Đồng Hành Với Người Trẻ Hôm Nay (2)

4.3. Đối thoại

Tuổi trẻ là thời gian của những câu hỏi quan trọng và những câu trả lời tuyệt vời. Đó là sự thật, điều quan trọng là có ai đó gợi mở và lắng nghe câu hỏi của các bạn, và không đưa ra cho các bạn những câu trả lời dễ dàng, sẵn có, mà giúp các bạn dũng cảm đối mặt với cuộc phiêu lưu của cuộc đời để tìm kiếm những câu trả lời tuyệt vời[1]. Giáo hội, thân thể Mầu nhiệm của Đức Ki-tô, luôn luôn đồng hành và đối thoại với các bạn trẻ, để có thể đáp ứng những khát vọng mà các bạn đang tìm kiếm và mong chờ, đồng thời phải trở nên điểm đến cho các bạn trong niềm tin yêu và hy vọng.

Vậy, Giáo hội đối thoại với người trẻ như thế nào và hướng đến mục đích gì? Đối thoại với một mục đích tiên quyết là giúp người trẻ biết họ là ai. Trong tông huấn Đức Ki-tô hằng sống, tại đề mục của chương 3, Đức Thánh cha đã nói rằng, người trẻ là hiện tại của Thiên Chúa. Họ là tương lại của thế giới, họ giúp làm phong phú thế giới[2]. Hơn nữa, đối thoại còn giúp họ nhận ra rằng chính những người trẻ cũng là những con người có nhân vị, là một phần tử trong Giáo hội, là một tình yêu trong trái tim của Đức Ki-tô. Vì vậy, họ cũng cần được đối xử, được yêu thương, được tôn trọng và nhất là được đồng hành một cách cụ thể, để họ có thể sống là chính mình và là phần tử tốt trong Giáo hội với tất cả tình yêu.

Hơn nữa, Giáo hội cũng cần tìm hiểu để có thể thấu hiểu được những khát vọng và ao ước của họ nơi Giáo hội. Những người trẻ, họ mong muốn một Giáo hội trở thành một gia đình, là nơi tiếp đón, nơi mà người trẻ có thể cảm thấy tốt hơn. Đồng thời, sống trong một thế giới thường xuyên tôn thờ tính dục, việc giữ gìn một mối tương quan lành mạnh với thân xác mình và giữ một đời sống tình cảm yên ả thì không hề dễ dàng. Hơn nữa vì lý do nào đó, luân lý tính dục thường được thấy như một nguồn gây “khó hiểu và dị ứng đối với Giáo hội, trong mức độ mà Giáo hội được coi như một nơi phán xét và lên án”. Tuy nhiên, chính nơi đây, người trẻ cũng biểu lộ “một khát vọng rõ ràng muốn thảo luận những vấn đề về sự khác biệt giữa căn tính nam và nữ, về tính hỗ tương giữa hai giới, và về tình dục đồng giới[3]”. Họ khát vọng về một sự trưởng thành toàn diện, cả mặt thể lý và tâm linh. Họ khao khát có thể vượt qua những khó khăn, những thách đố hay cả những lỗi lầm trong quá khứ. Tuy nhiên, chính trong tất cả những nỗi khát mong này, đã thể hiện một khát vọng sâu xa nơi chính cõi lòng sâu kín của họ, đó chính là khát vọng Thiên Chúa, mặc dù còn mơ hồ và xa lạ đối với họ[4]; “họ tìm kiếm những chứng nhân đích thực và đáng tin cậy trong Giáo hội – họ cần một cộng đoàn Hiệp hành để cùng nhau bước đi”[5]. Chính vì thế, họ mong chờ nơi Giáo hội, mong chờ một con đường dẫn đến sự chữa lành và sự bình an nội tâm.

Vì vậy, Giáo hội hãy luôn luôn đối thoại với các bạn trẻ để có thể nói với họ, như Đức Thánh cha Phanxico đã nói trong tông huấn Đức Ki-tô hằng sống: Thiên Chúa là tình yêu. Cho dù điều này là một điều hết sức quen thuộc mà những người trẻ đã nghe thật nhiều lần, nhưng dù sao đi nữa cũng hãy nói với họ rằng “Thiên Chúa yêu các con và trong mọi lúc các con luôn được yêu vô hạn[6]. Những người trẻ có thể tìm thấy sự an toàn trong vòng tay của cha trên trời, vị Thiên Chúa đã trao cho họ sự sống và Ngài tiếp tục trao ban như vậy mọi phút giây. Ngài là sự đỡ nâng vững chắc cho họ[7]. Bởi, Ngài đã dành cho nhân loại tất cả tình yêu. Một tình yêu không lấn át hay bóp nghẹt…nhưng là một tình yêu bền bỉ, tinh tế và đầy tôn trọng, một tình yêu tự do và giải phóng, một tình yêu chữa lành và nâng dậy.

Song song với việc đối thoại với người trẻ để giúp họ nhận biết Thiên Chúa là tình yêu, thì việc nói cho họ biết rằng Đức Ki-tô, đấng cứu độ nhân loại và cứu độ họ cũng là một yếu tố quan trọng không kém trong việc đối thoại với họ. Hãy đối thoại để giúp họ nhận ra và cảm nhận rằng, Đức Ki-tô, vì yêu thương đã hiến dâng trọn vẹn với một tình yêu “yêu cho đến cùng”. Tình yêu đó vượt qua rào cản của sự ích kỷ, hay cả khi là sự phản bội bởi người mình yêu. Tình yêu đó lớn hơn mọi yếu đuối và sai phạm của con người; “Người sẽ nâng các con dậy bằng chính thập giá của Người”.[8]

Đức Ki-tô đang sống cũng là một đích tới trong việc đối thoại với những người trẻ. “Đức Ki-tô, Đấng đổ đầy trên chúng ta ân sủng của Người, Đấng giải phóng và biến đổi ta, an ủi và chữa lành ta, là đấng thực sự đang sống[9]”. Đức Ki-tô đang sống, nên Ngài hiện diện trong đời sống của con người, hãy chiêm ngắm Đức Ki-tô, rạng rỡ và tràn ngập niềm vui.

Vì vậy, việc đồng hành với người trẻ phải luôn hướng họ đến một mục đích cụ thể, giúp họ nhận ra rằng, họ là tương lai, là sức sống của Giáo Hội, họ cũng là những con người có nhân vị cần được bảo vệ và tôn trọng. Nhưng hơn cả vẫn là việc hướng họ vào một cuộc đối thoại với Thiên Chúa trong chính cuộc đời của họ.

  1. Phân định: yếu tố cần thiết nơi người trẻ

Theo từ điển tiếng Việt, phân định là phân chia và xác định một cách rõ ràng, cụ thể. Phân định thiêng liêng là cộng tác với Thiên Chúa, với “kế hoạch” của Ngài, để cùng Ngài hình thành vận mệnh của mình; là tiến trình hình thành và hiện thực hóa tự do, là công cụ đích thực trong cuộc chiến tâm linh, giúp chúng ta đi theo Chúa một cách trung thành hơn, theo cách riêng của mỗi người[10].

Đức Thánh Cha nêu lên bận tâm và cho thấy phân định như là cách thức duy nhất để nhận ra cách rõ ràng thánh ý Thiên Chúa. “Làm thế nào để biết một điều đến từ Chúa Thánh Thần hay nó có nguồn gốc nơi tinh thần của thế gian hay nơi tinh thần của ma quỷ? Cách thức duy nhất đó là phân định[11].”

Phân định là một yếu tố quan trọng, trong tiến trình trưởng thành của người trẻ, trong việc đưa họ đến việc nhận ra chính mình, nhận ra giá trị của cuộc đời, những chân lý đúng đắn, đồng thời nhận ra những khát vọng mà Thiên Chúa và Giáo hội đang mong chờ nơi họ. Bởi vậy, cần có sự khôn ngoan trong sự phân định, bởi làm người, mà thiếu đi sự phân định khôn ngoan thì trở nên con mồi cho những trào lưu của thế giới tục hóa – nhất là của nền văn minh loại bỏ hiện nay[12].

 

 

  • Phân định để biết mình

Trong cuộc sống, con người và nhất là các bạn trẻ thường khao khát tìm kiếm những thứ mới lạ, những kỹ năng, những kiến thức…nhưng việc khao khát tìm kiếm để nhận biết mình thì thường lại không được để ý tới. Hơn nữa, việc nhận biết chính mình là một công việc khó khăn và phức tạp. Tuy nhiên, việc biết mình lại là một vấn đề hết sức cần thiết và quan trọng trong sự trưởng thành của một con người, nhất là trong vấn đề luân lý và đức tin. Biết mình là bước đầu tiên và quan trọng để có thể đào tạo mình nên người tốt, nên một Kitô hữu trưởng thành, thánh thiện. Bởi vì, biết mình là điều kiện tiên quyết của mọi thay đổi nội tâm, tinh thần và nhân cách.

Trong việc đồng hành với người trẻ hôm nay, Giáo hội cũng luôn lưu tâm đến việc giúp người trẻ phân định để nhận biết chính mình ngang qua việc nhận biết căn tính và sự thật của con người mình.

Biết mình trước hết là việc giúp người trẻ nhận biết mình là ai. Đây là sự nhận ra hay xác nhận căn tính mình để sống đúng với căn tính đó, mà không đánh mất chính mình. Ngày nay, có nhiều bạn trẻ sống trong tình trạng mập mờ về căn tính nơi họ. Vì vậy, chính Giáo hội hãy giúp cho người trẻ ý thức về căn tính của mình, nhận thức cái tôi hiện tại mà mình đang có và cái tôi lý tưởng mà mình được mời gọi trở thành, để họ có thể làm chủ bản thân, và lớn lên trong tự do, đồng thời biết chịu trách nhiệm về bản thân. Hơn nữa, nhận ra căn tính của mình còn là cơ hội để người trẻ được mời gọi sống trong tương quan liên vị mật thiết với Thiên Chúa. “Nơi Đức Giêsu, tất cả những người trẻ có thể nhìn thấy chính mình[13].” và “Tất cả những gì Người chạm đến đều trở nên tươi trẻ, mới mẻ, tràn đầy sức sống[14].”

Biết mình còn là khả năng giúp cho người trẻ biết đón nhận và chấp nhận sự thật của con người mình; là một quá trình trở về khám phá bản thân, hành vi, thái độ, tình cảm, những khuynh hướng, khả năng, tiềm năng, tính tình, nhu cầu, động lực thúc đẩy và những giới hạn, khuyết điểm, tật xấu cũng như những sự bất nhất và xung đột trong con người mình. Vì vậy, Đức Thánh Cha Phanxico mời gọi các bạn trẻ “hãy dám vượt lên trên chính mình, vì ‘mình là ai’ thì quan trọng hơn là ‘mình có gì[15]”. Vì vậy, “hãy thực sự là chính mình”[16]. Hơn nữa, bằng việc nhận biết mình là ai trước mặt Thiên Chúa qua những hy vọng, ước mơ, thực tế, khó khăn và hạn chế phải đối diện trong cuộc sống, người trẻ cảm nghiệm rằng họ được hỗ trợ và không đơn độc trên lộ trình của mình, bởi có Giáo hội cùng đi với họ, đồng thời, cũng có thể khuyến khích người khác cùng nhau bước đi trên hành trình cuộc sống[17].

Ngoài việc phân định để nhận biết chính mình, nhận biết căn tính của mình, người trẻ còn được mời gọi phân định để nhận ra ơn gọi của mình. Đây là một hình thức đặc biệt của phân định. Điều này cũng như việc nhận biết chính mình phải là một sự phân định trong sự cô tịch, trong bầu khí cầu nguyện, với một thái độ sẵn sàng lắng nghe, nhờ đó người trẻ có thể thực sự mở lòng ra để đón nhận một tiếng gọi, dẫn mình tới một đời sống tốt hơn[18].

  • Phân định để chọn lựa và cống hiến

Khi đã nhận ra chính mình, người trẻ được mời gọi chọn lựa những giá trị, cũng như hai môn đệ trên đường Em-mau, khi đã nhận ra Đấng Phục Sinh, với ánh sáng và nghị lực mới, các ông đã hành động, “Ngay lúc đó, Đứng dậyQuay trở lại”. Các hành động này gợi ý về việc hoán cải và biến đổi tâm hồn. Hai môn đệ làng Emmau đi vào trời tối mà lòng no đầy Tình yêu với sự Hiện Diện Thực của Đức Kitô sống lại, và với một tâm hồn chan hòa ánh sáng của Lời Chúa dẫn lối để đến và làm chứng về biến cố Chúa đã Phục Sinh. Vì vậy, khi đã nhận ra chính mình, người trẻ cũng cần biết đứng lên và quay trở lại, đồng thời biết vươn đến sự hoàn thiện ngang qua việc lắng nghe và nhận ra thánh ý Thiên Chúa trong cuộc đời mình, nhận ra đâu là con đường Thiên Chúa dẫn dắt mình đi, để rồi can đảm cất bước lên đường, thay đổi đời sống.

Hơn nữa, vì là tương lai, là sức sống của Giáo hội nên người trẻ cũng được mời gọi dấn thân vào việc loan báo Tin Mừng, ngang qua chính đời sống, hay ngang qua những công việc phục vụ trong cộng đoàn, giáo xứ, giáo phận, đồng thời biết xây dựng tình huynh đệ trong xã hội, tham gia trong các nhóm thiện nguyện. Tuy nhiên, những người trẻ cũng cần được đồng hành và khích lệ để sử dụng các tài năng của mình cách sáng tạo, và được khích lệ để đảm nhận trách nhiệm của mình.

III. SỨ MẠNG CỦA NGƯỜI TRẺ HÔM NAY

Sau khi đã trình bày một cách cụ thể về những vấn đề đã được đưa ra, giờ đây, hỡi các bạn trẻ, các bạn là hiện tại và là tương lai của Giáo hội, các bạn hãy ý thức rằng, mặc dù các bạn đang sống trong Giáo hội với nhiều khủng hoảng và gương xấu, hay cả việc Giáo hội chưa đáp ứng đủ khát vọng của các bạn, nhưng các bạn hãy nhớ rằng, Giáo hội vẫn ở đó, vẫn thao thức từng ngày, vẫn hướng lòng về các bạn và ước mong các bạn trở nên những con người thực thụ, những Ki-tô-hữu tốt, hầu làm cho Giáo hội và xã hội ngày một tươi trẻ hơn. Giáo hội không bao giờ bỏ rơi các bạn.

Khi lãnh nhận Bí Tích Rửa tội, mỗi kitô hữu đều mang trong mình sứ mạng ngôn sứ của Chúa Ki-tô như Công đồng Vaticanô II đã nói rõ: “Mọi môn đệ Chúa Kitô đều có bổn phận góp phần vào cuộc gieo vãi đức tin…” (TG 23a), vì thế, các bạn cũng luôn được mời gọi thực thi sứ mạng của Giáo hội bằng chính đời sống của mình.

  1. Cùng nhau cất bước hành trình

Trong bài giảng tại bến cảng Copacabana ở Rio de Janeiro, 28. 7. 2013, Đức Thánh Cha Phanxicô nhắn nhủ các bạn hãy rao giảng Tin Mừng cho mọi người “đừng sợ ra đi và đem Chúa Kitô vào mọi lĩnh vực của đời sống, đến những vùng biên của xã hội” đừng để cho tính năng động của tuổi trẻ bị dập tắt trong bóng tối của một căn phòng khép kín, trong đó cửa sổ duy nhất thông ra thế giới bên ngoài là máy tính và điện thoại thông minh. Hãy mở rộng cánh cửa của cuộc sống, để cuộc sống của các bạn tràn ngập những mối quan hệ có ý nghĩa[19].

Ngài cũng khuyến khích các bạn “hãy can đảm để được hạnh phúc” bằng cách chọn lựa Đức Ki-tô và lội ngược dòng. Khi các bạn được Chúa Giêsu Kitô chiếm hữu các bạn sẽ tìm cách hiến thân phục vụ nhân loại với lòng can đảm và nhiệt tâm. Chính khi các bạn bị cuốn hút trong tình yêu của Chúa Giêsu, các bạn sẽ cởi mở con tim và vòng tay vì tình yêu.[20]

Cùng nhịp bước với Giáo hội, người trẻ cũng được mời gọi sống tinh thần hiệp hành: hiệp thông-tham gia và sứ vụ, nghĩa là việc cùng nhau xây dựng, sống sự hiệp thông trong đức ái, tham gia tích cực vào mọi sinh hoạt và đời sống Giáo hội, cùng nhau thực hiện sứ vụ loan báo tin mừng Chúa Giêsu Kitô cho toàn thể nhân loại.

Vì vậy, cùng với Giáo hội, các bạn được mời gọi làm chứng cho vẻ đẹp của lòng quảng đại, phục vụ, trong sạch, kiên trì, tha thứ, trung thành với ơn gọi, cầu nguyện, theo đuổi công lý và công ích, tình yêu dành cho người nghèo và tình bằng hữu xã hội.[21] Dấn thân không mệt mỏi trong các hoạt động của Giáo xứ, tham gia các hội đoàn như Giáo lý viên, ca đoàn, nhóm sinh viên Công giáo… thăm viếng người đau khổ, tàn tật, tham dự Thánh lễ, giờ chầu Thánh Thể… Các bạn hãy là chứng nhân của Chúa giữa cuộc sống đời thường, nơi môi trường học tập, làm việc; và hãy sống một tuổi trẻ đầy năng lượng của tình yêu Chúa.

Nào các bạn trẻ chúng ta hãy lên đường!

  1. Hỡi các bạn trẻ hãy chỗi dậy, hãy lắng nghe và hãy lên đường

Đây là Lời Nhắn Nhủ của Ðức Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II cho các Bạn Trẻ Thụy Sĩ trong cuộc gặp gỡ chiều thứ bảy ngày mùng 5 tháng 6 năm 2004. Hôm nay, Ngài cũng đang nhắn nhủ các bạn như vậy.

Các bạn hãy chỗi dậy để làm mới lại cuộc đời mình, chỗi dậy khỏi những u mê của tội tỗi, của ham muốn, và của những thú vui trần thế, để dám đứng lên, làm cho cuộc sống mình được tươi mới và ý nghĩa hơn. Các bạn hãy đến với bí tích hòa giải, kể cho Chúa nghe mọi sự, đặc biệt là các điểm yếu, các cuộc đấu tranh và tội lỗi của các bạn. Người sẽ làm các bạn ngạc nhiên với sự tha thứ và bình an của Người.

Các bạn hãy chỗi dậy, để thoát ra khỏi sự ù lì, không muốn vươn lên của bản thân, để trở nên một con người năng động, bởi tuổi trẻ là sức sống của Giáo hội và xã hội. Hãy chỗi dậy, và đừng sợ đón nhận cuộc sống như nó vốn có.

Các bạn hãy chỗi dậy với một lòng khao khát lắng nghe tiếng Chúa, để biết Ngài đang muốn gì nơi các bạn; lắng nghe tiếng nói nội tâm để biết các bạn đang cần gì, và lắng nghe người khác để cảm thấu và hiểu họ một cách sâu rộng hơn. Để qua việc lắng nghe, các bạn hãy cùng bước đi với Giáo hội trong hành trình hiệp hành, để Giáo hội mãi mãi tươi trẻ và tràn đầy sức sống trong chính đời sống của mình.

Các bạn hãy lên đường, ra đi tìm kiếm mọi cơ hội để phục vụ và tỏ bày tình yêu thương. Trước hết cho cha mẹ, anh chị em trong gia đình, hàng xóm láng giềng, nơi giáo xứ… Qua đó, các bạn đã trở nên một lời giới thiệu sống động về Chúa Giêsu cho người khác.

Các bạn hãy lên đường, ra đi đến những vùng ngoại biên, nơi mà rất nhiều những mảnh đời bất hạnh đang rất cần sự hiện hiện của các bạn; các bạn hãy tới và đem niềm vui cùng sự an lành đến với họ. Các bạn hãy ra đi, mang Tin Mừng là sức mạnh của Thiên Chúa để nhổ bỏ và phá hủy sự ác và bạo lực, sự ích kỷ, oán thù và thiếu bao dung, để có thể kiến tạo một thế giới mới như lòng Chúa mong ước.

Các bạn hãy khắc ghi lời nhắn nhủ của vị Cha chung chúng ta rằng “Đức Kitô đang sống và Người muốn các bạn cũng sống thực sự![22]”.

C. SUY TƯ THAY LỜI KẾT

Cùng nhịp bước với Giáo hội và những người trẻ, mỗi chúng con, những người nữ tu Mến Thánh Giá cũng được mời gọi sống tinh thần hiệp hành, cùng bước đi với Giáo hội và với nhau. Hơn nữa, chúng con vẫn luôn xác tín rằng, Giáo hội luôn quan tâm tới giới trẻ cách đặc biệt. Vì vậy, cũng như lời mời gọi đã gợi lên cho các bạn trẻ, chúng con cũng phải luôn sống những lời mời gọi đó trong chính đời sống của mình, trở nên những cánh tay nối dài của Chúa, để mang tình yêu và sự đỡ nâng của Chúa đến với tất cả mọi người, nhất là những người bị bỏ quên bên lề xã hội, đồng thời có thể phần nào khơi gợi lòng nhiệt thành vươn lên nơi trái tim và nhiệt huyết của những người trẻ mà chúng con đang cưu mang trong đề tài này.

Qua đề tài này, chúng con được thôi thúc để cộng tác vào sứ mạng chung của Giáo hội, đó là những thao thức cho việc gặp gỡ, hướng dẫn và đồng hành với những người trẻ, hướng họ vào một sự phân định, để qua đó, họ nhân ra thánh ý Thiên Chúa và thực thi thánh ý đó trong cuộc đời mình. Vì vậy, chúng con, những người nữ tu Mến Thánh Giá Huế phải luôn tự ý thức rằng: tôi phải làm gì và sẽ làm gì cho sứ mạng đó?

Bài Tiểu luận Môn Thần học Luân lý chuyên biệt

Học viên Matta Trần Thị Hạnh

Hội dòng Mến Thánh Giá Huế

 

[1] Diễn văn của ĐTC trong buổi gặp gỡ giới trẻ Hungary,

<https://www.vaticannews.va/vi/pope/news/2023-04/dtc-phanxico-dien-van-gioi-tre-hungary.html>, (truy cập ngày 05/05/2023).

[2] Đức thánh cha Phanxico, Tông huấn hậu thượng hội đồng Đức Ki-tô hằng sống, Lm. Lê Công Đức.PSS dịch, số 64.

[3] Ibid, số 81.

[4] x. Ibid, số 84.

[5] Liên hội đồng giám mục Á châu, tài liệu cuối cùng đại hội cấp châu lục của giáo hội Á châu về tính hiệp hành ngày 16.03.2023 <https://hdgmvietnam.com/chi-tiet/tai-lieu-cuoi-cung-cua-dai-hoi-cap-chau-luc-cua-giao-hoi-a-chau-ve-tinh-hiep-hanh-50697#_Toc132788157> số 137, (truy cập ngày 06/05/2023).

[6] Đức thánh cha Phanxico, Tông huấn hậu thượng hội đồng Đức Ki-tô hằng sống, Lm. Lê Công Đức.PSS dịch, số 112.

[7] x. Ibid, số 113.

[8] Ibid, số 119.

[9] Ibid, số 124.

[10] x. Đồng hành với người trẻ phân định để khám phá hạnh phúc, <https://www.hdgmvietnam.com/chi-tiet/dong-hanh-voi-nguoi-tre-phan-dinh-de-kham-pha-hanh-phuc-42569> (truy cập ngày 06/05/2023).

[11] Tông huấn Gaudete et Exsultate – Niềm Vui Hoan Hỷ số 166, <https://www.simonhoadalat.com/HOCHOI/Giaohoi/TongHuan/GaudeteEtExultata/03ToanVan.htm>, (truy cập ngày 10/05/2023).

[12] Đức thánh cha Phanxico, Tông huấn hậu thượng hội đồng Đức Ki-tô hằng sống, Lm. Lê Công Đức.PSS dịch, số 279.

[13] Đức thánh cha Phanxico, Tông huấn hậu thượng hội đồng Đức Ki-tô hằng sống, Lm. Lê Công Đức.PSS dịch, số 30.

[14] Ibid, số 1.

[15] Đức thánh cha Phanxico, Tông huấn hậu thượng hội đồng Đức Ki-tô hằng sống, Lm. Lê Công Đức.PSS dịch, số 107.

[16] Ibid. số 108.

[17] Liên hội đồng giám mục Á châu, tài liệu cuối cùng đại hội cấp châu lục của giáo hội Á châu về tính hiệp hành ngày 16.03.2023 <https://hdgmvietnam.com/chi-tiet/tai-lieu-cuoi-cung-cua-dai-hoi-cap-chau-luc-cua-giao-hoi-a-chau-ve-tinh-hiep-hanh-50697#_Toc132788157> số 138, (truy cập ngày 06/05/2023).

[18] x. Đức thánh cha Phanxico, Tông huấn hậu thượng hội đồng Đức Ki-tô hằng sống, Lm. Lê Công Đức.PSS dịch, số 284.

[19] Đức Thánh Cha Phanxicô, Sứ Điệp Ngày Giới Trẻ Thế Giới Năm 2018, <http://daminhthanhtam.org/duc-thanh-cha-phanxico–nhin-lai-10-nam-danh-cho-ngay-gioi-tre-the-gioi.html>, (truy cập ngày 10/05/2023).

[20] Sứ điệp Truyền giáo 2018, < https://tuhoithuasaichuagiesu.net/index.php?nv=tin-tuc-giao-hoi&op=Tin-Giao-Hoi-Hoan-Vu/Su-Diep-Truyen-Giao-2018-9> (truy cập ngày 11/05/2023).

[21]  Đức thánh cha Phanxico, Tông huấn hậu thượng hội đồng Đức Ki-tô hằng sống, Lm. Lê Công Đức.PSS dịch, số 36.

[22] Đức thánh cha Phanxico, Tông huấn hậu thượng hội đồng Đức Ki-tô hằng sống, Lm. Lê Công Đức.PSS dịch, số 1.