Lời nói đầu
Câu nói “Sinh – lão- bệnh – tử” đến từ kinh nghiệm của con người trong kiếp nhân sinh. Người cao niên được xếp vào giai đoạn cuối cùng của một đời người. Trên thế giới cũng như ở Việt nam, dân số người cao niên ngày càng gia tăng, vấn đề về sức khỏe người cao niên cũng nhiều hơn. Việt Nam là một trong 10 quốc gia trên thế giới có dân số người già tăng nhanh (Tran, Barysheva, & Shpekht, 2015).
Người cao niên thường đối mặt với những vấn đề sau: (1) khủng hoảng tuổi về hưu; (2) suy giảm, khiếm khuyết kinh niên về khả năng nghe, nhìn, ghi nhớ, khả năng tự chăm sóc bản thân; (3) chịu đựng những căn bệnh nan y như ung thư, tiểu đường, tim mạch, v.v…; (4) suy giảm tinh thần do ảnh hưởng những vấn đề về sức khỏe tâm thần như trầm cảm, lo âu, căng thẳng sau sang chấn tâm lý… Trong các vấn đề trên, vấn đề suy giảm nhận thức và trầm cảm, lo âu là hai vấn đề phổ biến nhất ở tuổi cao niên (Fitting, 1986). Theo đó thì những bận tâm của người cao niên cũng được Fitting (1986) phân chia làm bốn loại: (1) bận tâm về những hậu quả của quá trình lão hóa; (2) bận tâm về các căn bệnh nan y; (3) bận tâm về các vấn đề liên quan đến sức khỏe tinh thần, (4) và bận tâm về cái chết.
Hiểu được những đặc điểm thay đổi tâm sinh lý này của người cao niên giúp chúng ta thấu hiểu, yêu thương, kính trọng và kiên nhẫn khi chăm sóc các ngài. Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói “Ở đâu không có sự kính trọng những người cao niên thì ở đó cũng không có tương lai cho những người trẻ.” “Một xã hội bỏ rơi trẻ em và người già nua là tự chặt đứt nguồn gốc và làm cho tương lai trở nên đen tối. Người cao niên là một kho tàng quý báu” (ĐTC Phanxicô, 2014).
Đặc biệt hơn, trong văn hóa của người Việt Nam, chăm sóc người cao niên trong gia đình là một cơ hội báo hiếu. Người cao niên được chăm sóc bởi con cháu của mình tại gia đình là mô hình quen thuộc của văn hóa Á Châu nói chung và Việt Nam nói riêng. Việc hổ trợ/chăm sóc của con cái trong gia đình đối với người cao niên mang một giá trị quan trọng, là một sự “chuyển giao giữa các thế hệ/ intergenerational transfers, như tục ngữ Việt Nam có câu: “Trẻ cậy cha, già cậy con” (Chan, 2005; Frankenberg, Lillard, & Willis, 2002; Knodel, Friedman, Si Anh, & Cuong, 2000; Lee, Parish, & Willis, 1994). Một sự thú vị đến từ các kết quả nghiên cứu về mối quan hệ giữa việc chăm sóc người già và các yếu tố liên quan khác. Cụ thể, có một tương quan tỉ lệ thuận giữa chất lượng chăm sóc người cao niên và sức khỏe về thể lý và tâm lý của người cao niên. Nghĩa là, khi được gia đình chăm sóc tận tình, sức khỏe tâm lý và thể lý của người cao niên cũng trở nên tốt hơn. Khi người cao niên cảm thấy hài lòng hơn với cuộc sống của mình thì các ngài cũng dễ cảm nhận bình an và hạnh phúc hơn trong tuổi già (Phillips, Siu, Yeh, & Cheng, 2008; Liang, et al., 2013; Chen & Silverstein, 2000; Liu & Zhang, 2004; Liang, et al., 2013; Liu & Zhang, 2004, cited in Hoang, 2015).
Cũng thế, trong đời sống cộng đoàn tu dòng, người cao niên luôn được nhìn nhận là những cây cao bóng cả trong Hội dòng. Là những người đã một đời gắn bó và góp phần xây dựng Hội dòng qua các sứ vụ đã đảm nhận. Vì thế, tuổi già của quí Chị đáng được trân trọng và cần được chăm sóc tận tình.
Bài suy tư về việc “chăm sóc người cao niên” bao gồm các điểm chính sau: (1) Người cao niên trong Kinh thánh và Giáo huấn của Giáo Hội; (2) Sức khỏe người cao niên; (3) Tâm lý người cao niên; (4) Người cao niên và những vấn đề cần được chăm sóc; (4) Những nguyên tắc đạo đức khi chăm sóc người cao niên; (5) Những chỉ dẫn cụ thể khi chăm sóc người cao niên.
- Người cao niên trong Kinh thánh và Giáo huấn của Giáo Hội
- Trong Kinh thánh
Theo mặc khải của Thánh Kinh, bậc cao niên là một ân huệ đặc biệt của Thiên Chúa ban cho người công chính: “Mái đầu bạc là triều thiên vinh hiển được tặng ban cho kẻ sống công chính” (Cn 16, 31). Trong gia đình mà vắng sự hiện diện của bậc cao niên thì được xem như là sự nguyền rủa của Thiên Chúa: “Này sắp đến những ngày Ta sẽ chặt cánh tay ngươi và cánh tay của nhà cha ngươi, khiến cho không còn người già trong nhà của ngươi” (1Sm 2, 31). Thánh Kinh cũng cho thấy bậc cao niên phản ảnh sự khôn ngoan: “Người tóc bạc được trí khôn ngoan, bậc tuổi cao có tài thông hiểu” (G 12,12). Sự khôn ngoan ấy có được là do học hỏi tiền nhân và nhất là do tích lũy kinh nghiệm sống của bản thân (x. Hc 8, 9). Người cao niên được Thiên Chúa chăm sóc cách đặc biệt, như hình ảnh tiên tri Isaia nói về dân Chúa: “Cho đến khi các ngươi già nua tuổi tác, trước sau gì Ta vẫn là Ta; cho đến khi các ngươi da mồi tóc bạc, Ta vẫn còn gánh vác các ngươi. Như xưa nay Ta vẫn từng đối xử: Ta sẽ nâng niu, gánh vác các ngươi, và ban ơn cứu thoát” (Is 46, 4). Sự hiện diện của người cao niên còn là một sự hiện diện phong phú “Già cỗi rồi, vẫn sinh hoa kết quả, tràn đầy nhựa sống, cành lá xanh rờn” (Tv 91, 15).
Những thái độ Thiên Chúa muốn mỗi người chúng ta phải có đối với bậc cao niên: Kính trọng “Đừng khinh dể người đã cao niên, vì đến lượt chúng ta rồi cũng già hết cả” (Hc 8,6); chăm sóc: “Con ơi, hãy săn sóc cha con, khi người đến tuổi già; bao lâu người còn sống, chớ làm người buồn tủi. Người có lú lẫn con cũng phải cảm thông, cớ cậy mình sung sức mà khi dễ người” (Hc 3,12-13) và vâng phục: “Hãy lắng nghe cha con, đấng sinh thành ra con, đừng khinh dể mẹ con khi người già yếu” (Cn 23, 22); “Đừng nặng lời với cụ già, nhưng khi khuyên nhủ, hãy coi cụ như cha” (1 Tm 5,1).
- Trong giáo huấn của Giáo Hội
Theo Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, trong các nền văn hóa hiện nay trên thế giới, có hai thái độ đối với bậc cao niên: một nền văn hóa biểu lộ sự kính trọng thương yêu, và một nền văn hóa khác chủ trương loại trừ người cao niên ra khỏi môi trường gia đình và cộng đoàn (Gioan Phaolô II, Tông Huấn Familiaris Consortio, số 27). Với thái độ loại trừ này đối với bậc cao niên, Giáo Hội đã đặt lại trách nhiệm và bổn phận từ môi trường gia đình của phận con cháu. Bởi: “Gia đình là một cộng đoàn sống và yêu thương” (Gioan Phaolô II, Thư Gửi Các Gia Đình, số 17) nên Công Đồng Vaticanô II viết: “Thực vậy, con cái sẽ đáp lại công ơn cha mẹ với lòng biết ơn, tâm tình hiếu thảo và tin cậy, và sẽ theo đạo làm con mà phụng dưỡng cha mẹ trong nghịch cảnh cũng như trong tuổi già cô quạnh.” (Công Đồng Vaticanô II, Hiến Chế Gaudium Et Spes, số 48).
Các giáo huấn của Giáo Hội tựu trung ở quan điểm như Đức Phanxicô nhận định: “Giáo Hội không thể và không muốn nhượng bộ một tâm thức bất nhẫn, chưa nói là dửng dưng hay khinh miệt đối với người cao niên. Chúng ta phải đánh thức lại cái ý thức tập thể về lòng biết ơn, về sự trân trọng, lòng tử tế, làm cho người cao niên cảm thấy mình là một thành viên sống động của cộng đồng” (ĐGH Phanxicô, Tông Huấn Amoris Laetitia, số 191).
Một sự quan tâm chăm sóc cần thiết, sẽ mang đến những giá trị sống không chỉ đối với bậc cao niên mà còn đối với chính mỗi người chúng ta. Vì thế, chúng ta phải đề cao việc chăm sóc sức khỏe cho các bậc cao niên, để các đấng được an vui và hướng tới một đời sống mới.
- Sức khỏe người cao niên
Một sự sống toàn vẹn được thể hiện nơi sức khỏe thể lý và tinh thần. Sự sống ấy do chính Thiên Chúa sáng tạo nên (St 1, 27). Sự sống và sức khỏe ấy là điều cao quý nhất Thiên Chúa ban cho con người (St 2,7) và có giá trị vượt trội hơn tất cả các giá trị “không của cải nào bằng sức khỏe thân xác, chẳng vui sướng nào hơn niềm vui của con tim” (Hc 30, 14-16).
Mặc dù chúng ta nhìn nhận những giá trị tích cực nơi người cao nhiên, nhưng chúng ta cũng thừa nhận rằng sức khỏe và sự sống nơi người cao niên trở nên mong manh, bởi lẽ ‘tuổi già thì sức yếu.” Xuất hiện những giới hạn về sức khỏe thể lý như các vấn đề liên quan đến tim mạch, cao huyết áp, đột quỵ, tiểu đường, thoái hóa xương khớp, loãng xương, ung thư, giảm công dụng các giác quan như suy giảm thị lực và thính giác, v.v.; những bệnh liên quan đến thần kinh như mất trí nhớ (Alzheimer), căng thẳng, trầm cảm, lo âu, mất ngủ, v,v. Những căn bệnh này cũng dẫn đến vấn đề khiếm khuyết khả năng tự phục vụ bản thân, giảm các chức năng sống và những thay đổi khác như da nhăn, tóc bạc, lưng khòm, đi đứng chậm chạp, nói năng chậm chạp, mắt mờ, tai lãng, v.v.
Với những sự thay đổi về tâm sinh lý như thế người cao niên dễ rơi vào tình trạng tổn thương. Một tổ chức ở Mỹ có tên gọi “Washington’s Vulnerable Adult Statute” tạm dịch “tình trạng tổn thương của người già” định nghĩa về sự tổn thương của người cao niên, là tình trạng của người ở tuổi 60 và trên 60 mà có khiếm khuyết về khả năng thể lực, trí lực và các chức năng khác dẫn đến mất khả năng tự phục vụ bản thân, dẫn đến nhu cầu cần được người khác chăm sóc và phục vụ. Vì thế, người cao niên dễ tủi thân khi không được lắng nghe, yêu thương và kính trọng (Solian, 2015, tr. 1488-1489).
- Tâm lý người cao niên
- Muốn được quan tâm chăm sóc nhiều hơn: Người cao niên thường cần sự giúp đỡ của người khác nhiều hơn vì khả năng tự chăm sóc bản thân bị suy giảm. Tuy nhiên, tâm lý lệ thuộc này dễ dẫn đến tình trạng hờn dỗi, tủi thân, gắt gỏng, khó chịu, nếu không được chăm sóc chu đáo, tận tình.
- Sợ cô đơn: Người cao niên rất dễ cảm thấy bị bỏ rơi và quên lãng bởi những sự thay đổi trong sinh hoạt thường ngày như ở riêng, ăn riêng, sinh hoạt riêng và giảm bớt những thời gian tham gia chung với cộng đoàn chị em đang thi hành sứ vụ.
- Hay lo xa: Đây là đặc tính tâm lý của người cao niên. Do sự chậm chạp về tư duy và cảm giác bị lệ thuộc, nhờ vả người khác nên người cao niên thường cảm thấy lo lắng. Lo lắng những nhu cầu của mình không được biết, được đáp ứng một cách kịp thời, không được hiểu và không được thấu cảm.
- Dễ mủi lòng, tủi thân: Bởi sự lệ thuộc vào sự chăm sóc của người khác, người cao niên thường nghĩ rằng mình là người “vô tích sự” nên dễ tủi thân và nếu sự việc bị lặp lại nhiều lần, với cường độ mạnh hơn có thể dẫn đến tình trạng căng thẳng, lo âu, trầm cảm.
- Lo sợ về cái chết: Một trong các vấn đề quan trọng cần lưu tâm khi chăm sóc người cao niên là chuẩn bị tinh thần cho các ngài về sự chết. Bở lẽ, có những người sẽ rất thoải mái khi bàn luận về vấn đề này nhưng cũng có những người mang tâm trạng lo lắng, băn khoăn và khó đón nhận. Chúng ta cần nhạy bén và quan tâm, giúp đỡ cách phù hợp.
- Người cao niên và những vấn đề cần được chăm sóc
- Chăm sóc sức khỏe thể lý
Chế độ dinh dưỡng phù hợp: Duy trì ăn uống điều độ, “ăn ngon-ngủ sâu,” chế độ dinh dưỡng phù hợp và cân đối. Chia nhỏ bữa ăn trong ngày để dưỡng chất dễ hấp thu hơn. Thực phẩm cần được đa dạng để có đủ các dưỡng chất quan trọng, trừ những thức ăn phải kiên theo nhu cầu cá nhân. Chú ý khi chế biến món ăn cho người cao niên, không nên quá mặn, quá lạnh hoặc quá nóng và không nhiều dầu mỡ…
Ăn mặc và nơi cư trú: Sự thích nghi về môi trường sống của bậc cao niên giảm so với tuổi trẻ hơn. Vì thế cần có sự đảm bảo về ăn mặc và cư trú để bậc cao niên không bị căng thẳng vì sự thay đổi không thuận lợi hay do những ảnh hưởng xấu từ môi trường bên ngoài như khí hậu, thời tiết, không khí…
Tránh những chất độc hại: Những chất độc hại ngày một gia tăng trong môi trường sống của con người qua bầu không khí bị ô nhiễm, qua thực phẩm bẩn, qua hàng hóa kém chất lượng và qua việc lạm dụng những thứ kích thích như bia rượu, thuốc lá… làm cho sức khỏe con người nói chung ngày càng bị đe dọa, tuổi thọ ngày một giảm. Do đó, các bậc cao niên cần phải được tránh xa với những thứ độc hại trên, nhằm đảm bảo một sức khỏe tốt nhất có thể.
Vận động và tập luyện: Cần vận động và tập luyện trí não thường xuyên, như giữ thói quen đọc sách, suy tư, trò chuyện, thể dục. Bởi vì, nếu không thường xuyên vận động trí não và thân thể thì sức khỏe người cao niên sẽ khẩn trương suy giảm, gây nên nhiều bệnh lý không tốt, mau bị lẫn, biến mất khả năng chủ động điều khiển tâm trí.
- Chăm sóc sức khỏe tinh thần
Tạo điều kiện để bậc cao niên có một đời sống cầu nguyện tốt: Tuổi già là thời gian thảnh thơi, không lo toan bận rộn với trọng trách của công việc. Là thời gian tiến sâu hơn trong đời sống kết hiệp mật thiết với Chúa cách sâu xa và tràn đầy bình an. Là thời gian sống tâm tình tri ân và cảm tạ cho quá khứ và hiện tại để hướng về tương lai trong bình an và phó thác.
Lưu tâm đến việc lãnh nhận đầy đủ các bí tích: Các bí tích là “nguồn dinh dưỡng” thiêng liêng dồi dào trong đời sống đức tin và trên hành trình dâng hiến. Lãnh nhận các bí tích giúp người cao niên có được nguồn lương thực sung mãn và cơ hội kết hợp mật thiết với Chúa hơn, đặc biệt bí tích Thánh thể và bí tích Hòa giải. Ngoài ra lưu tâm tổ chức cho các ngài những dịp sinh nhật, kỷ niệm mừng thọ, khấn dòng,…giúp các bậc cao niên cảm nghiệm hồng ân của Chúa và bầu khí hiệp thông trong môi trường mình đang sống.
Tạo tâm lý thoải mái: Bậc cao niên có tinh thần thoải mái sẽ làm giảm các căn bệnh như mất trí, trầm cảm, rối loạn tâm thần và có thể làm tăng sức khỏe và tuổi thọ.
- Những nguyên tắc đạo đức khi chăm sóc người cao niên
Fitting (1986) đề nghị ba nguyên tắc khi chăm sóc/làm việc với người cao niên:
- Tôn trọng khả năng tự trị của người cao niên: khi khả năng nhận thức, tư duy của người cao niên còn minh mẫn, những vấn đề liên quan đến sự quyết định về sức khỏe và các sinh hoạt trong cuộc sống của người cao niên cần được trao đổi để có sự đồng thuận.
- Người cao niên là trọng tâm: Nghĩa là khi chăm sóc người cao niên phải hiểu nhu cầu thật sự của các ngài để đáp ứng phù hợp và đúng lúc. Nhu cầu ở đây nhắm đến hai bình diện, nhu cầu sức khỏe thể lý và nhu cầu tinh thần. Lưu ý tránh những phương thức chăm sóc xem ra rất tốt nhưng không phù hợp khiến các ngài cảm thấy thiếu sự thấu hiểu và bị áp đặt.
- Quyền lợi và ích lợi thật sự cho người cao niên: Trong trường hợp người cao niên mất khả năng tư duy và quyết định, sự đồng thuận về những quyết định về sức khỏe của người cao niên cần được bàn hỏi với người có trách nhiệm và người chăm sóc.
- Những chỉ dẫn khi chăm sóc người cao niên
- Những điểm lưu ý khi chăm sóc sức khỏe thể lý cho người cao niên
- Khám sức khỏe định kỳ để phòng ngừa và chữa trị bệnh kịp thời.
- Nắm rõ tình trạng sức khỏe của từng cá nhân.
- Chú ý cách chế biến thức ăn phù hợp, như đã gợi ý trong phần “chế độ dinh dưỡng” ở phần số 5.
- Những điểm lưu ý khi chăm sóc sức khỏe tinh thần cho người cao niên
Cộng đoàn, cá nhân người chăm sóc người cao niên cần lưu ý những điểm sau:
- Tạo điều kiện để người cao niên được cảm thấy thoải mái trong lề luật, sống đời sống cầu nguyện trong sáng kiến với những hình thức phù hợp và hiệu quả.
- Tạo điều kiện cho các ngài tham gia các công việc cộng động tùy khả năng của mỗi người.
- Dành nhiều tình cảm, sự quan tâm, động viên.
- Dành nhiều thời gian trò chuyện, lắng nghe.
- Kiên nhẫn và kính trọng trước những chậm chạp hay vụng về trong các sinh hoạt sống.
Thay lời kết
Theo Kinh Thánh và theo Giáo huấn của Giáo Hội, tuổi già cũng có một ân sủng, một sứ vụ, và một ơn gọi đích thực từ Chúa. Thiên Chúa mời gọi chúng ta đi theo Người trong tất cả các giai đoạn của cuộc đời. Tuổi giả vẫn có thể trở thành khí cụ của lịch sử ơn cứu độ.
Tuy nhiên, về khía cạnh con người, ở giai đoạn này, người cao niên thường đối mặt với sự suy giảm về sức khỏe thể lý, tâm lý, tinh thần, khả năng nhận thức, tư duy. Sự vận hành của các chức năng trong cơ thể không còn được tốt. Bệnh tật phát sinh. Tâm lý khủng hoảng vì sự tách rời cộng đoàn, rời bỏ trách nhiệm và công việc. Thêm vào đó, người cao niên hay có thói quen suy đi gẫm lại những điều đã làm được và những điều chưa làm được trong cuộc sống. Nhạy cảm với cách đối xử của người chung quanh. Cảm giác cô đơn và vô dụng. Tất cả những điều này hình thành nơi người cao niên những sự thay đổi về tâm sinh lý như lo lắng, cảm giác lệ thuộc, tủi thân, dễ cáu gắt, khó chịu, v.v. Vì thế, để chăm sóc người cao niên tốt, cần có những kiến thức và kỹ năng căn bản, cần có một tấm lòng, sự thấu cảm. Nhờ đó, có thể giúp các ngài cảm nhận được một sự trợ giúp an toàn, phù hợp và góp phần đem lại sự bình an, hạnh phúc và thanh thản trong tuổi già.
.
Nt. Anna Nguyễn Bảo Uyên