(2 Sb 24:17-25; Mt 6:24-34)
Lịch sử dân Israel lại bước vào một trang sử buồn khi tôi tớ của Thiên Chúa là Giơhôgiađa qua đời. Việc tôn thờ Thiên Chúa duy nhất đã bị dân chúng bỏ bê để “bỏ Đền Thờ của Đức Chúa là Thiên Chúa tổ tiên họ, mà phụng sự các cột thờ và các ngẫu tượng” (2Sb 24:18). Dù dân Israel có bỏ Chúa, Ngài vẫn yêu thương họ với một tình yêu vô điều kiện. Đức Chúa sai các ngôn sứ đến để đưa dân quay về với Ngài, nhưng họ không thèm để tai (2Sb 24:19). Trong sự kiện này, chúng ta nhận ra số phận đau khổ của các ngôn sứ. Họ sẽ bị dân từ bỏ và giết chết. Chúng ta thấy điều này nơi hình ảnh của ông Dacaria. Ông đã được đầy Thần Khí và chất vấn dân về lối sống lạc xa đường lối Chúa của họ: “Thiên Chúa phán thế này: ‘Tại sao các ngươi vi phạm lệnh truyền của Đức Chúa, mà chuốc lấy thất bại? Vì các ngươi đã lìa bỏ Đức Chúa, nên Đức Chúa cũng lìa bỏ các ngươi’” (2Sb 24:20). “Sự thật luôn mất lòng” – đúng vậy, những lời của Dacaria đã làm cho dân khó chịu nên “họ liền toa rập chống lại ông và, theo lệnh vua, họ ném đá giết ông trong sân Đền Thờ Đức Chúa” (2Sb 24:21). Dù đối diện với đau khổ và cái chết, Dacaria vẫn một lòng tín thác vào Chúa, là Đấng công bình và giàu lòng xót thương. Thái độ này giúp chúng ta can đảm khi đối diện với những chống đối và khó khăn trong cuộc sống vì danh Chúa.
Trong bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu cũng nói về điều mà Thánh Phaolô đã trình bày trong bài đọc 1, đó là có hai “ông chủ” đang hoạt động trong cuộc đời của mỗi người chúng ta: xác thịt [tiền của] và ân sủng [Thiên Chúa]. Bài Tin Mừng hôm nay nói đến hai đề tài khác nhau: đề tài về việc chọn lựa giữa Thiên Chúa và Tiền Của (Mt 6:24) và đề tài về sự chăm sóc của Thiên Chúa và lo lắng của con người (Mt 6:25-34).
Trong đề tài thứ nhất, Chúa Giêsu muốn dạy các môn đệ về việc chọn lựa giữa Thiên Chúa và Tiền Của như sau: “Không ai có thể làm tôi hai chủ, vì hoặc sẽ ghét chủ này mà yêu chủ kia, hoặc sẽ gắn bó với chủ này mà khinh dể chủ nọ. Anh em không thể vừa làm tôi Thiên Chúa vừa làm tôi Tiền Của được” (Mt 6:24). Trong những lời này, Chúa Giêsu khuyến cáo các môn đệ rằng các ông không thể phục vụ Thiên Chúa với một con tim bị phân chia. Hay nói cách tích cực hơn, Chúa Giêsu mời gọi các môn đệ phải tạo cho mình một chọn lựa nền tảng để yêu Thiên Chúa trên tất cả mọi sự và tất cả những thứ khác chỉ có giá trị bao lâu chúng được hướng dẫn bởi tình yêu của Thiên Chúa. Theo lối nói của người Do Thái, “Tiền Của” là “đối thủ” của Thiên Chúa, và nó có thể là bất cứ cái gì và bất cứ người nào. Qua điểm đầu tiên này, Chúa Giêsu mời gọi chúng ta hãy xem xét lại tình yêu của chúng ta dành cho Ngài. Nhiều khi chúng ta yêu Ngài với một con tim bị phân chia. Chúng ta không yêu Ngài cách trọn vẹn vì chúng ta để cho một điều gì đó hay một người nào đó làm chủ mình đến nỗi chúng ta xem Thiên Chúa như “kẻ thù” vì Ngài cướp mất khỏi chúng ta một khoảng thời gian và “niềm vui chóng qua” mà chúng ta có với vật đó hoặc với người đó. Tuy nhiên, xét cho cùng nguyên nhân chúng ta đến với Chúa bằng một con tim nửa vời là vì chúng ta luôn lo lắng cơm áo gạo tiền cho mình và cho gia đình. Trong bối cảnh này, Chúa Giêsu hướng các môn đệ [và chúng ta] về sự chăm sóc và quan phòng đầy yêu thương của Thiên Chúa. Đây là đề tài thứ hai mà Chúa Giêsu nói với các môn đệ được thuật lại trong bài Tin Mừng hôm nay.
Theo các học giả Kinh Thánh, phần 2 trong bài Tin Mừng hôm nay giả định lời dạy của Chúa Giêsu được đặt trong bối cảnh thịnh vượng của vùng Galilee và sự vô cảm đối với những nơi thiếu thốn. Bên cạnh đó, có thể Chúa Giêsu ám chỉ đến việc sửa dạy những người trẻ có sở thích khám phá những giới hạn sự hiện hữu của con người, những điều cần thiết và những giá trị đích thật cho đời sống. Điều này được thể hiện qua việc Chúa Giêsu bình phẩm trên những nhu cầu căn bản của con người như ăn, uống, mặc. Những điều này có thể trở thành ngẫu tượng cho những người chạy theo chúng. Tư tưởng này liên kết chúng ta với lời dạy trong phần đầu của bài Tin Mừng, đó là phải chọn lựa Thiên Chúa chứ không phải ngẫu tượng. Calvin định nghĩa ngẫu tượng là bất cứ điều gì đứng giữa chúng ta và Thiên Chúa; theo nghĩa này, tâm trí con người là một “nhà máy” sản sinh ra ngẫu tượng. Thật vậy, khi quá bận tâm và lo lắng cho một chuyện gì, chúng ta biến điều đó trở thành “ngẫu tượng” vì nó “thống trị” tư tưởng, lời nói, việc làm và cuộc sống của chúng ta. Điều gì đang thống trị chúng ta: Thiên Chúa hay một lo lắng nào đó?
Thuật ngữ quan trọng nhất trong phần 2 của bài Tin Mừng hôm nay là “lo lắng.” Ai trong chúng ta cũng lo lắng. Tuy nhiên, thuật ngữ “lo lắng” (merimnao) được sử dụng ở đây không mang nghĩa “lo lắng” như chúng ta thường hiểu, mà được hiểu theo nghĩa “quan tâm đến,” “suy nghĩ về nó.” Nói cách khác, từ “lo lắng” mà Chúa Giêsu nói ở đây được hiểu theo nghĩa “bị mất hút vào” hay “bị thống trị.” Khi chúng ta “lo lắng” theo nghĩa này, chúng ta không còn nghĩ đến gì khác; chúng ta loại trừ tất cả những thứ khác ra khỏi cuộc đời chúng ta. Đây là nguy hiểm mà Chúa Giêsu khuyên các môn đệ đừng bị rơi vào. Nếu đọc kỹ đoạn trích này, chúng ta nhận ra lối viết “bánh mì kẹp” quen thuộc. Câu 25 và câu 34 tạo thành một inclusio (lối viết bao gồm hay bánh mì kẹp): Điều duy nhất Chúa Giêsu khuyên các môn đệ là: “Đừng lo lắng.” Ngài muốn các môn đệ không lo lắng về hiện tại [câu 25: cho mạng sống] và cho tương lai [câu 34: cho ngày mai]. Còn những câu ở giữa (câu 26-33) nhằm mục đích củng cố niềm tin của các môn đệ vào sự quan phòng của Thiên Chúa bằng cách sử dụng những ví dụ lấy từ thiên nhiên hoặc lịch sử. Qua những chi tiết này, Chúa Giêsu muốn nói với chúng ta rằng: hãy nhìn thiên nhiên và lịch sử đời mình, Thiên Chúa đã chăm sóc mọi loài và chúng ta trong quá khứ và hiện tại. Ngài sẽ tiếp tục chăm sóc chúng ta trong tương lai. Tại sao chúng ta lại kém lòng tin và “để cho những của cải và thú vui trần thế” chiếm mất chỗ của Chúa trong cuộc đời chúng ta: “Trước hết hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa và đức công chính của Người, còn tất cả những thứ kia, Người sẽ thêm cho. Vậy, anh em đừng lo lắng về ngày mai: ngày mai, cứ để ngày mai lo. Ngày nào có cái khổ của ngày ấy” (Mt 6:33-34).
Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Dũng, SDB