Đức Thánh Cha Phanxicô truyền tải ‘thông điệp hy vọng’ tới các tín hữu Công giáo Trung Quốc và bày tỏ mong muốn đến thăm Trung Quốc

Đức Thánh Cha Phanxicô đã truyền tải “thông điệp hy vọng” tới các tín hữu Công giáo Trung Quốc và đồng thời bày tỏ mong muốn một ngày nào đó được đến thăm Vương cung Thánh đường Đức Mẹ Phù hộ các Kitô hữu ở Thượng Hải, Trung Quốc, trong một cuộc phỏng vấn được công bố hôm thứ Sáu.

Trong một cuộc phỏng vấn tại Vatican với Cha Pedro Chia, Giám đốc Văn phòng Báo chí của Tỉnh Dòng Tên Trung Quốc, Đức Thánh Cha cho biết ngài “thực sự muốn” thực hiện chuyến viếng thăm mục vụ tới Trung Quốc để viếng thăm Đền thờ và gặp gỡ các Giám mục và các tín hữu Công giáo tại nước này.

“Người dân Trung Quốc thực sự là những người có lòng trung thành đã trải qua rất nhiều gian truân và vẫn giữ được lòng trung thành”, Đức Thánh Cha Phanxicô nói.

Đức Thánh Cha Phanxicô cũng cho biết thêm rằng người dân Trung Quốc là hậu duệ của một “dân tộc vĩ đại” và đòng thời khuyến khích họ không nên “uổng phí di sản này” mà thay vào đó hãy “truyền lại nó với sự kiên nhẫn”. Ngài cũng bày tỏ “thông điệp hy vọng” tới các tín hữu tại Trung Quốc.

“Có vẻ như là một sự lặp lại không cần thiết khi gửi một thông điệp hy vọng đến những người là bậc thầy của sự chờ đợi”, Đức Thánh Cha Phanxicô nói. “Người Trung Quốc là bậc thầy của sự kiên nhẫn, bậc thầy của sự chờ đợi… Đó quả là một điều rất đẹp”.

Những người hành hương Trung Quốc tham dự buổi tiếp kiến ​​chung tại Quảng trường Thánh Phêrô, ngày 12 tháng 10 năm 2016 (Ảnh: Daniel Ibanez/CNA)

Những người hành hương Trung Quốc tham dự buổi tiếp kiến ​​chung tại Quảng trường Thánh Phêrô, ngày 12 tháng 10 năm 2016 (Ảnh: Daniel Ibanez/CNA)

Đức Thánh Cha Phanxicô nói, một tu sĩ Dòng Tên, cũng đã đưa ra lời khuyên cho các tu sĩ Dòng Tên ở Trung Quốc.

“Hãy chỉ đường đến với Chúa qua các cuộc linh thao và sự phân định”, Đức Thánh Cha Phanxicô nói trong thông điệp gửi đến các tu sĩ Dòng Tên Trung Quốc. “…Hãy đồng hành với người nghèo và những người có phẩm giá bị xâm phạm trong sứ mạng hòa giải, công lý và… đồng hành với những người trẻ trong việc tạo ra một tương lai tràn đầy hy vọng và… chăm sóc ngôi nhà chung của chúng ta”.

Cuối cuộc phỏng vấn, Đức Thánh Cha Phanxicô đã chúc lành cho người dân Trung Quốc và cầu xin sự chuyển cầu của Đức Mẹ Xà Sơn.

Cuộc phỏng vấn đã được thực hiện vào ngày 24 tháng 5, Lễ Đức Mẹ Phù hộ các Giáo hữu, nhưng không được công bố cho đến ngày 9 tháng 8.

Chưa từng có vị Giáo hoàng nào từng đến thăm Trung Quốc, nhưng Đức Thánh Cha Phanxicô là vị Giáo hoàng đầu tiên đến thăm Mông Cổ, quốc gia giáp với Trung Quốc, vào tháng 9 năm 2023.3

Năm 2018, Vatican đã ký một thỏa thuận bí mật với đảng cộng sản Trung Quốc yêu cầu chế độ này phải tham vấn với Tòa Thánh về việc bổ nhiệm Giám mục. Thỏa thuận đó đã được gia hạn vào năm 2020 và một lần nữa vào năm 2022.

Theo một nghiên cứu gần đây của trung tâm nghiên cứu Pew, số lượng Kitô hữu ở Trung Quốc đã giảm dần sau khi tăng vào những năm 1980 và 1990, một số nhà quan sát cho rằng đó là do “cuộc đàn áp” của chế độ cộng sản.

Bà Nina Shea, nghiên cứu viên cấp cao và giám đốc Trung tâm Tự do Tôn giáo tại Viện Hudson, nói với CNA rằng số lượng Kitô hữu ở Trung Quốc đang sụt giảm “không phải là điều ngạc nhiên”.

“Chúng tương quan với chiến dịch đàn áp Kitô giáo của Tập Cận Bình, cái gọi là chiến dịch ‘Hán hóa’ của ông ta”, bà Shea cho biết. Trong 5 năm qua, “nhà nước đã nghiêm cấm mọi trẻ em tiếp xúc với tôn giáo, các nhà thờ được lắp đặt hệ thống giám sát nhận dạng khuôn mặt và liên kết với các điểm tín dụng xã hội”.

Trong thời gian đó, Kinh Thánh đã bị hạn chế và kiểm duyệt, Bắc Kinh đã bắt giữ các Giám mục và Mục sư, và các bài giảng của họ đã bị kiểm duyệt để “phù hợp với ‘tư tưởng’ Tập Cận Bình”, bà Shea cho biết.

Đức Thánh Cha Phanxicô gửi thông điệp đặc biệt tới các tín hữu Công giáo Trung Quốc vào cuối Thánh lễ tại Ulaanbaatar, Mông Cổ vào ngày 3 tháng 9 năm 2023 (Ảnh: Truyền thông Vatican)

Đức Thánh Cha Phanxicô gửi thông điệp đặc biệt tới các tín hữu Công giáo Trung Quốc vào cuối Thánh lễ tại Ulaanbaatar, Mông Cổ vào ngày 3 tháng 9 năm 2023 (Ảnh: Truyền thông Vatican)

Về những lời chỉ trích và tương lai của Giáo hội

Trong cuộc phỏng vấn với Chia, Đức Thánh Cha Phanxicô cũng đã bình luận về những lời chỉ trích mà ngài phải đối mặt trong triều đại Giáo hoàng của ngài.

“Những lời chỉ trích luôn hữu ích”, Đức Thánh Cha nói. “Ngay cả khi chúng không mang tính xây dựng, chúng vẫn luôn hữu ích vì chúng khiến người ta phải suy ngẫm về hành động của mình”.

“Vâng, nhiều lần bạn biết rằng bạn phải chờ đợi, phải chịu đựng và thường tự sửa mình vì đằng sau một số sự phản kháng có thể có những lời chỉ trích tốt”, Đức Thánh Cha Phanxicô tiếp tục. “Và đôi khi cũng đau đớn, vì những sự phản kháng, như chúng xảy ra vào những thời điểm này, không chỉ chống lại cá nhân tôi, mà còn chống lại Giáo hội”.

Đức Thánh Cha cũng đã nhắc đến những khó khăn mà Thánh Inhaxiô Loyola, Đấng sáng lập Dòng Tên, phải đối mặt.

“Những khó khăn và sự chống đối mà Thánh Inhaxiô phải đối mặt lúc đầu là sự xung khắc với những người hướng nội và đánh mất tinh thần truyền giáo của họ”, Đức Thánh Cha nói.

Đức Thánh Cha cũng thúc giục cá tín hữu Công giáo tránh xa sự tục hóa và chủ nghĩa giáo sĩ khi suy ngẫm về tương lai của Giáo hội. Ngài lưu ý rằng nhà thần học Dòng Tên thế kỷ 20, Cha Henri de Lubac đã cảnh báo rằng sự tục hóa là “sự ác tồi tệ nhất có thể xảy ra với Giáo hội” và “thậm chí còn tệ hơn thời của các Giáo hoàng có vợ”.

“Một số người nói rằng đó sẽ là một Giáo hội nhỏ hơn, thu hẹp hơn”, Đức Thánh Cha nói. “Tôi nghĩ rằng Giáo hội phải cẩn trọng để không rơi vào nạn dịch của chủ nghĩa giáo sĩ và nạn dịch của sự tục hóa về mặt thiêng liêng”.

Khi được hỏi liệu ngài có lời khuyên nào dành cho người kế nhiệm mình trong cương vị Giáo hoàng không, Đức Thánh Cha Phanxicô đã trả lời đơn giản: “Hãy cầu nguyện… vì Thiên Chúa ngỏ lời qua việc cầu nguyện”.

Minh Tuệ (theo CNA)

Nguồn: dcctvn.org