(1 V 17:1-6; Mt 5:1-12)
Bài đọc 1 trình thuật cho chúng ta nghe về lời sấm của Êlia. Lời sấm nói về nạn hạn hán sẽ xảy ra ở Israel: “Hồi ấy, ông Êlia, người Títbe, trong số dân cư ngụ tại Galaát, nói với vua Akháp rằng: ‘Có Đức Chúa, Thiên Chúa hằng sống của Israel, Đấng tôi phục vụ: trong những năm sắp tới, sẽ chẳng có mưa, có sương, nếu tôi không ra lệnh’” (1V 17:1). Ngôn sứ là người nói cho dân biết những gì Thiên Chúa muốn. Một trong những tiêu chuẩn để phân biệt giữa ngôn sứ giả và ngôn sứ thật là lời sấm vị ngôn sứ nói được hoàn thành. Không chỉ nói lời Thiên Chúa, ngôn sứ còn là người làm theo mệnh lệnh của Thiên Chúa, đi theo hành trình mà Thiên Chúa đã vạch ra chứ không vạch ra hành trình cho riêng mình: “Có lời Đức Chúa phán với ông như sau: ‘Ngươi hãy bỏ đây đi về phía đông, và ẩn mình trong thung lũng Cơrít, phía đông sông Giođan. Ngươi sẽ uống nước suối. Ta đã truyền cho quạ nuôi ngươi ở đấy’” (1V 17:2-4). Khi đi theo hành trình Thiên Chúa đã vạch ra, ngôn sứ sẽ nhận được tất cả những gì cần thiết cho cuộc sống của mình: “Ông ra đi và làm như Đức Chúa truyền: là đến ở thung lũng Cơrít, phía đông sông Giođan. Buổi sáng, quạ mang bánh và thịt cho ông; buổi chiều, quạ cũng mang như vậy. Nước ông uống là nước suối” (1V 17:5-6). Qua bí tích rửa tội, chúng ta cũng trở nên ngôn sứ của Thiên Chúa. Chúng ta được mời gọi nói lời Thiên Chúa và đi theo đường Ngài chỉ vẽ. Chỉ khi chúng ta đi theo đường lối của Thiên Chúa, chúng ta sẽ thấy những gì chúng ta cần cho hành trình của mình sẽ được cung cấp.
Bài Tin Mừng hôm nay nằm trong phần Bài Giảng trên Núi của Chúa Giêsu (Mt 4:23-7:29). Bài giảng trên Núi là một trong năm bài giảng lớn đầu tiên của Chúa Giêsu trong Tin Mừng Thánh Mátthêu. Đây chính là tuyệt phẩm của Thánh Mátthêu và thường được trích dẫn trong thời đầu của Giáo Hội. Theo G. A. Kennedy, đây là mẫu văn hùng biện nhằm thuyết phục người nghe hãy làm việc trong trong hiện tại để vui hưởng niềm vui tương lai; nó cũng nhằm cung cấp một bản tổng hợp của toàn bộ Tin Mừng, mang lại sự thoả mãn và an toàn cho tâm trí của người nghe. Theo nghĩa Kinh Thánh, chúng ta có thể nhận ra trong bài giảng trên núi của Chúa Giêsu tính chất cánh chung, luân lý và sự khôn ngoan mang tính pháp lý dưới sự hướng dẫn của Luật (Torah) trong viễn cảnh của Nước Trời. Đề tài quan trọng của bài giảng trên núi là Nước Trời và sự công bình. Tóm lại, bài giảng trên núi rất có hệ thống, bao gồm những lãnh vực chính về đời sống luân lý và tôn giáo như được hiểu trong dân Israel. Nhiều người chỉ trích bài giảng trên núi này vì nó đưa ra những tiêu chuẩn quá cao không thể thực hiện. Nhưng nếu chúng ta hiểu bản văn này trong tương phản với bối cảnh Do Thái Giáo, nó trở nên có thể nhưng vẫn là tiêu chuẩn cao của sự khôn ngoan luân lý về cuộc sống. Chúng ta sẽ cùng nhau phân tích các mối phúc để xem chúng có khả thi với chúng ta hay không.
Thánh Mátthêu bắt đầu bài giảng trên núi bằng cách giới thiệu Chúa Giêsu như một Môsê [hay một thầy Rabbi] như sau: “Khi ấy, thấy đám đông, Đức Giêsu lên núi. Người ngồi xuống, các môn đệ đến gần bên” (Mt 5:1). Đây chính là hình ảnh của một người Thầy với các môn sinh. Như vậy, các lời dạy [mối phúc theo sau] nhắm đến các môn đệ. Nhiều học giả Kinh Thánh cho rằng, đây chính là “bản đồ” mà Chúa Giêsu đưa ra để các môn đệ đi theo hầu đạt đến Nước Trời. Hay nói cách khác, tám mối phúc là những thái độ sống mà các môn đệ phải sở hữu nếu họ muốn đạt đến Nước Trời. Một số học giả Kinh Thánh lại cho rằng đây chính là chân dung của Chúa Giêsu mà các môn đệ phải hoạ lại trong cuộc đời của họ.
Tám mối phúc được viết theo lối “bánh mì kẹp” quen thuộc. Mối phúc đầu và cuối có cùng một lời hứa: “Phúc thay ai có tâm hồn nghèo khó, vì Nước Trời là của họ” (Mt 5:3) và “Phúc thay ai bị bách hại vì sống công chính, vì Nước Trời là của họ” (Mt 5:10). Điều này cho thấy mục đích chính của tám mối phúc là đạt đến Nước Trời. Sáu mối phúc ở giữa là những “thái độ cụ thể” để diễn tả sự khó nghèo và khi phải đối diện với sự “bách hại vì sống công chính.” Chúng ta thấy ở đây thái độ sống ở thể hiện tại, nhưng lời hứa ở thể tương lai. Lời hứa trong tương lai hoàn toàn ngược lại với thể hiện tại:
4Phúc thay ai hiền lành, vì họ sẽ được Đất Hứa làm gia nghiệp.
5Phúc thay ai sầu khổ, vì họ sẽ được Thiên Chúa ủi an.
6Phúc thay ai khát khao nên người công chính, vì họ sẽ được Thiên Chúa cho thoả lòng.
7Phúc thay ai xót thương người, vì họ sẽ được Thiên Chúa xót thương.
8Phúc thay ai có tâm hồn trong sạch, vì họ sẽ được nhìn thấy Thiên Chúa.
9Phúc thay ai xây dựng hoà bình, vì họ sẽ được gọi là con Thiên Chúa.
Mối phúc thứ 9 được xem như bản tóm tắt của tám mối phúc trên. Tất cả những gì họ trải qua: sống nghèo khó, hiền lành, chịu sầu khổ, sống khao khát nên người công chính, sống xót thương, sống trong sạch, xây dựng hoà bình, và bị bách hại vì sống công chính, tất cả vì Đức Giêsu. Chúng ta chỉ được phúc khi chúng ta sống những điều này vì Chúa Giêsu: “Phúc thay anh em khi vì Thầy mà bị người ta sỉ vả, bách hại và vu khống đủ điều xấu xa. Anh em hãy vui mừng hớn hở, vì phần thưởng dành cho anh em ở trên trời thật lớn lao” (Mt 5:11-12). Thật vậy, trong cuộc sống thường ngày, chúng ta cũng phải chịu nhiều điều trái ý phật lòng: có khi chịu đói và có khi phải tỏ thái độ hiền lành, có khi sầu khổ và có lúc khao khát nên thánh, có lúc thấy xót thương cho người khác và có lúc phải chiến đấu để giữ tâm hồn trong sạch, có khi được mời gọi trở nên người hoà giải nhưng cũng có khi bị người khác bách hại. Tất cả những điều này chúng ta làm vì động lực nào? Vì Chúa hay vì mình? Phần thưởng Nước Trời dành cho những ai sống những điều này vì Chúa.
Những lời cuối cùng của bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu chỉ ra cho các mộn đệ về một sự thật: các mối phúc chỉ là “lời tiên báo” về những gì các môn đệ sẽ phải đối diện vì danh Ngài. Đây cũng là điều các ngôn sứ đã phải trải qua vì danh Thiên Chúa: “Quả vậy, các ngôn sứ là những người đi trước anh em cũng đã bị người ta bách hại như thế” (Mt 5:12). Như chúng ta đã đề cập ở trên, theo các học giả Kinh Thánh, các mối phúc vẽ lên “chân dung” đích thật của Chúa Giêsu. Các mối phúc chính là bản tóm tắt của tất cả những gì Chúa Giêsu dạy các môn đệ mà chúng ta nhìn thấy nơi Đức Giêsu Kitô. Liệu chúng ta có để Chúa vẽ lên chân dung này trong cuộc sống hằng ngày của chúng ta không?
Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Dũng, SDB