(Is 1:10-17; Mt 10:34 – 11:1)
Trong bài đọc 1 hôm nay, Ngôn sứ Isaia nói cho “những kẻ làm đầu Xơđôm” và “dân Gômôra” về lời sấm của Đức Chúa liên quan đến đời sống thờ phượng của họ, nhất là hy lễ và đời sống cầu nguyện: “Ngần ấy hy lễ của các ngươi, đối với Ta, nào nghĩa lý gì? Lễ toàn thiêu chiên cừu, mỡ bê mập, Ta đã ngấy. Máu bò, máu chiên dê, Ta chẳng thèm! Khi các ngươi đến trình diện Ta, ai khiến các ngươi phải giẫm lên khuôn viên của Ta? Thôi, đừng đem những lễ vật vô ích đến nữa. Ta ghê tởm khói hương; Ta không chịu nổi ngày đầu tháng, ngày sabát, ngày đại hội, không chịu nổi những người cứ phạm tội ác rồi lại cứ lễ lạc linh đình. Ta chán ghét những ngày đầu tháng, những đại lễ của các ngươi. Những thứ đó đã trở thành gánh nặng cho Ta, Ta không chịu nổi nữa. Khi các ngươi dang tay cầu nguyện, Ta bịt mắt không nhìn; các ngươi có đọc kinh cho nhiều, Ta cũng chẳng thèm nghe. Vì tay các ngươi đầy những máu” (Is 1:11-15). Những hy lễ và lời kinh dâng lên Đức Chúa không còn ý nghĩa và bị Đức Chúa chán ghét vì chúng là sản phẩm của bất công, chèn ép những người nghèo khổ. Đức Chúa mời gọi dân từ bỏ lối sống bất công và tập làm điều thiện: “Hãy rửa cho sạch, tẩy cho hết, và vứt bỏ tội ác của các ngươi cho khỏi chướng mắt Ta. Đừng làm điều ác nữa. Hãy tập làm điều thiện, tìm kiếm lẽ công bình, sửa phạt người áp bức, xử công minh cho cô nhi, biện hộ cho quả phụ” (Is 1:16-17). Chi tiết trên mời gọi chúng ta xét duyệt lại đời sống thờ phượng của mình. Nhiều lần chúng ta đến với Chúa với nhiều hy lễ, nhưng lối sống của chúng ta lại không theo đường lối của Ngài. Chúng ta thờ phượng Chúa nhưng trong lòng còn ghen ghét, hiềm khích, tính toán lợi lộc hơn thua. Điều Chúa ưa thích chính là một cuộc sống hoàn toàn tuân theo huấn lệnh của Ngài. Đây chính là ý nghĩa của những điều Chúa Giêsu nói trong bài Tin Mừng hôm nay.
Bài Tin Mừng hôm nay bắt đầu với những lời có vẻ “khó chấp nhận” [và khó giải thích] của Chúa Giêsu: “Anh em đừng tưởng Thầy đến đem bình an cho trái đất; Thầy đến không phải để đem bình an, nhưng để đem gươm giáo. Quả vậy, Thầy đến để gây chia rẽ giữa con trai với cha, giữa con gái với mẹ, giữa con dâu với mẹ chồng. Kẻ thù của mình chính là người nhà” (Mt 10:34-36). Trong những lời trên, chúng ta thấy công thức quan trọng “Thầy đến.” Công thức này được tìm thấy ba lần ở đây để nhấn mạnh đến sứ vụ của Chúa Giêsu, đó là mang lại đời sống rao giảng Nước Trời không thoả hiệp với những lối sống ngược với Tin Mừng. Đây chính là điềm mang lại sự “chia rẽ” trong gia đình: Những người sống triệt để với giá trị Tin Mừng để trở thành môn đệ Chúa Giêsu và những người không sống triệt để [nửa vời] cho Nước Trời. Để hoàn toàn sống triệt để cho Nước Trời, Chúa Giêsu đưa ra những điều kiện cụ thể. Những điều kiện để theo Chúa Giêsu là gì? Chúng ta tìm thấy trong trình thuật Tin Mừng hôm nay như sau: “Khi ấy, Đức Giêsu nói với các môn đệ rằng: ‘Ai yêu cha yêu mẹ hơn Thầy, thì không xứng đáng với Thầy. Ai yêu con trai con gái hơn Thầy, thì không xứng đáng với Thầy. Ai không vác thập giá mình mà theo Thầy, thì không xứng đáng với Thầy. Ai tìm giữ mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai liều mất mạng sống mình vì Thầy, thì sẽ tìm thấy được’” (Mt 10:37-39). Trong những lời trên, Chúa Giêsu mời gọi các môn đệ sống triệt để ơn gọi làm môn đệ. Theo các học giả Kinh Thánh, những lời trên cũng ám chỉ đến sự thanh khiết vì Nước Trời, một đòi hỏi cho việc sống triệt để ơn gọi của người môn đệ Chúa Giêsu. Một cách cụ thể, Chúa Giêsu muốn người môn đệ đặt tương quan của mình với Ngài lên trên tương quan ruột thịt [với cha mẹ], lên trên tương quan vợ chồng [với con trai con gái], và lên trên tương quan với chính mình [thập giá và mạng sống]. Trong cuộc sống, nhiều lần chúng ta đặt tương quan với những người thân lên trên tương quan với Thiên Chúa. Chúng ta sợ làm mất lòng con người hơn là mất lòng Thiên Chúa. Chi tiết này mời gọi chúng ta sống triệt để với ơn gọi và mối tương quan của mình với Chúa. Chỉ những ai có mối tương quan thân thiện với Thiên Chúa, thì mới biết cách cư xử yêu thương với anh chị em mình.
Chúa Giêsu bắt đầu nói về những phần thưởng của người môn đệ với câu khẳng định sau: “Ai đón tiếp anh em là đón tiếp Thầy, và ai đón tiếp Thầy là đón tiếp Đấng đã sai Thầy” (Mt 10:40). Chúng ta thấy một “tính bắc cầu” trong lời khẳng định của Chúa Giêsu. Câu này rất quan trọng bởi vì nó giải thích bản chất của ơn gọi tông đồ [tông truyền] dựa trên nguyên tắc quản trị mang tính pháp lý của người sứ giả trong tư tưởng của người Do Thái: “Sứ giả của một người chính là người đó.” Những lời này đào sâu nền tảng tôn giáo của việc tông đồ qua việc tìm thấy nguồn gốc của việc tông đồ tuyệt đối đến từ chính Thiên Chúa trong một tiến trình “truyền giao” được Chúa Giêsu, Đấng là tông đồ của Chúa Cha, làm trung gian. Phẩm giá của các thừa tác viên Kitô giáo thuộc vào việc truyền giao này. Nhưng họ phải ý thức rằng, phẩm giá này không phải là kết quả của chính họ, nhưng là một món quà nhưng không của Thiên Chúa. Nói cách cụ thể, sứ vụ chúng ta đang thực hành không phải là của riêng mình. Chúng ta chỉ là những người cộng tác trong sứ vụ mà Chúa Giêsu đã làm trung gian truyền giao cho chúng ta. Vì vậy, chúng ta phải sống khiêm nhường để chu toàn sứ vụ được giao qua đời sống chứng tá mỗi ngày của mình.
Những người cộng tác trong sứ vụ của Chúa Giêsu sẽ nhận được phần thưởng tương xứng. Phần thưởng luôn tương xứng với đối tượng được tiếp đón và được trao ban. Có hai đối tượng được tiếp đón là ngôn sứ và người công chính: “Ai đón tiếp một ngôn sứ, vì người ấy là ngôn sứ, thì sẽ được lãnh phần thưởng dành cho bậc ngôn sứ; ai đón tiếp một người công chính, vì người ấy là người công chính, thì sẽ được lãnh phần thưởng dành cho bậc công chính” (Mt 10:41). Những lời này cho thấy cộng đoàn của Thánh Mátthêu hình như có các ngôn sứ (x. Mt 7:15-16; 23:34). Còn về người công chính, các học giả Kinh Thánh đã đưa ra những danh mục sau: những người công chính là những người Kitô hữu trung thành, là những thầy dạy, là những người đã chịu đau khổ bởi bách hại và vẫn ở lại trong cộng đoàn như là một chứng nhân đáng kính trọng. Mỗi hành động đón tiếp anh chị em mình nhân danh Chúa Giêsu, dù họ có như thế nào, sẽ được ân thưởng.
Trình thuật Tin Mừng kết với khẳng định về phần thưởng dành cho nhữnng ai dù chỉ làm một cử chỉ bác ái nhỏ: “Và ai cho một trong những kẻ bé nhỏ này uống, dù chỉ một chén nước lã thôi, vì kẻ ấy là môn đệ của Thầy, thì Thầy bảo thật anh em, người đó sẽ không mất phần thưởng đâu” (Mt 10:42). Những kẻ bé mọn ám chỉ đến các tông đồ hoặc môn đệ, nhưng cũng có thể ám chỉ đến những người không có học thức trong cộng đoàn (x. Mt 18:6,10,14). Những lời trên của Chúa Giêsu mang tính hình tượng. Nó nói đến một việc làm nhỏ chúng ta làm cho anh chị em mình đã được phần phưởng, huống chi là những công việc lớn. Cụ thể là, nếu Thiên Chúa đã ban thưởng cho người cho anh em mình một ly nước lã, thì Thiên Chúa sẽ ban thưởng cho người bắt hệ thống nước cho toàn thành phố nhiều như thế nào? Mỗi ngày, hãy làm một việc bác ái nhỏ cho những người chúng ta gặp gỡ!
Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Dũng, SDB