I. Giới trẻ chính là niềm hy vọng của Giáo hội, giới trẻ tham gia dấn thân trong công việc tông đồ giáo dân
“Hỡi các bạn trẻ, tôi viết cho anh em: anh em đã thắng ác thần. Hỡi anh em là những người con thơ bé, tôi đã viết cho anh em: anh em biết Chúa Cha… Hỡi các bạn trẻ, tôi đã viết cho anh em: anh em là những người mạnh mẽ; lời Thiên Chúa ở lại trong anh em và anh em đã thắng ác thần” (1Ga 2,13-14).
Quả thực, Giáo hội nhìn thấy nơi giới trẻ con đường hướng về tương lai đang đợi mình, và Giáo hội nhận ra nơi giới trẻ hình ảnh và lời nhắc nhủ về sự tươi trẻ mà Thần Khí của Đức Kitô dùng để không ngừng làm phong phú Giáo hội. Chính trong ý nghĩa này mà Công đồng đã định nghĩa giới trẻ chính là “niềm hy vọng của Giáo hội” (Tuyên ngôn về Giáo dục Kitô giáo, Gravissimum educationis, 2).
1. Khi khẳng định sự cần thiết của nền giáo dục Kitô giáo và nhắc nhở các vị chủ chăn về nghĩa vụ quan trọng là cung cấp nền giáo dục đó cho tất cả mọi người, Công đồng Vaticanô II nhận xét rằng “giới trẻ chính là niềm hy vọng của Giáo hội” (Tuyên ngôn về Giáo dục Kitô giáo, Gravissimum educationis, 2). Vậy đâu là những lý do cho niềm hy vọng này?
Thưa, lý do đầu tiên, chúng ta có thể nói tới bản chất thuộc về nhân khẩu học trên bình diện dân số. “Tại nhiều nước trên thế giới, giới trẻ chiếm hơn một nửa trên tổng số dân, và thường chiếm một nửa số người thuộc về dân Chúa đang sống tại những nước này” (Christifideles laici, 46).
Nhưng còn có một lý do khác thậm chí còn mạnh mẽ hơn nhiều, thuộc về bình diện tâm lý học, linh đạo và Giáo hội học. Giáo hội ngày nay ghi nhận lòng quảng đại của nhiều người trẻ, ước muốn của họ làm cho thế giới này tốt đẹp hơn và thăng tiến cộng đồng Kitô giáo (x. ibid.). Do đó, Giáo hội hướng sự chú tâm của mình đến giới trẻ, nhìn thấy ở nơi họ sự tham gia đặc biệt vào niềm hy vọng đến từ Chúa Thánh Thần.
Ân sủng hoạt động nơi người trẻ chuẩn bị cho sự thăng tiến của Giáo hội cả về chiều rộng lẫn phẩm chất. Chúng ta có thể nói một cách đúng đắn về Giáo hội là của những người trẻ, khi nhớ rằng Chúa Thánh Thần canh tân đổi mới nơi mọi người – kể cả những người cao niên, nếu họ luôn cởi mở và sẵn sàng – tuổi trẻ của ân sủng.
2. Đó là một niềm xác tín gắn liền với thực tại về nguồn gốc của Giáo hội. Đức Giêsu bắt đầu sứ vụ và công cuộc thiết lập Giáo hội khi Người khoảng ba mươi tuổi. Để đem lại sức sống cho Giáo hội, Người cũng đã tuyển chọn những môn đệ, ít nhất một phần trong số họ là những người trẻ. Với sự cộng tác của họ, Người muốn mở ra một kỷ nguyên mới, tạo nên một bước ngoặt cho lịch sử cứu độ. Chúa đã chọn và đào luyện họ bằng một tinh thần có thể gọi là trẻ trung, khi nêu nguyên tắc “không ai đổ rượu mới vào bầu da cũ” (Mc 2,22), đây chính là một ẩn dụ về sức sống mới, xuất phát từ sự vĩnh cửu và gặp gỡ khát vọng đổi thay, canh tân mới mẻ, là đặc trưng của giới trẻ. Ngay cả bản chất triệt để của việc cống hiến hết mình cho một chính nghĩa, điển hình cho giới trẻ, cũng phải hiện diện nơi những người được Đức Giêsu tuyển chọn làm tông đồ tương lai: điều này có thể được suy ra từ bối cảnh Người nói với chàng thanh niên giàu có, tuy nhiên, chàng thanh niên giàu có đã không có can đảm tuân theo lời đề nghị của Người (x. Mc 10,17-22), và theo lời tuyên xưng của thánh Phêrô sau đó (x. Mc 10,28).
Giáo hội được sinh ra từ những động lực trẻ trung xuất phát từ Chúa Thánh Thần, Đấng sống trong Chúa Kitô và được Người thông truyền cho các môn đệ và tông đồ của Người, rồi đến các cộng đoàn do các môn đệ quy tụ lại kể từ ngày Lễ Ngũ Tuần.
3. Từ những động lực đó nảy sinh cảm thức tín nhiệm và tình thân hữu mà Giáo hội đã nhìn giới trẻ ngay từ đầu, như có thể suy ra từ những lời phát biểu của Tông đồ Gioan, người còn trẻ khi được Đức Kitô kêu gọi, ngay cả khi người viết rằng bây giờ người đã cao niên: “Hỡi anh em là những người con thơ bé, tôi đã viết cho anh em: anh em biết Chúa Cha… Hỡi các bạn trẻ, tôi đã viết cho anh em: anh em là những người mạnh mẽ; lời Thiên Chúa ở lại trong anh em và anh em đã thắng ác thần” (1Ga 2,14).
Việc đề cập đến sức sống trẻ trung này thật thú vị. Chúng ta biết rằng những người trẻ đánh giá cao sức mạnh thể chất, điều này được thể hiện – chẳng hạn – trong thể thao. Nhưng thánh Gioan muốn nhìn nhận và ca ngợi sức mạnh thiêng liêng được thể hiện bởi những người trẻ trong cộng đoàn Kitô hữu mà Bức thư của người gửi đến: một sức mạnh đến từ Chúa Thánh Thần và mang lại chiến thắng trong những cuộc đấu tranh và cám dỗ. Chiến thắng về mặt đạo đức của người trẻ là biểu hiện sức mạnh của Thánh Thần mà Đức Giêsu đã hứa và đã ban cho các môn đệ của Người, đồng thời thúc đẩy các Kitô hữu trẻ ngày nay, cũng giống như những người trẻ ở những thế kỷ đầu tiên, để tích cực tham gia vào đời sống của Giáo hội.
4. Đó là một thực tế bất biến, không những trên bình diện tâm lý học mà còn của linh đạo giới trẻ, đó là việc không bằng lòng gắn bó cách thụ động với đức tin; những người trẻ cảm thấy khát khao đóng góp tích cực cho sự phát triển của Giáo hội cũng như xã hội dân sự. Điều này đặc biệt đáng chú ý nơi nhiều người trẻ nam nữ tốt lành hôm nay, những người mong muốn trở thành “nhân vật chính trong công cuộc truyền giáo và trở thành kiến trúc sư canh tân xã hội”. Vì “tuổi trẻ là thời gian khám phá một cách đặc biệt mãnh liệt về cái “tôi” của mình và kế hoạch cuộc đời của mình” (Christifideles laici, 46), ngày nay hơn bao giờ hết, chúng ta cần giúp đỡ những người trẻ nhận biết chính mình về những gì họ đang làm. biết rằng có điều gì đó đẹp đẽ và đầy hứa hẹn nơi chính bản thân họ. Những phẩm chất và khả năng sáng tạo của họ phải hướng tới mục đích cao cả nhất có thể thu hút và lôi cuốn họ: lợi ích của xã hội, tình liên đới với tất cả mọi anh chị em, việc truyền bá lý tưởng sống Tin mừng và dấn thân cụ thể cho tha nhân, tham gia vào những nỗ lực của Giáo hội nhằm kiến tạo một thế giới tốt đẹp hơn.
5. Dưới ánh sáng này, chúng ta nói rằng ngày nay chúng ta cần khuyến khích người trẻ hãy cống hiến hết mình, đặc biệt cho việc cổ võ những giá trị mà chính họ đánh giá cao nhất và muốn tái khẳng định. Như các Nghị phụ của Thượng Hội đồng Giám mục năm 1987 đã nói: “Tính bén nhạy của người trẻ nhận thức sâu sắc các giá trị của công lý, bất bạo động và hòa bình. Tâm hồn họ rộng mở với tình huynh đệ, tình bằng hữu và tình liên đới. Họ được tôn vinh ở mức tối đa vì những lý do liên quan đến phẩm chất cuộc sống và bảo tồn thiên nhiên” (Ench. Vat., 2206).
Đây là những giá trị chắc chắn phù hợp với giáo huấn của Tin mừng. Chúng ta biết rằng Đức Giêsu đã công bố một trật tự mới mẻ về công lý và tình yêu thương; Đấng tự nhận mình là người “hiền lành và khiêm nhường trong lòng” (Mt 11,29), bác bỏ mọi bạo lực và muốn mang lại cho con người sự bình an chân chính, kiên định nhất quán và trường cửu hơn bình an của thế gian (x. Ga 14,27). Chúng là những giá trị nội tâm và tâm linh: nhưng chúng ta biết rằng chính Đức Giêsu đã khuyến khích các môn đệ biến chúng thành những hiện thực về tình yêu thương lẫn nhau, tình huynh đệ, tình bạn hữu, tình đoàn kết, sự tôn trọng con người và chính thiên nhiên, công việc của Thiên Chúa và lãnh vực cộng tác của con người đối với Thiên Chúa. Do đó, người trẻ tìm thấy trong Tin mừng sự hỗ trợ chân thành và giá trị nhất cho lý tưởng mà họ cảm thấy phù hợp với những khát vọng và dự phóng của họ.
6. Mặt khác, cũng đúng là người trẻ “vẫn mang nặng những băn khoăn lo lắng, chán chường, thất vọng và sợ hãi trước thế giới, nhất là những cám dỗ đặc trưng cho bậc sống của họ” (Christifideles laici, 46). Đó là mặt trái của thực tế tuổi trẻ, không thể bỏ qua. Nhưng dù phải khôn ngoan đòi hỏi đối với người trẻ, nhưng một tình cảm chân thành dành cho họ sẽ dẫn đến việc tìm ra những cách thích hợp nhất để giúp họ vượt qua mọi khó khăn. Có lẽ con đường tốt nhất chính là dấn thân vào hoạt động tông đồ giáo dân, như một sự phục vụ những anh chị em gần xa, trong sự hiệp thông với Giáo hội truyền giáo.
Tôi hy vọng rằng giới trẻ sẽ tìm được những không gian rộng rãi hơn cho hoạt động tông đồ. Giáo hội phải làm cho họ hiểu biết sứ điệp Tin mừng, với những lời hứa và yêu sách của Tin mừng. Ngược lại, người trẻ phải bày tỏ những khát vọng và dự phóng của mình với Giáo hội. “Cuộc đối thoại hỗ tương này phải được thực hiện một cách thật thân tình, trong sáng và can đảm, nó sẽ cổ võ việc gặp gỡ và trao đổi giữa các thế hệ, sẽ là nguồn mạch phát sinh sự phong phú và tươi trẻ cho Giáo hội cũng như cho xã hội dân sự” (Christifideles laici, 46 ).
7. Giáo hoàng sẽ không bao giờ mệt mỏi trong việc lặp lại lời mời gọi đối thoại và kêu gọi giới trẻ hãy dấn thân. Giáo hoàng đã làm như vậy trong nhiều huấn từ dành cho giới trẻ, đặc biệt trong Thư nhân dịp Năm Quốc tế Giới trẻ do Liên Hiệp Quốc công bố (1985). Giáo hoàng đã và đang làm như vậy trong nhiều cuộc gặp gỡ với các nhóm giới trẻ ở các giáo xứ, các hiệp hội, các phong trào, và đặc biệt là trong các buổi phụng vụ Chúa nhật Lễ Lá và trong các đại hội giới trẻ thế giới, chẳng hạn như ở Santiago de Compostela, ở Czestochowa, ở Denver.
Đó là một trong những trải nghiệm an ủi nhất trong sứ vụ giáo hoàng của tôi, cũng như hoạt động mục vụ của các anh em giám mục của tôi trên khắp thế giới, những người, giống như Giáo hoàng, nhìn thấy Giáo hội đang tiến bước cùng với giới trẻ trong việc cầu nguyện, phục vụ nhân loại, trong việc truyền giáo. Tất cả chúng ta đều mong muốn ngày càng tuân theo gương mẫu và lời dạy của Chúa Giêsu, Đấng đã mời gọi chúng ta đi theo Người trên con đường của “những người bé mọn” và “những người trẻ”.[1]
II. Thiếu nhi ở trung tâm của Giáo hội, là quà tặng đặc biệt cho Giáo hội
“Người ta dẫn trẻ em đến với Đức Giêsu, để Người đặt tay trên chúng. Nhưng các môn đệ la rầy chúng. Thấy vậy, Người bực mình nói với các ông: “Cứ để trẻ em đến với Thầy, đừng ngăn cấm chúng, vì Nước Thiên Chúa là của những ai giống như chúng. Thầy bảo thật anh em: Ai không đón nhận Nước Thiên Chúa với tâm hồn một trẻ em, thì sẽ chẳng được vào.” Rồi Người ôm lấy các trẻ em và đặt tay chúc lành cho chúng” (Mc 13,13-16).
“Chắc chắn thiếu nhi là hình ảnh nói lên lòng yêu thương tinh tế và quảng đại của Chúa Giêsu: Người đã chúc lành cho chúng và hơn nữa, bảo đảm chúng sẽ được vào Nước Trời (x. Mt 19,13-15; Mc 10,14). Đặc biệt, Chúa Giêsu ca tụng vai trò tích cực của các trẻ nhỏ trong Nước Thiên Chúa: chúng là biểu tượng hùng hồn và hình ảnh sáng ngời về những điều kiện luân lý và thiêng liêng cần phải có để được gia nhập Nước Thiên Chúa và để sống phó thác hoàn toàn cho Chúa” (Christifideles laici, 47).
1. Chúng ta không thể bỏ qua vai trò của thiếu nhi trong Giáo hội. Chúng ta không thể không nói về trẻ em với một lòng yêu mến sâu sắc. Trẻ em chính là nụ cười của thiên đàng được ủy thác cho trần gian. Trẻ em chính là những viên ngọc quý đích thực của gia đình và xã hội. Chúng là niềm vui hoan lạc của Giáo hội. Chúng giống như “những bông hoa huệ ngoài đồng”, mà Đức Giêsu đã nói rằng “ngay cả vua Salômôn, dù vinh hoa tột bậc, cũng không mặc đẹp bằng một bông hoa ấy” (Mt 6,28-29). Trẻ em là những người được Chúa Giêsu thương mến, Giáo hội và Đức Giáo hoàng không thể không cảm nhận được nhịp đập nơi lòng mình, những tình cảm yêu thương mà chính Thánh Tâm Chúa Giêsu đã ưu ái dành cho các trẻ em.
Thành thật mà nói, ngay trong Cựu ước, chúng ta đã tìm thấy những dấu hiệu của sự quan tâm chú ý đặc biệt dành cho trẻ thơ. Sách ngôn sứ Samuel, quyển thứ nhất (1Sm 1-3), kể lại sự kiện Thiên Chúa kêu gọi cậu bé Samuel, và được Người giao phó cho một sứ điệp cũng như một sứ mạng dành cho dân riêng của Người. Các trẻ em cũng được tham gia việc phụng tự, cầu nguyện của cộng đồng dân Chúa. Như chúng ta đã đọc trong sách ngôn sứ Giôen: “Hãy tụ họp đám thiếu nhi cũng như trẻ thơ còn đang bú” (Ge 2,16). Trong sách Giuđitha, chúng ta thấy lời cầu xin thống hối của tất cả mọi người “cùng với vợ con mình […] ra trước nhan Đức Chúa” (Gđt 4,10-11). Ngay trong cuộc Xuất Hành, Thiên Chúa đã bày tỏ tình yêu thương đặc biệt đối với trẻ mồ côi, những kẻ được Thiên Chúa chở che (Xh 22,21-22; x. Tv 68,6).
Trong Thánh vịnh 131, trẻ thơ là hình ảnh tín thác nơi tình yêu Thiên Chúa: “Hồn con, con vẫn trước sau, giữ cho thinh lặng, giữ sao thanh bình. Như trẻ thơ nép mình lòng mẹ, trong con, hồn lặng lẽ an vui” (Tv 131,2). Một điều thật ý nghĩa là trong lịch sử cứu độ, tiếng nói mạnh mẽ của ngôn sứ Isaia (Is 7,14-15; Is 9,1-6) loan báo niềm hy vọng về Đấng Cứu Thế sẽ được hiện thực hóa nơi Đấng Emmanuel giáng sinh cho đời, một Hài Nhi được tiền định để tái lập vương triều nhà Đavít.
2. Và ở đây, Tin mừng cho chúng ta biết rằng Hài nhi do Đức Maria sinh ra chính là Đấng Emmanuel đã được tiên báo (x. Mt 1,22-23; Is 7,14); sau đó Hài nhi này được thánh hiến cho Thiên Chúa, qua việc được dâng vào Đền Thờ (x. Lc 2,22), được cụ già Simeon chúc phúc (x. Lc 2,28-35), và được một nữ ngôn sứ tên là Anna chào đón, bà đã chúc tụng Thiên Chúa “và nói về Hài nhi cho hết những ai đang mong chờ ngày Thiên Chúa cứu chuộc Giêrusalem” (Lc 2,38).
Trong cuộc đời công khai, Đức Giêsu cũng biểu lộ một tình yêu lớn lao đối với các trẻ em. Thánh sử Máccô làm chứng rằng: “Rồi Người ôm lấy các trẻ em và đặt tay chúc lành cho chúng” (Mc 10,16). Đó là một “tình yêu thương tinh tế và quảng đại” (Christifideles laici, 47), nhờ tình yêu đó, Người đã thu hút trẻ em và cả cha mẹ của chúng đến với Người, chúng ta đọc thấy rằng: “Người ta dẫn trẻ em đến với Đức Giêsu, để Người đặt tay trên chúng” (Mc 10,13). Tôi đã nhắc lại trong Tông huấn Christifideles laici: “Những người bé mọn, chúng là biểu tượng hùng hồn và hình ảnh sáng ngời về những điều kiện luân lý và thiêng liêng cần phải có để được gia nhập Nước Thiên Chúa và để sống phó thác hoàn toàn cho Chúa” (Christifideles laici, 47). Những điều kiện này là hãy có lòng đơn sơ, chân thành, khiêm tốn đón nhận.
Các môn đệ được mời gọi trở nên giống như những trẻ nhỏ, vì họ chính là “những người bé mọn” đã nhận được mặc khải như một hồng ân qua lòng nhân từ của Chúa Cha (x. Mt 11,25-26). Cũng vì lý do này mà các em phải được đón nhận như chính Chúa Giêsu: “Ai tiếp đón một em nhỏ như em này vì danh Thầy, là tiếp đón chính Thầy” (Mt 18,5).
Về phần mình, Đức Giêsu bày tỏ sự tôn trọng sâu sắc đối với trẻ em và cảnh báo rằng: “Anh em hãy coi chừng, chớ khinh một ai trong những kẻ bé mọn này; quả thật, Thầy nói cho anh em biết: các thiên thần của họ ở trên trời không ngừng chiêm ngưỡng nhan Cha Thầy, Đấng ngự trên trời” (Mt 18,10). Và khi các em nhỏ hò reo vang nơi đền thờ để tôn vinh Đức Giêsu: “Hoan hô con vua Đavít”, thì Đức Giêsu đã đánh giá cao và minh chứng cho thái độ của các em như những lời ca ngợi Thiên Chúa (x. Mt 21,15-16). Sự tôn kính của các trẻ thơ dâng lên Chúa thì hoàn toàn trái ngược với sự hoài nghi của những kẻ chống đối Đức Giêsu.
3. Tình yêu thương và sự quý trọng của Đức Giêsu dành cho các trẻ thơ chính là nguồn ánh sáng cho Giáo hội noi gương Đấng đã thiết lập Giáo hội của Người. Giáo hội không thể không đón tiếp trẻ thơ như chính Chúa đã đón tiếp chúng.
Hãy lưu ý rằng sự đón tiếp này đã được thể hiện trong Bí tích Rửa tội dành cho trẻ em, kể cả trẻ sơ sinh. Với Bí tích này, trẻ thơ cũng đã trở thành những thành viên của Giáo hội Chúa. Ngay từ khi các trẻ nhỏ bắt đầu phát triển thành nhân, thì Bí tích Thánh tẩy đã dưỡng nuôi chúng phát triển trong đời sống ân sủng. Tác động của Chúa Thánh Thần đã hướng dẫn những khuynh hướng nội tâm sâu xa đầu tiên của chúng, ngay cả khi chúng chưa có khả năng tự thực hiện hành vi đức tin một cách có ý thức: nhưng sau này lớn lên, chúng sẽ tái thực hiện hành vi đức tin ấy, như để tái xác nhận những tác động đầu tiên đó qua Chúa Thánh Thần.
Do đó, tầm quan trọng của Bí tích Rửa tội dành cho trẻ nhỏ, vốn là Bí tích giải thoát chúng khỏi tội nguyên tổ, làm cho chúng trở thành con cái Thiên Chúa trong Đức Kitô, và khiến chúng tham gia vào đời sống ân sủng của cộng đoàn Kitô giáo.
4. Sự hiện diện của trẻ em trong Giáo hội cũng là một hồng ân dành cho người lớn chúng ta: hồng ân đó làm cho chúng ta hiểu rõ hơn rằng, đời sống Kitô hữu trước hết là một quà tặng được ban một cách nhưng không, ngang qua quyền tối thượng của Thiên Chúa: “Các thiếu nhi nhắc nhở cho chúng ta rằng hiệu quả phong phú trong việc truyền giáo của Giáo hội có cội rễ tràn đầy sức sống không phải nơi các phương tiện hay công trạng của con người, nhưng nơi ân huệ hoàn toàn được Thiên Chúa ban một cách nhưng không” (Christifideles laici, 47).
Và một lần nữa: các trẻ em nêu gương về sự ngây thơ vô tội, giúp chúng ta tái khám phá ra sự đơn sơ thánh thiện. Thực ra, trẻ em sống thánh thiện phù hợp với lứa tuổi của chúng, và nhờ đó, cũng góp phần tham gia vào việc xây dựng đời sống Giáo hội.
Thật không may, có rất nhiều trẻ em phải gánh chịu bao nỗi bất hạnh: những khổ đau về thể xác do cảnh đói nghèo, thiếu thốn hoặc bệnh tật; những khổ đau về mặt tinh thần, đến từ sự ngược đãi, từ sự bất hòa của cha mẹ chúng, từ sự bóc lột mà tính ích kỷ đầy hoài nghi của người lớn đôi khi khiến chúng phải hứng chịu. Làm sao chúng ta có thể không cảm thấy bị dày vò sâu sắc bởi một số hoàn cảnh khổ đau khôn xiết, liên quan đến những sinh linh bé bỏng không có khả năng tự vệ, chúng vô tội nhưng lại bất lực và không có gì chống trả ngoài chính sự sống? Làm sao chúng ta có thể không lên tiếng để đấu tranh cho trẻ em, những kẻ chưa thể tự đòi hỏi các quyền lợi chính đáng của chính mình được? Niềm an ủi duy nhất trong cảnh khốn cùng đó là lời đức tin, lời nói đảm bảo rằng ân sủng của Thiên Chúa sẽ biến đổi những đau khổ này thành một cơ hội kết hợp huyền nhiệm với hy tế của Con Chiên vô tỳ tích. Do đó, những đau khổ này góp phần nâng cao giá trị cuộc sống của chính trẻ em và vào sự tiến bộ thiêng liêng của nhân loại (x. Christifideles laici, 47).
5. Điều mà Giáo hội nhiệt thành cổ vũ dấn thân là việc giáo dục Kitô giáo cho trẻ em, điều này thường không được đảm bảo đầy đủ. Đó là việc đào tạo thiếu nhi trong đời sống đức tin, qua việc truyền thụ giảng dạy giáo lý Kitô giáo, trong lòng bác ái đối với mọi người, trong việc cầu nguyện, theo những truyền thống tốt đẹp nhất của các gia đình Kitô giáo, điều không thể nào bị lãng quên và luôn được chúc phúc cho nhiều người trong chúng ta!
Từ quan điểm tâm lý và sư phạm, chúng ta biết rằng trẻ em bước vào cầu nguyện một cách dễ dàng và tự nguyện khi được khuyến khích, như kinh nghiệm của nhiều bậc cha mẹ, những nhà giáo dục, những giáo lý viên và các bạn bè đã chứng minh. Trách nhiệm của gia đình và nhà trường phải liên tục được đề cao về những điểm này.
Giáo hội kêu gọi các bậc cha mẹ và các nhà giáo dục đảm bảo rằng trẻ em được huấn luyện về đời sống bí tích, đặc biệt là việc chạy đến Bí tích Hòa giải và tham gia cử hành Thánh lễ. Và Giáo hội đề nghị tất cả các vị mục tử và cộng tác viên của các ngài nên nỗ lực đáng kể để thích ứng với khả năng của trẻ em. Trong chừng mực có thể, đặc biệt khi các cử hành lễ nghi được tổ chức dành riêng cho trẻ em, nên khuyến khích sự thích ứng được quy định bởi các quy tắc phụng vụ; nếu được thực hiện một cách khôn ngoan, sự thích ứng ấy có thể có tác dụng, tạo được một ảnh hưởng tốt, có ý nghĩa quan trọng.
6. Trong bài giáo lý dành riêng cho “công việc tông đồ giáo dân” này, tự nhiên tôi cảm thấy cần phải kết thúc bằng một lời phát biểu sâu sắc của vị tiền nhiệm của tôi là Thánh Piô X. Khi giải thích lý do cần hạ độ tuổi cho các em thiếu nhi được rước lễ lần đầu sớm hơn, ngài nói: “Sẽ có nhiều vị thánh trẻ trong số những đứa trẻ ấy.” Và quả thật Giáo hội đã có những vị thánh trẻ ấy rồi. Nhưng hôm nay chúng ta có thể nói thêm rằng: “Sẽ có những vị tông đồ trong số những đứa trẻ ấy”.
Vậy chúng ta hãy cầu nguyện để lời tiên đoán này, niềm hy vọng này sẽ ngày càng trở thành hiện thực, như lời của Thánh Piô X đã nói.[2]
Chuyển ngữ: Đan sĩ Giuse Phan Văn Phi, O.Cist.
Trích Bản tin Hiệp Thông / HĐGMVN, Số 142 (Tháng 7 & 8 năm 2024)
_______
[1] Đức Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II, Tiếp Kiến Chung, Thứ Tư, ngày 31 tháng 8 năm 1994, tại https://www.vatican.va/content/john-paul-ii/it/audiences/1994/documents/hf_jp-ii_aud_19940831.html
[2] Đức Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II, Tiếp Kiến Chung, Thứ Tư, ngày 17 tháng 8 năm 1994, tại https://www.vatican.va/content/john-paul-ii/it/audiences/1994/documents/hf_jp-ii_aud_19940817.html
Nguồn: hdgmvietnam.com