(2 Pr 1:2-7; Mc 12:1-12)
Sau những ngày lễ trọng trong Mùa Phục Sinh, hôm nay, chúng ta bắt đầu trở lại Mùa Thường Niên. Mùa Thường Niên không phải là mùa “bình thường” không có gì đặc biệt như chúng ta thường hiểu. Mùa Thường Niên là mùa nhắc nhở chúng ta về việc thánh hiến thời gian “thường ngày” của mình cho Chúa. Nói cách khác, chúng ta được mời gọi tìm thấy Chúa trong những cái gì là tầm thường của ngày sống. Thật vậy, chúng ta dễ dàng tìm thấy Chúa trong những sự kiện lớn lao, trong những “mùa quan trọng” của năm phụng vụ. Nhưng trong những gì là nhỏ bé, không quan trọng chúng ta thường không thấy Chúa ở đâu. Nếu như thế, chúng ta sẽ bỏ qua thật nhiều cơ hội để gặp Chúa, vì Mùa Thường Niên chiếm thời gian nhiều nhất trong năm phụng vụ so với các mùa khác.
Trong bài đọc 1 hôm nay, Thánh Phêrô nhắc cho chúng ta biết rằng: “Anh em thân mến, chúc anh em được đầy tràn ân sủng và bình an, nhờ được biết Thiên Chúa và Đức Giêsu, Chúa chúng ta” (2 Pr 1:2). Theo Thánh Phêrô, chúng ta được tràn đầy ân sủng và bình an vì nhờ biết Thiên Chúa và Đức Giêsu. Chúng ta đã biết Thiên Chúa và Đức Giêsu được bao nhiêu? Nếu thành thật với lòng mình, chúng ta nhận ra rằng chúng ta dành thời gian để biết những thứ không quan trọng hoặc không cần thiết trong cuộc sống hơn là để biết Thiên Chúa và Đức Giêsu. Thánh Phêrô nêu ra lý do tại sao chúng ta cần phải biết Thiên Chúa và Đức Giêsu, vì chúng ta đã được ban tặng “những gì rất quý báu và trọng đại Người đã hứa, để nhờ đó, anh em được thông phần bản tính Thiên Chúa, sau khi đã thoát khỏi cảnh hư đốn do dục vọng gây ra trong trần gian” (1 Pr 1:4). Vì được thông phần bản tính Thiên Chúa, chúng ta chỉ biết giá trị thật của mình khi chúng ta biết Thiên Chúa và Đức Giêsu. Như thế, càng đến gần và càng biết Thiên Chúa và Đức Kitô, chúng ta càng biết chính mình cũng như giá trị thật của mình. Ngoài việc chỉ ra lý do tại sao chúng ta cần biết Thiên Chúa và Đức Kitô, Thánh Phêrô còn chỉ cho chúng ta cách thức để đạt đến điều đó. Đó là qua con đường đức ái: “Anh em hãy đem tất cả nhiệt tình, làm sao để khi đã có lòng tin thì có thêm đức độ, có đức độ lại thêm hiểu biết, có hiểu biết lại thêm tiết độ, có tiết độ lại thêm kiên nhẫn, có kiên nhẫn lại thêm đạo đức, có đạo đức lại thêm tình huynh đệ, có tình huynh đệ lại thêm bác ái” (1 Pr 1:5-7). Chúng ta chỉ có thể biết Thiên Chúa và Đức Kitô qua con đường đức ái, vì Thiên Chúa là tình yêu (1 Ga 4:8).
Bài Tin Mừng hôm nay thuật lại cho chúng ta dụ ngôn vườn nho. Dụ ngôn này nói về việc Chúa Giêsu bị những người lãnh đạo Do Thái chống đối, một sự chống đối mà các sứ giả được Thiên Chúa sai đi trước kia cũng đã bị đối xử như vậy. Có một vài chi tiết mang tính ẩn dụ trong dụ ngôn: Vườn nho là Israel; người chủ vườn nho là Thiên Chúa; những tá điền là những người lãnh đạo Israel; người con yêu dấu là Chúa Giêsu. Những hình ảnh khác trong dụ ngôn không ẩn chứa gì quan trọng lắm. Bài Tin Mừng bắt đầu với việc chỉ rõ dụ ngôn này là dành cho các lãnh đạo trong dân Israel: “Khi ấy, Đức Giêsu bắt đầu dùng dụ ngôn mà nói với các thượng tế, kinh sư và kỳ mục” (Mc 12:1). Chúa Giêsu dùng dụ ngôn để nói với họ vì Ngài muốn sử dụng những ngôn từ và hình ảnh quen thuộc để chuyển tải sứ điệp Ngài muốn nói đến. Mặc dù khác nhau trong hình thức với những gì liên quan đến câu chuyện, nội dung chính của dụ ngôn là mối tương quan giữa Chúa Giêsu và những kẻ chống đối Ngài.
Điều chúng ta lưu ý ở đây là ngôn từ được sử dụng, nhất là “vườn nho”: “Có người kia trồng được một vườn nho; ông rào giậu chung quanh, đào bồn đạp nho và xây một tháp canh. Ông cho tá điền canh tác, rồi trẩy đi xa” (Mc 12:1). Những ngôn từ sử dụng được lấy từ sách Ngôn Sứ Isaia (5:1-2). Thính giả của Chúa Giêsu nhận ra những hình ảnh quen thuộc sau: “Vườn nho” là biểu tượng của Israel; “Rào giậu” để không cho thú vật đến phá hoại vườn nho; “bồn đạp nho” là để nghiền nho thành rượu; “tháp canh” là nơi để những người canh gác giữ vườn nho và nghỉ ngơi. Hành động ban đầu của ông chủ là: trồng, rào giậu, đào bồn, xây tháp canh, cho tá điền canh tác, trẩy đi xa. Những hành động này chỉ ra rằng vườn nho thuộc về ông chủ. Ông đã làm hết mọi sự cần thiết. Nhiệm vụ của tá điền là chỉ canh tác vườn nho cho ông chủ chứ không phải làm chủ vườn nho. Đây chính là điểm xoáy trong dụ ngôn: Những người tá điền không chỉ muốn canh tác mà còn muốn làm chủ vườn nho. Điều này đã mang lại những hành động sai và kết quả không tốt cho các tá điền vì không sống đúng với chân tính của mình. Nhiều lần trong cuộc sống của mình, chúng ta cũng không sống đúng với căn tính của mình. Chúng ta muốn làm chủ và quyết định hết mọi thứ. Chúng ta trở nên “chúa” của cuộc sống mình và của người khác. Điều này đã đưa đến những hành động sai trái và kết quả đau buồn. Hãy sống là chính mình trước mặt Chúa và người khác.
Như chúng ta đã nói, những người tá điền đã muốn chiếm lấy vườn nho, chiếm hữu những gì không thuộc về mình nên đã có những hành động sai trái: “Đến mùa, ông sai một đầy tớ đến gặp các tá điền để thu hoa lợi vườn nho mà họ phải nộp. Nhưng họ bắt người đầy tớ, đánh đập và đuổi về tay không. Ông lại sai một đầy tớ khác đến với họ. Họ đánh vào đầu anh ta và hạ nhục. Ông sai một người khác nữa, họ cũng giết luôn. Rồi ông lại sai nhiều người khác: kẻ thì họ đánh, người thì họ giết” (Mc 12:2-5). Thuật ngữ “đến mùa” có thể là năm thứ năm sau khi trồng vườn nho (x. Lv 19:23-25). Trong những lời trên, chúng ta thấy ba đầy tớ được sai đi nhận những lối hành xử càng ngày càng khốc liệt: người thứ nhất bị đánh đập, người thứ hai bị đánh vào đầu và hạ nhục, người thứ ba thì bị giết. Mặc dù trích đoạn trên nhằm mục đích đồng hoá ba người tôi tớ với các ngôn sứ trong Cựu Ước, nó phải được đọc trong một bối cảnh lớn hơn, đó là việc đồng hoá ba tôi tớ với những sứ giả của Thiên Chúa sai đến với Israel (Môsê, Giôsua, Davít, v.v.). Chúng ta học được gì ở đây? Là sứ giả của Thiên Chúa, chúng ta cũng sẽ phải đối diện với những đối xử bất công và đôi khi mất mạng sống của mình. Đây là điều tất yếu sẽ xảy ra cho những sứ giả chân thật của Thiên Chúa. Chúng ta có sẵn sàng chấp nhận điều đó không?
Sau khi thấy những người tá điền đối xử không tốt với các tôi tớ, “Ông [chủ] chỉ còn một người nữa là người con yêu dấu: người này là người cuối cùng ông sai đến gặp họ; ông nói: ‘Chúng sẽ nể con ta.’ Nhưng bọn tá điền ấy bảo nhau: ‘Đứa thừa tự đây rồi! Nào ta giết quách nó đi, và gia tài sẽ về tay ta.’ Thế là họ bắt cậu, giết chết rồi quăng ra bên ngoài vườn nho” (Mc 12:6-8). Ông chủ nghĩ những người tá điền sẽ đối xử cách tôn trọng với “người con yêu dấu” của ông. Thuật ngữ “con yêu dấu” được sử dụng bởi tiếng phán từ trời để nói về Chúa Giêsu trong sự kiện Ngài chịu phép rửa (x. Mc 1:11) và biến hình (x. Mc 9:7). Điều này cho thấy Máccô và đọc giả của mình đồng hoá Chúa Giêsu với “người con yêu dấu” của Thiên Chúa. Những người tá điền xem người con yêu dấu là “đứa thừa tự” và muốn giết người con. Niềm hy vọng chiếm hữu vườn nho của các tá điền không được đặt trên việc thực hành mang tính pháp lý, nhưng trên việc làm xáo trộn “danh xưng” [từ “người con yêu dấu” thành “đứa thừa tự”]. Theo ngôn từ bình dân, các tá điền muốn chiếm hữu vườn nho bằng việc “thừa nước đục thả câu.” Đây cũng là thái độ của nhiều người trong chúng ta. Nhiều lần chúng ta làm xáo trộn mọi sự và trở thành “ngư ông đắc lợi.” Nhưng niềm hy vọng hão huyền của các tá điền đã bị tan biến vì họ quên mất rằng vườn nho không phải là của họ, mà là của ông chủ: “Vậy ông chủ vườn nho sẽ làm gì? Ông sẽ đến tiêu diệt các tá điền, rồi giao vườn nho cho người khác” (Mc 12:9). Những lời này nhắc nhở chúng ta rằng: Chúng ta chỉ là những người làm công trong vườn nho[Giáo Hội] của Thiên Chúa. Chúng ta không phải là chủ. Hãy làm lợi và nộp hoa màu cho Thiên Chúa như Ngài mong ước nơi chúng ta.
Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Dũng, SDB