- Dẫn nhập
Đức Vâng phục Kitô giáo trong Đời sống thánh hiến của thời hiện đại và hậu hiện đại nầy, có lội ngược dòng đời không? có còn thích hợp trong thời hiện đại? có còn là tầm mức quan trọng trong Đời sống thánh hiến?
Chúng ta cùng nhìn lại những Giáo huấn Giáo hội, Hiến chương Hội dòng, tại sao qua mọi thời, vẫn luôn đặt Đức Vâng phục ở một vị trí quan trọng và đề ra cho chúng ta, sự cần thiết của Đức Vâng phục trong đời sống Giáo hội cũng như các Dòng tu, và không ngừng hướng dẫn, mời gọi con cái sống vâng phục theo gương Đức Giêsu, Đấng đã “vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự” (Pl 2,8) để “trở nên nguồn ơn cứu độ vĩnh cửu cho tất cả những ai tùng phục Người” (Dt 5,8-9).
- Đức Giêsu Kitô là mẫu gương vâng phục
Ngay từ khởi đầu của Mầu nhiệm Nhập Thể, Đức Kitô đã là mẫu sống Đức Vâng phục. “Khi vào trần gian, Đức Kitô nói: Chúa đã không ưa hy lễ và hiến tế…Bấy giờ con mới thưa: Lạy Thiên Chúa, này con đây, con đến để thực thi ý Ngài” (Hip-ri 10.5-7).
Khi còn nhỏ, Chúa Giêsu vâng phục cha mẹ. Khi khôn lớn, Ngài vâng phục luật Môsê. Trọn cuộc đời của Chúa Giêsu là mẫu gương cho sự vâng phục Thánh Ý Cha (Mt 6,10; Mt 26,39; Ga 8,29.55; Ga 4,34; Rm 5,19).
Trên bước đường rao giảng Tin Mừng, Ngài hằng lắng nghe Chúa Cha (x Ga.8,28-29). Và lương thực của Người là thực thi Thánh ý Cha (x.Ga.4,34), Ngài không thực hiện ý riêng mình nhưng Thánh Ý Cha luôn đi vào trong từng chi tiết của cuộc sống Ngài. Ngài tìm kiếm Thánh Ý Cha qua cầu nguyện và luôn vâng phục Thánh Thần, để Thánh Thần Chúa thúc đẩy, hiện diện với quyền năng và hành động của Ngài. Ngài nghe được lời mời gọi của Cha, sẵn sàng “vâng lời cho đến nổi bằng lòng chịu chết và chết trên thập tự” (Pl. 2,8), để trở thành của lễ toàn thiêu, là hy tế dâng lên Thiên Chúa Cha, nhưng hy tế chỉ là phương tiện, còn vâng phục mới là mục đích mà Thiên Chúa muốn. (x1 Sm15,22; Dt 10,5-7).
Sự vâng phục đòi hỏi Ngài đến độ “Dẫu là Con Thiên Chúa, Ngài đã phải trãi qua nhiều đau khổ mới học được thế nào là Vâng phục” (Dt.5,8). Nhưng sự vâng phục nầy là vâng Phục tình yêu của Ngôi Lời, vâng phục Chúa Cha trong tư cách con người. Lời thưa Xin Vâng của Đức Giêsu, là hành vi nhân loại của Thiên Chúa, một hành vi vừa của Thiên Chúa vừa của con người.
Với tư cách là một con người, Ngài đã phải nhận ra rằng để sống yêu thương, ta phải trả giá, để yêu thương người khác và làm điều tốt lành cho họ, ta phải chịu đau khổ. Vâng phục Thiên Chúa không phải chỉ là sự vâng phục theo nghĩa vụ của kẻ làm Con đối với Cha, nhưng là sống theo logic của Ngài, logic của Thiên Chúa vốn là Tình Yêu (1Ga. 4,8.16). Chính đức tin trọn hảo của Ngài đã tạo hình cho Ngài thành một người Vâng phục lý tưởng, làm cho Người trở nên kẻ phục vụ giữa loài người, đã đưa Người đến chỗ hiến dâng mạng sống mình và cũng chính vì Tình yêu, Người đã “yêu mến họ đến cùng” (Ga.13,1).
- Đức Maria, Thánh Giuse mẫu gương vâng phục của Đời Thánh hiến
Vâng phục là lời khấn khó tuân giữ nhất, vì nó đụng chạm đến tự do quan điểm, với việc phải hãm dẹp đi ý riêng và đôi khi phải làm điều mà mình không thích. Lời khấn vâng phục là một thách đố lớn lao dành cho con người ở mọi thời đại, mọi lứa tuổi.
Có những tình huống khó khăn, thậm chí là vô lý, đòi hỏi sự vâng phục triệt để. bỏ lại đàng sau công việc dỡ dang, sức khỏe, quyền lợi…thay vào đó là sự hiểu lầm, phản bội, mất danh dự… Chúng ta tưởng chừng như bước lên Thập giá cùng chết với Chúa Giêsu, nhưng còn bị tháo gỡ khỏi Thập giá như Đức Giêsu trong thân phận trần truồng, tan nát, chẳng còn gì…
Chúng ta hãy chiêm ngắm Đức Maria, là hình ảnh sống động của sự vâng phục. Mẹ không những noi gương Đức Giêsu vâng phục, mà còn cùng với Ngài sống vâng phục trong mọi hoàn cảnh, mọi tình huống đau thương của cuộc đời. Hình ảnh Mẹ sầu bi đứng dưới chân Thập giá là một minh chứng cho sự vâng phục Tình yêu mà Mẹ hằng tâm niệm lời Thánh Vịnh 143: “Điều đẹp ý Ngài xin dạy con thực hiện.”
Chúng ta cùng với Mẹ hướng về Thánh Cả Giuse. Ngài nêu gương vâng phục Thánh Ý Chúa qua cuộc đời trầm lặng. Thánh kinh cho chúng ta thấy Ngài nhiều lần, đứng trước Thánh Ý nhiệm mầu của Thiên Chúa, Ngài tín thác tuyệt đối. quãng đại làm theo ý Chúa trong mọi việc. Ngài không nghĩ đến quyền lợi cá nhân, nhưng luôn lấy ý Chúa là trên hết, mau mắn từ bỏ ý riêng cho dù điều đó không thể hiểu nổi. Ngài hằng tận tâm tận lực cho thiên ý được thực hiện cách tốt đẹp nhất.
- Khía cạnh Vâng Phục theo Hiến chương Hội dòng Mến Thánh Giá Huế
Hiến chương Hội dòng Mến Thánh Giá Huế nêu rõ thái độ sống Đức Vâng phục Thánh hiến là “tự nguyện đặt mình trong sự lệ thuộc hoàn toàn vào Đức Giêsu Kitô với thái độ sẵn sàng lắng nghe, tìm ý Chúa và thực thi Ý Chúa, liên lỉ đón nhận sự soi dẫn của Chúa Thánh Thần, để thi hành trọn vẹn Thánh ý Chúa Cha với tâm tình xin vâng của Mẹ Maria và Thánh Giuse…” Và chính khi chúng ta sống “Đức Vâng Phục nghĩa tử là dấu chứng của sự khôn ngoan, tạo bình an, hiệp nhất và làm tăng trưởng sự tự do đích thực và phát triển nhân cách trưởng thành trong đời tu.” ( HC. đ 30)
Thánh ý Chúa có thể được thực hiện cách trực tiếp qua những cảnh huống của cuộc sống hay qua trung gian nhân loại chuyển tiếp thành Ý Chúa có thể là người lãnh đạo, Hiến chương, Tu luật…hay là tùng phục lẫn nhau, như Thánh Phaolô mời gọi: “Anh em hãy tùng phục lẫn nhau trong niềm kính sợ Đức Kitô” (Eph 5,21).
- Bước theo Chúa Giêsu sống Đức Vâng phục Đời Thánh Hiến
Đối với một tâm hồn yêu mến sự vâng phục Thiên Chúa, sẽ dẫm bước chân của mình đi trên bước chân của Đức Kitô Vâng phục, trong thái độ trầm lắng nguyện cầu để biết xem ý Chúa, trao sự việc cho Thiên Chúa, tạo điều kiện cho Ngài xen vào cuộc đời và công việc của mình. Như người tôi tớ trung thành, luôn thể hiện hành vi vâng phục Thiên Chúa với niềm tin yêu tín thác, không dựa vào sáng kiến riêng tư.
Những khó khăn những rào cản trong đời sống cá nhân, cộng đoàn luôn là những thách đố của lời khấn Vâng phục. Chúng ta nhìn lên những mẫu gương sống động của Mẹ Maria, của Thánh Giuse và nhiều vị thánh đã bước theo Đức Giêsu sống vâng phục. Các ngài đã qua nhiều trải nghiệm, để nói với chúng ta rằng: nếu chúng ta hoàn toàn vâng phục, tín thác, chúng ta sẽ cảm thấy bình an. Thi sĩ Dante, người Ý đã cô đọng những điều trên đây qua câu thơ: “Sự bình an của chúng ta ở trong ý muốn của Thiên Chúa” (Comedia Divina).
Để có thể sống tinh phần Vâng phục một cách bình an hạnh phúc tràn đầy sức sống, chúng ta cần phải vâng theo Thần Khí hiệp thông, Đấng đã tạo ra trong cộng đoàn nhiều đặc sũng khác nhau, nhưng hoạt động ở trong mọi người (x1Cr.12,4-11), hợp thành một thân thể duy nhất. Vâng phục Chúa Thánh Thần sẽ làm cho cộng đoàn hiệp nhất và hiệp thông nên một lòng một ý, thanh thoát tự do. Chúng ta dễ dàng vâng phục trong tinh thần đối thoại và hiệp thông, để yêu thương nhau và cùng chia sẽ trách nhiệm với nhau.
Một cộng đoàn sống vâng phục, sẽ khơi dậy nguồn cảm hứng cho nhau sống vâng phục, “ tùng phục lẫn nhau trong niềm kính sợ Đức Kitô” (Ep 5,21), cùng nhịp bước theo gương Chúa Giêsu, Đấng đã “vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự” (Pl 2,8) để “trở nên nguồn ơn cứu độ vĩnh cửu cho tất cả những ai tùng phục Người” (Dt 5,8-9).
Nt. Maria Lê Thị Thuận
Hội dòng Mến Thánh Giá Huế
(Trích trong Bản tin Hiệp thông Tháng 05/2019 – Hội dòng Mến Thánh Giá Huế)