Chúa Nhật XXX Thường Niên- Lạy chúa! Xin cho con được thấy

(Gr 31:7-9; Hr 5:1-6; Mc 10:46-52)

Ngôn sứ Giêrêmia kêu gọi dân Israel hãy vui lên vì Đức Chúa sẽ giữ lời hứa của Ngài. Ngài sẽ “đưa chúng từ đất Bắc trở về, quy tụ chúng lại từ tận cùng cõi đất. Trong chúng, có kẻ đui, người què, kẻ mang thai, người ở cữ: tất cả cùng nhau trở về, cả một đại hội đông đảo” (Gr 31:8). Đức Chúa là Đấng quy tụ dân riêng tản mác khắp nơi trở về. Ngài không phân biệt họ là ai. Ngài “sẽ an ủi và dẫn đưa chúng, dẫn đưa tới dòng nước, qua con đường thẳng băng, trên đó chúng không còn vấp ngã” (Gr 31:9). Tình yêu của Đức Chúa dành cho dân là tình yêu của một người Cha. Đây là một tình yêu hoàn toàn tha thứ, một tình yêu trung thành cho đến cùng. Sứ điệp này của Ngôn sứ Giêrêmia mời gọi chúng ta nhìn lại thái độ sống mỗi ngày để đáp lại cho trọn vẹn tình yêu của Thiên Chúa dành cho chúng ta. Chúng ta đã yêu thương trọn vẹn và hết lòng chưa?

Trong bài đọc 2, tác giả của thư Hípri trình bày cho chúng ta về chức vụ thượng tế và sự khác biệt của chức vụ này giữa các vị thượng tế “là người được chọn trong số người phàm, và được đặt lên làm đại diện cho loài người, trong các mối tương quan với Thiên Chúa, để dâng lễ phẩm cũng như tế vật đền tội” (Hr 5:2), và Đức Giêsu Kitô “là Thượng Tế theo phẩm trật Menkixêđê” (Hr 5:6). Một vị thượng tế phàm nhân “có khả năng cảm thông với những kẻ ngu muội và những kẻ lầm lạc, bởi vì chính mình cũng đầy yếu đuối. Mà vì yếu đuối, nên vị thượng tế phải dâng lễ đền tội cho dân thế nào, thì cũng phải dâng lễ đền tội cho chính mình như vậy” (Hr 5:2-3). Còn Đức Giêsu Kitô, vì là ‘người thật’ nên Ngài không chỉ có có khả năng cảm thông với những con người yếu đuối như chúng ta, mà Ngài còn giúp chúng ta thắng vượt những yếu đuối của mình vì Ngài chỉ dâng lễ đền tội cho chúng ta, chứ không cho chính mình, và Ngài chỉ dâng một lần là đủ. Chúng ta cũng được mời gọi trở nên giống Chúa Giêsu. Qua Bí Tích Rửa Tội, tất cả chúng ta được chia sẻ trong chức vụ tư tế của mình, chúng ta trở nên ‘những thượng tế’ có khả năng cảm thông với những yếu đuối của anh chị em của mình và có khả năng dâng chính mình như của lễ đền tội cho chính mình và cho anh chị em.

Tác giả Thư Hípri nhắc nhở chúng ta rằng: Chức vụ tư tế mà chúng ta được chia sẻ với Chúa Giêsu, qua Bí Tích Thánh Tẩy [qua việc tuyên khấn] chính là ơn gọi: “Không ai tự gán cho mình vinh dự ấy, nhưng phải được Thiên Chúa gọi, như ông Aharon đã được gọi” (Hr 5:5).  Chúng ta được Thiên Chúa gọi, chúng ta không thể tự tôn mình lên làm con cái Chúa hay tự thánh hiến mình làm một tu sĩ. Chính vì vậy, những gì chúng ta có và chúng ta là không thuộc về chúng ta, nhưng là ân ban. Điều này là một lời cảnh tỉnh cho chúng ta [nhất là cho những người thánh hiến]: Chúng ta nghĩ rằng khi rời bỏ ơn gọi mình đang sống thì chúng ta cũng vẫn được hưởng vinh dự và uy quyền như chúng ta đang có. Đó là ‘hoang tưởng!’ Khi từ chối ơn gọi mình được gọi để sống, thì chúng ta cũng mất tất cả những vinh dự và uy quyền của ơn gọi đó.

Bài Tin Mừng hôm nay thuật lại việc Chúa Giêsu chữa lành một người mù tên là Batimê. Trong Máccô 8:22-26, một người mù vô danh được đưa đến với Chúa Giêsu và việc chữa lành của anh ta được thực hiện cách tiệm tiến, và sau khi được chữa lành, Chúa Giêsu nói anh ta phải giữ bí mật về việc chữa lành. Còn trong bài Tin Mừng hôm nay, người mù có tên là Batimê, anh ta chủ động đến với Chúa Giêsu và được Ngài chữa lành ngay lập tức và trở thành môn đệ của Chúa Giêsu. Theo các học giả Kinh Thánh, phản ứng của Batimê trước Chúa Giêsu và sự sẵn sàng theo Chúa Giêsu trên hành trình của người môn đệ đối nghịch với sự hiểu lầm của các môn đệ và sự mù loà của họ trong suốt hành trình theo Chúa Giêsu. Thánh Máccô bắt đầu câu chuyện hôm nay với việc giới thiệu về hoàn cảnh của người mù: “Khi Đức Giêsu cùng với các môn đệ và một đám người khá đông ra khỏi thành Giêrikhô, thì có một người mù đang ngồi ăn xin bên vệ đường, anh ta tên là Batimê, con ông Timê “(Mc 10:46). Trong những lời này, Thánh Máccô giới thiệu các “nhân vật” trong “vở kịch” sẽ xảy ra: Chúa Giêsu, các môn đệ, anh mù và đám người khá đông. Chi tiết chúng ta cần lưu ý là hoàn cảnh sau của Batimê: bị mù, ăn xin bên vệ đường, có tên, có gia phả. Những chi tiết này cho thấy bệnh mù đã loại anh ra ngoài, ra khỏi vòng tay yêu thương của gia đình để rồi anh phải đi ăn xin. Tuy nhiên, những chi tiết này phản ánh hình ảnh của người môn đệ đi theo Chúa Giêsu. Họ cũng là những người bị mù vì không nhận ra chân tính của Chúa Giêsu [xem bài Tin Mừng hôm qua]. Họ cũng là những người ăn xin bên vệ đường, tức là đang tiếp tục tìm kiếm ánh sáng trong hành trình đức tin của mình. Bên cạnh đó, sự mù loà con mắt đức tin đôi khi loại trừ họ ra khỏi gia đình mà Chúa Giêsu thiết lập. Thật vậy, đây là hình ảnh mỗi người chúng ta trong hành trình theo Chúa Giêsu. Hãy xin Chúa giúp chúng ta biết bám víu vào Chúa để thoát ra khỏi cảnh mù loà của mình như anh Batimê dưới đây.

Sau khi giới thiệu về bối cảnh và các nhân vật của câu chuyện, Thánh Máccô thuật lại cho chúng ta vở kịch thật hay được chia ra những màn như sau:

Màn 1: Thái độ của Batimê: Vừa nghe nói đó là Đức Giêsu Nadarét, anh ta bắt đầu kêu lên rằng: “Lạy ông Giêsu, Con vua Đavít, xin dủ lòng thương tôi!” Nhiều người quát nạt bảo anh ta im đi, nhưng anh ta càng kêu lớn tiếng: “Lạy Con vua Đavít, xin dủ lòng thương tôi!” (Mc 10:47-48). Trong màn này, Batimê cho thấy dù mù loà thể lý, anh vẫn nhận ra chân tính của Chúa Giêsu. Điều này được chứng minh qua chi tiết người ta nói cho anh là “Đức Giêsu Nadarét” đi qua, nhưng anh lại kêu Chúa Giêsu là “Con vua Đavít.” Đây là lần đầu tiên danh hiệu này được gán cho Chúa Giêsu trước đám đông. Chi tiết này khuyến cáo chúng ta về nguy hiểm của mù loà thiêng liêng [mù loà con tim]. Đây là loại mù loà mà làm cho chúng ta không nhận ra chân tính của Đấng chúng ta đi theo. Xin Chúa giúp chúng ta mở rộng con tim mình để nhận ra Ngài trong mọi hoàn cảnh sống.

Màn 2: Chúa Giêsu và các môn đệ cùng với đám đông: Đức Giêsu đứng lại và nói: “Gọi anh ta lại đây!” Người ta gọi anh mù và bảo: “Cứ yên tâm, đứng dậy, Người gọi anh đấy!” (Mc 10:49). Trong màn này, chúng ta thấy Chúa Giêsu không gọi trực tiếp Batimê, mà Ngài dùng những người đang cùng đi với Ngài để gọi anh. Sau khi nhận mệnh lệnh từ Chúa Giêsu, những người theo Ngài thay đổi thái độ, từ thái độ “quát nạt” đến thái độ “thân thiện.” Chi tiết này ám chỉ rằng Chúa Giêsu không chỉ chữa lành anh mù, những còn chữa lành những người đi theo Ngài để họ có thể nhận ra người khác không phải là những “phiền toái” mà là những người anh chị em, những người cần đến tình yêu của Thiên Chúa như mình. Thật vậy, khi cộng tác với Chúa trong việc đem anh chị em đến với Ngài, chính chúng ta cũng được chữa lành và trở nên gần gũi với anh chị em mình hơn.

Màn 3: Chúa Giêsu và anh mù: Anh mù liền vất áo choàng lại, đứng phắt dậy mà đến gần Đức Giêsu. Người hỏi: “Anh muốn tôi làm gì cho anh?” Anh mù đáp: “Thưa Thầy, xin cho tôi nhìn thấy được.” Người nói: “Anh hãy đi, lòng tin của anh đã cứu anh!” Tức khắc, anh ta nhìn thấy được và đi theo Người trên con đường Người đi” (Mc 10:50-52). Cuộc đối thoại này là trọng tâm của toàn bộ vở kịch. Khi đến gặp Chúa Giêsu, Batimê thực hiện những hành động sau: (1) vất áo choàng và đứng phắt dậy – đây là hành vi hoàn toàn cắt đứt với đời sống quá khứ để đón nhận đời sống mới trong Chúa Giêsu; (2) biết mình cần điều gì – được nhìn thấy Chúa Giêsu và trở nên môn đệ của Ngài. Còn chúng ta thế nào? Chúng ta tự hào là đã theo Chúa nhiều năm, chúng ta đã hoàn toàn cắt đứt với đời sống tội lỗi chưa để chỉ khao khát được nhìn thấy Chúa và trở nên môn đệ của Ngài không? Về phần mình, Chúa Giêsu luôn đi bước trước, Ngài biết chúng ta cần gì. Điều Ngài muốn thấy nơi chúng ta là “lòng tin” – là hoàn toàn phó thác đường đời của mình để đi theo Ngài trên con đường Ngài đi. Liệu chúng ta có đủ can đảm để đi trên con đường Chúa Giêsu đã đi không?

Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Dũng, SDB