Chúng Ta Sẽ Được Gì Khi Theo Chúa

(1 Pr 1:10-16; Mc 10:28-31)

Thánh Phêrô trong bài đọc 1 hôm nay mời gọi chúng ta phải tỉnh thức chờ đợi những điều liên quan đến ơn cứu độ mà các ngôn sứ đã nghiên cứu tìm hiểu và cũng như tuyên sấm. Những điều các ngôn sứ tuyên sấm là chân thật vì Thần Khí Đức Kitô ở nơi các ngài: Thiên Chúa đã mặc khải cho các ngài biết là các ngài có phận sự truyền đạt thông điệp ấy, không phải cho chính mình, mà là cho anh em. Đó là thông điệp mà nay các người giảng Tin Mừng đã loan báo cho anh em, nhờ tác động của Thánh Thần là Đấng đã được cử đến từ trời. Chính các thiên thần cũng ước mong được tìm hiểu kỹ lưỡng thông điệp ấy (1 Pt 1:12). Thông điệp ấy là gì?  Đó là “những đau khổ dành cho Đức Kitô, và vinh quang đến sau những đau khổ đó” (1 Pt 1:11). Sứ điệp này phải được các ngôn sứ rao giảng qua lời nói cũng như hành động của mình. Là những ngôn sứ của Đức Kitô, chúng ta cũng được mời gọi rao giảng sứ điệp đó. Để thực hiện điều đó, chúng ta phải trở nên những người con biết vâng phục, không chiều theo những đam mê trước kia khi chúng ta còn mê muội. Nhưng chúng ta phải sống thánh thiện trong cách ăn nết ở (x. 1 Pt 1:13-16). Tóm lại, hãy biến chính cuộc sống của mình thành lời rao giảng ơn cứu độ của Thiên Chúa.

Trong bài Tin Mừng hôm qua, chúng ta đã nghe hai phần đầu về giáo huấn của Chúa Giêsu về sự giàu có. Tin Mừng hôm nay trình bày cho chúng ta giáo huấn của Chúa Giêsu về phần thưởng dành cho những ai bỏ hết mọi sự để làm môn đệ của Ngài. Như thường lệ, Phêrô là người đại diện cho các môn đệ trình bày với Chúa Giêsu về “chiến công” mà người thanh niên giàu có không làm được: “Thầy coi, phần chúng con, chúng con đã bỏ mọi sự mà theo Thầy!” (Mc 10:28). Đằng sau câu nói này hàm chứa câu hỏi về phần thưởng dành cho họ, những người bỏ mọi sự để làm môn đệ của Ngài. Câu trả lời của Chúa Giêsu cho chúng ta thấy rõ điều này: “Thầy bảo thật anh em: Chẳng hề có ai bỏ nhà cửa, anh em, chị em, mẹ cha, con cái hay ruộng đất, vì Thầy và vì Tin Mừng, mà ngay bây giờ, ở đời này, lại không nhận được nhà cửa, anh em, chị em, mẹ, con, hay ruộng đất, gấp trăm, cùng với sự ngược đãi, và sự sống vĩnh cửu ở đời sau” (Mc 10:29-30). Chúa Giêsu hứa phần thưởng cho những người môn đệ không chỉ ở đời sau [sự sống vĩnh cửu], nhưng ngay cả ở đời này khi họ vui hưởng các mối tương quan mang tính vật chất [nhà cửa, ruộng đất], xã hội [anh em, chị em, mẹ, con], và tôn giáo [sự ngược đãi]. Thực tế cho chúng ta thấy, những người theo Chúa Giêsu [nhất là trong đời sống thánh hiến linh mục, tu sĩ] vui hưởng những phần thưởng trên: Họ không lo lắng về cơm áo gạo tiền; họ không lo lắng về nơi ăn chốn ở; họ được mọi người kính trọng và chào đón. Tuy nhiên, nếu sống trọn vẹn với ơn gọi của mình, họ cũng sẽ đối diện với nhiều ngược đãi và đau khổ từ chính những người thân và cộng tác với mình.

Trong các phần thưởng ở đời này, sự ngược đãi là điều Maccô đưa ra như là điều kiện cần thiết của ơn gọi làm môn đệ của Chúa Giêsu. Đây chính là điều nhiều chúng ta, những người môn đệ của Chúa Giêsu, không mấy hoan nghênh. Chúng ta thường xem khó khăn và ngược đãi trong cuộc sống như là thử thách và đôi khi là “thánh giá” Chúa gởi đến cho mình. Chẳng mấy người trong chúng ta không xem chúng là “phần thưởng” mà Chúa Giêsu hứa ban cho người môn đệ. Thánh Giêrônimô dạy chúng ta rằng: Trong hành trình theo Chúa Giêsu, nhiều khi chúng ta quá chú tâm đến những điều chúng ta từ bỏ, và như thế hành trình chúng ta đi càng ngày càng trở nên nặng nề và buồn chán vì “Chúa bắt chúng ta từ bỏ quá nhiều.” Chính cái “đau đớn của từ bỏ” làm chúng ta quên mất niềm vui “theo Thầy” – Niềm vui chúng ta có được khi nhìn thấy ánh mắt yêu thương của Chúa Giêsu nhìn chúng cách say đắm và đem lòng yêu thương.

Bài Tin Mừng kết với câu: “Quả thật, nhiều kẻ đứng đầu sẽ phải xuống hàng chót, còn những kẻ đứng chót sẽ được lên hàng đầu” (Mc 10:31). Nhiều người thường giải thích câu này để nói về việc những người khiêm nhường sẽ được tôn vinh và những người kiêu ngạo sẽ bị tủi hổ. Tuy nhiên, trong bối cảnh của bài Tin Mừng, câu nói này là lời khuyến khích của Chúa Giêsu cho các môn đệ của Ngài, là những người đã bỏ mọi sự để theo Ngài, về thực tế của một sự “thay đổi hoàn toàn.” Cụ thể là, những phần thưởng [niềm vui] họ nhận được khi theo Ngài vượt quá nhiều lần so với những điều mà họ từ bỏ trong đời này. Điều này hàm chứa chân lý sau cho các môn đệ: Hãy luôn nhìn về phía trước, nhìn vào Chúa Giêsu, nhìn vào niềm vui được làm môn đệ Ngài, hơn là mất thời gian để khóc than và luyến tiếc những mối tương quan và những thứ chúng ta đã từ bỏ.

Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Dũng, SDB