Đức Phanxicô nói với một thanh niên đồng tính bị loại khỏi chủng viện: “Chúa Giêsu kêu gọi mọi người, mọi người. Một số người nghĩ Giáo hội là cơ quan hải quan, không phải. Giáo hội cởi mở với mọi người. Xin con theo đuổi ơn gọi của con.”
Lorenzo gởi thư cho Đức Phanxicô sau câu nói sốc về người đồng tính của một số linh mục: “Lời ngài mang cho tôi hy vọng, tôi muốn trở thành linh mục.”
ilmessaggero.it, Raffaella Troili, 2024-06-03
“Một trong nhiều hạt giống trong vườn nho của Chúa. Chúa Giêsu mời gọi tất cả tiến bước theo ơn gọi của mình”. Theo cách riêng ngài vẫn làm, ngài luôn thông cảm và mang hy vọng đến cho những người xin ngài giúp đỡ. Ngài đã làm như vậy sau lời tuyên bố “có quá nhiều người đồng tính trong các chủng viện” trong một cuộc họp kín với các giám mục Ý bị rò rỉ. Cũng như nhiều người khác, anh Lorenzo Michele Noè Caruso, 22 tuổi cảm thấy cay đắng, thất vọng và bị loại ra. Một vết thương lại bị mở ra. Anh nói với báo Il Messaggero: “Tôi bị loại ra khỏi chủng viện vì tôi nói tôi là người đồng tính.”
Ngày 28 tháng 5, anh viết một thư dài cho Đức Phanxicô kể cuộc đời, ơn gọi mạnh mẽ và những cánh cửa anh phải đối diện. Thật bất ngờ, ngày 1 tháng 6 anh nhận tấm thiệp viết tay của ngài, được chụp và gởi qua e-mail: “Cha cám ơn con rất nhiều!” Tôi rất xúc động khi ngài viết: “Con biết đó, chủ nghĩa giáo sĩ trị là một chủ nghĩa độc hại, một chủ nghĩa loại trừ. Con có biết đó là một bệnh dịch không? Đó là thói xấu trần tục và một nhà thần học vĩ đại đã nói: ‘Thói trần tục là điều tồi tệ nhất xảy ra cho Giáo hội, thậm chí còn tệ hơn cả thời đại của các giáo hoàng có vợ lẽ.’ Chúa Giêsu kêu gọi mọi người, mọi người. Một số người nghĩ Giáo hội phải là một cơ quan hải quan, đó là không đúng. Giáo Hội phải cởi mở với tất cả mọi người. Xin con tiếp tục ơn gọi của con. Cha cầu nguyện cho con và cha cũng xin con cầu nguyện cho cha (cha rất cần). Xin Chúa chúc lành cho con và xin Đức Mẹ gìn giữ con. Thân mến, Phanxicô.”
Lorenzo đọc thư khi anh làm việc ở Florence, lúc đó là 9h30 tối. Anh kể: “Tôi nhận thư và tôi hoảng sợ. Tôi nghỉ 5 phút rồi đọc lại… Ngài viết chữ rất nhỏ, có vài chữ tôi không hiểu. Nhưng thư trả lời của ngài thật khích lệ, ngài đúng là một giáo hoàng thật sự, ngài không phải là người để người khác dẫn dắt. Bức thư cho tôi hy vọng, bây giờ con đường vào chủng viện vẫn là giấc mơ của tôi.” Ngài bảo tôi: “Con hãy tiếp tục ơn gọi của con, con đừng lo, vẫn còn những con đường khác. Có nhiều cách để từ chối ơn gọi, họ đã từ chối con nhưng con hãy tiếp tục.”
Sự khích lệ của ngài đã lay chuyển các Hiệp hội công giáo đồng tính, các linh mục giáo xứ và cha mẹ của nhiều người đồng tính đang đấu tranh cho con của họ trở thành một phần tử của Giáo hội. Anh Lorenzo học ở Đại học Florence và làm trong tiệm ăn buổi tối, anh nói tiếp: “Lời của ngài đã an ủi tôi. Chúng ta có thể thấy những người theo chủ nghĩa truyền thống muốn làm mất uy tín của ngài, gạt ngài qua một bên.” Một lối thoát đầy tổn thương trước những bước đi cụ thể hướng đến cộng đồng LGBT+, những lời chúc phúc, những cuộc gặp gỡ với người trẻ chuyển giới, với cha mẹ có con đồng tính: “Ngay cả ở thành phố Florence, mọi thứ đã thay đổi sâu sắc, nhiều linh mục quản xứ đã tiếp nhận, chăm sóc những người bị thiệt thòi. Giám mục Giuseppe Betori đã thành lập Ủy ban mục vụ LGBT để chăm sóc mục vụ cho gia đình.”
Câu chuyện của tôi
Anh Lorenzo viết cho Đức Phanxicô: “Con hy vọng thư này đến tay cha, con mong cha biết câu chuyện của con và của nhiều người giống con bị sống bên lề Giáo hội, buộc phải sống chui vì
bị loại khỏi Giáo hội, khỏi cộng đồng.” Anh kể cho ngài nghe câu chuyện đức tin, việc dạy giáo lý, ơn gọi làm linh mục, hành trình vào chủng viện, giấc mơ tan vỡ, những lời từ chối, những hành vi kỳ thị người đồng tính trong Giáo hội. Đức Phanxicô khuyên anh không được lạc lối trong thất vọng, tin tưởng vào hành trình đồng nghị đang diễn ra: “Đó là bước ngoặt để chúng ta cùng đi dưới ánh sáng của Chúa Kitô, không ai bị loại trừ, ai cũng là biểu hiện kế hoạch của Thiên Chúa dành cho Giáo hội. Chúng ta phải giải quyết vấn đề cấm nhận người đồng tính vào chủng viện vì nhiều người trẻ cảm thấy lạc lõng trong một Giáo hội tự trói buộc vào một chủ nghĩa giáo quyền độc hại, có tính chọn lọc trong đó chỉ một số người xứng đáng mới được tiếp nhận, một số khác bị loại trừ, họ bị xem như người tín hữu kitô giả.”
Ước mơ của anh Lorenzo: sau khi học xong đại học, anh vào chủng viện. Lời của Đức Phanxicô cho anh một tia hy vọng. Ông Innocenzo Pontillo, chủ tịch Hiệp hội “La Tenda di Gionata” cho biết: “Đây là bức thư chào đón, bao quát và thực sự tốt đẹp. Đức Phanxicô cho thấy ngài là người rất nhân văn.”
Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch