Thiên Chúa: Đấng Hiệp Thông Ngôi Vị

Lễ Chúa Ba Ngôi

(Đnl 4:32-34.39-40; Rm 8:14-17; Mt 28:16-20)

Bài đọc 1 hôm nay được trích từ lời “huấn giáo” của Môsê cho dân Israel. Lời giáo huấn này bao gồm ba phần: Phần 1 (Đnl 4:32-34), Môsê nói về những kỳ công Đức Chúa thực hiện trong việc tuyển chọn và giải phóng dân Israel khỏi ách nô lệ Ai Cập; phần hai (Đnl 4:35-38) Môsê nhắc lại cho dân những điều họ đã chứng kiến; phần 3 (Đnl 4 39-40) trình bày lời nhắc nhở về việc dân Israel phải tôn thờ một mình Đức Chúa. Tuy nhiên, bài đọc 1 hôm nay chỉ chứa đựng phần thứ nhất và thứ ba. Chúng ta cùng nhau phân tích hai phần này hầu rút ra những ý lực sống cho ngày hôm nay.

Phần 1 thuật lại cho chúng ta việc Môsê kêu gọi dân Israel nhìn lại đặc ân họ được tuyển chọn làm dân riêng của Đức Chúa trong số những người Ngài dựng nên trên mặt đất. Không những thế, họ còn được “nghe tiếng Thiên Chúa phán từ trong đám lửa như anh em đã nghe, mà vẫn còn sống” (Đnl 4:33); họ được Thiên Chúa “dùng bao thử thách, dấu lạ, điềm thiêng và chinh chiến, đã dang cánh tay mạnh mẽ uy quyền, gây kinh hồn táng đởm” để giải thoát họ khỏi nô lệ bên Ai Cập (Đnl 4:34). Những chi tiết này cho thấy Israel được chọn, được nghe và được giải phóng khỏi thân phận nô lệ. Thiên Chúa đã làm những điều này chỉ vì Ngài yêu Israel. Thiên Chúa cũng yêu mỗi người chúng ta như vậy. Ngài tạo dựng chúng ta; Ngài gọi chúng ta; Ngài giải phóng chúng ta khỏi ách nô lệ của tội lỗi và sự chết; chúng ta nghe tiếng Ngài nói mỗi ngày. Đây là những đặc ân, những phúc lành Chúa ban cho chúng ta mỗi ngày. Nhưng nhiều lần trong cuộc sống chúng ta để cho những khó khăn và đau khổ che mờ đôi mắt tâm hồn khiến chúng ta không nhận ra những đặc ân này. Xin Chúa mở mắt chúng ta để chúng ta nhận ra những ơn lành Chúa ban cho chúng ta mỗi ngày qua từng ngày sống.

[Chi tiết quan trong nhất trong phần 2 mà chúng ta cần suy gẫm là “từ trời” hay “dưới đất,” dân Israel đều nghe được tiếng Chúa. Thiên Chúa đã làm mọi sự cho dân Israel bởi vì “Người đã yêu thương cha ông anh em” (Đnl 4:37). Động lực duy nhất thúc đẩy Thiên Chúa tạo dựng, tuyển chọn, giải phóng và dạy bảo dân Israel chính là “tình yêu.” Điều này nhắc nhở chúng ta về việc xem xét lại động lực thúc đẩy chúng ta làm việc, nhất là khi chúng ta đến với Chúa. Liệu tất cả những gì chúng ta thực hiện trong ngày sống được thúc đẩy bởi tình yêu Thiên Chúa và tha nhân không?]

Phần 3 đặt trước mặt dân Israel điều kiện để được hạnh phúc và sống lâu trong đất hứa, đó là nhận biết “trên trời cao cũng như dưới đất thấp, chính Đức Chúa là Thiên Chúa, chứ không có thần nào khác nữa” (Đnl 4:39). Việc nhận biết này được cụ thể hoá qua việc họ phải “giữ các thánh chỉ và mệnh lệnh của Người” (Đnl 4:40). Nói cách khác, để được hạnh phúc và sống lâu trong tình nghĩa với Chúa, dân Israel phải tuân giữ các thánh chỉ và mệnh lệnh của Ngài. Đây cũng chính là điều Thiên Chúa đòi hỏi nơi mỗi người chúng ta. Ai trong chúng ta cũng muốn được hạnh phúc. Ai trong chúng ta cũng đi tìm hạnh phúc. Nhưng rồi chúng ta không hạnh phúc vì chúng ta tìm kiếm hạnh phúc trong những điều không phải là thánh chỉ và mệnh lệnh của Chúa. Hãy thực thi thánh chỉ và mệnh lệnh Thiên Chúa, đó là sống yêu thương thì chúng ta sẽ được hạnh phúc và sống lâu trong tình nghĩa với Chúa.

Trong bài đọc 2 hôm nay, Thánh Phaolô trình bày cho chúng ta vai trò của Chúa Thánh Thần trong việc đưa chúng ta vào trong mối tương quan với Chúa Cha và Chúa Con. Chính Chúa Thánh Thần hướng dẫn để chúng ta trở nên con cái Thiên Chúa (x. Rm 8:14), là những người không còn sống trong nô lệ của tội lỗi, nhưng trở nên những nghĩa tử, nghĩa nữ của Thiên Chúa. Trong Chúa Thánh Thần, tất cả chúng ta cùng kêu Thiên Chúa là Cha – “Abba! Cha ơi!” (x. Rm 8:15). Nếu chúng ta là con cái Thiên Chúa, “thì cũng là thừa kế, mà được Thiên Chúa cho thừa kế, thì tức là đồng thừa kế với Đức Kitô; vì một khi cùng chịu đau khổ với Người, chúng ta sẽ cùng được hưởng vinh quang với Người” (Rm 8:17). Tuy nhiên, những lời này cũng chỉ cho chúng ta biết rằng, để trở nên những người đồng thừa tự với Chúa Giêsu, chúng ta phải chia sẻ trong sứ mệnh của Ngài, đó là chúng ta phải chịu đau khổ với Ngài để rồi được cùng Ngài hưởng vinh quang.

Bài Tin Mừng trích từ phần kết của Tin Mừng Thánh Mátthêu. Chúng ta cũng tìm thấy trình thuật này trong các Tin Mừng khác (x. Mc 16:14-18; Lc 24:36-49; Jn 20:19-23; Cv 1:9-11). Phần kết thúc này rất giàu về ý nghĩa vì thực tế cho chúng ta thấy rất khó để nói nhiều điều quan trọng hoặc vĩ đại trong một số chữ thật giới hạn. Trình thuật này trình bày một phần nào đó về viễn cảnh cánh chung, là sự hoàn thành của viễn cảnh mà Đanien có về Con Người. Thể loại của trình thuật nối kết nhiều yếu tố của một kiểu mẫu phong vương trong Cựu Ước trong một cuộc sai đi.

Bài Tin Mừng bắt đầu với con số “mười một môn đệ” ám chỉ đến kết thúc đáng buồn của Giuđa Ítcariốt. Hình ảnh quen thuộc trong Tin Mừng Thánh Mátthêu được đưa ra ở đây, đó là ngọn núi: “Khi ấy, mười một môn đệ đi tới miền Galilê, đến ngọn núi Đức Giêsu đã truyền cho các ông đến” (Mt 28:16). Đây là ngọn núi của mạc khải (x. 17:1), nơi Chúa Giêsu chạm đến họ (x. 17:7).  Trên ngọn núi này, “khi thấy Người, các ông bái lạy, nhưng có mấy ông lại hoài nghi” (Mt 28:17). Các môn đệ nhìn thấy sự hiện ra của Chúa Giêsu sống lại, nhưng lời của Ngài được nhấn mạnh hơn là diện mạo của Ngài. Không có một đề cập nào đến việc thăng thiên [lên trời] bởi vì điều đó xảy ra cùng lúc với sự kiện phục sinh. Sự bái lạy của các môn đệ tỏ cho thấy đức tin của họ, nhưng đức tin này vẫn còn trộn lẫn với nghi ngờ, một kinh nghiệm tâm lý chung mang lại niềm hy vọng cho những con người hiện đại. Đây chính là tình trạng đức tin của mỗi người chúng ta. Khi đến với Chúa Giêsu, đức tin của chúng ta vẫn có những nghi ngờ. Những nghi ngờ này là hệ quả của những đau khổ mà chúng ta đã trải qua. Chúng ta nghi ngờ không biết Chúa có đủ khả năng để đạt đến “vinh quang qua thập giá” hay không?

Sau khi nói đến hành động thờ lạy và thái độ còn nghi ngờ của các môn đệ, Thánh Mátthêu đề cập đến hành động của Chúa Giêsu: “Đức Giêsu đến gần, nói với các ông: ‘Thầy đã được trao toàn quyền trên trời dưới đất. Vậy anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, dạy bảo họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho anh em. Và đây, Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế’” (Mt 28:18-20). Những lời từ biệt này của Chúa Giêsu có thể được chia ra làm ba phần, ám chỉ cách tương ứng với quá khứ, hiện tại, và tương lai. Trong phần quá khứ, chúng ta đọc thấy việc Chúa Giêsu được trao toàn quyền trên trời dưới đất. Ở đây, cấu trúc câu được sử dụng thì quá khứ và ở trạng thái thụ động mang tính thần học: Thiên Chúa [Chúa Cha] là đấng trao quyền thống trị cho Chúa Giêsu như là Con Người. Quyền này là quyền của Nước Thiên Chúa (x. Dan 7:14; 2 Bns 36:23; Mt 6:10). Việc sai đi được đặt trong thì hiện tại, liên quan đến vấn đề hiện tại. Nó bao gồm một mệnh lệnh tổng quát ra đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ và sau đó là hai mệnh đề phụ, đó là (1) làm phép rửa và (2) dạy bảo. Hai mệnh đề phụ này giải thích về mệnh lệnh tổng quát phải được thực hiện như thế nào. Việc rao giảng của các môn đệ phải nhắm đến muôn dân. Đây chính là lời mời gọi phổ quát áp dụng cho mọi người bao gồm mọi văn hoá, và ngay cả những người Do Thái, là những người chưa là môn đệ của Chúa Giêsu. Sau mệnh lệnh mang tính cụ thể trong Mt 10:16 và 15:24, mệnh lệnh này được đưa ra như một cái gì đó rất ngạc nhiên cho các môn đệ. Tuy nhiên, sứ mệnh cho dân ngoại đã được ám chỉ trong Mt 2:1-12; 4:15-16,23-25; 26:13. Điểm đáng lưu ý khác là công thức “Ba Ngôi” của phép rửa. Công thức này có thể có nguồn gốc trong Cựu Ước trong hình thức “Ba Ngôi” mang tính khải huyền trong sách Đanien: Đức Chúa, Con Người hoặc Đấng được chọn, và Thiên Thần (x. Đn 7; Ez 1). Ở đây, chúng ta thấy vấn đề cắt bì không được đề cập đến, có thể bởi vì vấn đề được giải quyết và thuật lại trong sách Công Vụ Các Tông Đồ (15:1-29).

Tương lại của các môn đệ luôn có Chúa Giêsu hiện diện. Các môn đệ sẽ tiếp tục sứ vụ của Chúa Giêsu, qua đó đặt nền tảng cho nền giáo dục, thần học và những công việc trí tuệ khác mang tính Kitô giáo. Nội dung chính của việc giảng dạy của họ là những trình thuật chính trong Tin Mừng Thánh Mátthêu [những gì Chúa Giêsu đã truyền cho họ], nhất là Bài Giảng Trên Núi [Tám Mối Phúc Thật] vì nó giải thích toàn bộ Cựu Ước. Toàn bộ công việc rao giảng rất khó khăn nên câu cuối cùng của Tin Mừng là lời hứa về một sự nâng đỡ cho tương lai, “Thầy ở cùng anh em.” Công thức khế ước này tạo thành một inclusio (tổng hợp) với Mt 1:23 [x. 18:20). Chúa Giêsu là Emmanuel, là sự hiện diện của Thiên Chúa (shekinah) với dân của Ngài trong khi họ quyết định, học hỏi, cầu nguyện, rao giảng, làm phép rửa và giảng dạy. Món quà của Chúa Thánh Thần không được nêu lên cách rõ ràng, ngược với Tin Mừng Thánh Gioan (20:22) và Công Vụ Tông Đồ (2:1-4), nhưng trong các thư của Thánh Phaolô, Chúa Thánh Thần là sự hiện diện của Chúa Giêsu ở giữa chúng ta (x. 2 Cr 3:17). Chúa Giêsu không ở với các môn đệ cho đến khi họ kết thúc việc giảng dạy của họ trên trần gian, nhưng cho đến “tận thế.” Thuật ngữ “tận thế” ám chỉ đến việc Nước Thiên Chúa đến trong sự hoàn thành của nó.

Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Dũng, SDB