“Những địa điểm của tính hiệp hành” không phải là những nơi được bảo vệ hay có tính thể chế, mà là những “ngã tư đường đầy gió, nơi Thánh Thần hoạt động”. Vì lý do đó – như đã được trình bày sáng nay tại buổi họp báo cho giới báo chí tại Văn phòng Báo chí Tòa Thánh – đã có đề xuất về một “hội nghị giáo hội Địa Trung Hải để lắng nghe tiếng nói của người di cư”. Đại hội đã bày tỏ lòng biết ơn về những gì các Giáo hội đang làm để đón nhận những người di cư và về những cơ cấu tạo nên mạng lưới trong lĩnh vực gần gũi này.
Chú ý đến người khuyết tật và sinh viên thuộc các tôn giáo khác nhau
Sáng nay, có 346 tham dự viên trong hội trường; đại hội tiếp tục với các bài phát biểu tự do về các chủ đề 2 và 3 của Tài liệu Làm việc. Có sự kêu gọi tái khẳng định vai trò của các giáo xứ, sự tham gia trực tiếp hơn của giới trẻ và sự quan tâm chân thành đến người khuyết tật, thông qua việc thành lập một hội đồng chuyên biệt. Bà Sheila Pires, Thư ký Ủy ban Thông tin về Thượng Hội đồng, đã chia sẻ: “Nếu không tái cấu trúc các giáo xứ thành các mạng lưới hoặc cộng đồng nhỏ có tính gần gũi, thì tính hiệp hành sẽ trở nên chậm hơn và có nguy cơ trở thành yếu tố tập trung hóa.” Những vấn đề khác được thảo luận bao gồm: các “mạng lưới trực tuyến”, chẳng hạn như Talitha Kum và cách kết nối chúng với các Hội đồng Giám mục; đề xuất về một nền tảng chung cho sinh viên thuộc các tôn giáo khác nhau đang theo học tại các trường Công Giáo. Chính các sinh viên này sẽ có cơ hội tham gia vào tiến trình của Thượng Hội đồng khi, vào ngày mai, các Hồng y Jean-Claude Hollerich và Hồng y Mario Grech, nữ tu Leticia Salazar và Giám mục Daniel Flores sẽ gặp gỡ một số sinh viên đại học để thảo luận về các chủ đề của đại hội.
Tăng cường kết nối giữa Giáo triều Rôma và các cộng đồng địa phương
Bộ trưởng Paolo Ruffini đã nhấn mạnh tầm quan trọng của sứ mạng của các tu sĩ, vốn là nền tảng cho công việc phục vụ tại những nơi có nhiều đau khổ và khó khăn, hoặc trong lĩnh vực giáo dục nơi các tu sĩ hoạt động. Về chủ đề quan trọng liên quan đến mối tương quan giữa tính hiệp hành và quyền tối thượng, đã nhắc lại những gì đã được chia sẻ trong các diễn đàn công khai ngày hôm qua. “Cần cụ thể – ông Ruffini nói – và thật đáng ngạc nhiên rằng, sau nhiều năm kể từ Công đồng Vatican II, vị trí thần học của các Hội đồng Giám mục vẫn chưa được rõ ràng hơn”. Đã có đề xuất tham khảo ý kiến các Giáo hội địa phương nhiều hơn khi chuẩn bị các tài liệu, ngay cả từ phía Giáo triều Rôma. Ngoài ra, những người làm việc tại các cơ quan Tòa Thánh cũng được khuyến khích thăm viếng thường xuyên hơn các cộng đồng nhỏ và các giáo phận khác, để có cái nhìn thực tế về công việc đang được thực hiện.
Xây dựng các mối tương quan huynh đệ không phải là điều hiển nhiên
Việc đổi mới thực sự của Giáo hội là noi gương Chúa Giêsu, Đấng đã đến với mọi người. Vì vậy, chính Giáo hội cũng phải làm như vậy, phải di chuyển, chứ không phải chờ đợi các nhà thờ được lấp đầy. Nữ tu Samuela Maria Rigon, Bề trên Tổng quyền Dòng Nữ Đức Mẹ Sầu Bi (Ý), trong bài phát biểu tại buổi họp báo hôm nay đã chia sẻ rằng một trong những trải nghiệm khiến nữ tu ấn tượng nhất tại Thượng Hội đồng năm nay là tính phổ quát. “Chúng tôi có thể tiếp xúc với những thực tại của thế giới mà không ai nói đến, và với các ơn gọi, chức vụ và vai trò khác nhau trong Giáo hội,” nữ tu lưu ý rằng một phần tư những tham dự viên là giáo dân, giới trẻ, tu sĩ, và tất cả đều có cơ hội lên tiếng. Đây là một bước đi rất quan trọng, mặc dù vẫn còn có những căng thẳng về các quan điểm khác nhau về một số chủ đề, nhưng nữ tu nhấn mạnh, “không phải là phân cực mà là đa chiều. Có lẽ chúng ta chưa quen sống với các cực đối lập, chẳng hạn như sự phân biệt nam/nữ”. Nữ tu đã nhấn mạnh sự cần thiết phải trở về với chiều kích khởi nguyên của Giáo hội: xây dựng các mối tương quan huynh đệ. “Không phải lúc nào chúng ta cũng có khả năng quản lý tốt các mối tương quan.”
Thượng Hội đồng trong Giáo hội châu Á, một hành trình đầy hứa hẹn
Hồng y Charles Bo, Tổng Giám mục Yangon (Myanmar), Chủ tịch Liên Hội đồng Giám mục Á châu (FABC) và là thành viên của Hội đồng Thường vụ, đã có nhiệm vụ vẽ ra một bức tranh tổng quan ngắn gọn về những tác động của hành trình hiệp hành tại Châu Á, vốn đã phần nào trùng khớp với chuyến thăm gần đây của Đức Thánh Cha đến châu lục này. Sự đổi mới của Giáo hội Châu Á hiện rõ dưới nhiều khía cạnh: từ việc giới trẻ được tham gia tích cực hơn trong lĩnh vực truyền giáo kỹ thuật số, đến việc sử dụng sự sáng tạo trong mục vụ hơn, và những nỗ lực vượt qua chủ nghĩa giáo sĩ trị, dù vẫn còn những hình thức kháng cự từ một số giám mục “vì họ lo sợ mất đi quyền lực và đặc quyền”. Vấn đề này cũng liên quan đến việc “đôi khi những thay đổi bị nhìn nhận như là điều gì đó áp đặt từ bên ngoài”. Ngoài ra còn có thách thức trong việc hài hòa các nền văn hóa khác nhau, nhu cầu về nguồn lực lớn hơn, việc truyền giáo phải đối mặt với những khoảng cách địa lý rất xa, và phụ nữ, đối với họ, việc đảm nhận các vai trò lãnh đạo vẫn còn rất khó khăn, một phần do ảnh hưởng của các tôn giáo khác. Dù có nhiều thách thức lớn, FABC vẫn có thể nói là hài lòng, vị hồng y khẳng định, bởi vì “Giáo hội ở Châu Á muốn lắng nghe tất cả mọi người, và Thượng Hội đồng hiện tại là một bước tiến quan trọng theo hướng này”.
Nhu cầu thay đổi trong Giáo hội, ngay cả trong các cơ cấu
“Thế giới hôm nay cần phải lắng nghe,” Hồng y Gérald Cyprien Lacroix, Tổng Giám mục Québec (Canada), phát biểu, một khả năng mà “chúng ta cần phải khám phá”, đặc biệt là “lắng nghe tốt hơn những người khác biệt với chúng ta”, trong một thế giới, ngài nhận xét, nơi “chỉ dùng đến vũ khí và bom đạn để giải quyết các vấn đề. Chúng ta cần phải ngồi lại với nhau, không phải như cách của một doanh nghiệp mà là để lắng nghe Thánh Thần, tìm kiếm không phải kết quả, mà là những hoa trái của Nước Thiên Chúa”. Đức cha Pedro Carlos Cipollini, Giám mục của Santo André (Brazil), bày tỏ hy vọng rằng từ Thượng Hội đồng sẽ xuất hiện một sự thay đổi, ngài gọi đó là sự hoán cải, được thể hiện trên ba phương diện: cách thức thực thi sứ vụ, thông qua các phương tiện truyền thông chẳng hạn; cách thức hiểu về các cơ cấu; và cách thức đào sâu đời sống thiêng liêng.
Thích ứng ngôn ngữ với thời đại chúng ta
Về vấn đề phân quyền giữa Roma và các Hội đồng Giám mục, cũng như mối liên hệ giữa thời gian lắng nghe và việc triển khai những thay đổi, đã được đề cập trong phần hỏi đáp. Vấn đề trao thêm quyền cho các Giáo hội địa phương “không phải là điều mới hôm nay — Bộ trưởng Ruffini giải thích —, mà đã là chủ đề được suy ngẫm lâu dài trong lịch sử Giáo hội, ít nhất là kể từ Công đồng Vatican II. Điều bình thường là trong những ngày qua đã có những ý kiến khác nhau về vấn đề này, và không phải tất cả đều đồng thuận: chúng ta cần sự kiên nhẫn”. Điều quan trọng nhất, nữ tu Rigon bổ sung, “là chúng ta nhận ra mình cùng chung một đức tin và tin vào Thiên Chúa Ba Ngôi, sau đó, thật tự nhiên là ngày nay chúng ta được kêu gọi để thích ứng ngôn ngữ và phương cách phù hợp với nơi chốn và thời gian mà chúng ta đang sống”. Về điểm cụ thể liên quan đến một số cơ quan liên kết, chẳng hạn như khả năng bắt buộc thành lập các hội đồng mục vụ tại các giáo xứ, “chúng ta chắc chắn đang sống trong những căng thẳng tốt đẹp, tích cực, với những quan điểm khác nhau thể hiện sự sống động – Hồng y Lacroix nói – do đó chúng ta được kêu gọi để có một thái độ cởi mở với nhau”. Cũng liên quan đến việc làm cho mối tương quan giữa các cơ quan của Giáo triều Roma và các Hội đồng Giám mục cũng như các giáo phận trở nên hiệu quả hơn, ngài cho biết, “vẫn còn một chặng đường phải đi cùng nhau, nhưng đã có những bước tiến”.
Hướng đến một thừa tác vụ lắng nghe?
Một số người cũng đã đề cập đến khả năng thiết lập một thừa tác vụ lắng nghe cụ thể. “Nhưng ngay cả ở đây – theo lời ông Ruffini – vẫn còn những suy tư mở, và chúng tôi chờ đợi các báo cáo từ các nhóm. Có người muốn một thừa tác vụ, và có người muốn một công việc phục vụ, nhưng đương nhiên, đặc sủng của việc lắng nghe sẽ không bao giờ chỉ dành riêng cho một số ít người”. Hồng y Bo đồng tình và cho rằng Thượng Hội đồng này “khác biệt vì nó thực sự là một tiến trình, và tôi hy vọng rằng một khi công việc kết thúc, mỗi giám mục có thể suy nghĩ về việc mở một công đồng giáo phận tại địa phương của mình để tiếp tục những gì đã bắt đầu”. Đức cha Cipollini cũng chia sẻ quan điểm: “Theo tôi, sự hoán cải diễn ra chậm vì nó gắn liền với tự do của mỗi người, và cần thời gian vì đó là một cuộc đối thoại với Thiên Chúa. Ngày nay, chúng ta đang sống trong một xã hội mà ai cũng muốn nói, nhưng không ai còn lắng nghe”.
Tâm Bùi (TGPSG)
Chuyển ngữ từ: vaticannews.va/it
Nguồn: tgpsaigon.net