Suy Niệm Lời Chúa – Thứ Năm sau Chúa Nhật XIV Thường Niên – Ra Đi Mang Tin Mừng Nước Trời

(Hs 11:1.3-4.5c.8ac-9; Mt 10:7-15)

Tình yêu trung thành của Thiên Chúa dành cho con cái Israel được diễn tả trong những ngôn từ đầy cảm xúc trong bài đọc 1 hôm nay. Đức Chúa đã yêu Israel ngay từ thời niên thiếu; Ngài đã chọn, đã gọi, đã dẫn dắt và đối xử đầy yêu thương với Israel: “Khi Israel còn non trẻ, Ta đã yêu nó, từ Aicập Ta đã gọi con Ta về. Ta đã tập đi cho Épraim, đã đỡ cánh tay nó, nhưng chúng không hiểu là Ta chữa lành chúng. Ta lấy dây nhân nghĩa, lấy mối ân tình mà lôi kéo chúng. Ta xử với chúng như người nựng trẻ thơ, nâng lên áp vào má; Ta cúi xuống gần nó mà đút cho nó ăn” (Hs 11:1-4). Với tình yêu tràn đầy và sâu đậm, Đức Chúa đã yêu thương Israel. Ngài mong ước Israel đáp trả lại với tình yêu. Nhưng Israel đã không chịu về với Đức Chúa (x. Hs 11:5c). Nhưng dù cho Israel không trở về với Ngài, Đức Chúa vẫnn trung thành với tình yêu của Ngài: “Hỡi Épraim, Ta từ chối ngươi sao nổi! Hỡi Israel, Ta trao nộp ngươi sao đành! Trái tim Ta thổn thức, ruột gan Ta bồi hồi. Ta sẽ không hành động theo cơn nóng giận, sẽ không tiêu diệt Épraim nữa, vì Ta là Thiên Chúa, chứ không phải người phàm. Ở giữa ngươi, Ta là Đấng Thánh, và Ta sẽ không đến trong cơn thịnh nộ” (Hs 11:8ac-9). Hình ảnh trung thành của Thiên Chúa làm chúng ta nhìn lại tình yêu của mình dành cho Ngài. Trong cuộc sống thường ngày, chúng ta biết và cảm nghiệm cách sâu xa tình yêu Thiên Chúa. Chúng ta biết Ngài yêu chúng ta ngay từ khi chúng ta vừa mới hình thành trong dạ mẫu thân; Ngài đồng hành với chúng ta qua từng ngày sống với tình yêu quan phòng của Ngài; Ngài nâng niu, ấp ủ chúng ta như mẹ hiền ấp ủ con thơ. Nhưng nhiều lần chúng ta đã không đáp lại tình Ngài. Chúng ta đặt tình yêu của mình vào những thứ chóng qua của trần thế. Dù chúng ta không trung thành với Thiên Chúa, nhưng Thiên Chúa luôn trung thành với tình yêu của Ngài dành cho chúng ta. Hãy trở về và để tình yêu trung thành của Thiên Chúa chiếm lấy chúng ta!

Chúng ta đã nghe trong bài Tin Mừng hôm qua về việc Chúa Giêsu dạy các môn đệ phải đi rao giảng ở đâu [“Anh em đừng đi tới các vùng dân ngoại, cũng đừng vào thành nào của người Samari”] và rao giảng cho ai [“đến với các con chiên lạc Israel”]. Trong bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu tiếp tục dạy các môn đệ phải rao giảng gì: “Nước Trời đã đến gần” (Mt 10:7), và phải làm gì: “Anh em hãy chữa lành người đau yếu, làm cho kẻ chết trỗi dậy, cho người mắc bệnh phong được sạch, và khử trừ ma quỷ. Anh em đã được cho không, thì cũng phải cho không như vậy. Đừng kiếm vàng bạc hay tiền đồng để giắt lưng. Đi đường, đừng mang bao bị, đừng mặc hai áo, đừng đi giày dép hay cầm gậy. Vì thợ thì đáng được nuôi ăn” (Mt 10:8-10). Nếu để ý, chúng ta nhận ra rằng sứ điệp các môn đệ rao giảng chính là sứ điệp về Nước Trời mà Gioan Tẩy Giả và Chúa Giêsu đã rao giảng. Điều này cho thấy họ không rao giảng sứ điệp của chính mình, nhưng chỉ rao giảng sứ điệp mà Thiên Chúa muốn. Đây là chi tiết đầu tiên chúng ta cần suy gẫm trong bài Tin Mừng hôm nay. Ai trong chúng ta cũng được mời gọi để rao giảng sứ điệp Nước Trời qua lời nói và hành động. Tuy nhiên, chúng ta phải ý thức rằng, sứ điệp chúng ta rao giảng là sứ điệp mà Chúa Giêsu đã rao giảng. Nói cách khác, lời ăn tiếng nói và hành động của chúng ta phải giống với Chúa Giêsu. Chúng ta đã thực hiện điều này như thế nào?

Trong phần 1 nói về những điều cần phải làm, Thánh Mátthêu dường như dùng một câu trích từ thư của Thánh Phaolô (x. Rm 3:24; 2 Cr 11:7). Câu “anh em đã được cho không” nói về sự thật của ơn cứu độ là điều rất quan trọng cho hết mọi người mà các môn đệ phải rao giảng dù người nghe của họ là ai và người nghe có khả năng để trả tiền hay không. Câu này được cân bằng bởi câu 10b: “thợ thì đáng được trả công.” Câu 10b ám chỉ việc người tông đồ cần phải sống, nhưng sống trên sự “bố thí” mà người khác trả cho. Sự đối kháng giữa hai nguyên tắc này [cho không-đáng được trả] không tuyệt đối, nhưng chúng rất khó để cân bằng trong đời sống thực tế. Thực tế cho thấy, nhiều người luôn cho không, phục vụ hết mình, nhưng đến một lúc nào đó lại thấy khó chịu, rồi tự hỏi: tại sao tôi phải làm trong khi người khác lại “ngồi chơi sơi nước.” Từ đó, chúng ta bắt đầu so đo tính toán “chi li.” Hệ quả là chúng ta bắt đầu đòi được “trả công,” không phải [chỉ] bằng tiền, nhưng bằng những tiếng khen, những tràng pháo tay. Hai nguyên tắc này chỉ được cân bằng khi người môn đệ có Chúa: người môn đệ cho không mọi sự để được Thiên Chúa trả công!

Trong hành trình rao giảng, Chúa Giêsu đưa ra cho các môn đệ một danh sách những vật dụng mà họ cần cho hành trình rao giảng. Những thứ này là những gì cần thiết cho một chuyến đi: “Đừng kiếm vàng bạc hay tiền đồng để giắt lưng. Đi đường, đừng mang bao bị, đừng mặc hai áo, đừng đi giày dép hay cầm gậy.” Danh sách này có điểm khác biệt so với bản văn tương ứng trong Tin Mừng Thánh Máccô (6:8-11). Trong Tin Mừng Thánh Máccô, các môn đệ được mang giày và gậy [để đuổi thú dữ và kẻ cướp]. Thánh Mátthêu trình bày việc Chúa Giêsu đưa ra luật khắt khe này nhằm mục đích nhấn mạnh đến sự khẩn cấp của sứ mệnh. Chi tiết này bổ sung cho ý trên, đó là cho nhưng không và nhận những gì người khác ban tặng. Điều này nhắc nhở chúng ta rằng khi đi rao giảng, chúng ta không tìm kiếm hay mong ước người khác trả công cho mình bằng “vàng bạc” hay “tiền đồng để giắt lưng.” Chúng ta tìm kiếm Nước Thiên Chúa trước, còn những sự khác sẽ ban cho chúng ta sau. Không có một sự trả công nào đẹp cho bằng thấy những người chúng ta phục vụ được hạnh phúc và đạt đến ơn cứu độ.

Phần 2 tập trung vào việc các môn đệ phải làm trong khi rao giảng. Việc Chúa Giêsu dặn các môn đệ vào bất cứ thành nào hay làng nào ám chỉ việc các môn đệ phải lệ thuộc vào sự quảng đại và đón nhận của người địa phương. Họ chia sẻ trong cuộc sống của người dân, những người mà họ được sai đến – với tất cả những nguy hiểm và bất tiện trong cuộc sống mà việc rao giảng đòi hỏi. Khi sống với những người được sai đến, người môn đệ phải trở thành sứ giả của bình an: “Vào nhà nào, anh em hãy chào chúc bình an cho nhà ấy. Nếu nhà ấy xứng đáng, thì bình an của anh em sẽ đến với họ; còn nếu nhà ấy không xứng đáng, thì bình an của anh em sẽ trở về với anh em” (Mt 10:12-13). Xây dựng bình an là một trong các mối phúc thật: “Phúc cho những ai xây dựng hoà bình, vì họ sẽ được gọi là con Thiên Chúa” (Mt 5:9). Khi đem bình an đến cho người khác, chúng ta không chỉ đơn giản là người môn đệ của Chúa Giêsu, nhưng còn là người con của Thiên Chúa. Hãy là người mang bình an, hoà bình cho người khác. Đừng là nguyên nhân chia rẽ!

Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Dũng, SDB