(Gr 31:1-7; Mt 15:21-28)
Lời sấm của Đức Chúa đến với Giêrêmia nói về vận mệnh của tất cả các chi tộc Israel. Những chi tộc này đã được Đức Chúa yêu thương với mối tình muôn thuở: “Ta đã yêu ngươi bằng mối tình muôn thuở, nên Ta vẫn dành cho ngươi lòng xót thương. Ta sẽ lại xây ngươi lên, và ngươi sẽ được xây lại, hỡi trinh nữ Israel. Ngươi sẽ lại nên xinh đẹp; với những chiếc trống cơm, ngươi sẽ xuất hiện giữa đám nhảy múa tưng bừng” (Gr 31:3-4). Những lời này đã mang lại niềm vui cho tất cả các chi tộc Israel vì được Đức Chúa yêu với tình yêu không bao giờ thay đổi. Với tình yêu muôn thuở này, Đức Chúa tha thứ hết mọi lỗi lầm cho dân. Tình yêu và tha thứ là hai mặt của một đồng tiền. Tình yêu chân thật được chứng minh qua khả năng tha thứ và xây dựng lại sau những tổn thương và đổ vỡ. Khi cảm nghiệm được tình yêu chân thật của Đức Chúa, tất cả các chi tộc Israel sẽ tìm thấy niềm vui: “Reo vui lên mừng Giacóp, hãy hoan hô dân đứng đầu chư dân! Nào loan tin, ca ngợi và công bố: ‘Đức Chúa đã cứu dân Người, số còn sót lại của Israel!’” (Gr 31:7). Trong tình yêu cũng thế, khi cảm nghiệm được tình yêu chân thật chúng ta sẽ có nược niềm vui thật sâu xa. Cảm nghiệm này cũng có được khi chúng ta biết mình được tha thứ.
Đoạn Tin Mừng hôm nay cũng được Thánh sử Máccô thuật lại (7:24-31). Điều Thánh Mátthêu tập trung vào không phải là phép lạ cho đứa con của người đàn bà Canaan, mà là cuộc đối thoại giữa bà và Chúa Giêsu. Như chúng ta biết, Thánh Máccô gọi người đàn bà này là người Syrophoenian. Còn Thánh Mátthêu gọi bà là người Canaan để nhắc nhở chúng ta về người phụ nữ được nhắc trong 1:5. Người phụ nữ này là người bị loại ra ngoài xã hội vì hai lý do: bà là người phụ nữ duy nhất trong thế giới đàn ông và là người ngoại giáo nên là người ô uế. Những chi tiết này cho thấy người phụ nữ không đáng để người ta quan tâm. Điều này giải thích lý do tại sao Chúa Giêsu không đáp lại khi bà kêu lên Ngài. Sự thinh lặng của Chúa Giêsu không phải là do Ngài dửng dưng hay vô cảm trước nỗi đau của bà, nhưng ám chỉ việc Ngài chưa muốn vượt ra sứ vụ của Ngài, đó là được sai đến với những con chiên lạc của Israel (x. Mt 15:24). Điều này nhắc nhở chúng ta rằng nhiều lần chúng ta thấy nhu cầu phục vụ [mục vụ] quá cần thiết và chúng ta làm theo cảm tính của mình. Điều này dễ dàng đưa chúng ta vượt ra ngoài điều chúng ta cần phải làm. Nói cách khác, thay vì tập trung hoàn thành bổn phận của mình cách hoàn hảo, chúng ta lại để cho mình bị lôi kéo theo cảm tính để làm những điều không phải là ý Chúa muốn cho chúng ta, dù rằng nhiều khi những điều đó nhìn từ khía cạnh con người là hợp lý và cần thiết. Thái độ thinh lặng của Chúa Giêsu dạy chúng ta cần khôn ngoan và cẩn trọng, đúng hơn là chìm sâu trong đời sống cầu nguyện để lắng nghe điều Chúa nói với chúng ta, hầu chúng ta có thể đáp lại điều Ngài muốn chúng ta làm, chứ không làm điều chúng ta muốn làm.
Như chúng ta đã trình bày, nội dung chính của bài Tin Mừng hôm nay là cuộc đối thoại giữa Chúa Giêsu và người phụ nữ Canaan. Cuộc đối thoại xảy ra như sau:
Người phụ nữ Canana: “Lạy Ngài, xin cứu giúp tôi!”
Chúa Giêsu: “Không được lấy bánh dành cho con cái mà ném cho lũ chó con.”
Người phụ nữ Canana: “Thưa Ngài, đúng thế, nhưng mà lũ chó con cũng được ăn những mảnh vụn trên bàn chủ rơi xuống.”
Chúa Giêsu: “Này bà, lòng tin của bà mạnh thật! Bà muốn thế nào, sẽ được như vậy.”
Qua cuộc đối thoại này, chúng ta thấy Chúa Giêsu tỏ thái độ “cứng rắn” với người phụ nữ. Ngài không muốn “vượt qua ranh giới” của sứ vụ Ngài được sai đến. Nhưng người phụ nữ không thay đổi thái độ của mình, đó là bà cần đến sự trợ giúp của Chúa Giêsu. Bà kiên nhẫn ngay cả khi bị Chúa Giêsu dùng hình ảnh “chó con” để áp dụng cho bà. Bà biến chính hình ảnh Chúa Giêsu sử dụng thành điểm lợi cho mình. Chính sự khiêm nhường và hiền dịu trong khi bị “thử thách” mà bà đã nhận được điều bà xin, đó là “con gái bà được khỏi bệnh” (Mt 15:28). Thái độ của người phụ nữ Canaan trở thành gương mẫu cho chúng ta khi gặp thử thách hay khi bị sỉ nhục. Chỉ có một cách hữu hiệu để chiến thắng những tình huống mà trong đó chúng ta bị người khác dùng lời nói “làm mất danh dự,” đó là hiền lành và khiêm nhường. Sự thật đứng về phía những ai sống bình tâm trong mọi hoàn cảnh mà không lấy ác báo ác, nhưng lấy tình yêu và sự tha thứ để chiến thắng sự ác.
Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Dũng, SDB