng ở với cha, tất cả những gì của cha đều là của con. Nhưng chúng ta phải ăn mừng, phải vui vẻ, vì em con đây đã chết mà nay lại sống, đã mất mà nay lại tìm thấy’” (Lc 15:31-32). Cậu sử dụng gia tài của cậu cho những thú vui xác thịt. Khi “xa cơ lỡ vận,” cậu cũng cố gắng tìm cách để sống sót; nhưng cuối cùng, trong bần cùng của mình, cậu nhận ra rằng: không đâu bằng nhà mình và không ai yêu mình bằng người cha nhân hậu của mình. Hành trình trở về của người con thứ cũng chính là hành trình trở về với Thiên Chúa của mỗi người chúng ta. Tuy nhiên, chúng ta cần lưu ý rằng: khi bị rơi vào “vực sâu” của tội lỗi, của cuộc sống xa Thiên Chúa, không ai và không có gì có thể làm chúng ta trở về ngoại trừ ý thức được việc chúng ta được Thiên Chúa yêu cách tuyệt đối và vô điều kiện.
Người con trưởng: cậu đại diện cho những người “vâng mà không phục.” Cậu ở trong nhà, nhưng với thái độ của một người “đầy tớ” chứ không phải là của một người con. Chúng ta thấy điều này trong đối thoại của cậu với người cha: “Cha coi, đã bao nhiêu năm trời con hầu hạ cha, và chẳng khi nào trái lệnh, thế mà chưa bao giờ cha cho lấy được một con dê con để con ăn mừng với bạn bè” (Lc 15:29). Cậu là người đặt của cải lên trên tình thân. Cậu xem vật chất quan trọng hơn người em của mình, hơn nhân phẩm của người em. Hệ quả là cậu phủ nhận em của mình: “Còn thằng con của cha đó, sau khi đã nuốt hết của cải của cha với bọn điếm, nay trở về, thì cha lại giết bê béo ăn mừng!” (Lc 15:30). Những điều này dẫn đến thái độ giận dữ và từ chối vào tham dự bàn tiệc để nhận lại người em đã mất, đã chết của mình.
Trước khi phân tích hình ảnh người cha, điều làm chúng ta ngạc nhiên ở hai người con là việc người con thứ cuối cùng là nhân vật chính của bữa tiệc, còn người con trưởng là người được mời vào dự tiệc. Người con thứ bây giờ ở trong nhà, còn người con trưởng thì ở ngoài. Cuối cùng, ai là người con hoang đàng? Người con thứ hay người con trưởng? Đây là câu hỏi cho mỗi người chúng ta! Nhiều khi chúng ta cũng nghĩ tôi thánh thiện và tôi đang ở trong nhà Chúa, còn người anh chị em của chúng ta tội lỗi nên họ sẽ bị ở ngoài. Hãy cẩn thận! Có thể chúng ta đang ở ngoài và anh chị em của chúng ta đang ở trong và dự tiệc với Thiên Chúa.
Người cha: ông sẵn sàng chia gia tài cho con thứ mà không tỏ thái độ khó chịu hoặc tra hỏi gì. Khi người con thứ ra đi, mỗi ngày ông vẫn đứng chờ và mong cậu trở về. Khi người con thứ trở về, ông không quan tâm gì về những của cải người con thứ đã phung phí. Ông chỉ đón nhận cậu về một cách vô điều kiện và phục hồi lại phận làm con của cậu. Chúng ta học được gì nơi người cha? Chúng ta có thể học hai điều chính yếu và quan trọng sau: điều đầu tiên chúng ta học được ở người cha là việc ông luôn trung thành với ơn gọi làm cha của mình và ông trung thành với tình yêu của mình. Nói cách khác, tình yêu của ông dành cho người con thứ [và người con trưởng] không bao giờ thay đổi. Dù hai người con có nhìn ông thế nào, ông vẫn luôn xem chúng là con của ông. Điều thứ hai là người cha luôn ở ngoài để chờ con trở về. Ông ở ngoài để chờ người con thứ; và khi cậu trở về, thì ông lại ra để thuyết phục người con trưởng để vào ngồi chung bàn tiệc với người em của mình. Hình ảnh này là hình ảnh của Thiên Chúa đầy yêu thương của chúng ta: Ngài luôn yêu và chờ đợi chúng ta dù chúng ta có đi xa tình yêu của Ngài.
Cuối cùng, chúng ta kết thúc bài chia sẻ hôm nay với thực tế sau: trở về với Chúa thì dễ hơn trở về với anh chị em của mình [làm hoà với Chúa thì dễ hơn làm hoà với người khác]. Chi tiết này được phản chiếu trong hình ảnh người con trưởng. Bài Tin Mừng kết lửng với việc người cha cố gắng thuyết phục người con trưởng vào nhà và đón nhận em của mình trở về, nhưng không cho chúng ta biết cậu có vào không. Đặt mình vào trong vị trí của người con trưởng, liệu chúng ta có vào không? Nếu Chúa muốn chúng ta ngay bây giờ đón nhận một người anh chị em mà chúng ta thù ghét [hay hờn giận], liệu chúng ta có làm điều đó không? Đừng làm Chúa phải chờ đợi và đau buồn vì sự chia rẽ vì giận hờn ghen ghét giữa chúng ta.
Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Dũng,SDB