Có Đám Cưới

Chúa nhật thứ II Mùa thường niên, Phụng vụ Lời Chúa (Bài Tin Mừng) cho ta thấy Đức Giêsu bắt đầu sứ vụ rao giảng của Ngài, lúc đó Ngài cũng đã tuyển được một số ít môn đệ. Chúa tỏ mình cho dân mình (Do Thái), và cho các môn đệ. Ngài làm cho sáu chum nước lã hóa rượu ngon, (khoảng 500- 600 lít rượu), để tiệc cưới lại tiếp tục niềm vui với hai họ của cô dâu chú rể và thực khách. “Đức Giê-su làm dấu lạ đầu tiên này tại Cana miền Galilê và bày tỏ vinh quang của Người. Các môn đệ đã tin vào Người” (Ga 2,1-11).

Trong hành trình đi rao giảng của Chúa Giêsu, chúng ta ít thấy Mẹ xuất hiện cách rõ ràng, chỉ trừ tại tiệc cưới của người bà con của Mẹ ở Cana và dưới chân Thập Giá trên núi Canvê. “Thân mẫu Chúa Giêsu” đến tham dự lễ cưới. Mẹ khiêm tốn trong vai trò của người âm thầm “phụ một tay” vào việc cùng với những người phụ nữ khác và gia nhân, vì thế Mẹ phát hiện vẻ lúng túng của những người giúp tiệc. “Họ hết rượu rồi!”. Điều gì sẽ xảy cho tiệc cưới của đôi tân hôn này đây. Rồi người ta sẽ xầm xì bàn tán cho đám cưới này cho đến lúc nào? Điềm xui chăng? Mẹ là người có mặt ở đó. Mẹ cảm thông và rất nhạy bén cho sự việc không mấy vui vẻ này. Phải làm sao? – Rồi mau mắn, Mẹ nghĩ đến Giêsu Con Mẹ. Mẹ tế nhị, kín đáo đến nói với Con. Mẹ tin tưởng, Mẹ hy vọng, mặc dầu câu trả lời của Chúa Giêsu không tích cực bao nhiêu. Và đã có biết bao lời giải thích của các nhà thần học về câu trả lời của Chúa Giêsu.

Theo thiển ý của người viết đây thì câu trả lời phần đầu của Chúa không phải là khó hiểu lắm đâu! “Thưa Bà, chuyện đó can gì đến Bà và tôi. Giờ tôi chưa đến”(Ga 2, 4), Đức Mẹ đã cưu mang Chúa, máu thịt của Chúa cũng là máu thịt của Mẹ, tâm tình của Chúa cũng là tâm tình của Mẹ, tư tưởng của Chúa cũng là tư tưởng của Mẹ. Ý muốn của Thiên Chúa cả hai Mẹ – Con đều chăm chút thi hành. Sứ mệnh của Chúa, Mẹ đã hiểu phần nào. Vì Hai nhưng chỉ là Một trong mầu nhiệm Chúa Nhập Thể của Ngôi Hai Làm Người. Việc Chúa gọi Mẹ là BÀ thì không phải là xa lạ (như trong đời thường của chúng ta vẫn xảy ra). Xin đan cử một tình huống: Hôm ấy, vì trời mùa Đông mưa lạnh, sau giờ cơm tối, cả nhà chuyện trò rất vui và lên chương trình cho những ngày Tết sắp tới, đi thăm những ai, hay đi tham quan nơi này chổ kia. Đó là một gia đình hạnh phúc. Người Mẹ nói với con trai mình, tháng này là tháng Tết, con cho Mẹ thêm 5 triệu để mẹ sắm Tết. Người con trai thưa với Mẹ: Thôi, thưa Bà, tháng này, con chưa lãnh lương; nói thế nhưng người con trai cũng đi vào phòng lấy 5 triệu ra vui vẻ trao cho mẹ. Thế đấy! Hai mẹ con hiểu rõ ý của nhau. Trao thêm cho mẹ tiền, anh vui, mẹ cũng vui vì biết mẹ tiêu tiền đúng cách và có ích cho gia đình –  Người con hiếu thảo thương mẹ là như vậy đấy, điều gì làm cho mẹ vui là người con sẵn sàng ngay. Tiếng Bà anh ta dùng ở đây không phải là coi thường mẹ, nhưng tôn mẹ lên địa vị cao hơn. Mẹ được trân trọng tôn quý trong trái tim của người con. Tiếng gọi Mẹ là Bà chúng ta vẫn gặp trong ngôn ngữ nói ở các gia đình, tình yêu thương thân mật và như là rất ăn ý với nhau.

Tại tiệc cưới Cana, Đức Giêsu đã làm một dấu lạ theo lời xin của thân mẫu. Nếu hiểu theo tự nhiên, Đức Giêsu đã nghe lời Mẹ giúp đỡ nhà tiệc để giải quyết một ‘tai nạn’ có nguy cơ xảy ra tại đây. Và qua lời cầu xin của Mẹ phép lạ đã xảy ra. Gioan viết: “Dấu lạ” để có ý giới thiệu Đức Giêsu đang hiện diện, Ngài tỏ mình, tỏ vinh quang của mình cho dân, và với dấu lạ đó thì “các môn đệ tin Người”(Ga 2, 11).- “Người chỉ muốn trao ban mạc khải về mầu nhiệm thần linh tối hậu của mình thôi. Chính dưới ánh sáng đó mà Đức Maria hiểu ngay ý nghĩa đích thật trong câu trả lời xem ra tiêu cực của Đức Giêsu, thành thử đã không do dự  nói với các gia nhân: “Người bảo gì, các anh cứ việc làm theo”(Ga  2, 5) (Cha Phêrô Lợi, Chúa nhật II, Mùa Thường niên)

Vậy đó, Mẹ hiểu Chúa Giêsu từ khi Mẹ thụ thai Ngài trong cung lòng Mẹ, rồi 30 năm sống với con, Mẹ hiểu được lời Chúa Giêsu trong câu nói mà ta nghe cứng cỏi, nhưng Mẹ hiểu Con Mẹ, Mẹ hy vọng nơi Con của Mẹ, rồi lặng lẽ đi nói với gia nhân cách tin tưởng “Người bảo gì, các anh cứ việc làm theo”. Mẹ ân cần quan tâm đến nhà có đám cưới là bà con họ hàng với Mẹ. Còn Chúa Giêsu, Ngài không có lòng trắc ẩn thương xót sao? Và mọi sự đã diễn tiến quá bất ngờ, quá lạ lùng chẳng ai hiểu, chẳng ai nhận ra ngoài Mẹ Maria và gia nhân là những người đã đổ nước vào chum. Vỡ òa niềm vui, tiệc cưới lại tiếp tục nói cười rôm rả đầy hưng phấn với rượu ngon hảo hạng, với những lời chúc mừng tốt đẹp. Còn Mẹ, Mẹ đã thinh lặng không tỏ lộ ra điều gì khác thường giữa đám đông. Trong âm thầm và rất mực khiêm tốn. Chúa Giêsu đã tỏ mình như vậy. Và người ta đã cao rao Danh Ngài ra từ đó. Phúc âm thứ tư viết: “Và Các môn đệ đã tin vào Người” (Ga 2, 1-11).

“Giờ của tôi chưa đến”(Ga 2, 4b) lời giải thích thì các nhà thần học, các nhà chú giải Kinh Thánh liên tưởng tới GIỜ của Ngài, GIỜ được tôn vinh trên Thập Giá. Thật vậy, Đầu và Cuối hành trình cứu chuộc nhân loại Chúa Giêsu mong mỏi thực hiện GIỜ này. “Trước lễ Vượt Qua, Đức Giêsu biết giờ của Người đã đến, giờ phải bỏ thế gian mà về với Chúa Cha. Người vẫn yêu thương những kẻ thuộc về mình còn ở thế gian, và Người yêu thương họ đến cùng” (Ga 15,1). “Giờ” của Người đã được Thánh Gioan nêu lên trong trình thuật dấu lạ tại tiệc cưới Cana, Rồi từng bước Người dẫn chúng ta đi. Đến đây thì chúng ta biết rõ, Giờ đó là Giờ “Người phải bỏ thế gian mà về với Chúa Cha” (Ga 15, 1). Giờ Ngài Hiến tế trênThập Giá vì yêu thương nhân loại, và cũng là Giờ Ngài hoàn thành Ý Cha để trở về với Cha.

GIỜ mà cả Mẹ lẫn Con đều Vâng phục, hiệp thông sâu thẳm, trọn vẹn để thi hành Thánh Ý Cha trong suốt hành trình rao giảng và tiến tới việc Hy tế trong công trình cứu chuộc nhân loại mà Mẹ được thông phần. Hiến tế và chết trên Thánh Giá là GIỜ mà Chúa Giêsu nói đến, không phải là biến nước thành rượu cho dân gian nữa, nhưng là Máu đổ ra cho nhân loại. “Chén Giao Ước mới lập bằng Máu Thầy, Máu đổ ra vì anh em” (Lc 22, 20). Những lời này, Chúa Giêsu nói vào hôm Thứ Năm, Ngài lập Phép Thánh Thể trước ngày Ngài trở thành Hy lễ vẹn toàn trên Thánh Giá. Và cạnh sườn Ngài đã mở ra, không còn một giọt máu nào nữa.

Gẫm suy về đoạn Phúc âm này, chúng ta thấy tiệc cưới Cana thật là một câu chuyện quá sâu sắc, thần diệu, lòng trí ta suy gẫm khó đạt tới sự diệu kỳ linh thánh được viết ra dưới ngòi bút mạc khải Phúc Âm của Thánh tông đồ Gioan. Trong bài viết ngắn này, tôi xin được hướng lòng lên 3 ý nghĩa Chúa muốn nói với chúng ta:

  1. Chúa Giêsu là Vị Hôn Phu của Hội Thánh, Ngài cưới lấy Hội Thánh khi Ngài mở cạnh sườn cho máu và nước tuôn chảy ra hết. Như khi Chúa dựng nên vũ trụ và con người đầu tiên, Chúa lấy xương sườn của Adong để tạo nên người phụ nữ cho ông, bà Eva. Ông Adong vui sướng nhận lấy và nói: “Nàng là xương bởi xương tôi, thịt bởi thịt tôi”(Stk 2, 23) Đó là đám cưới đầu tiên của đất trời, khi Chúa tạo thành vũ trụ. Hội Thánh là Hiền thê xinh đẹp mà Chúa Giêsu đã cưới lấy trong Giao Ước mới.
  2. Mỗi chúng ta, người sống đời thánh hiến cũng đã được trở nên Hôn thê của Chúa Giêsu bằng Giao ước tình yêu của Ngài. Giao ước được ký bằng máu châu báu của Chúa. Máu đã đổ ra đến giọt cuối cùng để làm sính lễ cho ta. Điều này nói lên Ngài đã yêu ta quá đỗi, con người chúng ta bất xứng, nhưng tình yêu của Ngài đã cưới lấy thân phận con người hèn yếu của chúng ta. Những ai sống đời thánh hiến, chỉ biết khiêm tốn thật thẳm sâu để có thể “Ở Lại Trong Tình Yêu của Ngài” (Ga 15, 4), đáp lại khối tình Ngài đã thương ta, trao ban hết cho ta.
  3. Những đôi hôn nhân đã lập giao ước với nhau bằng Bí tích Hôn phối, hãy trân trọng và yêu thương người bạn đời của mình như Chúa Giêsu và Hội Thánh. Hy sinh cho nhau khi sung sướng cũng như lúc gian khổ, khi mạnh khỏe cũng như lúc bệnh tật… Mỗi người đều có cái riêng, nhưng khi đã trở nên vợ chồng thì ‘khi yêu nhau bỏ chín làm mười’ để nên một trong Chúa và trong nhau, tha thứ cho nhau, kiên nhẫn, chịu đựng nhau để tình yêu thật sự là hiến thân cho nhau và vì nhau, như Chúa Giêsu đã yêu thương và hiến thân trọn vẹn cho Hội Thánh.

Nhưng bạn ơi, bạn ở địa vị nào, ơn gọi nào, cũng nhớ phải mời ‘Thân Mẫu Chúa Giêsu’ đến với đám cưới nhà bạn nhé! Đám cưới hay Giao ước có Mẹ hiện diện và chứng giám thì cuộc tình sẽ nở hoa dâng Thiên Chúa, vui cảnh gia đình và niềm hân hoan sẽ tỏa lan. Có Mẹ chúng ta an tâm vững lòng. Mẹ thấy được những nỗi lo toan của chúng ta, mặc dầu chúng ta chưa ngõ ý kêu cầu Ngài. Nhưng với thiện chí muốn trở nên tốt, muốn nên hoàn thiện mỗi ngày thì điều tốt ắt sẽ đến. Thật hạnh phúc biết bao khi chúng ta có một người Mẹ tuyệt vời như thế!

Nữ tu Maria Nguyễn thị Tuyệt

Hội dòng Mến Thánh Giá Huế