(1 V 19:4-8; Ep 4:30 – 5:2; Ga 6:41-51)
Bài đọc 1 hôm nay thuật lại cho chúng ta hành trình của Ngôn sứ Êlia đến núi Khôrếp để gặp Đức Chúa. Trên hành trình đó, ngôn sứ Êlia cũng cảm thất mệt mỏi và muốn bỏ cuộc. Không những thế, “ông xin cho được chết và nói: “Lạy Đức Chúa, đủ rồi! Bây giờ xin Chúa lấy mạng sống con đi, vì con chẳng hơn gì cha ông của con” (1 V 19:4). Chi tiết này phản ánh chính cuộc sống mỗi người chúng ta. Nhiều lần trong cuộc sống, chúng ta cũng mệt mỏi với những gánh nặng và lo âu. Những điều này đè bẹp chúng ta đến nỗi chúng ta không còn nhìn thấy ánh sáng cuối con đường. Chúng ta xin Chúa cất đi gánh nặng bằng cách chạy trốn hoặc xin Chúa cho mình chết đi. Nhưng Đức Chúa luôn đồng hành với Êlia và mỗi người trên hành trình đến gặp Ngài. Ngài chu cấp cho chúng ta những gì cần thiết cho hành trình như đã chu cấp cho ngôn sứ Êlia. Chính những lương thực được Chúa ban cho giúp chúng ta kết thúc hành trình đến với Chúa của mình: “Ông [Êlia] dậy, ăn bánh và uống nước. Rồi nhờ lương thực ấy bổ dưỡng, ông đi suốt bốn mươi ngày, bốn mươi đêm tới Khôrếp, là núi của Thiên Chúa” (1 V 19:8).
Thánh Phaolô trong bài đọc 2 kêu gọi các tín hữu Êphêsô phải đối xử với nhau như thế nào. Họ phải “đối xử tốt với nhau, phải có lòng thương xót và biết tha thứ cho nhau, như Thiên Chúa đã tha thứ cho anh em trong Đức Kitô (Ep 4:32). Nhưng để đối xử tốt với nhau, trước đó Thánh Phaolô mời gọi họ “chớ làm phiền lòng Thánh Thần của Thiên Chúa, vì chính Người là dấu ấn ghi trên anh em, để chờ ngày cứu chuộc. Đừng bao giờ chua cay gắt gỏng, nóng nảy giận hờn, hay la lối thoá mạ, và hãy loại trừ mọi hành vi gian ác” (Eph 4:30-31). Đây chính là hai lối diễn tả – tích cực [những điều cần làm] và tiêu cực [những điều không nên làm] của cùng một thực tại đó là sống đời sống mới trong Đức Kitô, dưới sự thúc đẩy của Chúa Thánh Thần. Để sống thực tại này, Thánh Phaolô tiếp tục mời gọi các tín hữu Êphêsô chỉ bắt chước Thiên Chúa vì họ là con cái của Ngài. Chúng ta thường nghe nói “con nhà tông không giống lông cũng giống cánh.” Nếu là con Thiên Chúa, chúng ta cũng phải nên giống Người trong đời sống yêu thương. Tình yêu đó được thể hiện nơi Đức Kitô, Đấng “vì chúng ta, đã tự nộp mình làm hiến lễ, làm hy lễ dâng lên Thiên Chúa tựa hương thơm ngào ngạt” (Ep 5:2). Mỗi người chúng ta là một hy lễ dâng lên Thiên Chúa tựa hương thơm ngạt ngào. Điều này chỉ xảy ra khi chúng ta sống xứng đáng ơn gọi làm con Thiên Chúa của mình.
Để hiểu rõ bài Tin Mừng hôm nay, chúng ta cùng nhau phân tích cấu trúc và lối giải thích “bài giảng” của Chúa Giêsu: Đầu tiên, trong câu 44, chúng ta thấy Chúa Giêsu sử dụng nguyên tắc “nhân-quả” để nói đến lý do đằng sau việc chúng ta đến với Ngài: “Chẳng ai đến với tôi được, nếu Chúa Cha là Đấng đã sai tôi, không lôi kéo người ấy; và tôi, tôi sẽ cho người ấy sống lại trong ngày sau hết.” Chúng ta đến với Chúa Giêsu là do Chúa Cha lôi kéo chúng ta. Thiên Chúa luôn luôn là Đấng đi bước trước, Đấng bắt đầu mọi sự. Chúng ta là những người đáp trả. Điều này làm chúng ta phải ngạc nhiên, vì chúng ta thường nghĩ rằng chúng ta là những người “chủ động đến” với Chúa Giêsu. Tuy nhiên, Lời Chúa hôm nay nhắc nhở chúng ta rằng: trước khi chúng ta đến với Chúa Giêsu thì Chúa Cha đã ban cho chúng ta ơn sủng, đặt vào trong chúng ta khát khao được gần Ngài. Hãy đáp trả, đừng do dự khi được Chúa Cha lôi kéo để đến với Chúa Giêsu.
Hai câu 45 và 46 nói đến Giáo Huấn của Chúa Giêsu dành cho tất cả những người đến với Ngài. Ngài dạy dỗ điều gì? Ngài dạy cho chúng ta về Chúa Cha, về những gì Ngài đã thấy: “Hết mọi người sẽ được Thiên Chúa dạy dỗ. Vậy phàm ai nghe và đón nhận giáo huấn của Chúa Cha, thì sẽ đến với tôi. Không phải là đã có ai thấy Chúa Cha đâu, nhưng chỉ có Đấng từ nơi Thiên Chúa mà đến, chính Đấng ấy đã thấy Chúa Cha.” Trong những lời này, chúng ta nhận ra được định luật trong cuộc sống mà chúng ta đã từng nghe, đó là “chúng ta không thể cho những gì chúng ta không có.” Nói cách cụ thể, chúng ta không diễn tả cách chân thật về một sự vật hay một người nếu chúng ta chưa nhìn thấy hoặc gặp gỡ cách cá vị. Chúa Giêsu chỉ giáo huấn chúng ta về những gì Ngài đã thấy, đó là tình yêu vô điều kiện và tuyệt đối Chúa Cha dành cho Ngài đến nỗi trao ban cho Ngài mọi sự, ngay cả sự sống của mình. Đó chính là tình yêu mà Chúa Giêsu ban cho những ai đến với Ngài: Ngài ban tất cả, ngay cả sự sống của Ngài. Đây là lời mời gọi cho mỗi người chúng ta mỗi khi chúng ta lãnh nhận Bí Tích Thánh Thể. Chúng ta thấy và cảm nghiệm cách sâu xa tình yêu trao ban trọn vẹn của Chúa Giêsu dành cho chúng ta, nên chúng ta cũng phải công bố cho người khác tình yêu đó qua đời sống phục vụ của chúng ta.
Câu 47 trình bày cho chúng ta điều kiện để có sự sống đời đời: “Thật, tôi bảo thật các ông, ai tin thì được sự sống đời đời.” Đây là đề tài nối kết hai bài đọc ngày hôm nay. Tuy nhiên, chúng ta cần phải lưu ý rằng: Tin không phải là một cái gì lý thuyết. Tin là một lối sống. Nói cách cụ thể hơn, khi tôi nói tôi tin Chúa, có nghĩa là “từ nay trở đi cuộc sống của tôi sẽ khác với những người không tin Chúa vì cuộc sống của tôi là một “bức hoạ” cuộc sống của Thiên Chúa tôi tôn thờ.” Tin Chúa mà không thay đổi và sống khác với những người không tin Chúa và không sống giống Chúa mỗi ngày thì vẫn chưa tin Chúa cách chân thật.
Cuối cùng, câu 48 đến câu 51 khẳng định Chúa Giêsu là ai và hiệu quả của việc “đón rước” Ngài vào trong cuộc đời của chúng ta: “Tôi là bánh trường sinh. Tổ tiên các ông đã ăn manna trong sa mạc, nhưng đã chết. Còn bánh này là bánh từ trời xuống, để ai ăn thì khỏi phải chết. Tôi là bánh hằng sống từ trời xuống. Ai ăn bánh này, sẽ được sống muôn đời. Và bánh tôi sẽ ban tặng, chính là thịt tôi đây, để cho thế gian được sống.” Trong những câu này, chúng ta thấy Chúa Giêsu cũng phân biệt cho chúng ta sự khác biệt giữa manna và bánh hằng sống là chính Ngài. Trong bối cảnh của bài Tin Mừng, Chúa Giêsu phân biệt cho chúng ta hai loại sự sống và hai loại sự chết: sự sống và sự chết thể lý và sự sống và sự chết thiêng liêng. Ai trong chúng ta cũng phải trải qua cái chết thể lý. Sự sống đời đời mà Chúa Giêsu ám chỉ là sự sống thiêng liêng. Như vậy, khi đón nhận Chúa Giêsu như bánh hằng sống trong Bí Tích Thánh Thể, đời sống thiêng liêng của chúng ta sẽ không chết đời đời. Nếu Thánh Thể có vị trí quan trọng như thế trong đời sống thiêng liêng, chúng ta đã đặt đúng vị trí của Thánh Thể trong đời sống của chúng ta chưa? Chúng ta đã có những thái độ xứng hợp khi đến với Thánh Thể chưa?
Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Dũng, SDB