(Gc 5:1-6; Mc 9:41-50)
Thánh Giacôbê trong bài đọc 1 khuyến cáo những người giàu có về thái độ sống của họ. Thánh Giacôbê khuyến cáo họ những điểm sau: (1) tài sản của họ chỉ là những thứ chóng tàn [“Tài sản của các người đã hư nát, quần áo của các người đã bị mối ăn. Vàng bạc của các người đã bị rỉ sét; và chính rỉ sét ấy là bằng chứng buộc tội các người; nó sẽ như lửa thiêu huỷ xác thịt các người. Các người đã lo tích trữ trong những ngày sau hết này” (Gc 5:2-3)]; (2) gian lận không trả lương theo lẽ công bình và bác ái [“Các người đã gian lận mà giữ lại tiền lương của những thợ đi cắt lúa trong ruộng của các người. Kìa, tiền lương ấy đang kêu lên oán trách các người, và tiếng kêu của những thợ gặt ấy đã thấu đến tai Chúa các đạo binh” (Gc 5:4)]; (3) sống lối sống xa hoa, buông theo khoái lạc [“Trên cõi đất này, các người đã sống xa hoa, đã buông theo khoái lạc, lòng các người đã được no đầy thoả mãn trong ngày sát hại” (Gc 5:5)]; (4) kết án và giết hại người vô tội [“Các người đã kết án, đã giết hại người công chính, và họ đã chẳng cưỡng lại các người” (Gc 5:6)]. Đọc bốn điểm này, ai trong chúng ta cũng không khỏi tự vấn lòng mình vì chúng ta cũng đã sống lối sống như thế. Sự giàu có [về của cải hay tài năng] dễ làm chúng ta trở nên kiêu ngạo để rồi chúng ta không cần Chúa và xem thường anh chị em mình. Người giàu có là người có Chúa làm gia nghiệp và anh chị em mình làm bạn đồng hành trên đường về thiên đàng.
Câu đầu tiên của bài Tin mừng hôm nay tiếp tục tư tưởng về việc sử dụng “danh Chúa Giêsu” của những ngày trước, nhất là ngày hôm qua. Điểm khác biệt so với hôm qua là thay vì nói đến thái độ đón nhận người khác nhân danh Chúa Giêsu thì Thánh Maccô nói đến làm việc tốt cho người khác nhân danh Chúa Giêsu: “Ai cho anh em uống một chén nước vì lẽ anh em thuộc về Đấng Kitô, thì Thầy bảo thật anh em, người đó sẽ không mất phần thưởng đâu” (Mc 9:41). Tuy nhiên, toàn bộ lời dạy của Chúa Giêsu chuyển từ thể tích cực trong câu 41 [làm tốt cho người khác] sang thể tiêu cực [nên cớ vập phạm cho người khác] trong những câu tiếp theo của Tin Mừng.
Trong phần tiếp theo của bài Tin Mừng hôm nay, từ “làm cớ” là “khẩu hiệu”: “Ai làm cớ cho một trong những kẻ bé mọn đang tin đây phải sa ngã, thì thà buộc cối đá lớn vào cổ nó mà ném xuống biển còn hơn” (Mc 9:42). Từ này có thể dịch là “nguyên nhân cho người khác phạm tội” hoặc “đặt một chướng ngại vật trước người khác.” Và từ “những kẻ bé mọn” không có nghĩa là những “đứa trẻ con,” nhưng là các thành viên của cộng đoàn. Tất cả các câu tiếp theo từ câu 43 đến 48 có chung một cấu trúc, nhưng chuyển từ việc làm cớ cho người khác sa ngã đến việc một bộ phận của cơ thể làm cớ cho chúng ta sa ngã, khi đó chúng ta phải cắt bộ phận đó để chúng ta có thể vào cõi sống/Nước Thiên Chúa và tránh được hoả ngục: “Nếu tay anh làm cớ cho anh sa ngã, thì chặt nó đi ; thà cụt một tay mà được vào cõi sống còn hơn là có đủ hai tay mà phải sa hoả ngục, phải vào lửa không hề tắt. Nếu chân anh làm cớ cho anh sa ngã, thì chặt nó đi; thà cụt một chân mà được vào cõi sống còn hơn là có đủ hai chân mà bị ném vào hoả ngục. Nếu mắt anh làm cớ cho anh sa ngã, thì móc nó đi; thà chột mắt mà được vào Nước Thiên Chúa còn hơn là có đủ hai mắt mà bị ném vào hoả ngục, nơi giòi bọ không hề chết và lửa không hề tắt” (Mc 9:43-48).
Nhiều người trong chúng ta hiểu đoạn Tin Mừng này theo nghĩa văn tự, tức là nghĩa đen của từ. Nói cách khác, chúng ta áp dụng những lời Chúa Giêsu dạy vào trong cuộc sống của mình: Nếu tay, hoặc chân hoặc mắt làm cớ vấp phạm cho chúng ta, chúng ta hãy cắt nó khỏi cơ thể chúng ta. Nếu làm như thế, không ai trong chúng ta còn tay, còn chân hay còn mắt. Vậy Chúa Giêsu muốn dạy điều gì ở đây?
Đoạn Tin Mừng hôm nay nằm trong bối cảnh Chúa Giêsu đang dạy các môn đệ của Ngài về chân tính của Ngài là Đấng Messia và ơn gọi của người môn đệ. Trong những ngày vừa qua, chúng ta nghe từ Tin Mừng việc Chúa Giêsu khuyên dạy các môn đệ những thái độ cần có để sống với nhau, nhất là thái độ đón nhận nhau nhân danh Ngài. Theo nghĩa này, chúng ta thấy những lời dạy của Chúa Giêsu trong những câu trên mang nghĩa cộng đoàn và nhằm mục đích nói đến khả thể loại trừ những thành viên làm cớ vấp phạm cho người khác trong cộng đoàn vì trong văn hoá Hy Lạp – Roma cổ, người ta sử dụng “thân thể” như hình ảnh tượng trưng cho cộng đoàn [chúng ta thấy điều này rõ ràng trong tư tưởng của Thánh Phaolô].
Câu cuối cùng của bài Tin Mừng hôm nay đưa chúng ta về lại với điều Chúa Giêsu nhắc nhở các môn đệ về ơn gọi của mình, đó là, trong thế gian họ phải là muối để ướp mặn cộng đoàn chứ không phải là gương mù gương xấu cho người khác trong cộng đoàn: “Muối là cái gì tốt. Nhưng muối mà hết mặn, thì anh em sẽ lấy gì ướp cho mặn lại? Anh em hãy giữ muối trong lòng anh em, và sống hoà thuận với nhau” (Mc 9:50). Nói cách khác, Ngài mời gọi chúng ta phải sống trung thành với bản chất môn đệ [là muối men cho đời] của mình.
Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Dũng, SDB