Suy Niệm Lời Chúa – Thứ Bảy sau Chúa Nhật XVII Thường Niên – Làm Chứng Cho Sự Thật Dù Phải Trả Giá Đắt

(Gr 26:11-16.24; Mt 14:1-12)

Bài đọc 1 hôm nay tiếp tục trình bày cho chúng ta phản ứng của nhà Giuđa trước lời sấm của Đức Chúa qua miệng ngôn sứ Giêrêmia. Họ đã kết án vị ngôn sứ của Đức Chúa: “Bấy giờ, các tư tế và ngôn sứ nói với các thủ lãnh và toàn dân về ông Giêrêmia rằng: ‘Con người này đáng lãnh án tử, vì ông ta đã tuyên sấm chống lại thành này, như chính tai các ông đã nghe!’” (Gr 26:11). Người ta thường nói, sự thật thì mất lòng. Khi nghe những lời ngược lại với quan điểm của mình, chúng ta thường có thái độ khó chịu. Nhiều khi chúng ta còn kết án người đưa ra quan điểm trái ngược với quan điểm của chúng ta. Ngôn sứ Giêrêmia cũng gặp phải tình cảnh như thế khi tuyên sấm chống lại Giêrusalem. Tuy nhiên, đứng trước sự kết án của mọi người, ngôn sứ Giêrêmia đã kiên định nói cho họ lời của Đức Chúa: “Chính Đức Chúa đã sai tôi tuyên sấm mọi lời liên quan đến Nhà này cũng như thành này mà các người đã nghe. Vậy giờ đây, các người hãy cải thiện đường lối và hành vi của các người và hãy nghe tiếng Đức Chúa, Thiên Chúa của các người; bấy giờ Đức Chúa sẽ hối tiếc về tai hoạ Người đã quyết định để lên án các người. Còn tôi, này tôi ở trong tay các người, các người cứ xử với tôi thế nào như các người coi là tốt đẹp và chính đáng. Có điều xin các người biết rõ cho rằng: Nếu các người giết tôi, thì chính các người sẽ phải chuốc lấy máu vô tội cho mình, cho thành này và dân cư trong thành. Vì quả thật là Đức Chúa đã sai tôi đến với các người để công bố cho các người nghe tất cả những điều trên đây” (Gr 26:12-15). Với những lời thành thật của mình, Giêrêmia đã chiếm được lòng của nhà Giuđa: “Bấy giờ, các thủ lãnh và toàn dân nói với các tư tế và ngôn sứ: ‘Con người này không đáng lãnh án tử, vì ông ta đã nói với chúng ta nhân danh Đức Chúa, Thiên Chúa chúng ta.’ Còn ông Giêrêmia thì được ông Akhicam con ông Saphan ra tay che chở cho khỏi rơi vào tay dân mà bị giết” (Gr 26:16,24). Hình ảnh của Giêrêmia mời gọi chúng ta sống kiên định trong đường lối sự thật, đường lối của Thiên Chúa dù có bị kết án hay loại trừ. Đây cũng chính là định mệnh của Gioan Tẩy Giả mà Thánh Mátthêu trình bày cho chúng ta trong bài Tin Mừng.

Đoạn trích này cũng được Thánh Máccô (6:14-29) và Luca (9:7-9) thuật lại. Thánh Mátthêu tóm gọn đoạn trích của Thánh Máccô giống như khi thánh sử làm với các câu chuyện về các phép lạ. Thánh Mátthêu kể câu chuyện này không nghiêng về phía tương quan gia đình hay khía cạnh luân lý nhiều cho bằng nghiêng về khía cạnh chính trị. Để hiểu rõ ý nghĩa của Tin Mừng hôm nay, chúng ta phải liên kết nó với đoạn Tin Mừng đi trước [mà chúng ta nghe hôm qua] và đoạn Tin Mừng đi theo sau. Như chúng ta biết, đoạn Tin Mừng này được đặt nằm giữa đoạn trích nói về việc Chúa Giêsu bị những người ở quê hương mình loại trừ (x. Mt 13:53-58) và đoạn trích nói về việc Chúa Giêsu hoá bánh cho năm ngàn người ăn (x. Mt 14:13-21). Nhìn vào cấu trúc này, chúng ta nhận ra rằng cái chết được đặt giữa sự chống đối, loại trừ và “trao ban chính mình” cho người khác như của ăn. Điều này ám chỉ đến cái chết của Chúa Giêsu như là hệ quả của sự loại trừ, nhưng lại mang sự sống cho nhiều người. Đây chính là lăng kính mà qua đó chúng ta đọc bài Tin Mừng hôm nay về cái chết của Gioan Tẩy Giả.

Như chúng ta đã trình bày, Thánh Mátthêu chú trọng nhiều hơn đến khía cạnh chính trị trong câu chuyện Thánh Gioan Tẩy Giả bị trảm quyết, nên Ngài nêu đích danh những người có liên quan. “Hai nhân vật chính” trong câu chuyện là Hêrôđê Antipas, con của vua Hêrôđê cả và Malthace và Herodias, cháu gái của vua Hêrôđê cả và là con gái của Aristobulus IV. Bà cưới “chú Philip” của mình [một người con của vua Hêrôđê cả sống ẩn dật ở Roma] và có người con là Salome. Sau khi Herodias gặp Hêrôđê Antipas, bà ta trở thành hoàng hậu đầy tham vọng như ông ta, nên bà bỏ chồng mình để ở với Hêrôđê Antipas. Hệ quả là Hêrôđê Antipas ly dị vợ mình là con gái của Aretas IV, vua của Nabateans, để cưới Herodias. Vì sự “hỗn loạn” này mà Thánh Gioan đã nói với Hêrôđê: “Ngài không được phép lấy bà ấy” (Mt 14:4). Sự “không được phép” hay đúng hơn “không hợp pháp” hệ tại việc Hêrôđê cưới vợ của anh mình trong khi người anh còn sống, và như thế phạm tội ngoại tình và loạn luân, những tội bị cấm trong luật (x. Lv 20:10,21). Chi tiết này nhắc nhở chúng ta rằng: Nhiều khi vì những tham vọng trong cuộc sống làm chúng ta không còn quan tâm đến việc tuân giữ những huấn lệnh của Thiên Chúa. Chúng ta để cho bản tính tự nhiên chiếm lấy và thống trị những ước muốn của mình đến nỗi chúng ta trở nên bất cần, dù biết mình làm sai nhưng không có đủ nghị lực và can đảm để bỏ đi lối sống sai phạm của mình. Đây là điều được trình bày trong hình ảnh của Hêrôđê.

Bài Tin Mừng hôm nay được liên kết chặt chẽ với bài Tin Mừng hôm qua bởi hình ảnh “ngôn sứ.” Ngày hôm qua, Chúa Giêsu đồng hoá mình với “ngôn sứ,” và ngày hôm nay, dân chúng coi Gioan như là ngôn sứ (x. Mt 14:5). Như chúng ta đã trình bày ở trên, mục đích Thánh Mátthêu đưa đoạn trích này vào giữa hai sự kiện bị loại trừ và nuôi sống năm ngàn người ăn là để ám chỉ đến cái chết của Chúa Giêsu. Tuy nhiên, cái chết của Gioan xảy ra vì một lời hứa “thiếu suy nghĩ” của Hêrôđê (x. Mt 14:7). Lời hứa của Hêrôđê có thể bị trói buộc bởi luật. Lỗi lời hứa là làm tổn thương đến những khách dự tiệc, những người có địa vị chính trị trong thời đó. Điều này khuyến cáo chúng ta về những lời hứa của mình. Ai trong chúng ta cũng đã từng hứa. Có những lời hứa liên quan đến những vấn đề không quan trọng, nhưng có những lời hứa liên quan đến sự sống chết của mình và của người khác. Dù vấn đề liên quan có quan trọng hay không, chúng ta được mời gọi phải khôn ngoan và thận trọng về những lời mình hứa, vì tất cả những lời hứa mà không được thực hiện luôn làm tổn thương người khác. Tốt nhất hãy làm như Chúa Giêsu dạy: Có thì nói có, không thì nói không, thêm lời đặt chuyện là do ma quỷ mà ra.

Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Dũng, SDB