(Cv 13:14.43-52; Kh 7:9.14b-17; Ga 10:27-30)
Hôm nay chúng ta cùng với Giáo Hội cử hành Lễ Chúa Nhật Chúa Chiên Lành. Theo truyền thống, Giáo Hội dành ngày Chúa Nhật hôm nay để cầu nguyện cho ơn thiên triệu. Chúng ta cùng hợp ý với Giáo Hội cầu xin Chúa ban nhiều thợ gặt, nhiều mục tử như lòng Chúa mong ước, là những người sống theo gương Chúa Giêsu, Người Mục Tử Nhân Lành, sẵn sàng hy sinh mạng sống vì đàn chiên. Lời cầu nguyện này càng khẩn thiết hơn ngày hôm nay khi Giáo Hội đang đối diện với nhiều “vụ án” gây ra bởi các mục tử. Chúng ta không chỉ cầu nguyện cho các mục tử, nhưng còn cầu nguyện cho mỗi người chúng ta, để chúng ta cũng biết nâng đỡ và nêu gương sáng cho các ngài qua đời sống cầu nguyện và hi sinh trong bậc sống của chúng ta.
Lời Chúa trong ngày hôm nay mời gọi chúng ta suy gẫm về thực tại cuộc sống của mình: Ai là người đang hướng dẫn cuộc đời của chúng ta? Người đang hướng dẫn chúng ta có phải là Chúa Giêsu, vị Mục Tử Nhân Lành hay là một thú vui trần thế nào? Thánh Vịnh Đáp Ca ca tụng rằng: “Ta là dân Chúa, là đoàn chiên Người dẫn dắt.” Điều này có xảy ra trong cuộc sống của chúng ta không?
Trong bài đọc 1 hôm nay chúng ta chứng kiến hai thái độ khác nhau của những người nghe lời rao giảng của Thánh Phaolô và Banaba. Những người tin và để cho Chúa là Mục Tử của đời mình bằng cách trở nên môn đệ của Ngài thì được “tràn đầy hoan lạc và Thánh Thần” (Cv 13:52). Trong khi những “người khước từ lời ấy, và tự coi mình không xứng đáng hưởng sự sống đời đời” (Cv 13:46) thì sống trong sự ghen tức. Họ luôn phản đối và nhục mạ những người rao giảng Lời Chúa (x. Cv 13:45). Họ cũng là những người xách động, xúi giục người khác để chống lại những việc tốt người khác làm (x. Cv 13:50). Điều này vẫn hay xảy ra trong đời sống thường ngày, trong giáo xứ hay cộng đoàn dòng tu. Mỗi ngày hay mỗi Chúa Nhật, chúng ta cùng nghe một sứ điệp từ Lời Chúa, nhưng thái độ đón nhận rất khác nhau. Một số người đón nhận Lời Chúa và để cho Lời Ngài biến đổi cuộc đời của mình, và kết quả là những người đó luôn sống trong niềm vui và hoan lạc vì có Chúa. Còn một số khác thì nghe Lời Chúa với mục đích không phải để Lời Ngài biến đổi mà là để tìm lý do để chống đối, để ghen tức và để “kéo bè kéo phái”. Khi chúng ta không nghe Lời Chúa với mục đích thay đổi chính mình và giúp mình trở nên thánh thiện và sống đẹp lòng Chúa hơn, chúng ta đã làm cho Lời của Ngài trở nên vô nghĩa trong cuộc đời chúng ta.
Điểm thứ hai đáng để chúng ta suy gẫm trong bài đọc 1 là sự cứng lòng tin của những người xem mình là “dân được tuyển chọn” và khước từ ơn cứu độ; do đó Thánh Phaolô và Banaba hướng việc giảng dạy của mình đến với dân ngoại. Các ngài khám phá ra điều Chúa muốn các ngài, đó là, “Ta sẽ đặt ngươi làm ánh sáng muôn dân, để ngươi đem ơn cứu độ đến tận cùng cõi đất” (Cv 13:47). Vì điều này, dân ngoại “vui mừng tôn vinh Lời Chúa, và tất cả những người đã được Thiên Chúa định cho hưởng sự sống đời đời, đều tin theo. Lời Chúa lan tràn khắp miền ấy” (Cv 13:48-49). Điều này có ý nghĩa gì đối với chúng ta? Điều này nhắc nhở chúng ta rằng: Những người rao giảng Lời Chúa thường hay bị chống đối và loại trừ. Nhưng chính trong khi bị ngược đãi như thế, chúng ta nhận ra được ý định của Thiên Chúa. Vì vậy, chúng ta không nên bỏ cuộc khi bị chống đối, nhưng phải trở nên nhạy cảm hơn với tiếng Chúa mời gọi và trở nên sáng tạo hơn trong công việc tông đồ của chúng ta.
Bài đọc 2 kể cho chúng ta thị kiến về Con Chiên của thánh Gioan. Hình ảnh Con Chiên trong thị kiến này được trình bày với đầy vinh quang. Ngài được trình bày như một vị vua đang ngồi trên ngai, nhưng là một vị vua không cai trị với uy quyền, nhưng với sự hiền dịu và tình yêu của một Mục Tử Nhân Lành: “Vì Con Chiên đang ngự ở giữa ngai sẽ chăn dắt và dẫn đưa họ tới nguồn nước trường sinh. Và Thiên Chúa sẽ lau sạch nước mắt họ” (Kk 13:17). Thánh Gioan đưa ra cho chúng ta một viễn cảnh của đoàn người thật đông đến tôn thờ Con Chiên. Họ là những người được Con Chiên hướng dẫn: “Họ là những người đã đến, sau khi trải qua cơn thử thách lớn lao. Họ đã giặt sạch và tẩy trắng áo mình trong máu Con Chiên” (Kh 7:14b). Họ sẽ được gì? “Họ được chầu trước ngai Thiên Chúa, đêm ngày thờ phượng trong Đền Thờ của Người ; Đấng ngự trên ngai sẽ căng lều của Người cho họ trú ẩn. Họ sẽ không còn phải đói, phải khát, không còn bị ánh nắng mặt trời thiêu đốt và khí nóng hành hạ nữa” (Kh 7:15-16). Một cách đơn giản, đoạn này nói cho chúng ta về thực tế của việc chết đi trong Đức Kitô và sống lại trong vinh quang với Ngài. Điều này dựa trên định luật: “Đổ mồ hôi, sôi nước mắt để có cái ăn cái mặc.” Không có “con đường tắt” dẫn đến thành công. Cũng thế, không có “đường tắt” lên Thiên Đàng. Con đường lên Thiên Đàng là con đường thập giá của Chúa Giêsu, Người Mục Tử Nhân Lành.
Bài Tin Mừng hôm nay rất ngắn gọn, chỉ có 4 câu, nhưng chứa đựng nhiều sứ điệp cần thiết cho cuộc sống của chúng ta. Chúng ta cùng nhau phân tích từng câu để rút ra những bài học quý giá cho ngày sống của chúng ta.
Câu 27 – “Chiên của tôi thì nghe tiếng tôi; tôi biết chúng và chúng theo tôi.” Ba hành động [động từ] quan trọng trong câu này là: nghe, biết và theo. Trong ba hành động này, hai hành động của chiên, đó là nghe và theo; còn một hành động là của Mục Tử, đó là biết. Điều này cho chúng ta hay rằng: Trong hành trình theo Chúa, điều Chúa đòi hỏi nơi chúng ta là thái độ lắng nghe và đi theo vì Ngài “biết” hết mọi sự, Ngài biết nơi Ngài sẽ dẫn chúng ta đến, Ngài biết những gì sẽ xảy ra cho chúng ta, Ngài biết chúng ta cần gì. Liệu chúng ta có sẵn sàng để cho Ngài hướng dẫn chúng ta không? Tuy nhiên, khi chúng ta nói Chúa “biết,” chúng ta muốn ám chỉ điều gì? “Biết” theo Kinh Thánh không chỉ là sản phẩm của những kết luận được rút ra từ một quá trình tiếp thu của lý trí, nhưng là kết quả của một “kinh nghiệm,” một sự “gặp gỡ cá vị [giữa Thiên Chúa và tôi], và khi cái biết này đạt đến mức thập toàn, nó chính là tình yêu. Nhìn từ khía cạnh này, chúng ta có thể nói rằng: trong hành trình theo Chúa của mình, chúng ta không luôn biết hay yêu Chúa, nhưng Chúa luôn yêu chúng ta, vì Ngài không bao giờ chối bỏ chính mình, Đấng là tình yêu (x. 1 Ga 4:8).
Câu 28 và 29 nói về việc Chúa Giêsu sẽ ban cho chúng ta điều gì khi chúng ta đi theo Ngài theo sự thúc đẩy của Chúa Cha: “Tôi ban cho chúng sự sống đời đời; không bao giờ chúng phải diệt vong và không ai cướp được chúng khỏi tay tôi. Cha tôi, Đấng đã ban chúng cho tôi, thì lớn hơn tất cả, và không ai cướp được chúng khỏi tay Chúa Cha.” Những lời trong câu này đưa chúng ta về với cuộc tranh luận của Chúa Giêsu với người Do Thái về bánh hằng sống trong chương 6. Trong bối cảnh đó, chúng ta thấy Chúa Giêsu hứa ban sự sống đời đời cho những người ăn thịt và uống máu Ngài. Chính những lời này đã làm cho những người Do Thái chống đối và một số môn đệ bỏ Ngài mà đi. Tuy nhiên, những ai đón nhận lời Ngài và ở lại với Ngài là những người được Chúa Cha lôi kéo và như vậy Chúa Giêsu không để cho họ “phải diệt vong” và bị “cướp mất khỏi tay Ngài.” Điều này nhắc nhở chúng ta về trách nhiệm “mục tử” của mình: mục tử cho giáo xứ [giáo phận hoặc Giáo Hội], cha mẹ cho con cái, bạn bè cho nhau, thầy cô cho học sinh, sinh viên], hàng xóm cho nhau. Họ là những người Chúa gởi đến cho chúng ta để yêu thương và phục vụ. Liệu chúng ta có thể khẳng định như Chúa Giêsu rằng: những ai được Thiên Chúa gởi đến sống và gặp tôi, họ sẽ tìm thấy được niềm vui, ý nghĩa và sự sống mới trong Ngài và sẽ không hư mất đời đời không? Để làm được điều này, Chúa Giêsu đưa ra cho chúng ta một điều kiện cần, đó là, “nên một với Thiên Chúa.”
Trong câu 30, Chúa Giêsu khẳng định rằng Ngài và Chúa Cha là một: “Tôi và Chúa Cha là một.” Theo Thánh Gioan, sự hiệp nhất giữa Chúa Cha và Chúa Con chính là nền tảng của sự hiệp nhất của những người tin. Hơn nữa, trong khẳng định này, Chúa Giêsu ám chỉ Chúa Cha là Mục Tử Nhân Lành. Ngài là Mục Tử Nhân Lành vì Ngài đã thấy Chúa Cha thực hiện vai trò mục tử của Ngài với dân Israel. Tóm lại, trong câu 30, Chúa Giêsu muốn nói với chúng ta điều gì? Chúa muốn nói với chúng ta rằng: chúng ta chỉ có thể trở nên người mục tử nhân lành cho những người chúng ta được sai đến chỉ khi chúng ta “liên kết chính mình cách khăng khít với Chúa Giêsu, như Ngài “là một” với Chúa Cha. Khi chúng ta tách mình ra khỏi Ngài, chúng ta sẽ trở nên những người phân tán và huỷ diệt đoàn chiên hơn là quy tụ và mang lại sự sống cho đoàn chiên. Xin Chúa Giêsu giúp mỗi người chúng ta, đừng để bất cứ cái gì, dù tiền tài hay danh vọng, có thể “cướp” chúng ta khỏi tay Ngài.
Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Dũng, SDB