Như chúng ta biết, Mưới Điều Răn chỉ được hiểu trong bối cảnh Giao Ước giữa Thiên Chúa với Israel, dân Ngài tuyển chọn làm của riêng mình. Điều này được bài đọc 1 hôm nay thuật lại, sau khi thuật “lại cho dân mọi lời của Đức Chúa và mọi điều luật” [Mười Điều Răn] (Xh 24:3). Trước những điều luật của Chúa, Dân Israel đồng thanh đáp: “Mọi lời Đức Chúa đã phán, chúng tôi sẽ thi hành.” Khi hai bên đã chấp nhận những điều kiện đặt ra, giao ước được ký kết. Để giao ước có hiệu lực, chúng ta thấy có những yếu tố sau: (1) một bàn thờ dưới chân núi và dựng mười hai trụ đá cho mười hai chi tộc Israel (Xh 24:4); (2) hy tế; (3) máu. Trong những yếu tố này, yếu tố “máu rảy lên dân” là quan trọng, vì đây là hình ảnh báo trước máu của Chúa Giêsu sẽ đổ ra trên dân để rửa dân sạch mọi tội lỗi hầu thiết lập một giao ước mới với Thiên Chúa. Một chi tiết khác cũng đáng để chúng ta suy gẫm trong bài đọc 1 là thái độ sẵn sàng của dân Israel để thực thi những huấn luận mà Thiên Chúa đưa ra. Chúng ta thấy, họ đồng thanh đáp hai lần: “Tất cả những gì Đức Chúa đã phán, chúng tôi sẽ thi hành và tuân theo” (Xh 24:3,7). Chúa cũng nói với chúng ta mỗi ngày. Ngài nói với chúng ta qua lời Ngài công bố trong thánh lễ; Ngài nói với chúng ta qua những biến cố vui buồn trong ngày sống. Thường chúng ta không có vấn đề trong việc lắng nghe điều Chúa phán. Chúng ta thường có vấn đề trong việc tuân theo và thi hành. Chúng ta không tuân theo vì chúng ta muốn theo ý mính hơn ý Ngài; chúng ta cũng không muốn thi hành mệnh lệnh Ngài vì nó đòi hỏi chúng ta phải từ bỏ nhiều thứ, nhất là phải từ bỏ chính mình.
Sợi chỉ nối kết các bài đọc hôm nay chính là mối tương quan giữa tội lỗi và quyền lực của Xatan. Nhưng tội lỗi quyền lực của Xatan bị đánh bại bởi Đấng treo trên Thập Giá, đỗ máu mình ra để cứu chuộc muôn người. Điều này được tác giả thư gởi Do Thái trình bày trong bài đọc 2. Chúa Giêsu là Đấng lấy cái chết của mình để đánh bại quyền lực của tội lỗi và để mang lại cho chúng ta “quyền lãnh nhận gia nghiệp vĩnh cửu Thiên Chúa đã hứa” (Hr 9:15). Chúa Giêsu được trình bày như là Thượng Tế, Đấng “đem phúc lộc của thế giới tương lai” (Dt 9:11) đến cho con người. Tương lai này được Ngài chiếm lấy cho chúng ta “không phải với máu các con dê, con bò, nhưng với chính máu của mình, Người vào chỉ một lần thôi, và đã lãnh được ơn cứu chuộc vĩnh viễn cho chúng ta” (Hr 9:12). Theo truyền thống Kinh Thánh, máu lá biểu tượng của sự sống. Khi nói Đức Giêsu đỗ máu mình ra để làm cho chúng ta nên trong sạch, tác giả thư Hípri ám chỉ việc Chúa Giêsu mang lại cho chúng ta sự sống mới, sự sống thần linh của chính Ngài. Khi đỗ máu mình ra, Chúa Giêsu không chỉ là Thuợng Tế, mà còn là hy lễ: “Nhờ Thánh Thần hằng hữu thúc đẩy, Đức Kitô đã tự hiến tế như lễ vật vẹn toàn dâng lên Thiên Chúa. Máu của Người thanh tẩy lương tâm chúng ta khỏi những việc đưa tới sự chết, để chúng ta xứng đáng phụng thờ Thiên Chúa hằng sống” (Hr 9:14). Những lời này cho biết Chúa Giêsu đã hiến tế chính mình để biến chúng ta trở nên xứng đáng để phụng thờ Thiên Chúa. Nói cách khác, chúng ta được mời gọi biến cuộc đời của mình trở nên của lễ tinh tuyền dâng lên Thiên Chúa. Đây chính là ý nghĩa của mầu nhiệm chúng ta cử hành hôm nay, mầu nhiệm Thánh Thể mà Chúa Giêsu thiết lập và được thuật lại trong bài Tin Mừng.
Bài Tin Mừng hôm nay thuật lại cho chúng ta bữa Tiệc Ly và việc thành lập Bí Tích Thánh Thể (Mc 14:1-25). Trong sự kiện này, Chúa Giêsu tiên báo việc Giuđa sẽ nộp Ngài, Phêrô sẽ chối Ngài và các môn đệ khác sẽ bỏ Ngài. Qua việc chia sẻ bữa ăn với các môn đệ và thành lập Bí Tích Thánh Thể, Chúa Giêsu diễn tả một tình yêu trung thành, và yêu cho đến cùng. Đây là một tình yêu mạnh hơn sự chết, hay nói cách khác, là tình yêu không dừng lại ở cái chết, nhưng luôn hiện diện mãi với người mình yêu. Qua sự kiện này, Chúa Giêsu mời gọi chúng ta hãy diễn tả một tình yêu trung thành và vô điều kiện cho mọi người, đặc biệt cho chồng, cho vợ, cho con cái, cho cha mẹ, cho bạn bè và ngay cả cho kẻ thù của chúng ta. Chúng ta có thể chia bài Tin Mừng hôm nay ra làm hai phần: Phần 1 (Mc 14:12-16) trình bày việc chuẩn bị cho lễ Vượt Qua và phần 2 (Mc 14:22-26) thuật lại việc Chúa Giêsu lập Bí Tích Thánh Thể trong Bữa Tiệc Ly.
Trong phần 1, chúng ta được chỉ cho thấy Bữa Tiệc Ly xảy ra trong bữa ăn của Lễ Vượt Qua vào ngày 15 tháng Nisan: “Hôm ấy, nhằm ngày thứ nhất trong tuần Bánh Không Men, là ngày sát tế chiên Vượt Qua, các môn đệ thưa với Đức Giêsu: ‘Thầy muốn chúng con đi dọn cho Thầy ăn lễ Vượt Qua ở đâu?’” (Mc 14:12). Các tác giả Tin Mừng Nhất Lãm khác cũng theo trình tự ngày tháng của Thánh Máccô, đó là đặt Bữa Tiệc Ly vào ngày thứ nhất trong tuần Bánh Không Men, ngày sát tế Chiên Vượt Qua. Theo truyền thống của người Do Thái, chiên Vượt Qua được sát tế vào buổi chiều ngày 14 tháng Nisan, trước khi ngày đầu tiên bắt đầu vào lúc mặt trời lặn. Tuy nhiên, Thánh Gioan đặt cái chết của Chúa Giêsu vào chiều ngày 14 tháng Nisan và như thế biến Bữa Tiệc Ly thành bữa tiệc trước Lễ Vượt Qua. Theo các học giả Kinh Thánh, trình tự của Thánh Gioan chính xác hơn bởi vì điều đáng nghi ngờ ở đây là các Kinh Sư và Biệt Phái hành động như họ đã thực hiện, là tìm cách giết Chúa Giêsu, vào ngày thứ nhất của Lễ Vượt Qua. Các môn đệ được sai đi để chuẩn bị lễ Vượt Qua vào lúc khởi đầu của ngày 15 tháng Nisan. Những chi tiết này giúp chúng ta hiểu về “định mệnh” của Chúa Giêsu, đó là trở nên Chiên Vượt Qua, được hiến tế hầu mang lại ơn giải thoát cho muôn người.
Chi tiết thứ hai trong phần 1 mà chúng ta có thể suy gẫm là việc Chúa Giêsu “biết trước” những gì sẽ xảy ra khi sai hai môn đệ đi chuẩn bị cho lễ Vượt Qua: “Người sai hai môn đệ đi, và dặn họ: ‘Các anh đi vào thành, và sẽ có một người mang vò nước đón gặp các anh. Cứ đi theo người đó. Người đó vào nhà nào, các anh hãy thưa với chủ nhà: Thầy nhắn: ‘Thầy sẽ ăn lễ Vượt Qua với các môn đệ ở phòng nào?’ Và ông ấy sẽ chỉ cho các anh một phòng rộng rãi trên lầu, đã được chuẩn bị sẵn sàng: và ở đó, các anh hãy dọn tiệc cho chúng ta’” (Mc 14:13-15). Những lời này giả định hai điều: Có phải Chúa Giêsu biết trước mọi chuyện không? Hay Ngài đã sắp xếp với chủ nhà trước khi sai hai môn đệ? Theo trình thuật, một số học giả Kinh Thánh cho rằng đây là một trong những sự kiện cho thấy Chúa Giêsu biết trước mọi sự sẽ xảy ra. Những một số học giả Kinh Thánh cho rằng Chúa Giêsu đã sắp xếp trước với người mang vò nước. Điều này được ẩn chứa trong chi tiết các môn đệ không mấy kinh ngạc khi thấy mọi sự xảy ra như Chúa Giêsu đã nói (x. Mc 14:16). Dù đồng ý với bất kỳ quan điểm nào trong hai quan điểm trên, điều quan trọng là chúng ta có vâng theo Chúa Giêsu để đi chuẩn bị một chỗ xứng đáng cho Ngài và các môn đệ của Ngài dùng bữa Tiệc Ly không? Nói cách cụ thể hơn, mỗi ngày trước khi tham dự thánh lễ, chúng ta cũng được mời gọi không chỉ chuẩn bị nhà thờ, nhưng còn chuẩn bị tâm hồn của mình hầu trở nên một nơi xứng đáng cho Chúa Giêsu ăn lễ Vược Qua với các môn đệ Ngài. Điều này ám chỉ rằng: Những ai đón Chúa Giêsu vào “nhà” mình thì cũng đón tiếp tất cả những người Ngài yêu, đó là những người tội lỗi, những người chúng ta không thích, những người làm chúng ta tổn thương, vì Ngài yêu họ như yêu chúng ta.
Phần 2 thuật lại cho chúng ta việc Chúa Giêsu lập Bí Tích Thánh Thể trong bữa Tiệc Ly. Chúa Giêsu sử dụng những gì là chính yếu của bữa tiệc Vượt Qua, đó là bánh và rượu, để thiết lập một Giao Ước với các môn đệ của Ngài. Theo các học giả Kinh Thánh, trình thuật Tiệc Ly của Thánh Máccô nối kết bánh và rượu của bữa ăn cuối cùng của Chúa Giêsu với các môn đệ với cái chết sắp đến của Ngài, và giải thích chúng dưới ánh sáng của các truyền thống hy tế trong Cựu Ước (x. Xh 24:8; Is 53:12) và niềm hy vọng vào bàn tiệc của Đấng Messia trong Vương Quốc của Ngài. Trung tâm điểm của phần này là những lời của Chúa Giêsu trên bánh và rượu: “Đang bữa ăn, Đức Giêsu cầm lấy bánh, dâng lời chúc tụng, rồi bẻ ra, trao cho các ông và nói: ‘Anh em hãy cầm lấy, đây là mình Thầy’” (Mc 14:22). Theo các học giả Kinh Thánh, trong những lời này, Chúa Giêsu mời gọi các môn đệ chia sẻ trong cái chết mang tính hy tế của Ngài, chứ không mang tính tượng trưng hay ẩn dụ về cái chết của Chúa Giêsu. Thật vậy, hình ảnh tấm bánh bị bẻ ra và trao cho các ông ám chỉ đến sự sống của Ngài sẽ bị “bẻ ra” để trao cho các ông, là những người sẽ phản bội, chối và bỏ Ngài mà chạy. Trong hình ảnh này, Chúa Giêsu mời gọi chúng ta bẻ mình ra cho những người đã, đang và sẽ phản bội, chối, và bỏ chúng ta đơn độc trong khó khăn đau khổ. Liệu chúng ta có đủ can đảm và sức mạnh để bám chặt Chúa Giêsu hầu chia sẻ trong hy lễ của Ngài không?
Hành động kế tiếp của Chúa Giêsu là “cầm chén rượu, dâng lời tạ ơn, rồi trao cho các ông, và tất cả đều uống chén này. Người bảo các ông: ‘Đây là máu Thầy, máu Giao Ước, đổ ra vì muôn người. Thầy bảo thật anh em: chẳng bao giờ Thầy còn uống sản phẩm của cây nho nữa, cho đến ngày Thầy uống thứ rượu mới trong Nước Thiên Chúa’” (Mc 14:23-25). Hình ảnh “máu Giao Ước” ám chỉ đến Xh 24:8, nơi mà kể cho chúng ta nghe về việc Môsê đóng ấn giao ước bằng việc vảy máu của chiên bò sát tế lên dân Israel. Còn những lời “đổ ra cho muôn người” gợi nhớ lại lời sấm của Ngôn Sứ Isaia (x. Is 53:12) và mang lại cho lời sấm bình diện hiến tế. Hai hình ảnh này ám chỉ cái chết của Chúa Giêsu là là hy tế dâng lên Thiên Chúa để cứu độ muôn người. Cuối cùng lời “cho đến ngày thầy uống thứ rượu mới trong Nước Thiên Chúa” đặt bữa Tiệc Ly vào trong bối cảnh của bửa tiệc cánh chung của Đấng Messia (x. Mc 6:35-44; 8:1-10). Nói cách khác, Bữa Tiệc Ly không phải là một sự kiện đơn độc. Nói phải được kết nối với những bữa tiệc trước đó mà Chúa Giêsu ăn với những người thu thuế và tội lỗi (x. Mc 2:16) và với bàn tiệc cánh chung trong tương lai. Chi tiết này nhắc nhở chúng ta về thái độ mình có mỗi khi đến tham dự Thánh Lễ. Thánh Lễ không phải là một sự kiện đơn độc, nhưng được nối kết với chính cuộc sống hắng ngày của mình và nối kết chúng ta với Thiên Đàng. Hãy tham dự Thánh Lễ với đôi chân trên “mặt đất” và con tim hướng về “quê trời.”
Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Dũng, SDB