52 Bài Đọc Thiêng Liêng Về Đức Cha Pierre Lambert De La Motte – Bài 26. Nghệ Thuật Rao Giảng Tin Mừng Cho Vua Xiêm

Theo Nhật ký truyền giáo, đầu năm 1665, có một ông quan tới thăm các thừa sai, sau khi hai bên nói chuyện trao đổi về các công việc các thừa sai đang làm, ông quan lấy làm hài lòng nên đã thuyết phục Nhà Vua gửi “mười người Thái tới nhà các thừa sai để được dạy dỗ” và cho phép người Pháp được “tự  do giảng đạo và đi khắp nơi họ muốn trừ Hoàng cung”. Đức cha nắm lấy cơ hội, đệ lên Vua Phra-Narai một bức thư, vừa để cảm ơn ngài đã tin cậy các thừa sai, vừa xin ngài ủng hộ dự án mở trường học “tại kinh đô hay một nơi nào khác, để dạy các khoa học cần thiết cho một vương quốc, hầu được các quốc gia khác tin cậy”. Ngoài ra, Đức cha cũng không quên tận dụng dịp này để tuyên xưng đức tin của mình cũng như bày tỏ lập trường của các thừa sai Pháp khác hẳn lập trường của các cha Dòng Tên. Bản văn này tóm tắt các nguyên tắc Phúc Âm của Huấn Thị 1659 của Tòa Thánh, trong đó Đức cha nói lên cách rõ ràng và chân thật về đạo lý và về chức vụ của ngài: “Bệ hạ sẽ thấy rằng chúng tôi chỉ rời bỏ quê hương, cha mẹ, bạn bè và công ăn việc làm, để thi hành một giới luật mà chúng tôi tuyên xưng, giới luật đó bó buộc chúng tôi phải yêu người khác, từng người một, không coi ai là kẻ thù cả.

Chính vì vậy mà không có cách nào chứng tỏ lòng yêu mến dân nước này một cách hiển nhiên và lợi ích hơn, là truyền bá cho họ những kiến thức và ánh sáng mà chúng tôi đã nhận được từ nơi Thiên Chúa. Chúng tôi đã dành ra hai cha người Pháp để lo việc này. Và bởi vì bệ hạ cần biết mục đích chính của đạo chúng tôi, cùng tại sao chúng tôi sống như vậy. Chúng tôi xin tuyên bố rằng, chúng tôi không muốn tìm kiếm gì khác nơi trần gian này, ngoại trừ hết lòng thờ lạy, yêu mến, phụng thờ Thiên Chúa chúng tôi và yêu mến tha nhân như chính mình, mà vì linh hồn bất tử, chúng tôi tin rằng linh hồn chúng tôi sẽ được thưởng hay bị phạt đời đời, tùy theo chúng tôi làm điều thiện hay làm điều ác.

Chúng tôi tin rằng ai yêu mến Thiên Chúa nhiều nhất, có lòng bác ái với tha nhân nhiều nhất và làm nhiều việc thiện nhất, sẽ là người hạnh phúc muôn đời. Chính vì nghĩ thế mà chúng tôi sống khắc khổ và luôn luôn hãm mình, chúng tôi không lo các chuyện chính trị hay các việc trần thế, ngoài chỉ việc giúp đỡ người nghèo, thăm viếng kẻ tù đày và an ủi kẻ bệnh hoạn. Tâu bệ hạ, đó là những lý do đưa chúng tôi tới vùng này. Nếu bệ hạ vui lòng nhận cho chúng tôi ở lại đây phục vụ, chúng tôi trông đợi lòng rộng rãi của bệ hạ và ân huệ duy nhất chúng tôi xin, đó là bệ hạ cho chúng tôi một đền thờ để mỗi ngày cầu nguyện với Thiên Chúa toàn năng mà chúng tôi tôn thờ, cho bệ hạ được khang an và quốc gia được thịnh trị”.

Lá thư trên đã không có gì làm cho vị quốc trưởng phải lo ngại, hay một người Phật tử phải khó chịu. Điều này giải thích vì sao Vua Phra-Narai dành cho Đức cha Lambert một thiện cảm không thể suy giảm cho tới khi ông qua đời[1].

Đức cha đã thực hành điều mà sau này Thánh Giáo Hoàng PhaoloVI dạy:“Lời giảng luôn luôn giữ được tính thời sự của nó, đặc biệt khi nó mang sức mạnh của Thiên Chúa. Đây là lý do tại sao câu châm ngôn của Thánh Phaolô vẫn còn hợp thời: “Có đức tin là nhờ nghe giảng”; chính lời được nghe dẫn đến niềm tin”(x. Rm 10,17.42).

Trích Tập Sách “52 Bài Đọc Thiêng Liêng về Đức Cha Lambert de la Motte”

Ban Linh Đạo Hội dòng Mến Thánh Giá Huế

[1] x. F. FAUCONNET BUZELIN, Người cha bị lãnh quên …, sđd, trang 427-429.