Trong những biến cố quan trọng của đời sống, có những sự kiện không chỉ thay đổi số phận mà còn làm thay đổi hoàn toàn con người và cách nhìn nhận về thế giới xung quanh. Một trong những biến cố như thế, đối với thánh Phaolô, chính là cuộc gặp gỡ bất ngờ và đầy biến động trên con đường đến Đamát. Trong sách Công vụ Tông đồ, biến cố Đamát không chỉ là một điểm mốc trong hành trình thiêng liêng của ngài, mà còn là một dấu ấn mạnh mẽ, là “cú ngã đổi đời”, thay đổi hoàn toàn mục tiêu và lý tưởng sống của ngài. Và đây cũng là biến cố đánh động tâm hồn tôi trong việc nhìn lại những giá trị trong đời sống của chính mình, như lời thánh Phaolô mời gọi: “Đừng đi quá mức khi đánh giá mình, nhưng hãy đánh giá mình cho đúng mức, mỗi người tuỳ theo lượng đức tin Thiên Chúa đã phân phát cho” (Rm 12,3).
Trước khi trở thành một Tông đồ vĩ đại của Chúa Giêsu, Saun – tên gọi cũ của thánh Phaolô, là một người nổi tiếng với lòng nhiệt thành bảo vệ luật Môsê và “tiêu diệt những ai kêu cầu danh Giêsu” (Cv 9, 21). Saun đã khởi hành trên con đường Đamát với mục đích bắt bớ các tín hữu, nhưng rồi, điều kỳ diệu đã xảy ra.
“Một luồng ánh sáng từ trời chiếu xuống bao phủ lấy ông” (Cv 9,3) và một tiếng nói vang lên: “Saun, Saun, tại sao ngươi bắt bớ Ta?” (Cv 9,4). Đó là lời của Chúa Giêsu, Đấng mà Saun chưa hề biết đến nhưng đã phản bội và chống đối. Cuộc gặp gỡ với Chúa Giêsu trên đường Đamát là một điểm chuyển mình lớn trong cuộc đời thánh Phaolô. Biến cố Đamát không chỉ là một sự kiện vật lý mà còn là một cuộc “ngã quỵ” sâu sắc trong tâm hồn. Khi bị mù, Saun phải trải qua một giai đoạn tối tăm cả về thể xác lẫn tâm hồn. Nhưng chính trong bóng tối đó, ông đã nhận ra sự thật về bản thân và về Thiên Chúa. Ông nhận ra rằng Chúa Giêsu, Đấng mà ông từng bắt bớ, chính là Đấng Cứu Độ, là Con Thiên Chúa. Qua cú ngã này, Saun không chỉ mất đi con người cũ – một người chống đối Chúa, mà còn sinh ra một con người mới, nhiệt thành và hăng hái tuyên xưng Đức Kitô – người đã sẵn sàng thay đổi mục tiêu sống và đón nhận một cuộc đời hoàn toàn mới mẻ trong Chúa, nơi mà ông nhận ra sứ mệnh của mình: “Hãy đi, vì Thầy sẽ sai anh đến với các dân ngoại ở phương xa” (Cv 22, 21).
“Cú ngã đổi đời” của thánh Phaolô trên con đường Đamát không chỉ là một biến cố lịch sử, mà còn là một bài học đức tin sống động cho tôi và cũng là một lời mời gọi đối với tôi: Điều gì là kho tàng đã ngăn cản tôi đáp trả cách tự do lời mời gọi của Thiên Chúa, Đấng đã đi bước trước để đến với tôi? Liệu tôi có sẵn sàng để “ngã quỵ” trước Thiên Chúa và chấp nhận sự đổi mới trong đời sống không? Có bao nhiêu lần tôi giống như Saun, sống trong kiêu ngạo, tự mãn, và chỉ khi gặp phải một “cú ngã” mới nhận ra được sự thật về bản thân và về Thiên Chúa?
Mặc dù, tôi không trải qua một cú ngã nặng nề như thánh Phaolô, tôi cũng đã có những lần “ngã” trong hành trình của mình. Đó là những lần tôi bị cuốn vào sự kiêu căng, tự mãn, tự đánh giá quá cao bản thân, và không lắng nghe lời Chúa hay lời người khác. Có những lúc tôi cảm thấy mình lạc lõng, “ngã” trong sự lầm lạc, cô đơn, chán nản và không tìm được lối thoát. Nhưng với sự giúp đỡ của Chúa và lời mời gọi, Ngài đã giúp tôi đứng dậy, học hỏi từ những sai lầm và tiếp tục bước đi. Nhìn lại biến cố Đamát của thánh Phaolô là một cơ hội tôi tự nhìn nhận lại bản thân trong hành trình sống ơn gọi thánh hiến của mình trong Linh đạo Mến Thánh Giá. Điều tôi cảm nhận sâu sắc qua lời của thánh Phaolô: “Ơn của Thầy đủ cho anh, vì sức mạnh của Thầy được biểu lộ trọn vẹn trong sự yếu đuối” (2Cr 12,9) và“bạn có gì mà bạn đã không nhận lãnh? Nếu đã nhận lãnh tại sao lại vênh vang như thể không nhận lãnh?” (1Cr 4,7b). Chính những lời này nhắc nhở tôi rằng, trong sự yếu đuối và thiếu sót của mình, tôi vẫn có thể trở nên mạnh mẽ nhờ vào ơn Thiên Chúa.
Trước khi tôi trở thành một nữ tu khấn tạm như bây giờ, tôi từng là một cô gái ngông cuồng và kiêu ngạo. Tôi luôn tin rằng suy nghĩ của mình là đúng đắn và không ai có quyền can thiệp vào cuộc sống của tôi. Tôi không coi trọng người khác, chỉ làm những gì mình thích, và nếu không thích, tôi sẵn sàng bỏ qua. Tôi sống theo cảm xúc, vui thì cười nói như thể cả thế giới này là của mình; nhưng khi buồn hoặc không vừa lòng, tôi lại trở nên khó chịu, nổi giận và la lối. Những ai ở gần tôi hẳn sẽ cảm thấy cuộc sống của tôi thật tẻ nhạt và đầy sự biến động.
Tôi không phải là một kẻ bắt bớ đạo Chúa theo cách thông thường mà người ta vẫn nghĩ đến, nhưng thực tế, tôi lại là một kẻ bắt bớ Chúa trong chính cuộc sống của mình. Tôi đã chống lại tình yêu và ân sủng của Ngài. Cách sống của tôi không khác gì một người thiếu đức tin, thiếu trái tim rộng mở và hòa nhã. Mặc dù tôi sống trong hành trình đời tu, tôi vẫn mang theo những yếu đuối, thiếu sót của bản thân. Tôi đã sống với một con người tự nhiên, chưa thực sự mở lòng đón nhận tình yêu của Thiên Chúa và những lời mời gọi của Ngài.
Cho đến một ngày, tôi nhận ra mình chẳng là gì. Tôi chẳng có gì để ra oai trước mặt người đời. Tôi cảm thấy mình thực sự kém cõi về mọi phương diện, từ đời tu đến đời sống nhân bản, tri thức. Càng học, tôi càng nhận ra mình chẳng biết gì, phải thừa nhận rằng tôi ngu dốt. Dù đã là một nữ tu, tôi vẫn không giỏi ở bất kỳ phương diện nào trong đời tu. Ngay cả việc học hỏi Lời Chúa, tôi cũng cảm thấy thiếu hiểu biết để có thể yêu mến Chúa nhiều hơn. Tôi đã lãng phí thời gian Chúa ban vào những việc vô ích, phương hại đến đời sống ơn gọi và không giúp tôi thiết lập mối tương quan thân tình với Chúa. Thật là một nỗi xấu hổ!
Một thời gian dài, tôi trở nên trầm lặng, ít nói và có phần rụt rè hơn khi nhận ra sự thật về bản thân. Tôi đã nỗ lực để cải thiện, để trở nên trưởng thành hơn trong đời tu, nhưng chỉ được một thời gian ngắn, tinh thần tôi lại uể oải, mất đi sự phấn chấn và tôi lại không muốn cố gắng nữa. Điều tồi tệ hơn là chính lúc tôi rụt rè, thiếu tự tin vào bản thân thì chính lúc đó tôi càng trở nên thất bại hơn vì cậy nhờ vào sức riêng tôi. Và đó chính là “cú ngã” của tôi.
Nói một cách đơn giản, tôi thường ví hành trình theo Chúa của mình giống như việc cố gắng leo lên cây táo để hái những quả táo mà tôi rất thích trên cành cao. Tôi cứ miệt mài leo lên, rồi lại ngã chúi xuống đất. Có những lúc, tôi leo lên được gần đến nơi có quả táo, nhưng rồi một sự thật rất phũ phàng là quả táo đó đã chín và rơi xuống từ lúc nào mà tôi không hay biết. Thế là tôi lại chán nản, muốn buông xuôi, bỏ cuộc. Nhưng rồi, với ơn Chúa, tôi lại bắt đầu leo lên một cành khác để hái quả khác. Cuộc hành trình của tôi luôn là một hành trình của “vấp ngã” và “đứng dậy”. Nếu không có ơn Chúa, tôi chắc chắn không thể trở thành người như hiện tại. “Nếu phải tự hào, tôi sẽ tự hào về những yếu đuối của tôi” (2Cr 11, 30).
Cuộc đời thánh Phaolô là một minh chứng sống động cho sự biến đổi sau một cú ngã, từ một kẻ bách hại trở thành một người truyền giáo kiên cường. Từ một kẻ yếu đuối ngài trở nên mạnh mẽ trong đức tin. Sau biến cố Đamát, thánh Phaolô đã sống trọn vẹn cho sứ mạng mà Chúa trao, không tiếc hy sinh, không ngại gian khổ: “Tôi còn hơn họ nữa ! Hơn nhiều vì công khó, hơn nhiều vì ở tù, hơn gấp bội vì chịu đòn, bao lần suýt chết” (2Cr 11,23b). Cũng như vậy, tôi tự hỏi bản thân: liệu tôi có thực sự sống trọn vẹn sứ mạng mà Chúa trao phó cho tôi ngang qua Hội dòng không? Tôi có sống đức tin của mình không chỉ bằng lời nói mà còn bằng hành động cụ thể, qua những việc làm yêu thương, tha thứ, và phục vụ Chúa và mọi người?
Trong đời sống ơn gọi của mình, tôi luôn cố gắng thực hiện những điều tốt đẹp, thực thi sứ mạng của Hội dòng, nhưng cũng nhận thấy rằng đôi khi tôi vẫn dễ dàng bị vướng vào những thói quen ích kỷ, hoặc sống một cách hời hợt, thiếu nhiệt huyết. Tôi chưa sống xứng đáng với tư cách là người nữ tu Mến Thánh Giá, mang lấy tình yêu Chúa Giêsu Kitô Chịu – Đóng – Đinh làm trung tâm của đời sống. Tôi còn ngại khó, ngại khổ, chưa sống được tinh thần khổ chế, hy sinh, cũng như thiếu lòng nhiệt huyết của người tông đồ truyền giáo. Biến cố Đa-mát là lời nhắc nhở tôi phải sống đức tin một cách chân thành và quyết tâm, dấn thân hơn, không chỉ để tìm kiếm ơn cứu độ cho bản thân mà còn để mang tình yêu của Chúa đến với những người xung quanh, đặc biệt là những người chưa nhận biết Chúa.
Một điều nữa mà tôi được đánh động trong tính cách của thánh Phaolô, dù trước khi chưa được hoán cải hay khi đã được ơn hoán cải, thánh Phaolô vẫn giữ được lòng nhiệt thành với đức tin vào Thiên Chúa, với lề luật và ngài luôn sống có mục đích rõ ràng, hết lòng theo đuổi lý tưởng của đời mình. Còn tôi, càng theo Chúa, ngọn lửa của lòng nhiệt thành và dấn thân trong tôi dường như trở nên yếu. Có lúc nó bừng cháy lên mạnh mẽ nhưng gần như vụt tắt khi gặp những cơn gió lớn hoặc vì tôi quên đun thêm củi là đức tin, đức cậy và đức mến. Có những lần tôi muốn nó tắt hẳn đi để không còn phải dật dờ, lui tới trong mớ hỗn độn của lòng mình. Tôi muốn dừng lại vì không đủ sức để bước tiếp, nhưng Chúa không để tôi có cơ hội gục ngã trong sự yếu đuối. Tôi cảm nhận được bàn tay của Chúa nâng đỡ, nhắc tôi rằng Ngài tin tưởng tôi. Và từ lúc nào tôi đã làm được, nhờ ơn Chúa và sự nâng đỡ của những người chị em giúp tôi tiếp tục cuộc hành trình này với lòng biết ơn.
Tiêu đề “Cú ngã đổi đời”, đọc qua nghe có vẻ hơi thô và mang “chất” đời, nhưng tôi lại thích tiêu đề đó. Đôi khi, tôi cần những “cú ngã” để làm tôi thức tỉnh và hoán cải. Khi tôi “ngã”, tôi mới hiểu thế nào là đau, để tôi không chê cười hay coi thường chị em khi họ gặp khó khăn, thất bại. Khi tôi “ngã”, tôi mới biết thế nào là sự kiên cường, để học cách đứng dậy sau mỗi lần vấp ngã. Những lúc như vậy, tôi nhận ra rằng không phải lúc nào mọi thứ cũng diễn ra theo ý muốn, và đôi khi, chính trong những khoảnh khắc đen tối, tôi mới cảm nhận được sự an ủi ấm áp trong đức tin. Khi tôi “ngã”, tôi mới hiểu thế nào là khiêm nhường vì tôi không thể nào hoàn hảo, và tôi luôn có những lúc thiếu sót, yếu đuối cần học hỏi và được nâng đỡ. Chính những “cú ngã” ấy đã dạy tôi sống trưởng thành hơn, trọn vẹn hơn trong tình yêu và đáp trả lời mời gọi của Chúa, biết yêu thương và thấu hiểu nỗi đau của người khác, đồng thời giúp tôi nhìn nhận sự thật về bản thân và đánh giá bản thân đúng mức hơn trong đức tin và trong tư cách là người nữ tu Mến Thánh Giá.
Mad Bùi Anh
Học viện Mến Thánh Giá Huế