Suy Niệm Lời Chúa – Chúa Nhật Tuần XIII – Mùa Thường Niên- Hãy Để Chúa Giêsu Chạm Đến Chúng Ta

(Kn 1:13-15; 2:23-24; 2 Cr 8:7.9.13-15; Mc 5:21-43)

Bài đọc 1 trình bày cho chúng ta về việc Đức Khôn Ngoan giúp những người công chính biết được mầu nhiệm Thiên Chúa trong công trình sáng tạo [nhất là trong việc sáng tạo con người]. Với sự khôn ngoan được trao ban, con người nhận ra rằng:  “Thiên Chúa không làm ra cái chết, chẳng vui gì khi sinh mạng tiêu vong. Vì Người đã sáng tạo muôn loài cho chúng hiện hữu, mọi loài thọ tạo trên thế giới đều hữu ích cho sinh linh, chẳng loài nào mang độc chất huỷ hoại. Âm phủ không thống trị địa cầu. Quả vậy, đức công chính thì trường sinh bất tử” (Kn 1:13-15). Những lời này khẳng định rằng cái chết là định mệnh của con người, nhưng không phải do Thiên Chúa làm ra. Nhưng là do con người sử dụng tự do của mình để tách mình ra khỏi Thiên Chúa, Đấng là nguồn mạch sự sống. Bên cạnh đó, tác giả sách Khôn Ngoan còn trình bày cho chúng ta biết trong ý định sáng tạo của Thiên Chúa, mỗi loài thọ tạo đều hữu ích cho con người. Như thế, sự vật trở nên xấu hoặc tốt tuỳ thuộc vào cách sử dụng của con người có thích hợp với ý định của Thiên Chúa hay không. Chi tiết này nhắc nhở chúng ta về cách sử dụng những gì được Thiên Chúa ban cho để đạt đến đức công chính mang lại cho chúng ta trường sinh bất tử trong tình yêu Thiên Chúa.

Bên cạnh đó, tác giả sách Khôn Ngoan còn khẳng định rằng: Những người được Đức Khôn Ngoan hướng dẫn sẽ nhận ra rằng: “Thiên Chúa đã sáng tạo con người cho họ được trường tồn bất diệt. Họ được Người dựng nên làm hình ảnh của bản tính Người” (Kn 2:23). Tuy nhiên, những người này sẽ phải đối diện với một thực tại là: “Nhưng chính vì quỷ dữ ganh tị mà cái chết đã xâm nhập thế gian. Những ai về phe nó đều phải nếm mùi cái chết” (Kn 2:24). Như chúng ta đã nói ở trên, cái chết là định mệnh của mỗi người. Tuy nhiên, sau khi chết, chúng ta sẽ như thế nào? Tác giả sách Khôn Ngoan trình bày cho chúng ta điều gì xảy ra cho những người theo Chúa và những người theo quỷ dữ. Đối với những người theo Chúa, linh hồn của họ “ở trong tay Thiên Chúa và chẳng cực hình nào động tới được nữa” (Kn 3:1); ngược lại, những người theo quỷ dữ, “khi họ ra đi, chúng cho là họ gặp phải điều vô phúc” (Kn 3:2). Chúng ta sẽ như thế nào khi từ giã cõi đời này ra đi? Ở trong tay Thiên Chúa hay sẽ gặp phải điều vô phúc [trong hoả ngục]?

Trong bài đọc 1 hôm nay, Thánh Phaolô kể cho các tín hữu Côrintô biết về Hội Thánh ở Makêđônia. Những tín hữu ở đây với ân huệ của Thiên Chúa đã chứa chan niềm vui dù phải trải qua nhiều nỗi gian truân, trở nên những người giàu lòng quảng đại giữa cảnh khó nghèo cùng cực (x. 2 Cr 8:2). Qua hình ảnh này, Thánh Phaolô mời gọi các tín hữu Côrintô trở nên quảng đại trong việc đóng góp cho công việc phục vụ Tin Mừng. Nếu chúng ta đọc kỹ bài đọc 1, chúng ta thấy Thánh Phaolô dùng hai hình ảnh cụ thể để mời gọi tín hữu Côrintô trở nên quảng đại trong việc lạc quyên, đó là ngài mở đầu với gương sáng của Hội Thánh ở Makêđônia và kết với lòng quảng đại của Đức Giêsu Kitô (x. 2 Cr 8:9). Một cách cụ thể, trước khi mời gọi các tín hữu Côrintô quảng đại, Thánh Phaolô khen họ về sự trổi vượt về “đức tin, lời giảng, sự hiểu biết, lòng nhiệt thành trong mọi lãnh vực, và về lòng bác ái mà anh em đã học được nơi chúng tôi” (2 Cr 8:7). Kế đến thánh nhân mời gọi họ cũng quảng đại về những cuộc lạc quyên (x. 2 Cr 8:7). Tuy nhiên sự quảng đại của họ phải là sự phản chiếu của sự quảng đại của Chúa Giêsu: “Quả thật, anh em biết Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, đã có lòng quảng đại như thế nào: Người vốn giàu sang phú quý, nhưng đã tự ý trở nên nghèo khó vì anh em, để lấy cái nghèo của mình mà làm cho anh em trở nên giàu có” (2 Cr 8:9). Điều này có gì đáng để chúng ta suy gẫm không? Chi tiết này ngụ ý rằng: những gương sáng cụ thể trong đời sống thường ngày là một luận chứng hùng hồn nhất để mời gọi người khác đóng góp vào công việc phục vụ dân thánh. Hãy nên gương sáng cho nhau vì chính Chúa Giêsu cũng đã để lại cho chúng ta một gương sáng trong yêu thương: Ngài yêu chúng ta ngay cả khi chúng ta còn là những tội nhân.

Bài Tin Mừng hôm nay thuật lại cho chúng ta việc Chúa Giêsu chữa lành con gái của viên trưởng hội đường tên là Giaia. Tuy nhiên, trong câu chuyện chữa lành này được lồng vào một câu chuyện chữa lành khác, đó là việc chữa lành người đàn bà bị bệnh băng huyết. Một cách cụ thể, trong bài Tin Mừng, một phép lạ chữa lành khác [chữa lành người đàn bà bị băng huyết] được đặt vào giữa hai phần của câu chuyện chữa người con gái vị thủ lãnh. Hai người phụ nữ được chữa lành. Điểm đáng lưu ý ở đây về hai người phụ nữ này là một người “chủ động” trong việc tìm kiếm sự chữa lành từ Chúa Giêsu, còn người kia thì “bị động,” nên người cha là người đến xin chữa lành; một người đã trưởng thành, còn một người trong tuổi vị thành niên. Chúng ta phân tích hai câu chuyện chữa lành này để khám phá ra sứ điệp Chúa Giêsu nói với chúng ta ngày hôm nay.

Trong câu chuyện chữa lành người con gái vị thủ lãnh, chi tiết quan trọng đầu tiên là lời thỉnh cầu của người cha: “Con bé nhà tôi gần chết rồi. Xin Ngài đến đặt tay lên cháu, để nó được cứu chữa và được sống” (Mc 5:23).  Trong câu này, Thánh Máccô  đề cao đức tin của viên trưởng hội đường bằng việc đặt vào miệng ông lời chân nhận sau: “con bé nhà tôi gần chết rồi.” Chi tiết này khác với các Tin Mừng Nhất Lãm khác [“con gái tôi đã chết”]. Khi nghe ông nài xin, Chúa Giêsu “liền ra đi với ông. Một đám rất đông đi theo và chen lấn Người” (Mc 5:24). Tại sao Chúa Giêsu lại đi khi đã biết con ông thủ lãnh đã gần chết? Tại sao các môn đệ không ngăn cản Ngài vì đây không đơn giản chỉ là chữa bệnh mà làm cho người sắp chết sống lại? Điều này được lý giải qua câu chuyện được thêm vào ở giữa, đó là việc chữa lành người đàn bà bị băng huyết.

Theo luật Do Thái, người bị băng huyết là người luôn sống trong tình trạng ô uế. Giống như người phong cùi, người đàn bà trong bài Tin Mừng hôm nay thuộc thành phần bị loại ra bên lề xã hội. Trong Acts of Pilate (“Công vụ của Philatô”), người đàn bà này có tên là Bernice. Sử gia Eusebius thuật lại câu chuyện này. Ông cho rằng bà là một người ngoại giáo từ Caesarea Philippi. Trong bài Tin Mừng, hành vi của bà nói đến một niềm tin lớn lao hơn cả niềm tin của vị thủ lãnh. Niềm tin của bà không diễn tả ra bên ngoài, nhưng âm thầm mãnh liệt bên trong. Bà không muốn Chúa Giêsu bị “ô uế” vì nếu bà xin Chúa Giêsu, mà Ngài chạm đến bà thì Ngài sẽ bị ô uế. Thay vì để Chúa Giêsu chạm đến mình, bà “chạm” vào Chúa Giêsu: “Tôi mà sờ được vào áo choàng của Người thôi, là sẽ được cứu chữa!” (Mc 5:28). Đây là một hành vi hoàn toàn khác với các lần Chúa Giêsu chữa lành. Thường Chúa Giêsu chạm đến người muốn được chữa lành, còn trong trường hợp này, bà là người chạm. Ngay khi bà chạm vào Chúa Giêsu, bà được “thanh sạch”: “Tức khắc, máu cầm lại, và bà cảm thấy trong mình đã được khỏi bệnh” (Mc 5:29). Chạm đến Chúa Giêsu làm cho bà được thanh sạch! Chúng ta có chạm đến Chúa không? Mỗi khi rước lễ [mỗi khi cầu nguyện], chúng ta chạm đến Chúa Giêsu. Nhưng chúng ta có trở nên thanh sạch không? Tuy nhiên, điều chúng ta lưu ý ở đây là hình ảnh máu. Theo người Do Thái, máu là hình ảnh của sự sống. Như vậy, mất máu [băng huyết] đồng nghĩa với chết, chứ không chỉ mang nghĩa ô uế. Nói cách khác, người phụ nữ “sống như đã chết.” Thật vậy, bà đã chết với người khác vì bà “muôn đời” bị xem là người ô uế, người bị loại ra khỏi đời sống cộng đoàn. Khi Chúa Giêsu chữa lành bà, Ngài mang lại sự sống cho bà. Chúa Giêsu đã làm cho bà sống lại, hội nhập bà vào đời sống cộng đoàn [là yếu tố “sống còn” của con người được hiểu trong thời gian đó]. Nhìn từ khía cạnh này, khi chữa lành người đàn bà bị băng huyết, Chúa Giêsu khẳng định rằng Ngài có quyền năng làm cho người chết sống lại [ngài có thể ban sự sống].

Thật vậy, câu chuyện chữa người đàn bà băng huyết nói đến quyền năng của Chúa Giêsu có thể mang lại sự sống. Chi tiết này chuẩn bị thính giả đón nhận mà không nghi ngờ việc Chúa Giêsu cho người con gái của vị thủ lãnh trỗi dậy. Trong câu nói: “Sao lại ồn ào và khóc lóc như vậy? Đứa bé có chết đâu, nó ngủ đấy!” (Mc 5:39). Chúa Giêsu đưa ra cho chúng ta một định nghĩa về sự chết. Đối với Ngài, sự chết được xem như “tình trạng ngủ.” Tuy nhiên, chi tiết đáng lưu ý là “Người cầm lấy tay nó và nói: ‘Talitha kum,’ có nghĩa là: ‘Này bé, Thầy truyền cho con: trỗi dậy đi!’ Lập tức con bé đứng dậy và đi lại được, vì nó đã mười hai tuổi. Và lập tức, người ta sửng sốt kinh ngạc” (Mc 5:41-42). Chi tiết này hoàn toàn trái ngược với việc chữa lành người đàn bà bị băng huyết: Ngài chạm đến con bé và nó được chữa lành [sống lại] – người đàn bà băng huyết chạm vào Chúa Giêsu và bà được chữa lành [sống lại]. Hai chi tiết này nói với chúng ta một điều: Chạm đến Chúa Giêsu hay được Chúa Giêsu chạm đến đều mang lại một hiệu quả, đó là ơn chữa lành, sự sống của Ngài. Nhiều lúc trong cuộc đời, chúng ta mệt mỏi không đủ sức để chạm đến Chúa, hãy để Chúa chạm đến chúng ta. Hãy “cho phép” Chúa Giêsu yêu chúng ta trong những khi chúng ta thất vọng, không còn “yêu Ngài đủ”!

Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Dũng, SDB