Đức Cha Lambert de la Motte Truyền Giáo tại Indes

Marie Fiat Trần Thị Tuyết Mai, MTGTT

Indes bao gồm các nước quanh Ấn Độ Dương, từ biên giới phía đông của Ba Tư cho đến biên giới phía tây của Việt Nam và từ đảo Madagascar đến Indonesia (được gọi là các đảo của Indes). Thánh Vinh Sơn gọi Madagascar là Indes.

ĐỨC CHA LAMBERT DE LA MOTTE
TRUYỀN GIÁO TẠI INDES

Marie Fiat Trần Thị Tuyết Mai, MTGTT

WHĐ (18.08.2023) – Từ Indes xuất hiện hơn 200 lần trong các tài liệu do chính Đức cha Lambert viết, người ta gặp thấy nó thường xuyên trong các thư từ, nhật ký[1] và ký sự[2] của ngài. Đức cha luôn dùng danh từ số nhiều, với mạo từ les: les Indes. Cho đến nay, nhiều tài liệu liên quan đến Đức cha Lambert dịch Indes là Ấn Độ. Trong trường hợp đó, độc giả không thể hiểu các tường thuật của Đức cha Lambert về công cuộc truyền giáo tại Indes, đó là tất cả những gì diễn ra ở Đàng Trong, Đàng Ngoài, Xiêm La, không liên quan đến Ấn Độ. Chúng ta cần xác định và phân biệt: Inde số ít là Ấn Độ, nhưng Indes số nhiều là một tổng thể bao gồm nhiều nước.

  1. ĐÔI NÉT LƯỢC SỬ

Đối với châu Âu, vào thế kỷ XV-XVII, Viễn Đông được hợp thành từ hai thực thể địa lý: Trung Hoa cùng các nước chư hầu và Indes (số nhiều).

Indes bao gồm các nước quanh Ấn Độ Dương, từ biên giới phía đông của Ba Tư cho đến biên giới phía tây của Việt Nam và từ đảo Madagascar đến Indonesia (được gọi là các đảo của Indes). Thánh Vinh Sơn gọi Madagascar là Indes.

Về phương diện từ vựng, “Indes” giống cái số nhiềucó nguồn gốc từ Indus[3], tên một dòng sông nằm ở phía Tây Bắc của Pakistan, ít nhiều liên quan đến sự nghiệp mở rộng vương quốc của Vua Alexandre Đại Đế (Alexandre le Grand), chinh phục các nước Á châu.

Vua Alexandre Đại Đế, sinh năm 356 trước Công Nguyên, tại Macédoine, Hy Lạp. Hướng về phía đông, ông ta đi xâm chiếm và chinh phục hầu hết các nước ở Tây Á: Ai Cập, Babylon, Syrie, Israel, Iran … tự xưng là Vua Á châu và truyền bá cho tất cả các nước này nền Văn minh Hy Lạp. Năm 326 ông vượt sông Indus, đánh thắng Vua Poros, nhưng sớm quay về Babylon năm 325, vì sự kiệt sức của binh lính và bản thân, ông qua đời năm 323 TCN tại Babylone

Sông Indus là ranh giới tận cùng của các nước mà Alexandre Đại Đế đã thiết lập vương quốc. Bên kia sông Indus là Indes, đó là phần còn lại của thế giới, chưa thừa hưởng nền văn minh Hy Lạp. Lúc bấy giờ, Indes biểu thị chủ yếu các dân tộc xa xôi và các nước rất giàu tài nguyên khoáng sản mà người ta chưa biết đến (trừ nước Trung Hoa, đã nổi tiếng từ lâu nhờ Con đường tơ lụa). Vì thế, người châu Âu luôn nuôi ước mộng đi khám phá và khai thác các nước Indes.

Thư viện Quốc gia Pháp còn lưu trữ bản đồ các nước Indes, cụ thể là Indes Orientales[5], vẽ vào năm 1677, bao trùm các nước Nam Á và Đông Nam Á.

  1. CÁC NƯỚC THUỘC INDES 

Ban đầu, Indes hay Indes Orientales (phía đông) là một,  người châu Âu luôn hướng về phương đông để đi khai phá các nước Indes.

Christophe Colomb nảy ra ý định rút ngắn hành trình tìm Indes bằng cách vượt biển Đại Tây Dương, hoàn toàn hướng về phía tây. Năm 1492, khi Christophe Colomb khám phá ra châu Mỹ, cập bến tại các đảo Caraïbes, ông nghĩ đã đạt đến Indes và gọi những cư dân đầu tiên ông gặp là “Indiens[6]. Chính vì thế, sau này người ta phải thêm : Indes Occidentales (phía tây) để chỉ các lục địa do Christophe Colomb khám phá, nhất là để phân biệt với Indes Orientales.

Vào thế kỷ XIX, hoàng hậu Victoria nước Anh được nhận vương miện tôn phong Nữ hoàng của Indes, nhờ vùng châu Á rộng lớn mà Anh chiếm làm thuộc địa, trong số đó có các nước (tên hôm nay) như Pakistan, le Bengla Desh, Ấn Độ, Ceylan (Sri Lanka), Miến Điện, Mã Lai, Singapour, đảo Maurice, v.v…

Người ta đưa ra tên gọi Đông Dương = Indochine (kết hợp hai từ Indes và Chine) cho vùng biên cương tiếp nhận những ảnh hưởng của Indes và Trung Hoa.

Thời của Đức cha Lambert, có nhiều công ty thương mại của các nước mang tên và hoạt động tại Indes, tại chính các miền truyền giáo của ngài. Đức cha thường gửi thư từ, các báo cáo, ký sự truyền giáo về Châu Âu qua tàu của một số công ty này:

Công ty Hà Lan des Indes Orientales, thành lập năm 1602

Công ty Pháp des Indes Orientales, thành lập năm 1664[7]

Công ty Anh des Indes Orientales, thành lập năm 1600

Công ty Đan Mạch des Indes Orientales, thành lập năm 1616

Công ty Bồ Đào Nha des Indes Orientales, thành lập năm 1628[8]

Hôm nay, đối với lãnh thổ của Indes, người ta nói cách đơn giản là tổng hợp các nước Nam Á và Đông Nam Á: Pakistan, Ấn Độ, Nepal, Bhutan, Bangladesh, Sri Lanka, Maldives; Việt Nam, Lào, Campuchia, Miến Điện, Thái Lan, Malaysia, Philippines, Brunei, Singapore, Đông Timor, Indonesia.

KẾT LUẬN

Vì Indes là một tên gọi bao gồm nhiều nước, là một từ được sử dụng rất nhiều trong các tài liệu thuộc thế kỷ XVII, và đã có những tài liệu dịch Indes cách giới hạn, chỉ thuộc phạm vi nước Ấn Độ, nên khi gặp từ Indes trong các tài liệu của Đức cha Lambert, có dịch giả giữ nguyên từ như một tên riêng, không dịch sang tiếng Việt. Linh mục sử gia Giuse Đỗ Quang Chính dịch Indes là vùng Đông Ấn[9]Indes Occidentales là vùng Tây Ấn[10]. Dù theo cách thức nào, chúng tôi thiết nghĩ cần có một chú thích để độc giả có thể định vị dễ dàng, khi đọc các bản văn của Đức cha Lambert.

[1] Văn khố Hội Thừa Sai Paris, T. 877, tr. 531-553.

[2] Nt., T. 121, tr. 605-630.

[3] https://fr.wiktionary.org/wiki/Indes

[4] Le petit Robert, Dictionnaire universel des noms propres, rédaction dirigée par Alain Rey, Canada, Montréal, 1988, tr. 35.

[5] Source gallica.bnf.fr / Bibliothèque nationale de France.

[6] https://fr.wiktionary.org/wiki/Indes, trích René Thévenin et Paul Coze, Mœurs et Histoire des Indiens Peaux-Rouges, Payot, 1929, 2éd., tr. 13.

[7] Le petit Robert, Dictionnaire universel des noms propres, tr. 885.

[8] https://fr.wikipedia.org/wiki/Indes_orientales. Trong bài này, ngay phần mở đầu, Indes được định vị rõ ràng cụ thể: bao trùm các nước Nam Á và Đông Nam Á. Tiếp đến, tác giả lưu ý: ‘về phương diện ngữ nghĩa, ở châu Âu, từ Indes số nhiều cũng được dùng để chỉ Ấn Độ hiện nay’. Vì thế, dịch giả cần đặt từ Indes trong bối cảnh cụ thể để dịch cho chính xác.

[9] Đỗ Quang Chính, Dòng Tên trong xã hội Đại Việt, Tp. HCM, 1999, tr. 332.

[10] Nt, Hai Giám mục đầu tiên tại Việt Nam, Tp. HCM, 2005, tr. 22.

Nguồn: hdgmvietnam.com