Năm 1646, sau khi tốt nghiệp Đại học luật, Pierre Lambert bắt đầu con đường sự nghiệp với chức cố vấn tại toà án thuế vụ thành phố Rouen lúc mới 22 tuổi. Vì chưa đủ tuổi theo luật định là 25 và chưa qua bốn năm hành nghề luật sư, nên anh phải xin Nhà Vua Louis XIV đặc miễn, sắc lệnh đặc miễn được ban ngày 30 tháng 06 năm1646.
Trong 9 năm hành nghề tại toà án thuế vụ (1646-1655), chàng luật sư trẻ sống theo sự hướng dẫn của vị linh hướng đầu tiên là cha Julien Hayneuve, một linh mục Dòng Tên, là người tôi tớ nhiệt thành của Thiên Chúa, đang làm giám đốc trường Rouen. Chàng luật sư đạo đức này gặp ngài mỗi ngày, đến nhà nguyện của dòng để nguyện ngắm và đọc kinh Thần vụ. Hằng ngày, trên đường đến tòa thuế vụ, anh ghé vào nhà thờ Chính toà để dâng lên Đức Mẹ những vụ kiện anh sẽ xét xử. Cuối ngày, trên đường về, anh lại ghé vào nhà thờ, dâng lên Đức Mẹ những phán quyết anh đã thực hiện. Nhờ liên kết lòng đạo đức với công việc như thế, nên anh luôn xét xử với ý ngay lành. Chẳng bao lâu anh nổi tiếng là một quan tòa khôn ngoan và liêm trực[1].
Vị cố vấn Pierre Lambert còn tham gia Hiệp Hội Thánh Thể, làm nhiều công tác từ thiện trong thành phố như thăm viếng bệnh nhân, những người tù khổ sai và các tù nhân khác; người còn cộng tác với Hội Cứu trợ Lorain để giúp các nạn nhân chiến tranh, góp phần vào dự án thành lập Trung tâm Xã hội cho người nghèo[2].
Chàng thanh niên mới ngoài 20 tuổi này, giàu có, danh giá, tất nhiên được nhiều người để mắt. Nhưng cậu đã chọn lối sống khiết tịnh nghiêm ngặt theo kiểu nhà tu: Tại nhà riêng, anh không muốn có phụ nữ giúp việc, cũng không muốn người nào lấy cớ phục vụ để vào nhà mình, mọi việc đều do gia nhân quán xuyến. Vì thế, dù ở quê hay tỉnh, nhà anh giống như một chủng viện. Khi bạn bè tới thăm, anh nói chuyện với họ về ơn cứu rỗi một cách cảm động, đến nỗi lúc ra về, họ luôn cảm thấy tốt hơn lúc họ tới[3].
“Lạy Đức Chúa, con cái Ngài yêu thương sẽ học biết điều này: không phải hoa trái nuôi dưỡng người ta, nhưng lời Ngài mới giữ gìn chăm sóc những ai hằng tin tưởng vào Ngài” (Kn 16.26).
Xin cho chúng con luôn trung thành với nếp sống kỹ cương của người tu sĩ và biết tận dụng mọi cơ hội để nói lời chân lý với tha nhân.
[1] x. JACQUES-CHARLES DE BRISACIER, Cuộc đời Đức cha Lambert de la Motte, Giám mục Hiệu toà Béryte, Cao Kỳ Hương dịch, LHNB, 2015, số 14-15.
[2] x. F. FAUCONNET- BUZELIN, Tìm về nguồn gốc Hội Thừa Sai Hải Ngoại, nxb Phương Đông, 2015, trang 36.
[3] x. J.C DE BRISACIER, Cuộc đời Đức cha Lambert de la Motte… ; sđd, số 11.
Trích Tập Sách “52 Bài Đọc Thiêng Liêng về Đức Cha Lambert de la Motte“
Ban Linh Đạo Hội Dòng Mến Thánh Giá Huế