Cách Ly và Liên Đới

Khi nhắc đến cặp từ ngữ “cách ly và liên đới”, ít người nghĩ rằng những hạn từ đối lập này, lại có thể đi cùng nhau sánh bước trong một ngữ cảnh nào đó. Bởi lẽ khi nói CÁCH LY người ta nghĩ ngay đến sự cô lập, loại trừ hay tiêu cực hơn nữa là sự cắt đứt mọi sự tiếp xúc với bên ngoài. Trong khi đó thuật ngữ LIÊN ĐỚI lại mang ý nghĩa là sự ràng buộc lẫn nhau, sự quy tụ gần gũi và chia sẻ với nhau. Xét trên mặt ngữ nghĩa hay thực tế quảng diễn thì đều khó có thể nhận ra điểm chung nối kết nên một giữa CÁCH LY VÀ LIÊN ĐỚI.

Ấy thế mà, trong những ngày tháng đại dịch vừa qua sự cách ly và liên đới lại là thuật ngữ người ta đề cập đến nhiều nhất và cũng là hai phương thức hiệu quả giúp cho nhân loại có thể bảo vệ chính mình một cách tích cực hơn trước dịch bệnh bùng phát.

CÁCH LY

Theo lẽ thường, cuộc sống trong bốn bức tường của nhà dòng đã là một “cuộc cách ly”. Vì vậy mà lắm lúc tôi lại nghĩ: luật cách ly thời đại dịch covid-19 đối với mình chẳng là “vấn đề”, chẳng có gì xa lạ nữa, điều này mình đã quen rồi. Nhưng có lẽ đối với nhiều người, trong đời sống xã hội thường ngày thì lại là một sự bất tiện, khó chịu nếu không muốn nói là tù túng.

Đã hơn 4 tháng qua đi nhưng đại dịch Covid-19 vẫn đang khiến cho thế giới điêu đứng theo cách nó hoành hành và lây lan nhanh chóng và cướp đi nhiều sinh mạng. Cũng chính vì sự nguy hiểm đó mà luật giãn cách xã hội được đặt ra trên nhiều quốc gia. “Luật cách ly” trong thời gian đại dịch là biện pháp hữu hiệu để có thể ngăn chặn lây lan cộng đồng. Trong bối cảnh khó khăn của thế giới, nhiều điều kỳ diệu đã xảy ra, người ta kêu gọi cùng nhau đẩy lùi dịch bệnh bằng những sáng kiến: những tổ chức thiện nguyện, những cây ATM gạo, siêu thị 0 đồng, nhiều tấm lòng quảng đại giúp đỡ người nghèo…Vậy nên, sự cách ly cũng tạo được nhiều kỳ tích đẹp trong tình huynh đệ và liên đới với nhau.

 LIÊN ĐỚI

Để ngăn chặn sự lây lan người ta đang trong chờ các nhà khoa học tìm ra vắc-xin (Vaccines), hay những phác đồ điều trị hiệu quả với thuốc đặc trị. Trong sự đồng cảm với những khổ đau của nhân loại, Đức Giáo Hoàng của chúng ta cũng đã ưu tư nhiều với nỗi đau của nhân loại. Ngài đã cầu nguyện, kêu gọi các quốc gia trên thế giới mở lòng để chung tay chống dịch. Ngài đã gửi nhiều thông điệp vô cùng ý nghĩa bằng cả lời nói và việc làm cụ thể để nâng đỡ thế giới trong cơn đại dịch.

Trên tạp chí tiếng Tây Ban Nha “Vida Nueva”, Đức Thánh Cha Phanxicô đưa ra “Kế hoạch hồi sinh” sau Covid-19, theo đó ngài nhấn mạnh đến một loại Vắc–xin để điều trị, đó là kháng thể của tình liên đới: “Mỗi hành động cá nhân không phải là một hành động đơn độc. Tốt hơn hay tệ hơn, tất cả các hành động của chúng ta đều ảnh hưởng đến người khác”.

Kháng thể Liên đới ư? Kháng thể này có phải là điều các nhà khoa học đang mong đợi chăng?? Thưa Đức Thánh Cha, ngài đang thách đố các nhà nghiên cứu Y học hay sao???

Với ý tưởng xem ra có vẻ “lạ lùng” của Đức Thánh Cha, em chợt nhớ đến tinh thần mà thánh Phaolô đề cập đến trong thư gửi tín hữu Rôma: “Chúng ta tuy nhiều người, nhưng cũng chỉ là một thân thể trong Ðức Kitô, và tương quan với mỗi người, kẻ này là chi thể của người kia… Hãy vui mừng với kẻ vui mừng, và khóc lóc với kẻ khóc lóc” (Rm 12, 5 tt).

Thật đáng vui mừng khi những suy tư của Đức Thánh Cha không những chỉ nhắm đến kỹ thuật trong khoa học, mà ngài còn muốn đưa nhân loại đi vào một tương quan khắng khít, chặt chẽ hơn trong tình liên đới và trách nhiệm. Chính tình liên đới, sẻ chia rộng lớn này sẽ là khởi điểm giúp nhân loại cùng nhau vượt qua những khó khăn hiện tại. Vì thế, ngài mời gọi “củng cố tương quan huynh đệ như những thành viên trong một gia đình nhân loại” bằng vắc-xin của Tình liên đới. Liên đới giữa các quốc gia trên hành tinh này. Liên đới để cùng nhau giải quyết những vấn đề chung của nhân loại.

NGHĨ VỀ TÌNH LIÊN ĐỚI VỚI THẾ GIỚI.

Sau những cánh cửa đóng kín của Hội dòng, cách nào đó chị em chúng ta cũng đang “cách ly” với thế giới bên ngoài. Tuy nhiên, sự biệt lập đó cũng không thể cắt đứt mối dây thông hiệp với nhân loại đang khốn đốn. Chính mối dây liên đới đó làm cho ta thấy rằng: Thế giới bao la rộng lớn giờ đây trở nên bé nhỏ trong trái tim mỗi người, khi chúng ta xót xa thương cảm với biết bao nhiêu bệnh nhân phải đối diện với cái chết và đã chết trong cô đơn, khi chúng ta thấm thía nỗi đau mất mát với người thân của họ. Tình liên đới càng khiến cho lòng chúng ta quặn đau khi nghe tin nhiều Bác sĩ, Y tá, nhân viên y tế và nhiều người vì xã thân để cứu bệnh nhân mà phải hy sinh tình cảm riêng tư, tình cảm gia đình ruột thịt và ngay cả tính mạng. Chính trong tinh thần hiệp thông này mà chúng ta đau nỗi đau của Vị Cha chung, khi ngài cầu nguyện tha thiết cho đoàn chiên đang đau khổ. Tình liên đới khiến chúng ta vừa cảm phục vừa tự hào sự hy sinh cao cả của những linh mục và tu sĩ nam nữ xông pha nơi tuyến đầu của đại dịch, dám liều thân vì tình yêu thương dành cho các bệnh nhân.

NGHĨ VỀ TÌNH LIÊN ĐỚI TRONG CỘNG ĐOÀN.

Những ngày đại dịch diễn ra, em càng cảm nhận và xác tín được rằng tình liên đới không có bến đỗ, không dừng lại ở mức độ thiêng liêng mà đang sờ chạm được, nhìn thấy được bằng mắt thường và đang diễn ra rõ ràng trong cuộc sống. Điều này khiến em càng nghĩ về một sự liên đới thẳm sâu giữa chị em mình, đòi hỏi đến mức có thể thương nhau như người thân ruột thịt. Điều này rất khó, nhưng vẫn có thể thực thi được. Bởi lẽ sự gắn kết và tương trợ nhau trong cộng đoàn không phải điều gì đó quá cao xa và siêu tưởng như chúng ta vẫn nghĩ.

Tình liên đới có thể là SỰ THÔNG CẢM, cảm biết niềm vui nỗi buồn của nhau, biết nơi mình có cái xấu của mình và nơi chị em cũng có cái hay cần học hỏi, nhờ đó mà dễ cảm thông khi chị em vấp ngã và đón nhận những gì như chính họ là.

Tình liên đới đó cũng chính là ĐỒNG HÀNH: cùng chia sẻ, cùng lãnh nhận, cùng khích lệ, cùng giúp đỡ, cùng lo cho nhau, cùng bước đi với nhau trên mọi nẻo đường đời, cho dù có lắm chông gai sỏi đá hay lắm “ổ gà ổ voi” và cùng “vác đỡ gánh nặng cho nhau”.

Tình liên đới nhắc nhớ về tinh thần HIỆP NHẤT: đồng tâm nhất trí và cùng nhau vui đón những sáng kiến, những khác biệt, những công việc, những thành công và cả những thất bại, những trái ý cực lòng… Cùng nắm tay nhau để hoàn thành bổn phận được giao, không phải vì cá nhân mình nhưng vì một lý tưởng, một mục đích cuối cùng là “Tình yêu phi thường dành cho Đức Kitô Chịu Đóng Đinh”.

Quan trọng hơn cả, tình liên đới giúp cho cộng đoàn đức tin CÙNG NHAU HƯỚNG VỀ CHÚA: Chỉ có trong Tình Yêu phi thường dành cho Đức Kitô Chịu Đóng Đinh, chúng ta mới sống hạnh phúc và dễ dàng đón nhận tất cả. Trong Tình liên đới giúp chúng ta nổ lực sống “Yêu thương, hiệp nhất để Loan Báo Tin Mừng”.

Lạy Chúa Giêsu phục sinh – Đấng đã chiến thắng sự chết,

Xin chiếu toả ánh sáng bình an của Ngài trên chúng con và toàn thể nhân loại.

Xin Chúa cho con biết đón nhận “kháng thể tình liên đới” mỗi ngày, để con không bị lây nhiễm những virus còn nguy hiểm hơn: virus kiêu căng, thành kiến, ích kỷ, chỉ trích, ganh tị, giận hờn, ghen ghét…

Xin Chúa ban cho con “kháng thể liên đới”, để con biết quên đi “cái tôi sắc tối”, loại bỏ “cái tôi huyền tồi” và tránh xa “cái tôi nặng tội”.

Xin Chúa Phục Sinh ban cho con biết lên “kế hoạch hồi sinh” chính mình, bằng cách sống liên đới mật thiết với Chúa và với tha nhân để Tin Vui Chúa đã Phục Sinh được hát vang khắp địa cầu.

Nt. Maria Lê Huyền

HD. Mến Thánh Giá Huế