Bản chất của Giáo Hội là Truyền Giáo. Tháng 10, tháng Mân Côi và cũng là tháng mà việc Truyền Giáo được đề cập đến nhiều hơn, với ngày Lễ Khánh Nhật Truyền Giáo – dịp thuận tiện để Giáo hội nhắc nhở con cái mình phải có nhiệm vụ ra đi rao giảng Tin Mừng Nước Thiên Chúa cho tất cả những ai chưa tin nhận Chúa.
Đối với bản thân em, khi nói tới việc truyền giáo em nghĩ cũng không dễ mà cũng không quá khó. Dễ khi mình ý thức việc làm đó là làm vì danh Chúa, lúc đó qua cung cách sống của mình sẽ tự nhiên được thể hiện rõ. Khi chúng ta làm những việc nhỏ nhưng với tình yêu lớn, với ý hướng dành cho việc truyền giáo, Chúa sẽ ban ơn để sinh ích lợi cứu được các linh hồn. Em cũng tự nhủ lòng: Nếu mình ra đi làm việc truyền giáo cách xả thân, làm những việc này việc nọ, hỏi thăm người này người kia mà chính mình lại không có cảm thức thuộc về, không ý thức mình là người của Chúa và phải mang Chúa đến cho những ai chưa nhận biết Người, thì cũng kể bằng không không vậy.
Lắm khi em tự nghĩ, tại sao Thánh nữ Têrêxa Hài Đồng Giêsu chỉ sống trong bốn bức tường mà lại là Bổn mạng các Xứ Truyền Giáo? Thánh nữ Têrêxa đã truyền giáo cách nào?
Này nhé, tuy Thánh Nữ Têrêxa sống trong bốn bức tường của tu viện Dòng Kín, làm những việc hy sinh âm thầm, nhỏ bé, nhưng thánh nữ đã làm vì một tình yêu phi thường dành cho Đức Kitô với ước mong cứu các linh hồn.
Chúng ta có tin chắc là mình sẽ làm được điều đó không? Nói như thể không có nghĩa là chúng ta chỉ ở trong vỏ bọc của sự an toàn mà không ra đi nhé. Nếu không thể ra đi vì bậc sống và điều kiện sống thì hãy nhớ với làm việc bình thường một tình yêu phi thường dành cho Chúa và các linh hồn. Nhưng khi có thể, chúng ta hãy ra đi đến với những “vùng ngoại biên” để trao ban sự bình an, niềm vui, sự nâng đỡ hay nói cách khác là đến để được lắng nghe những chia sẻ… Thế là đã đủ.
Một kinh nghiệm của em khi đi mục vụ truyền giáo trên miền các anh em sắc tộc, khi mình đến với họ trước tiên mình là người bình an, vui vẻ mới có thể trao ban niềm vui và sự bình an. Hơn nữa, mình phải hòa đồng, hòa nhập với cuộc sống của họ, họ ăn gì, uống gì, làm gì mình cũng hòa nhập với họ… Và điều cần nữa là mình có thể học hỏi ngôn ngữ của họ, học một số từ giao tiếp, chào hỏi nhau… Dần dần như thế anh em sắc tộc cũng cảm được họ cũng đáng được tôn trọng và sẽ rất vui.
Phải chăng đó cũng là một thành công phải trong việc Loan Báo Tin Mừng? Và theo suy nghĩ của em, nếu mình đến với mọi người trong khiêm tốn, vui vẻ, hòa đồng thì đó cũng là một yếu tố rất cần thiết trong việc giới thiệu Tin Vui – Đức Kitô Phục Sinh – cho anh chị em chúng ta.
Nữ tu Maria Nguyễn Thị Dung
Hội dòng Mến Thánh Giá Huế