Suy Niệm Lời Chúa – Thứ Hai sau Chúa Nhật XIX Thường Niên – Đừng Làm Cho Người Khác Sa Ngã

(Ez 1:2-5.24-28c; Mt 17:22-27)

Bài đọc 1 trình bày cho chúng ta về ơn gọi của Êdêkien. Ông được Đức Chúa gọi trong khi bị lưu đày. Lời mời gọi của Đức Chúa không phải là một ảo mộng, nhưng được đặt trong một hoàng cảnh lịch sử cụ thể: “Ngày mồng năm trong tháng – vào năm thứ năm kể từ khi vua Giô-gia-khin bị đi đày, có lời Đức Chúa phán với tư tế Ê-dê-ki-en, con ông Bu-di, trong xứ Can-đê, bên bờ sông Cơ-va. Ở đó, tay Đức Chúa đặt trên ông” (Ed 1:2-3). Chi tiết này nhắc chúng ta rằng trong mọi hoàn cảnh sống, Đức Chúa luôn gọi chúng ta trở thành ngôn sứ của Ngài để mang tin mừng của Ngài cho mọi người. Điều quan trọng là chúng ta có để cho mình được bình tĩnh trong mọi hoàn cảnh, nhất là trong nghịch cảnh của cuộc sống để nghe tiếng Chúa gọi như Êdêkien hay không. Trong thị kiến của mình, Êdêdien nhìn thấy vinh quang của Đức Chúa như hình một cầu vồng xuất hiện trên mây một ngày mưa: “Và tôi thấy có cái gì giống như kim loại lấp lánh, giống như một đám lửa bao quanh, từ khoảng coi như ngang lưng trở lên, còn từ khoảng coi như ngang lưng trở xuống, tôi thấy có cái gì giống như một đám lửa và ánh sáng chiếu toả chung quanh.  Như hình cầu vồng xuất hiện trên mây một ngày mưa thế nào, thì ánh sáng chiếu toả chung quanh cũng như vậy. Đó là một cái gì trông tựa vinh quang của Đức Chúa. Vừa thấy thế, tôi liền sấp mặt xuống” (Ed 1:27-28c). Hình ảnh cầu vòng nhắc chúng ta về giao ước của Đức Chúa với Noa. Cụ thể hơn, qua thị kiến của mình, Êdêkien được nhắc nhở rằng Đức Chúa là Đấng trung thành với giao ước của Ngài. Ngài sẽ đưa dân trở về với đất hứa mà Ngài đã trao ban cho họ. Thật vậy, Đức Chúa luôn trung thành với giao ước của mình. Còn chúng ta thì sao?  Sống trung thành với giao ước với Thiên Chúa là bước đi cách khiêm nhường trước mặt Ngài từng giây phút của cuộc sống.

Đây là lần thứ hai Chúa Giêsu tiên báo về cuộc thương khó của Ngài. Trình thuật này cũng được thánh Máccô (9:30-32) và Luca (9:43-45) ghi lại. Đây là lần tiên báo ngắn nhất và không rõ ràng nhất. Theo một số học giả Kinh Thánh, trình thuật này diễn tả kiểu tiên đoán đầu tiên. Trong lời tiên đoán, Thánh Mátthêu bỏ đi sự bí mật được Thánh Máccô thuật lại. Thánh Mátthêu đồng hoá Con Người với Chúa Giêsu và định mệnh của Ngài là phải chịu đau khổ: “Con Người sắp bị nộp vào tay người đời, họ sẽ giết chết Người, và ngày thứ ba Người sẽ trỗi dậy.” [đúng hơn là “Người sẽ được làm cho trỗi dậy”](Mt 17:22-23). Tư tưởng Con Người phải chịu đau khổ này không được ám chỉ trong hình ảnh Con Người tìm thấy trong sách Ngôn sứ Đanien (x. Đn 7:13). Sự đồng hoá này được thấy rõ hơn qua việc “cácmônđệbuồnphiềnlắm” (Mt 17:23) vì họ biết rằng Chúa Giêsu đang nói về Ngài. Một chi tiết mà chúng ta cần lưu ý trong lời tiên đoán là việc Chúa Giêsu sử dụng thể “bị động” khi nói đến cuộc thương khó và phục sinh của Ngài [“Con Người sắp bị nộp…” hoặc “ngày thứ ba Người sẽ được làm cho trỗi dậy]. Điều này ám chỉ Thiên Chúa [Chúa Cha] chính là Đấng chủ động, còn Chúa Giêsu luôn làm theo thánh ý Chúa Cha. Chúng ta rút ra được điều gì từ chi tiết này? Chúng ta sẽ gặp đau khổ [hoặc có được niềm vui] trong cuộc sống. Nếu để Thiên Chúa hướng dẫn dòng đời của mình, chúng ta luôn đi đúng đường vì chúng ta luôn thực hiện thánh ý Ngài.

Sau khi thuật lại lần tiên đoán thứ hai về cuộc thương khó của Chúa Giêsu, Thánh Mátthêu thêm vào một câu chuyện mà chỉ thấy trong Tin Mừng của Ngài, đó là câu chuyện về việc đóng thuế cho đền thờ. Nhiều học giả Kinh Thánh cho rằng loại thuế được đề cập đến trong đoạn trích này là thuế đền thờ, nhưng trong thực tế có đến bốn loại thuế được đề nghị ở đây. Nếu loại thuế này là thuế nhà nước, thì ý nghĩa của câu chuyện giống với trình thuật trong Mt 22:15-22. Nếu câu chuyện nói về một biến cố trong cuộc đời của Chúa Giêsu, loại thuế nói đến có thể là thuế về tôn giáo cho người giữ Đền Thờ (x. Xh 30:13-14). Nếu câu chuyện đến từ chính việc ấn bản của Thánh Mátthêu và ám chỉ đến tình trạng sau năm 70 [sau khi Đền Thờ bị phá huỷ], thì loại thuế được đề cập đến là loại thuế để đóng góp cho đền thờ của Jupiter Capitolinus ở Rôma. Điều này không thể xảy ra vì nó đóng góp cho việc tôn thờ ngẫu tượng, điều mà người Do Thái và Kitô giáo không thể thực hiện. Loại thuế cuối cùng có thể là khoản đóng góp để nâng đỡ các học giả ở Jamnia như là dấu chỉ hiệp thông của các tín hữu Do Thái với những người Do Thái khác. Tuy nhiên, điều này cũng khó có thể xảy ra vì trong “cộng đồng” Jamnia, người Do Thái đã đuổi các tín hữu Do Thái. Bốn loại thuế trên vẫn được tranh cãi giữa các học giả Kinh Thánh. Tuy nhiên, như chúng ta đã trình bày, thuế đền thờ là khả thể nhất vì nó được phản ánh trong câu chuyện.

Câu chuyện về nộp thuế đền thờ được vén mở trong hai giai đoạn. Giai đoạn 1 (Mt 17:24-25) nói về cuộc đối thoại của những người thu thuế với Phêrô. Giai đoạn 2 (Mt 17: 25-27) bao gồm cuộc đối thoại giữa Chúa Giêsu và Phêrô. Chìa khoá để hiểu câu chuyện là việc Chúa Giêsu hỏi Phêrô:  “Anh Si-môn, anh nghĩ sao? Vua chúa trần gian bắt ai đóng sưu nộp thuế? Con cái mình hay người ngoài?” Thánh Phêrô cho biết, chỉ có người ngoài nộp thuế. Điều này cho thấy những người thu thuế xem Chúa Giêsu như người ngoài. Đây là lối diễn tả về việc Chúa Giêsu bị loại trừ [nó cũng phản ánh tình trạng các tín hữu của cộng đoàn Thánh Mátthêu bị loại trừ khỏi hội đường của người Do Thái]. Chi tiết đáng để chúng ta suy gẫm trong cuộc đối thoại với Phêrô là việc Ngài nói đến lý do tại sao Ngài đóng thuế cho Ngài và Phêrô, đó là “khỏi làm cớ cho họ sa ngã” (Mt 17:27). Trong những lời này, Thánh Mátthêu chỉ cho thấy sự nhạy cảm của Ngài về việc đối thoại “đại kết” và mục vụ. Ngài đề cập đến việc tránh làm gương mù gương xấu trong đoạn này như lời giới thiệu cho chương kế tiếp [chương 18]. Như vậy, nội dung chính của đoạn này không phải là phép lạ [câu cá mở miệng để lấy tiền] vì phép là không được mô tả [chỉ được nói đến trong thể chưa xảy ra]. Nội dung chính ở đây là việc Chúa Giêsu muốn các môn đệ sống đời sống hoàn hảo hơn, đó là không làm cớ cho người khác vấp ngã. Chúng ta cũng được mời gọi thực hiện điều này. Nhiều khi chúng ta cần làm hoặc tránh một vài việc, dù theo “luật” những việc này là hợp lý. Chúng ta làm như thế vì “bác ái,” vì chúng ta không muốn làm cho người khác sa ngã vì hành động của mình.

Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Dũng, SDB