Khi anh em hội họp, người thì hát thánh ca, người thì giảng dạy, người thì nói lời mặc khải, người thì nói tiếng lạ, người thì giải nghĩa: tất cả những điều ấy đều phải nhằm xây dựng Hội Thánh (1Cr 14, 26).
…………………………………………………………………………………..
“Vì nhiệt tâm lo việc nhà Chúa mà tôi đây sẽ phải thiệt thân.” Câu Thánh vịnh 69,10 quả thật đã ứng nghiệm trên cuộc đời Đức Giê-su, Đấng đã yêu và “yêu cho đến cùng” (Ga 13,1). Vì yêu Chúa Cha, Người đã tuyệt đối trung thành với thánh ý, đã “vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết” (Pl 2,8). Hơn nữa, Người đã để lại cho chúng ta một mẫu gương về sự hiến thân phục vụ tha nhân, qua cuộc đời miệt mài rao giảng Tin mừng cứu độ, qua các phép lạ Người đã thực hiện và đặc biệt là qua cái chết trên thập giá, để chứng tỏ một tình yêu vĩ đại cho người mình yêu (x.Ga 15,13).
Thánh Phaolô, trong thư gởi giáo đoàn Thê-xa-lô-ni-ca, cũng đã bày tỏ cùng một tâm tình như thế khi nói về sự dấn thân phục vụ Giáo hội của mình: “Chúng tôi đã quý mến anh em, đến nỗi sẵn sàng hiến cho anh em, không những Tin mừng của Thiên Chúa, mà cả mạng sống của chúng tôi nữa.” (1Tx 2, 7b-12).
Suốt dọc dài lịch sử Giáo hội, chúng ta không thể nào không ghi nhớ và cảm phục biết bao tâm hồn quảng đại, dù thuộc bất cứ bậc sống nào, dù được biết đến hay chỉ rất âm thầm, đã tận hiến cuộc đời mình cho sứ mạng rao giảng Tin mừng Nước Trời, ngay cả khi phải đánh đổi cả mạng sống mình để làm chứng cho đức tin. Trong muôn vàn những con người vĩ đại đã nhiệt tâm phục vụ Giáo hội ấy, chắc chắn có hình bóng của các nữ tu Mến Thánh Giá Huế qua bao thế hệ, và có cả chị em chúng ta hôm nay.
1. Được thánh hiến để phục vụ
Trong Tông huấn Vita Consecrata số 32, Đức Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã ca ngợi những người sống đời thánh hiến như “những nẻo đường khác nhau nhưng bổ túc cho nhau”. Ngài nói: “Các tu sĩ nam nữ hoàn toàn hiến mình cho đời sống chiêm niệm là những hình ảnh đặc biệt của Đức Kitô cầu nguyện trên núi. Những người tận hiến sống đời hoạt động diễn lại nếp sống của Người ‘loan báo Nước Thiên Chúa cho dân chúng, hoặc chữa lành những kẻ đau yếu tàn tật, hay hoán cải các tội nhân trở lại đời sống lương thiện, hoặc đang chúc phúc cho trẻ em và ban ơn lành cho mọi người’. Những người tận hiến trong các tu hội đời đóng góp theo cách thức riêng vào công cuộc làm cho Nước Thiên Chúa đến; họ tổng hợp một cách đặc biệt những giá trị của sự thánh hiến và những giá trị của trần thế.” [Tông huấn Vita Consecrata, số 32.]
2. Đức cha Lambert – mẫu gương phục vụ Giáo hội
Đức cha Pierrre Lambert luôn là người hết lòng phục vụ Thiên Chúa và phục vụ tha nhân. Trải qua bao thăng trầm và gian nan, lòng khát khao phục vụ ấy không hề một chút giảm suy mà ngày càng lớn mạnh. Ngài quan tâm đào tạo các chủng sinh, và đã xây dựng Chủng viện thánh Giuse tại Xiêm; lo việc thăm viếng, dạy giáo lý kinh bổn và ban các bí tích cho giáo dân. Với trái tim của người mục tử, ngài đặc biệt để tâm đến công tác tông đồ cho những người không may mắn, bị xã hội ruồng bỏ như các tù nhân hay những phụ nữ lỡ lầm, những người đau yếu, các thiếu niên nam nữ, và các trẻ em nghèo. “Vì thế, không lạ gì, ngài đã lập Dòng Mến Thánh Giá không chỉ vì muốn thực hiện linh đạo yêu mến Chúa Kitô Chịu-Đóng-Đinh mà ngài đã ấp ủ từ thuở thiếu thời, nhưng còn vì mong muốn trợ giúp các phụ nữ và trẻ em vốn là những tầng lớp phải chịu thiệt thòi nhiều nhất trong xã hội châu Á thời bấy giờ.”[ Hội dòng Mến Thánh Giá Huế, 52 bài đọc thiêng liêng về Đức cha Pierre Lambert de la Motte, số 27.]
3. Hồn tông đồ của người nữ tu Mến Thánh Giá Huế
Tiếp nối tinh thần của Đấng Sáng lập với lời thưa: “con tự nguyện cam kết bước theo sát dấu chân Đức Giê-su trên đường Thánh Giá, để hiến thân trọn vẹn cho Chúa Cha và phục vụ anh chị em đồng loại” (HC 36), người nữ tu Mến Thánh Giá tự đồng hóa mình với Đức Ki-tô để tiếp nối và hoàn tất sứ mạng cứu rỗi của Người (Cl 1,24), và hoạt động giữa lòng Giáo hội để xây dựng Nhiệm Thể Đức Ki-tô ngay trong môi trường văn hóa, xã hội mình đang sống. Lời cam kết ấy mời gọi chị em mang lấy trái tim thương cảm và trở nên “cánh tay hữu hình và trung gian của Đức Ki-tô Chịu-Đóng-Đinh” (Ts 31), để chia sẻ, thoa dịu nỗi khổ đau của đồng bào, đặc biệt giới nữ và giới trẻ, cùng dâng lên Thiên Chúa lễ phẩm đau thương ấy, kết hợp với hy tế Thập Giá của Đấng Cứu Chuộc loài người (HC 70).
Hơn nữa, Hiến chương điều 71 cũng dạy chúng ta rằng: “ý thức Dòng Mến Thánh Giá là Dòng nữ đầu tiên được thành lập tại Á Đông và mang bản chất tông đồ thừa sai, chị em hãy sống đúng ơn gọi và chân tính của mình, làm cho đời sống tu trì thực sự thấm nhuần tinh thần tông đồ, và mọi hình thức tông đồ thấm nhuần tinh thần tu trì”. Do đó, “mọi sinh hoạt bên trong và bên ngoài cộng đoàn, kể cả tình trạng bệnh tật đau yếu của chị em, đều hướng tới mục đích cuối cùng là sống và loan báo Tin Mừng” (HC 71), là phục vụ Giáo hội, cách riêng là Giáo hội địa phương, và phục vụ tha nhân.
4. Phục vụ không ngừng
“Các Tông Đồ tụ họp chung quanh Đức Giê-su, và kể lại cho Người biết mọi việc các ông đã làm, và mọi điều các ông đã dạy. Người bảo các ông: “Chính anh em hãy lánh riêng ra đến một nơi thanh vắng mà nghỉ ngơi đôi chút.” Quả thế, kẻ lui người tới quá đông, nên các ông cũng chẳng có thì giờ ăn uống nữa. Vậy, thầy trò xuống thuyền đi lánh riêng ra một nơi hoang vắng. Thấy các ngài ra đi, nhiều người hiểu ý, nên từ khắp các thành, họ cùng nhau theo đường bộ chạy đến nơi, trước cả các ngài. Ra khỏi thuyền, Đức Giê-su thấy một đám người rất đông thì chạnh lòng thương, vì họ như bầy chiên không người chăn dắt. Và Người bắt đầu dạy dỗ họ nhiều điều.” (Mc 6, 30-34)
Chúa Giê-su bảo các môn đệ lánh ra nơi hoang vắng để nghỉ ngơi sau một ngày vất vả rao giảng và chữa bệnh. Thế nhưng, chính Người lại không thể cầm lòng trước một đám người rất đông, mà Người thấy họ như “bầy chiên không người chăn dắt”. Và Người đã gạt sang một bên sự nghỉ ngơi cần có, để làm điều nên làm, là “dạy dỗ họ nhiều điều”.
Là môn đệ bước theo sát dấu chân Đức Giê-su để họa lại và tiếp nối sứ mạng cứu độ của Người ở trần gian, người nữ tu Mến Thánh Giá được thúc bách để thi hành sứ mạng của mình cách liên tục không ngừng nghỉ. Sự liên tục ấy được thể hiện qua các khía cạnh không gian và thời gian.
Đấng Sáng lập dạy cho con cái của ngài hằng ngày phải dâng hy sinh, việc suy gẫm, và cả nước mắt để cầu nguyện cho lương dân được ơn nhận biết Chúa, cho các tín hữu sống xa lìa Chúa được ơn hoán cải, cũng như cho các nhu cầu của Giáo hội và xã hội. Việc chuyển cầu nơi nguyện đường ấy được tiếp nối qua những công việc bổn phận mà chị em thi hành hằng ngày, trong các lãnh vực văn hóa, xã hội, y tế, luân lý và đức tin (Ltk III,1; HC4). Như thế, trong mọi hoàn cảnh và hoạt động của ngày sống, chị em đều có thể nhiệt tâm phục vụ Giáo hội và trở nên cánh tay hữu hình của Chúa Giêsu giữa trần gian.
Những trang lịch sử của Hội dòng Mến Thánh Giá Huế đã ghi lại biết bao gương sáng của các tiền bối ngày đêm nhiệt tâm hoạt động vì lợi ích các linh hồn, mà không quản ngại gian nan vất vả, không hãi sợ trước quyền lực gian, ngay cả đánh đổi cả mạng sống, miễn là Thiên Chúa được vinh danh. Và truyền thống tốt đẹp “quả cảm, chịu thương chịu khó” ấy vẫn còn được tiếp nối cho đến hôm nay bởi bao thế hệ chị em đang miệt mài phục vụ trên cánh đồng truyền giáo khắp nơi.
Chúng ta cần nhớ rằng, sứ mạng phục vụ Giáo hội làm nên sự tồn tại của đời thánh hiến. Do đó, mỗi chị em Mến Thánh Giá Huế cần không ngừng xin ơn cho được lòng khát khao, yêu mến và hăng say hiến thân phục vụ Giáo hội, trong linh đạo mà Đấng Sáng lập đã truyền dạy. Điều này thúc đẩy chị em can đảm ra khỏi sự an toàn của bản thân, cũng như sự ra khỏi khuôn khổ khép kín bận rộn của nội bộ cộng đoàn, để có thể tham gia tích cực vào đời sống của Giáo hội địa phương. Tuy nhiên, sự nhiệt tâm ấy cần được dung hòa với nhu cầu của đời sống cộng đoàn và đảm bảo đời sống tu trì của mỗi chị em. Và đừng để cho cơn cám dỗ của sự quá nhiệt huyết dần đánh mất nhiệt tâm tông đồ nơi chúng ta, vì dầu tình yêu vơi cạn. Nguyện chúc quý chị em được tràn đầy năng lượng của Đấng Chịu-Đóng-Đinh để “yêu cho đến cùng” và theo gương Đức cha Lambert mà luôn sẵn sàng ra đi “gặt lúa về”.
Nữ tu Anna Trần Thị Ngọc Oanh
Hội dòng Mến Thánh Giá Huế