Bài 7. Tại Ẩn Viện Ông Jean De Bernières

Được ông Jeans de Bernière dẫn dắt đi vào con đường thần bí và con đường từ bỏ triệt để, Lambert quyết định thực hiện “một cuộc hành hương khổ nhục” tới Rennes, làm tuần cửu nhật bên mộ đan sĩ Jean de Saint-Samson, là một nhà thần bí nổi tiếng Dòng Cát-minh. Hành hương khổ nhục là nét độc đáo của Ẩn viện. Người hành hương phải đi bộ, ăn mặc như kẻ nghèo hèn, không tiền bạc…, để có một trải nghiệm thực tế về hoàn cảnh những người ăn xin rày đây mai đó, là hạng người cùng đinh trong xã hội thời bấy giờ.

Ngày 25.07.1655, mình khoác áo vải thô, cắt tóc ngắn và bộ dạng như một nông dân, Pierre Lambert rời Caen, lên đường đi bộ, vai đeo túi, không tiền bạc, không lương thực, đi tới đâu xin người ta cho ăn ở tới đó. Tuy nhiên, cuối cuộc hành trình có một thử thách lớn đang chờ anh: Dân chúng xôn xao khi thấy sự xuất hiện lạ thường của người hành hương này, khiến các cha Dòng Cát-minh không dám cho anh tạm trú; thế là anh bị mất những cuộc trò chuyện thiêng liêng mà anh hy vọng có được vào những giờ rảnh rỗi.[1]

Ban đêm, anh phải nghỉ lại trong một quán rượu không mấy tử tế, bị người ta trêu chọc và gây gỗ. Ban ngày, anh đi viếng mộ đan sĩ Jean de Saint- Samson, thinh lặng “chờ đợi những gì Chúa muốn nói với anh”. Anh rơi vào thái độ thụ động, đau khổ kèm theo cảm giác bị bỏ rơi…nhưng cuối cùng anh đã nhận được một tác động thiêng liêng mà không cần qua trung gian nào cả. Đó là :“Sau khi trải qua nhiều giờ trong cơn khô khan tột độ và lòng đầy chán ngán, trong giây lát, anh đã nhận được những hiểu biết sâu sắc thông tuệ và những nét điểm xuyết cực kỳ sống động về mẫu gương khó nghèo và tự hủy của Con Thiên Chúa, đến nỗi khi ra khỏi tuần chín ngày ở Rennes, con người nội tâm anh thay đổi hẳn, noi theo gương Chúa Giê-su khiêm hạ, thì tốt hơn là thay đổi bộ dạng, cải trang làm người nghèo”.[2]

Cuộc hành hương này đánh dấu một bước ngoặt quan trọng trong cuộc biến đổi thiêng liêng của Pierre Lambert. Trở về Caen, cởi bỏ hẳn con người cũ, anh quyết định sẽ không bao giờ mặc lại chiếc áo thẩm phán nữa. Bởi vì, như Thánh Phaolô, những gì xưa kia anh cho là có lợi, thì nay, vì Đức Ki-tô, anh cho là thiệt thòi. Hơn nữa, anh coi tất cả mọi sự là thiệt thòi, so với mối lợi tuyệt vời, là được biết Đức Ki-tô Giê-su, Chúa của anh. Vì Người, anh đành mất hết, và anh coi tất cả như rác, để được Đức Ki-tô và được kết hợp với Người (x. Pl 3,7-9).

  1. F.FAUCONNET- BUZELIN,  Tìm về nguồn gốc…, sđd, trang 50-51.
  2. J.C DE BRISACIER, Cuộc đời Đức chaLambert… ; sđd, số 52.

    Trích Tập Sách “52 Bài Đọc Thiêng Liêng về Đức Cha Lambert de la Motte“


    Ban Linh Đạo Hội Dòng Mến Thánh Giá Huế