Hôm thứ Tư, Đức Thánh Cha Phanxicô đã kêu gọi các nhà lãnh đạo trí tuệ nhân tạo “bảo vệ phẩm giá con người trong kỷ nguyên của các thiết bị máy móc mới này”.
Trong thông điệp gửi tới Hội nghị liên tôn về luân lý đạo đức Trí tuệ nhân tạo ở Hiroshima, Nhật Bản, với các nhà lãnh đạo đến từ Microsoft, IBM, Cisco, Liên Hợp Quốc và đại diện từ tất cả các tôn giáo lớn trên thế giới, Đức Thánh Cha nhấn mạnh rằng trí tuệ nhân tạo có ý nghĩa đối với tương lai của chiến tranh và hòa bình trên thế giới của chúng ta.
Đức Thánh Cha kêu gọi cấm các hệ thống vũ khí sát thương tự động – một loại vũ khí sử dụng thuật toán máy tính để nhắm mục tiêu và sử dụng vũ khí một cách độc lập mà không cần sự điều khiển thủ công của con người đối với hệ thống.
“Không một cỗ máy nào được chọn tước đi sự sống của con người”, Đức Thánh Cha Phanxicô nói trong thông điệp được công bố vào ngày 10 tháng 7.
Đức Thánh Cha nhấn mạnh tầm quan trọng mang tính biểu tượng của việc thảo luận về luân lý đạo đức Trí tuệ nhân tạo tại địa điểm bị ném bom nguyên tử ở Hiroshima, một nơi đóng vai trò như một lời nhắc nhở về những hậu quả có thể phát sinh từ sự tiến bộ của công nghệ mà không xem xét đầy đủ các tác động của nó.
“Điều quan trọng là, đoàn kết với nhau như anh chị em, chúng ta nhắc nhở thế giới rằng trước thảm kịch xung đột vũ trang, điều cấp thiết là cần phải tái xem xét việc triển khai và sử dụng các thiết bị như cái gọi là ‘ vũ khí sát thương tự động’ và cuối cùng là cấm sử dụng chúng”, Đức Thánh Cha Phanxicô nói, đồng thời nhắc lại lời kêu gọi mà ngài đã đưa ra tại hội nghị thượng đỉnh G7 ở Ý vào tháng 6.
“Điều này bắt đầu từ một cam kết hiệu quả và cụ thể nhằm đưa ra biện pháp kiểm soát phù hợp và chặt chẽ hơn bao giờ hết của con người”.
Hội nghị kéo dài hai ngày ở Hiroshima quy tụ các nhà lãnh đạo ngành công nghệ với đại diện của các tôn giáo trên thế giới bao gồm Kitô giáo, Do Thái giáo, Hồi giáo, Phật giáo, Ấn Độ giáo, Bái Hỏa giáo, Bahá’í và các tôn giáo phương Đông khác.
Brad Smith, phó Chủ tịch kiêm Chủ tịch Microsoft, cho biết Hiroshima, với vị trí có ý nghĩa sâu sắc trong lịch sử nhân loại, đã đóng vai trò như là “bối cảnh thuyết phục giúp đảm bảo một công nghệ do nhân loại tạo ra sẽ phục vụ toàn thể nhân loại và ngôi nhà chung của chúng ta”.
Trong một trong những bài phát biểu khai mạc hội nghị, Rabbi Eliezer Simcha Weisz đã nói rằng “với tư cách là những cá nhân có đức tin, chúng ta có trách nhiệm duy nhất là truyền tải sự rõ ràng về mặt luân lý và tính chính trực về mặt đạo đức cho việc theo đuổi AI của chúng ta”.
Hơn 150 tham dự viên đến từ 13 quốc gia đã tham gia sự kiện được đồng tổ chức bởi Hàn lâm viện Giáo hoàng về Sự sống của Vatican, Tổ chức các Tôn giáo vì Hòa bình Nhật Bản, Diễn đàn Hòa bình Abu Dhabi và Chủ tịch Ủy ban Rabbi trưởng của Israel về Đối thoại liên tôn.
Các diễn giả bao gồm Amandeep Singh Gill, Đặc phái viên của Tổng thư ký Liên hợp quốc về công nghệ; Cha Paolo Benanti, Giáo sư về đạo đức công nghệ tại Đại học Giáo hoàng Grêgôrian ở Rôma; và một nạn nhân sống sót sau vụ đánh bom nguyên tử ở Hiroshima.
Vatican đã tham gia rất nhiều vào cuộc trò chuyện về đạo đức trí tuệ nhân tạo, tổ chức các cuộc thảo luận cấp cao với các nhà khoa học và giám đốc điều hành công nghệ về đạo đức trí tuệ nhân tạo kể từ năm 2016.
Đức Thánh Cha đã tiếp đón giám đốc điều hành IBM John Kelly III, Smith của Microsoft và Chuck Robbins, giám đốc điều hành của Cisco Systems, tại Rôma – mỗi người trong số họ đã ký cam kết về đạo đức trí tuệ nhân tạo của Vatican: “Lời kêu gọi của Rôma về Đạo đức AI”.
“Lời kêu gọi của Rôma về Đạo đức AI”, một tài liệu của Hàn lâm viện Giáo hoàng về Sự sống, nhấn mạnh sự cần thiết của việc sử dụng AI một cách có đạo đức theo các nguyên tắc minh bạch, hòa nhập, trách nhiệm giải trình, công bằng, độ tin cậy, bảo mật và quyền riêng tư.
Đức Thánh Cha Phanxicô đã chọn trí tuệ nhân tạo làm chủ đề cho Sứ điệp hòa bình năm 2024 của mình, trong đó khuyến nghị các nhà lãnh đạo toàn cầu thông qua một hiệp ước quốc tế để điều chỉnh việc phát triển và sử dụng AI.
Tại hội nghị thượng đỉnh G7 vào tháng 6, Đức Thánh Cha đã nhấn mạnh rằng phẩm giá con người đòi hỏi các quyết định của trí tuệ nhân tạo (AI) phải nằm dưới sự kiểm soát của con người.
“Chúng ta cần đảm bảo và bảo vệ một không gian để con người kiểm soát đúng đắn những lựa chọn do các chương trình trí tuệ nhân tạo đưa ra: Phẩm giá con người tự nó phụ thuộc vào điều đó”, Đức Thánh Cha Phanxicô phát biểu tại hội nghị thượng đỉnh.
Minh Tuệ (theo CNA)
Nguồn: https://dcctvn.org/duc-thanh-cha-phanxico-noi-voi-cac-nha-lanh-dao-ai-khong-mot-co-may-nao-duoc-chon-tuoc-di-su-song-con-nguoi/