Suy Niệm Lời Chúa – Thứ Ba sau Chúa Nhật XIX Thường Niên – Phục Vụ: Dấu Chứng Của Người Lãnh Đạo

(Ed 2:8 – 3:4; Mt 18:1-5.10.12-14)

Bài đọc 1 hôm nay trình bày cho chúng ta lời sấm của Đức Chúa cho ngôn sứ Êdêkien. Đức Chúa muốn Êdêkien vâng phục và không nổi loạn: “Còn ngươi, hỡi con người, hãy nghe điều Ta sắp nói với ngươi, đừng phản loạn như nòi phản loạn ấy! Mở miệng ra mà ăn cái Ta sắp ban cho ngươi” (Ed 2:8). Những lời này nhắc nhở chúng ta về khuynh hướng nổi loạn không vâng theo huấn lệnh của Thiên Chúa. Nhiều lần, Đức Chúa muốn chúng ta sống đời sống tốt lành thánh thiện, biết phục vụ trong yêu thương và tha thứ, nhưng chúng ta đã chống lại Ngài, đã không bước đi trên con đường huấn lệnh của Ngài. Như ngôn sứ Êdêkien, chúng ta được mời gọi “ăn cuộn sách này rồi đi nói với nhà Israel” (Ed 3:1). Một cách cụ thể, chúng ta được mời gọi lắng nghe, biến lời Chúa thành xương thành thịt, rồi đem lời đó đến cho anh chị em qua chính đời sống của mình. Chúng ta chỉ làm được điều này khi toàn bộ cuộc sống chúng ta được nuôi dưỡng bằng lời Chúa: “Hỡi con người, hãy ăn cho no bụng và nuốt cho đầy dạ cuộn sách Ta ban cho ngươi đây. Tôi đã ăn cuộn sách, và nó ngọt như mật trong miệng tôi” (Ed 3:3). Khi cõi lòng chúng ta đong đầy lời Chúa, chúng ta không còn nói những lời làm tổn thương người khác vì chúng ta chỉ nói lời của Đức Chúa (x. Ed 3:4). Hãy để lời Chúa tuôn chảy trên môi miệng, để chúng ta chỉ nói lời yêu thương, cảm thông, tha thứ và chân thành.

Câu hỏi về người làm lớn là một trong những vấn đề chúng ta gặp thấy trong xã hội và Giáo Hội qua mọi thời. Theo bản tính tự nhiên, ai trong chúng ta cũng muốn được làm lớn, làm người lãnh đạo. Bài Tin Mừng hôm nay gồm hai phần: Phần 1 (Mt 18:1-5) nói về sự vĩ đại thật và phần 2 (Mt 18:10.12-14) trình bày cho chúng ta dụ ngôn con chiên lạc. Lời dạy của Chúa Giêsu về sự vĩ đại thật trong phần 1 cũng được tìm thấy trong Tin Mừng Thánh Máccô (9:33-37) và Thánh Luca (9:46-48). Sứ điệp của sự kiện này cũng được lặp lại trong Tin Mừng Thánh Matthêu (20:20-28).

Câu hỏi về sự vĩ đại (vị trí đầu) được chính các môn đệ đặt ra cho Chúa Giêsu: “Thưa Thầy, ai là người lớn nhất trong Nước Trời?” (Mt 18:1). Điều cần lưu ý ở đây là thuật ngữ “môn đệ” [những người hỏi Chúa Giêsu]. Các học giả Kinh Thánh bị chia rẽ về thuật ngữ này: Nó ám chỉ đến toàn bộ cộng đoàn hay chỉ là những người lãnh đạo trong cộng đoàn. Để hiểu rõ vấn đề, chúng ta cần lưu ý đến sự hiện diện của “những kẻ bé mọn” trong các câu 6,10 và 14. Sự hiện diện này tạo nên sự tương phản giữa các môn đệ là những người lãnh đạo và những ai “được lãnh đạo.” Không có “phẩm trật” trong cộng đoàn của Thánh Mátthêu, nhưng có những người lãnh đạo có quyền bính (x. Mt 23:34). Sự tương phản tiếp tục cho đến câu 21. Trong câu này, thuật ngữ được đổi thành “anh em.” Sự thay đổi này ám chỉ rằng tất cả mọi môn đệ đều có cùng cấp độ khi nói đến tha thứ. Điều thường ít được lưu ý là câu hỏi ở đây không nói đến sự lớn nhất trong một cộng đoàn, một nhóm, một nước mà là trong Nước Trời. Điều này làm chúng ta nhìn lại chính cuộc sống mình. Đã không ít lần, chúng ta tranh đấu để được làm người lớn nhất dưới con mắt người đời [trong một nhóm] mà quên mất việc nỗ lực trở nên người lớn nhất trong ánh mắt Thiên Chúa [trong Nước Trời]. Chúa Giêsu đã đưa ra tiêu chuẩn của người lớn nhất trong nước trời không phải là sự trọng vọng hay giàu có. Tiêu chuẩn của người lớn nhất trong Nước Trời là: “Đức Giêsu liền gọi một em nhỏ đến, đặt vào giữa các ông và nói: “Thầy bảo thật anh em: nếu anh em không trở lại mà nên như trẻ nhỏ, thì sẽ chẳng được vào Nước Trời” (mt 18:2-3). Chúa Giêsu không trả lời trắng đen ai là người lớn nhất trong Nước Trời. Chúa Giêsu đơn giản đặt đứa bé làm mẫu cho biết ai là người “được vào” Nước Trời. Nói cách khác, muốn được vào Nước Trời, chúng ta phải trở nên như trẻ nhỏ. Còn trong Nước Trời thi không còn nói đến sự vĩ đại hoặc lớn nhỏ như con người thường làm. Hình ảnh đứa trẻ là hình ảnh của những người khiêm nhường. Điều này không có nghĩa là một cách tự nhiên trẻ nhỏ là khiêm nhường, nhưng nó ám chỉ đến thái độ hoàn toàn lệ thuộc. Như vậy, người lớn nhất trong Nước Trời là người khiêm nhường nhận ra rằng mình hoàn toàn lệ thuộc vào Thiên Chúa. Thái độ khiêm nhường được Chúa Giêsu yêu mến khi khẳng định: “Vậy ai tự hạ, coi mình như em nhỏ này, người ấy sẽ là người lớn nhất trong Nước Trời. Ai tiếp đón một em nhỏ như em này vì danh Thầy, là tiếp đón chính Thầy” (Mt 18:4-5). Những lời này cho thấy, sự khiêm nhường là một thái độ “tự do cố ý” làm cho mình trở nên hoàn toàn lệ thuộc chứ không phải là một thái độ giả tạo. Tự hạ chính là tự đặt cho mình những giới hạn, hay đúng hơn là nhận ra sự giới hạn của mình; là luôn kiểm soát khuynh hướng muốn làm lớn của mình. Như vậy, người khiêm nhường là người biết giới hạn của mình và biết kiểm soát khuynh hướng muốn khẳng định những gì không phải là mình.

Phần 2 thuật lại cho chúng ta dụ ngôn về con chiên lạc. Chúng ta cũng tìm thấy trình thuật này trong Tin Mừng Thánh Luca (15:3-7). Trước khi kể dụ ngôn, Chúa Giêsu đã khuyến cáo các môn đệ rằng: “Anh em hãy coi chừng, chớ khinh một ai trong những kẻ bé mọn này; quả thật, Thầy nói cho anh em biết: các thiên thần của họ ở trên trời không ngừng chiêm ngưỡng nhan Cha Thầy, Đấng ngự trên trời” (Mt 18:10). “Những kẻ bé mọn” là những thành viên yếu kém trong cộng đoàn. Những lời này khuyến cáo thái độ kiêu ngạo của những người lãnh đạo. Hơn nữa, trong những lời trên, Chúa Giêsu cũng chỉ ra rằng những người bé mọn có một mối tương quan mãnh liệt với các thiên thần và Thiên Chúa. Ở đây Thánh Mátthêu đã cá vị hoá tư tưởng các thiên thần của các quốc gia (x. Đn 10:13,20-21). Qua chi tiết trên, Chúa Giêsu muốn chúng ta tôn trọng và yêu thương những người yếu kém trong cộng đoàn. Vì khi chúng ta yêu thương và tôn trọng những anh chị em này, chúng ta tôn trọng và yêu thương chính Chúa Giêsu. Đây là điều Thánh Mátthêu nói đến trong ngày cánh chung (x. Mt 25).

Sau khi khuyến cáo những người lãnh đạo tránh thái độ kiên ngạo, Chúa Giêsu đặt trước họ mẫu gương lãnh đạo hoàn hảo, đó là Chúa Cha: “Anh em nghĩ sao? Ai có một trăm con chiên mà có một con đi lạc, lại không để chín mươi chín con kia trên núi mà đi tìm con chiên lạc sao? Và nếu may mà tìm được, thì Thầy bảo thật anh em, người ấy vui mừng vì con chiên đó, hơn là vì chín mươi chín con không bị lạc. Cũng vậy, Cha của anh em, Đấng ngự trên trời, không muốn cho một ai trong những kẻ bé mọn này phải hư mất” (Mt 18:12-14). Trong Tin Mừng Thánh Mátthêu, chiên không bị [hư]mất, như trong Tin Mừng Thánh Luca, nhưng chỉ đi lạc khỏi đàn chiên. Đây là dấu hiệu của sự liều lĩnh. Đây cũng có thể là thái độ của nhiều người trong chúng ta. Nhiều lần, chúng ta cũng liều lĩnh, muốn phiêu lưu mạo hiểm ra khỏi tình yêu Thiên Chúa vì chúng ta nghĩ rằng mình có thể sống sót và tìm được niềm vui ngoài tình yêu của Ngài. Nhưng rồi chúng ta sớm nhận ra rằng khi lạc xa vòng tay yêu thương của Thiên Chúa, chúng ta sẽ phải đối diện với nhiều nguy hiểm, nhất là nguy hiểm mất sự sống đời đời. Một điểm khác chúng ta có thể suy gẫm về những lời trên là việc bỏ chín mươi chín con để đi tìm một con chiên lạc. Điều này dường như thiếu sự khôn ngoan mục vụ vì bỏ chín mươi chín con để tìm một con. Trong thực tế thời đó, khi một người đi tìm con chiên lạc, thì chó hoặc những người chăn chiên khác sẽ ở lại giữ những con chiên không đi lạc. Nhưng đây không phải là điều Chúa Giêsu muốn nói đến. Điều Ngài muốn nói đến là những nguy hiểm mà người đi tìm con chiên lạc phải đối diện: đói khát, giá lạnh, thú dữ. Nguy hiểm lớn nhất là có thể mất mạng sống mình. Hình ảnh này phản chiếu cách trung thực hình ảnh Chúa Giêsu. Ngài chấp nhận mọi nguy hiểm, ngay cả cái chết, để đi tìm những con chiên lạc [chúng ta]. Liệu chúng ta có để Ngài tìm thấy không?

Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Dũng, SDB