Suy Niệm Lời Chúa – Thánh Nữ Maria Madalêna – Nhận Ra Chúa Khi Được Gọi Tên

(Dc 3:1-4a; Ga 20:1-2.11-18)

Hôm nay, chúng ta cùng với Giáo Hội mừng kính lễ Thánh Maria Mađalêna. Thánh nữ là ai? Nhiều người trong chúng ta cho rằng thánh nữ là người đàn bà ngoại tình. Nhưng điều này không tìm được chứng cớ trong Kinh Thánh. Điều chúng ta tìm thấy trong Kinh Thánh là thánh nữ được nói đến như người phụ nữ mà Chúa Giêsu đã trừ khỏi bảy quỷ (x. Lc 8:2). Bên cạnh đó, có nhiều người xem thánh nữ là Maria, em của Mátta và Ladarô. Nhưng điều này cũng không được Kinh Thánh ủng hộ vì Maria em của Mátta đến từ làng Bêtany, trong khi đó Maria mà chúng ta mừng lễ hôm nay đến từ làng Magđala.

Bài đọc 1 trích từ sách diễm ca nói về tâm tình của một người đang yêu. Đây là tâm tình của Maria Mađalêna. Bà đã yêu nhiều vì bà đã được tha thứ nhiều. Sợi chỉ nối kết hai bài đọc lời Chúa hôm nay chính là thái độ “kiếm tìm người yêu.” Trong bài đọc 1 chúng ta thấy “cô gái” tìm người mình yêu dấu ngay cả trên giường ngủ. Nàng đã tìm nhưng không gặp được người mình yêu. Nhưng nàng không bỏ cuộc. Nàng đứng lên, “đi rảo quanh khắp thành, nơi đầu đường cuối phố, để tìm người yêu dấu của lòng tôi” (Dc 3:2). Nhưng rồi nàng cũng không gặp. Nàng tiếp tục kiên trì và cuối cùng nàng “đã gặp người lòng tôi yêu dấu” (Dc 3:4a). Tâm tình kiên trì tìm kiếm này được diễn tả cách cảm động trong Tin Mừng hôm nay.

Bài Tin Mừng trình thuật lại cho chúng ta về sự kiện ngôi mộ trống mà Maria Mađalêna chứng kiến và cuộc gặp gỡ giữa bà và Chúa Giêsu Phục Sinh. Trong cả hai sự kiện này, thánh sử Gioan cho chúng ta biết Maria Mađalêna là người đầu tiên chứng kiến và đi báo lại cho các môn đệ. Một cách cụ thể khi bà đến mồ và thấy tảng đá lăn khỏi mộ “bà liền chạy về gặp ông Simôn Phêrô và người môn đệ Đức Giêsu thương mến. Bà nói: “Người ta đã đem Chúa đi khỏi mộ; và chúng tôi chẳng biết họ để Người ở đâu” (Ga 20:2); và khi đã gặp Đức Giêsu Phục sinh, “bà Maria Mácđala đi báo cho các môn đệ: ‘Tôi đã thấy Chúa, và bà kể lại những điều Người đã nói với bà” (Ga 20:18). Chính vì điều này mà bà được gọi là “Tông đồ của các tông đồ.” Hai sự kiện này có ý nghĩa gì với chúng ta? Sự kiện “ngôi mộ trống” ám chỉ sự mất mát, đau khổ trong cuộc sống và sự kiện “gặp Chúa Phục Sinh” nói đến niềm vui đoàn tụ. Trong tất cả những điều này, Chúa luôn hiện diện và Ngài muốn chúng ta công bố cho người khác nghe về những kỳ công Ngài thực hiện trong mọi giây phút cuộc sống dù đau buồn hay vui tươi. Chúng ta được mời gọi đọc được ý nghĩa trong mọi biến cố cuộc đời.

Điều thứ hai chúng ta rút ra cho ngày sống là cuộc đối thoại giữa Chúa Giêsu và Maria Mađalêna. Chúng ta viết lại đoạn đối thoại này như sau:

Đức Giêsu: “Này bà, sao bà khóc? Bà tìm ai?”

Maria Mađalêna: “Thưa ông, nếu ông đã đem Người đi, thì xin nói cho tôi biết ông để Người ở đâu, tôi sẽ đem Người về.”

Đức Giêsu: “Maria!”

Maria Mađalêna: “Rápbuni!” (nghĩa là ‘Lạy Thầy’).

Đức Giêsu: “Thôi, đừng giữ Thầy lại, vì Thầy chưa lên cùng Chúa Cha. Nhưng hãy đi gặp anh em Thầy và bảo họ: ‘Thầy lên cùng Cha của Thầy, cũng là Cha của anh em, lên cùng Thiên Chúa của Thầy, cũng là Thiên Chúa của anh em’.”

Một điều đáng ngạc nhiên trong cuộc đối thoại này là chính Chúa Giêsu là người bằt đầu dù Maria Mađalêna là người “quay lại và thấy Chúa Giêsu đứng đó” (Ga 20:14). Nhưng bà không biết là Chúa Giêsu. Chi tiết này không phải là điều ngẫu nhiên. Đây là một trong những nét “thần học” của Tin Mừng Thánh Gioan, đó là Chúa Giêsu luôn đi bước trước trong các mối tương quan hay đối thoại với con người. Ngài cũng làm như thế với mỗi người chúng ta trong từng ngày sống, nhất là khi chúng ta đang còn rơi vào tình trạng đau buồn, mất mát như Maria Mađalêna. Tuy nhiên, liệu chúng ta có đáp lại Ngài khi Ngài bắt chuyện với chúng ta không? Hay chúng ta để mình bị những đau buồn, những tiếng ồn ào khác lấn át tiếng nói của Chúa trong con tim chúng ta.

Điểm thứ hai mà chúng ta cần suy gẫm là sự tiệm tiến trong đức tin, trong việc nhận ra [trong việc đi từ bóng tối ra ánh sáng] Chúa Giêsu của Maria Mađalêna. Đây cũng là một đề tài quan trọng trong Tin Mừng Thánh Gioan. Bà chỉ nhận ra Chúa Giêsu khi Ngài gọi chính tên bà. Điều này cho thấy đức tin chỉ lớn lên [trưởng thành] khi chúng ta xây dựng trên mối tương quan cá vị với Thiên Chúa. Chúa vẫn thường gọi đích danh chúng ta mỗi ngày. Ngài muốn chúng ta yêu Ngài với một tình yêu cá vị chứ không phải với một tình yêu “chung chung.” Nói cách khác, Ngài mong muốn nơi chúng ta một tình yêu mà không “giống với bất kỳ ai,” vì mỗi người chúng ta được dựng nên cách cá vị, không giống bất kỳ người nào. Chỉ khi chúng ta yêu Chúa với một tình yêu cá vị, không phân chia, chúng ta sẽ hiểu đức tin là gì.

Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Dũng, SDB