Bài Viết Chủ Đề Tháng 7/2025: : Quý Trọng Chứng Tá Của Các Chị Cao Niên

Dẫn nhập:

Trong nhịp sống vội vã của cuộc sống hiện đại, con người dễ bị thu hút bởi những điều mới mẻ, lạ mắt mà vô tình quên đi những gì là cội nguồn, là kí ức. Theo hướng sống của Hội dòng, tháng 7 mời gọi chúng ta hướng về các chị cao niên trong Hội dòng. Hướng về để lắng nghe, trân trọng, biết ơn những con người bình dị, lặng thầm nhưng đầy sức mạnh. Những người đã âm thầm gieo hạt giống Tin Mừng, là cầu nối giữa quá khứ và hiện tại, một đời gắn bó, trung tín với Thiên Chúa, với Giáo Hội và Mẹ Dòng. Việc quý trọng chứng tá của các chị cao niên không phải là hành vi biết ơn nhất thời nhưng phải xuất phát từ tấm lòng sâu xa. Là cơ hội để mỗi người có cái nhìn mới về tuổi già. Giúp cho thế hệ trẻ trở về cội nguồn của mình, kín múc từ kho tàng sống động ấy hầu giúp mỗi người sống căn tính dòng Mến Thánh Giá sâu xa, trọn vẹn hơn trong thời đại hôm nay.

I.Tuổi già-Tuổi hồng ân

Kinh Thánh không coi tuổi già là gánh nặng nhưng đã ca ngợi tuổi già. Vì tuổi già là dấu chỉ phúc lành và sự khôn ngoan của Thiên Chúa. Sách Châm Ngôn dạy rằng: “Vẻ đẹp của người trẻ là sức mạnh, vinh quang của người già là mái tóc bạc.” Tổ phụ Apraham được Thiên Chúa gọi khi đã cao tuổi (St 12), điều đó chứng tỏ rằng Thiên Chúa không bao giờ ngừng dùng tuổi già để thực hiện chương trình cứu độ. Ông Simêon và bà Anna đã cao tuổi được ân phúc gặp Hài Nhi Giêsu trong Đền Thờ. Những tấm gương này nhắc nhở chúng ta rằng tuổi già chính là thời điểm mà tâm hồn trở nên sâu sắc, nhạy bén, cởi mở với những thực tại thiêng liêng hơn.

Sách Khôn Ngoan cũng khẳng định “Người tuổi già thì đẹp lòng Chúa, được Chúa yêu dấu” (Kn 4,7). Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI đã nói rằng “Thật là đẹp ở trong tuổi già! Trong mỗi lứa tuổi, ta cần biết khám phá sự hiện diện và phúc lành của Chúa và những phong phú mà lứa tuổi ấy chứa đựng.”

Trong tông huấn Christus Vivit, Đức Giáo Hoàng Phanxicô mời gọi người trẻ đừng quên cội nguồn, và mời người già đừng rút lui mà hãy tiếp tục đóng góp bằng sự hiện diện đầy khôn ngoan. Khôn ngoan là một trong những ân ban cho tuổi già. Khôn ngoan không phải tự nhiên mà có nhưng khôn ngoan của người cao niên do trải qua nhiều kinh nghiệm sống và nhạy bén với đường lối hành động của Thiên Chúa trên cuộc đời mình. Chính vì vậy, sự hiện diện của các chị cao niên trong Hội Dòng, trong Cộng đoàn là dấu chỉ phúc lành của Thiên Chúa. Như vậy, tuổi già không chỉ là hồng ân dành cho bản thân các chị cao niên, nhưng còn là món quà quý giá cho gia đình, Giáo Hội, xã hội, và cho Hội Dòng.

  1. Tuổi già- Tuổi sứ vụ

Tuổi già không chỉ là tuổi hồng ân, tuổi đạt đến sự tròn đầy của cuộc đời làm người và làm con cái Thiên Chúa. Tuổi già còn là tuổi của sứ vụ. Sứ vụ truyền thông đức tin và kinh nghiệm về Thiên Chúa, dâng những đau khổ và hy sinh của mình để cầu nguyện cho Hội Dòng, Giáo Hội và thế giới. Cầu nguyện là một sự phục vụ và sứ vụ mà người cao niên thực hiện cho sự thiện hảo của toàn Giáo Hội và thế giới. Cầu nguyện cũng chính là sức mạnh và sự sống của họ.

Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI đã khẳng định “giai đoạn này trong cuộc sống là một hồng ân để đào sâu quan hệ với Thiên Chúa. Anh chị em đừng quên rằng trong số những nguồn lực mà anh chị em có, điều thiết yếu là kinh nguyện. Anh chị em hãy trở thành những người chuyển cầu nơi Thiên Chúa, cầu nguyện trong sự tin tưởng và kiên trì. Anh chị em hãy cầu nguyện cho Giáo Hội, cho tôi nữa, cho các nhu cầu của thế giới, cho người nghèo, để thế giới không còn bạo lực nữa”.

Như lời thánh vịnh 92 câu 15 nói đến: “Già cỗi rồi vẫn sinh hoa kết quả, tràn đầy nhựa sống cành lá xanh rờn.” Các chị cao niên là chỗ dựa tinh thần vững chắc cho các chị em trẻ bằng lời cầu nguyện âm thầm, bằng gương sống trung tín với Thiên Chúa. Bất chấp sự qua đi của năm tháng, các bà vẫn giữ được tinh thần tươi vui, trẻ trung. Các bà là chứng nhân của lịch sử cứu độ qua việc kể lại những kì công Thiên Chúa đã thực hiện trên Hội Dòng và cụ thể trên từng mỗi người. Ở tuổi già, các bà, các chị vẫn được mời gọi trở thành chứng nhân của Tin Mừng ngay cả trong sự yếu đuối, bệnh tật, và cái chết của mình. Họ không còn dựa vào sức riêng của mình được nữa, nhưng sống lệ thuộc vào người khác từ việc ăn uống, trang phục, đi lại…Như vậy, các bà, các chị cao niên được mời gọi phó thác hoàn toàn con người và cuộc đời mình cho tình yêu và lòng thương xót Chúa. Chính điều này lại càng đòi hỏi một đức tin trưởng thành, đức mến sâu sắc và đức cậy thiết tha.

III. Tuổi già với những giấc mơ

Tuổi già không chỉ gợi nhớ những kí ức nhưng còn là khu vườn của những giấc mơ. Dù thể xác ngày một hao mòn, nhưng tâm hồn các chị cao niên vẫn luôn tràn trề ước mơ: Ước mơ một Giáo Hội hiệp hành, một thế giới tràn đầy tình yêu và lòng thương xót, ước mơ nhiều người nhận biết Chúa, ước mơ Hội Dòng ngày càng phát triển và lớn mạnh trong ân sủng Chúa…Những giấc mơ ấy tuy không còn thực hiện bằng hành động nhưng lại được thực hiện qua lời cầu nguyện, bằng đức tin, bằng lời kể và sự hiện diện sống động.

Trong sách ngôn sứ Giô-en, Thiên Chúa đã phán: “Người già sẽ được thấy chiêm bao, người trẻ sẽ được thị kiến” (Ge 3,1). Như vậy, Kinh Thánh cho thấy mối liên kết giữa các thế hệ: người già mơ ước, người trẻ thực hiện. Nếu không có giấc mơ của người già, người trẻ sẽ dễ lạc lối. Những giấc mơ của người già là kho tàng khôn ngoan, là sự đúc kết từ những năm sống tín thác vào Thiên Chúa. Đó là những giấc mơ được sinh ra không phải từ sự ích kỉ cá nhân nhưng phát xuất từ tình yêu và niềm hy vọng sâu xa.

Đức Giáo Hoàng Phanxicô nhấn mạnh rằng: “Thế giới sẽ không thể tiến lên nếu không có sự liên kết giữa người già và người trẻ…Người trẻ cần đến những giấc mơ của người già để có thể nhìn xa hơn hiện tại.”

Sự hiện diện âm thầm của các chị cao niên trong cộng đoàn là lời chứng mạnh mẽ cho đức tin và lòng trung thành. Với tràng chuỗi trên tay, hay sự hiện diện trong nhà nguyện trước Thánh Thể – tất cả sẽ là “những giấc mơ được nối tiếp, âm thầm gieo vào lòng thế hệ trẻ những hạt giống Tin Mừng.

Tuổi già, nơi những giấc mơ sâu xa nhất về đời sống thánh thiện, yêu thương và phục vụ sẽ được trọn vẹn khi được nối tiếp bởi thế hệ trẻ. Người trẻ hãy làm cho những giấc mơ ấy được thành toàn qua cung cách sống, yêu thương, phục vụ của mình.

  1. “Bóng cả của Hội dòng”- Sự hiện diện của các chị cao niên

Hiện tại, Hội dòng chúng ta có 73 chị có tuổi thọ từ 75 trở lên. Trong đó, nhà Hưu dưỡng Lộ Đức có 32 chị, Cộng đoàn Nhà Mẹ có 13 chị. Cộng đoàn Phủ Cam 17 chị. Ngoài ra còn có các chị ở Ý, Pháp, và các sở: La Vang, Dương Sơn, Khâm Mạng, Sơn Trà.

Trong gia đình Hội dòng, các chị cao niên là những chứng nhân sống động của lòng trung thành, sự kiên trung và đời sống dâng hiến trọn vẹn. Sự hiện diện thầm lặng của các chị là một kho tàng thiêng liêng vô giá cho cộng đoàn hôm nay. Các chị đã sống qua nhiều giai đoạn biến chuyển của Hội dòng, âm thầm dâng hiến từng ngày trong đời sống phục vụ và cầu nguyện. Trong khi đó, chúng ta- những người trẻ luôn hướng đến tương lai và miệt mài thi hành sứ vụ, liệu chúng ta có khi nào quên mất những bóng cả đang âm thầm che chở bằng lời cầu nguyện, bằng sự hy sinh, khổ chế mỗi ngày. Xin cho người trẻ chúng ta hôm nay biết học nơi các chị cao niên bài học về sự trung thành, tình yêu và niềm hy vọng không bao giờ tàn phai.

Xin gợi ý vài câu hỏi để suy tư:

1.Chúng ta có thực sự tin rằng các chị cao niên đang góp phần quan trọng trong đời sống thiêng liêng và sứ vụ của Hội Dòng, hay chúng ta xem các chị là những người đã qua thời cống hiến?

2.Chúng ta đang đối xử với các chị cao niên như những thành viên quan trọng trong Hội Dòng, hay chỉ thăm hỏi, nhớ đến trong những dịp lễ, tri ân theo hình thức, cho xong bổn phận, trách nhiệm?

3.Chúng ta có đủ kiên nhẫn, yêu thương, lắng nghe trước những khác biệt do tuổi tác?

Kết luận: Tuổi già, giai đoạn kết tinh của sự kiên trung, của tình yêu và hy vọng. Được sống đến tuổi già là một hồng ân. Là cơ hội giúp các chị cao niên hoàn tất ơn gọi nên thánh, ơn gọi của người nữ tu Mến Thánh Giá. Làm chứng cho lòng trung thành với Thiên Chúa, trung kiên trong linh đạo Thập Giá, truyền lại gia sản tinh thần cho các thế hệ mai sau. Xin cho mỗi người biết trân quý tuổi già của các chị cao niên trong Hội dòng và của chính mình đang và sẽ đến nay mai.

Nữ tu Maria Madalena Phan Thị Thanh Thuý