Dành Thời Gian – Yếu Tố Then Chốt Để Rèn Luyện Phân Định Thiêng Liêng

Bài viết này sẽ không nghiên cứu sâu về phân định, nhưng đi vào phân tích một yếu tố mang tính thực hành và cấp thiết để làm nền tảng cho việc thực hành phân định thiêng liêng, cách riêng cho người Việt Nam. Yếu tố đó chính là việc biết dành thời gian.

Con đường rèn luyện ơn phân định bắt đầu từ một điều tưởng như đơn giản, nhưng lại khó nhất trong cuộc sống hiện đại: dành thời gian. Trong nhịp sống bận rộn, với hàng loạt công việc, trách nhiệm, tin tức, thông báo, mạng xã hội,… tâm hồn chúng ta bị kéo căng và chia trí. Nếu không chủ động, chúng ta sẽ không bao giờ có được thời gian để lắng nghe chính mình, và càng không thể lắng nghe Thiên Chúa.

Thánh I-nhã mời gọi ta hãy dùng ý chí – tức là sức mạnh nội tâm – để tạo ra một khoảng thời gian riêng biệt, nơi mà ta không bị chia trí bởi bất cứ điều gì. Không điện thoại. Không công việc. Không vội vã. Chỉ có sự tĩnh lặng, và một khoảng không gian nhỏ cho chính mình và Thiên Chúa.

Trong khoảng thời gian ấy, hãy bắt đầu bằng việc hồi tưởng lại những gì đã xảy ra, những tương quan, cảm xúc, suy nghĩ trong ngày hoặc tuần qua. Hãy thành thật nhìn vào những chuyển động nội tâm của mình: Mình đã vui hay buồn? Có điều gì làm mình thao thức? Có điều gì khiến mình được an ủi hay bị xao động? Chính ở nơi đó – nơi có thời gian, sự chú ý, và sự thành thật – ơn phân định bắt đầu được gieo mầm.

Thật vậy, ơn Chúa thường đến trong những khoảnh khắc con người buộc phải dừng lại và nhìn vào chính mình. Người con hoang đàng, sau khi đã tiêu xài tất cả tài sản, anh rơi vào cảnh khốn cùng, phải đi chăn heo. Chính lúc ngồi bên máng heo, đói khát và cô đơn, anh “hồi tâm lại” (Lc 15,17). Đó là một khoảnh khắc quý giá: không còn bị cuốn vào những cuộc vui, anh có thời gian để đối diện với bản thân – và ơn phân định bắt đầu từ đó: Thôi, ta đứng lên, đi về cùng cha.”

Thánh I-nhã thành Loyola, một hiệp sĩ can trường, ưa thích vinh quang và những cuộc phiêu lưu. Nhưng khi bị thương trong trận chiến và phải nằm liệt giường nhiều tháng, không còn trò tiêu khiển nào khác, ngài bắt đầu đọc về cuộc đời các thánh. Và trong tĩnh lặng, ngài nhận ra một điều sâu sắc: những vui thú trần thế để lại trống rỗng, còn những suy tư về Thiên Chúa đem lại bình an lâu dài. Đó chính là bước khởi đầu cho sự hoán cải, và sau này là phương pháp phân định nổi tiếng của ngài.

Charles de Foucauld – hoán cải từ một đêm thức trắng. Charles từng là sĩ quan Pháp, sống buông thả và xa rời đức tin. Nhưng trong một lần đi qua vùng Trung Đông, nhìn thấy đức tin mãnh liệt của người Hồi giáo, ông bắt đầu thấy mình trống rỗng. Khi về lại Paris, ông bắt đầu dành thời gian đi lễ và ở lại nhà thờ lâu giờ, chỉ để lặng thinh và suy nghĩ. Một đêm, sau khi tâm sự dài với linh mục Huvelin, Charles thức trắng cả đêm trong nhà nguyện. Chính thời gian ấy – không ai thúc giục, không ai chia trí – ông đối diện thật với Thiên Chúa, và từ đó bước vào hành trình nên thánh, trở thành “ẩn sĩ nơi sa mạc”.

Jacques Fesch – hoán cải trong tù. Jacques là một thanh niên Pháp sa ngã, bị kết án tử hình vì giết người khi đang cướp tiệm vàng. Trong những tháng cuối đời, sống cô đơn trong tù chờ hành hình, anh bắt đầu đọc Kinh Thánh, suy gẫm và viết lại hành trình tâm hồn của mình trong một cuốn nhật ký. Thời gian đó không còn việc gì để làm ngoài im lặng và đối diện với cái chết. Và chính trong khoảng lặng ấy, anh gặp được Chúa. Những dòng viết cuối đời của anh đã lay động hàng ngàn người, và nay Giáo hội đang xét án phong chân phước cho anh.

Tất cả những ví dụ trên cho thấy: ơn phân định thường không đến trong lúc ta bận rộn và náo động, mà đến trong những khoảnh khắc bị buộc phải dừng lại. Nhưng điều đó không có nghĩa là ta phải chờ đến khi bị thương hay bị tù đày. Thánh I-nhã dạy rằng: hãy chủ động tạo ra khoảng thời gian ấy mỗi ngày – dù chỉ là 15 phút – để “ngồi lại”, để “hồi tâm”, để nhìn sâu vào mình, và nhận ra đâu là tiếng Chúa trong những chuyển động nội tâm.

Hơn nữa sự chủ động dừng lại còn giúp cắt đứt với đam mê và nhìn lại chính mình. Việc chủ động tạo ra một khoảng thời gian tĩnh lặng không chỉ là một việc đạo đức, mà còn là một hành vi đầy sức mạnh giải phóng. Nó giúp ta thoát khỏi cơn nghiện, khỏi những đam mê mù quáng, và những vòng xoáy của cuộc sống đang cuốn ta đi mỗi ngày.

Chúng ta tưởng mình đang làm chủ cuộc sống, nhưng thật ra không ít người trong chúng ta đang bị cuốn theo sự nghiện bận rộn, nghiện thành tích, nghiện cảm xúc, nghiện mạng xã hội, hoặc đơn giản là nghiện cảm giác “phải làm gì đó ngay bây giờ”. Ta không còn biết dừng lại. Không còn nhìn được điều gì đang thực sự xảy ra bên trong mình.

Chính vì vậy, việc dừng lại – có chủ ý, có giờ giấc, có nội dung – chính là hành động can đảm để nhìn đời bằng cái nhìn đúng. Khi ta dừng lại, ta mới thấy được điều gì đang điều khiển mình. Khi ta dừng lại, ta mới biết ta đang đi đâu. Khi ta dừng lại, ta mới biết mình đang bị hút vào đâu, và có đang đánh mất điều gì quý giá không. Tôi nói thật với bạn – bạn cứ tin tôi đi – khi dừng lại và nhìn kỹ, mọi sự sẽ ra khác. Điều mình tưởng là hạnh phúc có khi là giả tạo. Điều mình đang cố theo đuổi hóa ra chỉ là ảo ảnh. Và điều mình đã bỏ quên có thể lại là điều mình thật sự cần.

Chính Thánh I-nhã đã có kinh nghiệm ấy. Trước khi bị thương, ngài chỉ thấy vinh quang trần thế. Nhưng sau những ngày dài nằm bất động, không còn bị xao nhãng bởi tiếng trống trận hay những lời tán thưởng, cái nhìn của ngài đã thay đổi toàn diện. Ngài thấy rõ hơn đâu là niềm vui chóng qua, đâu là niềm vui lâu bền. Và khi thấy rõ, ngài đã chọn một con đường khác.

Chúng ta cũng vậy. Dù có đang rất thích thú, đang say mê, đang bận rộn – hãy ngưng lại một chút. Hãy ngưng lại để nhìn. Biết đâu, ơn phân định đang chờ ta ở đó – ở chính cái khoảnh khắc mà ta đủ can đảm để tạm rời cuộc vui, tắt điện thoại, và nhìn sâu vào lòng mình.

Dẫu biết giữa thời bận rộn và lắm sự chia trí, việc tìm thời gian thinh lặng là việc khó. Thế nhưng nếu bạn muốn phân định, thì hãy dùng ý chí hay bất cứ phương thế nào để có được thời gian thinh lặng. Điều này đòi hỏi rất nhiều quyết tâm và can đảm, nhưng hoa trái lại rất ngọt ngào.

Giuse Vũ Uyên Thi, S.J

Nguồn: dongten.net