(Am 9:11-15; Mt 9:14-17)
Lời tuyên sấm của Amốt trong bài đọc 1 hôm nay mang một sắc thái thật an ủi cho con cái Israel. Đồng thời, lời tuyên sấm cũng nói lên tình yêu và sự trung thành của Thiên Chúa dành cho nhà Đavít. Một cách cụ thể hơn, bài đọc 1 nói về “Ngày của Đức Chúa.” Trong ngày đó, Đức Chúa sẽ thực hiện hai điều: (1) Ngài sẽ khôi phục lại nhà Đavít: “Trong ngày ấy, Ta sẽ dựng lại lều xiêu vẹo của Đavít, bít kín các lỗ hổng của tường thành, tái thiết những gì đã tan hoang, xây dựng nó như những ngày xưa cũ; để chúng được chiếm hữu số sót của Êđôm và của tất cả các dân tộc đã được mang danh Ta” (Am 9:11-12); (2) Ngài sẽ vun trồng, chăm sóc vườn nho là Israel để nó sinh nhiều hoa trái: “Này đây sắp đến những ngày – sấm ngôn của Đức Chúa – thợ cày nối gót thợ gặt, kẻ đạp nho tiếp bước người gieo giống; núi đồi sẽ ứa ra nước cốt nho, và mọi gò nỗng sẽ tuôn chảy. Ta sẽ đổi vận mạng của Israel dân Ta: chúng sẽ tái thiết những thành phố điêu tàn và định cư ở đó; chúng sẽ uống rượu vườn nho mình trồng, ăn thổ sản vườn mình canh tác. Ta sẽ trồng chúng lại trên đất xưa chúng ở, và chúng sẽ không còn bị bứng đi khỏi thửa đất Ta đã ban cho chúng” (Am 9:13-15). Hình ảnh Đức Chúa được vẽ lên trong lời sấm của Amốt là Đức Chúa luôn “khôi phục” những gì đã bị phá huỷ và “vun trồng, chăm sóc” những gì không sinh hoa trái. Chúng ta cũng thường gặp hình ảnh của một Thiên Chúa như thế trong đời sống hằng ngày. Ngài cũng tìm cách khôi phục lại những tương quan [với Ngài và với người khác] mà chúng ta đã làm đổ vỡ bởi sự chai đá của con tim chúng ta. Bên cạnh đó, Ngài cũng “vun trồng, chăm sóc” để chúng ta sinh hoa trái yêu thương và công bình. Liệu chúng ta có để cho Thiên Chúa khôi phuc, vun trồng và chăm sóc chúng ta không?
Bài Tin Mừng hôm nay thuật lại cuộc đối thoại giữa Chúa Giêsu và các môn đệ ông Gioan về vấn đề ăn chay. Chúng ta cũng tìm thấy trình thuật này trong Tin Mừng Thánh Máccô (2:18-22). Trong câu chuyện này, chúng ta sẽ nhìn thấy một Đức Kitô thật kỳ diệu. Chúng ta thấy trong trích đoạn có hai phần, (1) cuộc đối thoại mang tính tranh luận (câu 14-15) và (2) hai dụ ngôn nhỏ (câu 16-17). Sợi dây nối kết hai phần chính là sự khác biệt mà sự hiện diện của Chúa Giêsu mang lại.
Trong phần 1, chúng ta thấy sự tế nhị của người hỏi. Họ không hỏi về việc ăn chay của Chúa Giêsu, mà của các môn đệ: “Tại sao chúng tôi và các người Pharisêu ăn chay, mà môn đệ ông lại không ăn chay?” (Mt 9:14). Tuy nhiên, trong câu hỏi này, người hỏi một cách gián tiếp hỏi Chúa Giêsu về việc ăn chay của Ngài. Trước câu hỏi của họ, Chúa Giêsu không trả lời trắng đen, mà sử dụng hình ảnh để giúp họ hiểu ý nghĩa của việc ăn chay: “Chẳng lẽ khách dự tiệc cưới lại có thể than khóc, đang khi chàng rể còn ở với họ? Nhưng khi tới ngày chàng rể bị đem đi khỏi họ, bấy giờ họ mới ăn chay” (Mt 9:15). Trong những lời này, Thánh Mátthêu cho biết việc ăn chay là một dấu chỉ của sự than khóc [than khóc cho tội của mình, than khóc cho những bất hạnh xảy ra cho dân]. Chúa Giêsu so sánh các môn đệ của mình như là những khách được mời đi dự tiệc cưới, là những người được tham dự vào một sự kiện tràn đầy niềm vui. Trong lối giải thích của các rabbi, chàng rể thường được hiểu chính là Thiên Chúa. Nhìn từ khía cạnh này, Chúa Giêsu muốn nói rằng: Những ai có Thiên Chúa bên cạnh [trong lòng], luôn sống vui tươi. Chi tiết này mời gọi chúng ta nhìn lại đời sống của mình. Chúng ta tự hào đã theo Chúa nhiều năm, chúng ta có thật sự có Chúa trong cuộc đời mình không? Những người có Chúa luôn sống với niềm vui sâu kín trong tâm hồn dù phải gặp nhiều gian nan thử thách.
Để chứng tỏ sự khác biệt mà sự hiện diện của mình mang lại, Chúa Giêsu dùng hai dụ ngôn nhỏ sau: “Chẳng ai lấy vải mới mà vá áo cũ, vì miếng vá sẽ co lại, khiến chỗ rách lại càng rách thêm. Người ta cũng không đổ rượu mới vào bầu da cũ, vì như vậy, bầu sẽ bị nứt: rượu chảy ra và bầu cũng hư. Nhưng rượu mới thì đổ vào bầu mới: thế là giữ được cả hai” (Mt 9:16-17). Qua những lời này, Chúa Giêsu mời gọi thính giả của Ngài phải có thái độ tương xứng với những sự kiện Thiên Chúa thực hiện trong lịch sử. Chỉ những người có tấm lòng rộng mở, biết kinh ngạc trước những điều mới Thiên Chúa thực hiện mới có thể nhận ra và đón nhận những biểu hiện của Nước Trời [của sự hiện diện của Thiên Chúa]. Đừng đóng kín chính mình trong lối nhìn thiển cận của mình, nhưng rộng mở cõi lòng để nhận ra sự hiện diện mới mẻ của Thiên Chúa trong từng giây phút sống của cuộc đời chúng ta.
Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Dũng, SDB