(Đn 7:9-10.13-14; Mc 9:2-10)
Hôm nay, chúng ta cùng với Giáo Hội mừng kính lễ Chúa Hiển Dung. Đây là lễ có ý nghĩa sâu xa cho đời sống đức tin của các môn đệ [và mỗi người chúng ta] khi chúng ta đối diện với những đau khổ trong cuộc sống.
Trong bài đọc 1, Ngôn sứ Đanien trình bày cho chúng ta về hình ảnh vinh quang của Con Người. Đây là thị kiến về những gì xảy ra ở trên trời. Trong thị kiến, Đanien cho chúng ta hay: “có ai như một Con Người đang ngự giá mây trời mà đến. Người tiến lại gần bên Đấng Lão Thành và được dẫn đưa tới trình diện. Đấng Lão Thành trao cho Người quyền thống trị, vinh quang và vương vị; muôn người thuộc mọi dân tộc, quốc gia và ngôn ngữ đều phải phụng sự Người. Quyền thống trị của Người là quyền vĩnh cửu, không bao giờ mai một; vương quốc của Người sẽ chẳng hề suy vong” (Đn 13-14). Những lời này trình bày cho chúng ta hình ảnh một Con Người [Chúa Giêsu] thật vinh quang và uy quyền. Đây là niềm hy vọng của chúng ta, những người sống trong vương quốc của Ngài, là “thần dân” của Ngài. Hình ảnh này giúp chúng ta biết nhìn vượt qua những khó khăn và đau khổ trong cuộc sống để hướng tới một tương lai tươi sáng mà chính Chúa chuẩn bị cho chúng ta. Không có khó khăn nào mà không thể vượt qua. Cũng không có vấn đề nào trong cuộc sống mà không có lối giải quyết. Chúng ta sẽ vượt qua mọi sự với Đấng thống trị muôn dân, muôn nước.
Bài Tin Mừng hôm nay xảy ra ngay sau khi Chúa Giêsu mạc khải cho các môn đệ biết về Ngài là Đấng Messia, Đấng sẽ bị nộp, bị đóng đinh, nhưng sau ba ngày sẽ sống lại. Vì biết các môn đệ là những người chậm tin và niềm tin mong manh đó sẽ sụp đổ khi gặp đau khổ và sự chết, nên Chúa Giêsu mạc khải vinh quang của Ngài qua sự kiện biến hình để cho các môn đệ cảm nhận được vẻ đẹp quyến rũ của cuộc sống phục sinh nhằm cũng cố đức tin của các ông. Bài Tin Mừng hôm nay gồm hai phần: Phần 1 (Mc 9:2-8) thiết lập chân tính đầy vinh quang của Chúa Giêsu như là “Con yêu dấu của Thiên Chúa”; phần 2 (Mc 9:9-13) đặt chức phận làm Con Thiên Chúa của Chúa Giêsu trong bối cảnh mong chờ của người Do Thái về Nước Thiên Chúa và sự sống lại. Chúng ta có thể rút ra từ bài Tin Mừng hôm nay những điểm sau để suy gẫm và đem ra thực hành trong ngày sống hôm nay:
Thứ nhất là sự kiện Chúa Giêsu đem ba môn đệ là “ông Phêrô, Giacôbê và Gioan đi theo mình. Người đưa các ông đi riêng ra một chỗ, chỉ mình các ông thôi, tới một ngọn núi cao. Rồi Người biến đổi hình dạng trước mắt các ông. Y phục Người trở nên rực rỡ, trắng tinh, không có thợ nào ở trần gian giặt trắng được như vậy” (Mc 9:2-3). Tại sao chúng ta để ý đến chi tiết này? Nó có ý nghĩa gì đối với ngày sống của chúng ta? Hai câu Kinh Thánh ngắn gọn này chứa đựng nhiều hình ảnh và ý tưởng để chúng ta suy gẫm. Tuy nhiên, chúng ta chỉ chọn hai ý tưởng chủ đạo sau: (1) Chúa Giêsu chỉ chọn ba môn đệ đi theo Ngài là Phêrô, Giacôbê và Gioan. Đây là điểm chúng ta cần phải để ý vì, như chúng ta biết, Chúa Giêsu có nhóm 72 môn đệ (x. Lc 10:1) và có 12 môn đệ “thân tín,” tại sao Ngài chỉ chọn ba ông để chứng kiến việc Ngài biến hình? Không phải là cả 12 môn đệ cần được củng cố niềm tin sao? Hay Chúa Giêsu “yêu riêng” ba ông? Chúng ta có thể nhìn sự kiện này từ nhiều góc độ và có những giải đáp khác nhau. Nhưng trong bối cảnh của bài chia sẻ hôm nay, lý do tại sao Chúa Giêsu chọn ba ông là vì Ngài sẽ trao cho ba ông những trách nhiệm quan trọng để làm chứng cho Ngài sau này: Phêrô sẽ làm “Giáo Hoàng tiên khởi” – người đứng đầu và đại diện cho các tông đồ; Gioan chịu trách nhiệm “đưa Mẹ của Chúa Giêsu về nhà mình” chăm sóc; còn Giacôbê, theo truyền thuyết, là Giám Mục tiên khởi của Giêrusalem và là người tử đạo đầu tiên trong số 12 tông đồ để làm chứng cho Chúa Giêsu. Điều này ám chỉ rằng: Những ai được kêu gọi để trở nên nghĩa thiết với Chúa trong sứ mệnh của Ngài cũng sẽ chịu đau khổ nhiều vì Ngài và vì Tin Mừng của Ngài. Nói cách khác, được yêu nhiều sẽ chia sẻ nhiều trong đau khổ và thập giá của Ngài! (2) Chi tiết thứ hai là Chúa Giêsu đưa họ “lên núi.” Theo truyền thống Kinh Thánh, nhất là trong Cựu Ước, núi là nơi linh thánh, là nơi gặp gỡ Thiên Chúa. Hai nhân vật hiện ra đàm đạo với Chúa Giêsu, “ông Êlia cùng ông Môsê hiện ra đàm đạo với Đức Giêsu” (Mc 9:4), đã gặp gỡ Thiên Chúa trên núi Sinai và Horeb. Chi tiết này ngụ ý nói đến việc Đức Chúa mà Môsê và Êlia gặp trên núi nay “mặc lấy xác phàm” nơi Đức Giêsu Kitô. Hành trình gặp Chúa luôn là hành trình “đi lên núi.” Tuy nhiên, lên núi luôn là một hành trình mệt mỏi. Hành trình này đòi hỏi chúng ta phải bỏ đi những thứ không cần thiết trên vai [lưng]. Càng bỏ được nhiều thì việc “đi lên” càng nhẹ nhàng, ít vất vả. Và khi bỏ hết mọi sự, thì hành trình sẽ dễ dàng hơn vì chúng ta không còn vướng bận gì. Đừng tiếc nuối nhưng hãy bỏ đi những gì không cần thiết để hành trình “đi lên” gặp Chúa của bạn được dễ dàng hơn!
Thứ hai là phản ứng rất vui sướng của các môn đệ khi được ở với Chúa trên núi: “Thưa Thầy, chúng con ở đây, thật là hay! Chúng con xin dựng ba cái lều, một cho Thầy, một cho ông Môsê, và một cho ông Êlia” (Mc 9:5-6). Chúng ta có cảm xúc dâng trào như thế này khi đến với Chúa không? Điều này nhắc nhở chúng ta về thái độ của chúng ta khi “ở với Chúa.” Nhiều người trong chúng ta cảm thấy thời gian ở với Chúa là thời gian nặng nề và nhàm chán. Chúng ta ở với Chúa như “cái xác không hồn,” không một tí cảm xúc của sự kinh ngạc, tạ ơn hoặc vui sướng. Có bao giờ chúng ta đi ngủ với mong ước thức dậy để được ở với Chúa không? Hoặc trong ngày sống, chúng ta tranh thủ mọi khoảnh khắc mình có để được ở với Chúa không? Khi hai người yêu nhau thật sự, họ luôn tìm đủ mọi cách và tận dụng mọi khoảnh khắc họ có để ở với người mình yêu. Đây có phải là cảm giác chúng ta có đối với Chúa không?
Thứ ba là sự kiên nhẫn của Chúa Giêsu trong việc hướng dẫn các môn đệ. Điều này xảy ra khi “các ông chợt nhìn quanh, thì không thấy ai nữa, chỉ còn Đức Giêsu với các ông mà thôi” (Mc 9:8). Chúa Giêsu giải thích mọi sự cho các môn đệ khi chỉ còn mình Ngài với các môn đệ. Như chúng ta đã chia sẻ, đây là điểm đặc trưng của Tin Mừng Thánh Máccô. Nhiều lần trong cuộc sống chúng ta cũng mất kiên nhẫn khi hướng dẫn người khác vì họ “chậm hiểu.” Chúa Giêsu dạy chúng ta rằng: Để có kiên nhẫn với người khác, chúng ta cần thiết lập một tương quan mật thiết với họ như “chỉ mình với ta.” Chính trong tương quan mật thiết như thế chúng ta mới biết, hiểu và cảm thông cho sự “chậm hiểu” của người khác. Những người có tương quan hời hợt với người khác sẽ không bao giờ đủ kiên nhẫn để đồng hành với sự cảm thông và yêu mến.
Điểm cuối cùng là định mệnh của người môn đệ muốn được chia sẻ trong vinh quang phục sinh của Chúa Giêsu, đó là, phải chịu đau khổ, tù ngục và bị giết chết. Điểm này được ẩn chứa trong hai hình ảnh của Êlia và Gioan Tẩy Giả. Êlia trình bày khía cạnh hùng mạnh và vinh quang của Thiên Chúa trên các thần Baan [trên núi Carmel], còn Gioan Tẩy Giả trình bày khía cạnh “thất bại” của Thiên Chúa – Ngài “phải chịu nhiều đau khổ và bị khinh chê” (Mc 9:12). Khi dùng hai hình ảnh này để nói cho các môn đệ về sự chết và phục sinh của Ngài, Chúa Giêsu hàm ý nói cho các môn đệ về định mệnh của các ông: Thầy đi đâu thì anh em cũng phải đi theo nếu anh em muốn được chia sẻ vinh quang với Thầy. Thật vậy, không có “đường tắt” trong hành trình từ thập giá đến vinh quang. Những ai muốn có vinh quang phục sinh mà không muốn đau khổ của thập giá chỉ nếm mùi đắng cay và thất vọng.
Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Dũng, SDB