Trước một xã hội tiêu thụ đôi khi bị “gây mê”, chúng ta phải nhớ lại “sự tủi nhục” của đức tin Kitô giáo của chúng ta – rằng Thiên Chúa đã trở nên con người và sống giữa mỗi người chúng ta, đặc biệt là những người yếu thế nhất, Đức Thánh Cha Phanxicô phát biểu tại thành phố Trieste phía bắc nước Ý hôm Chúa nhật.
“Chúng ta cần một đức tin bắt nguồn từ Thiên Chúa đã làm người, và do đó, là một đức tin nhân bản, một đức tin cụ thể, đi vào lịch sử, chạm đến đời sống con người, chữa lành những tâm hồn tan vỡ, trở thành men hy vọng và hạt giống của một thế giới mới”, Đức Thánh Cha nói trong Thánh lễ vào ngày 7 tháng 7.
Trong Thánh lễ với khoảng 8.500 người tại Quảng trường Unità d’Italia, cạnh Cảng Trieste, Đức Thánh Cha Phanxicô nói rằng người Công giáo cần “một đức tin thức tỉnh lương tâm khỏi giấc ngủ mê, đặt ngón tay vào những vết thương, vào những vết thương của xã hội… một đức tin không ngừng nghỉ giúp vượt qua sự tầm thường và lười biếng của trái tim, [một đức tin] trở thành chướng ngại vật của một xã hội thường bị chủ nghĩa tiêu dùng gây mê và làm choáng váng”.
Đức Thánh Cha Phanxicô đã cử hành Thánh lễ trong chuyến viếng thăm kéo dài nửa ngày tới Trieste để bế mạc Tuần lễ xã hội Công giáo lần thứ 50, một sự kiện thường niên được Giáo hội Công giáo ở Ý tổ chức nhằm thúc đẩy Học thuyết Xã hội Công giáo. Chủ đề của cuộc họp năm nay, với khoảng 1.200 người tham gia, là dân chủ.
Sau khi phát biểu với các tham dự viên tham dự đại hội từ ngày 3 đến ngày 7 tháng 7 tại một trung tâm hội nghị gần đó, Đức Thánh Cha đã di chuyển bằng xe golf đến Unità d’Italia đầy nắng để cử hành Thánh lễ, nơi ngài đồng tế với gần 100 Giám mục và 260 Linh mục.
Trước Thánh lễ, Đức Thánh Cha đã chào một cụ bà 111 tuổi ở Trieste tên là Maria, theo Văn phòng Báo chí Tòa Thánh.
Suy ngẫm về nhân tính của Thiên Chúa trong bài giảng, Đức Thánh Cha nói: “Sự hiện diện của Thiên Chúa được biểu lộ chính xác trên những khuôn mặt hóp sâu vì sự đau khổ nơi mà sự hạ thấp phẩm giá dường như chiến thắng. Sự vô hạn của Thiên Chúa ẩn giấu trong nỗi khốn cùng của con người, Thiên Chúa khuấy động và hiện diện thân thiện ngay trong thân xác bị thương tích của những người hèn mọn nhất, những người bị lãng quên, bị loại bỏ. Thiên Chúa tự biểu lộ mình nơi đó”.
“Và chúng ta, những người đôi khi bị xúc phạm một cách vô cớ bởi quá nhiều điều nhỏ nhặt, thay vào đó nên tự hỏi mình: Tại sao, trước sự ác tràn lan, sự sống bị chà đạp, những vấn đề về lao động, những đau khổ của những người di cư, chúng ta không cảm thấy bị xúc phạm sao?”, Đức Thánh Cha nói.
Tuần lễ Xã hội Công giáo được tổ chức tại Trieste, một thành phố cảng nằm trên một dải đất hẹp của lãnh thổ Ý ở điểm cực đông bắc của đất nước, nép mình giữa Biển Adriatic và Slovenia, với biên giới Croatia gần đó.
Vị trí của thành phố đã khiến nó trở thành điểm đến chung của những người di cư đến châu Âu thông qua tuyến đường di cư Balkan.
Trong báo cáo thường niên, một nhóm viện trợ ghi nhận sự gia tăng đáng lo ngại về số lượng trẻ em nhập cư đến thành phố.
Theo Ủy ban Cứu hộ Quốc tế, khoảng 3.000 trẻ em không có thân nhân đi cùng đã đến Trieste với tư cách là người di cư vào năm 2023, tăng 112% so với năm trước.
Nhóm cho biết vào năm 2023, họ đã gặp và hỗ trợ tổng cộng 16.052 người đến ga xe lửa Trieste qua tuyến đường di cư Balkan. Khoảng 68% người di cư đến từ Afghanistan.
“Hãy tiếp tục dấn thân ra tuyến đầu để loan báo Tin Mừng của niềm hy vọng, đặc biệt cho những người đến từ tuyến đường Balkan và cho tất cả những người, về thể xác hoặc tinh thần, cần được khích lệ và an ủi”, Đức Thánh Cha Phanxicô nói trong bài giảng hôm 7 tháng 7.
Sáng sớm, Đức Thánh Cha Phanxicô đã gặp gỡ một nhóm khoảng 150 người di cư và người khuyết tật.
Đức Thánh Cha cũng tưởng nhớ các tù nhân trong suy tư của mình. Trieste đã gây chú ý vào đầu năm nay do tình trạng quá tải nghiêm trọng trong nhà tù chính của thành phố.
“Tại sao chúng ta vẫn tiếp tục lạnh nhạt và thờ ơ trước những bất công của thế giới?”, Đức Thánh Cha đặt câu hỏi. “Tại sao chúng ta không để tâm đến hoàn cảnh khốn cùng của các tù nhân, mà ngay từ thành phố Trieste này cũng vang lên như một tiếng kêu đau khổ? Tại sao chúng ta không chiêm ngưỡng những nỗi khốn cùng, sự đau khổ, cảm giác bị bỏ rơi của biết bao người dân thành phố? Chúng ta sợ, chúng ta ngại gặp gỡ Chúa Kitô ở đó”.
Vào cuối Thánh lễ, Đức Thánh Cha đã cùng với cộng đoàn hiện diện đọc Kinh Truyền Tin, như ngài làm vào mỗi Chúa Nhật. Trước khi dâng lời kinh kính Đức Mẹ, Đức Thánh Cha đã đề cập đến việc chào đón những người nhập cư của Trieste.
Trieste “là một cánh cửa rộng mở cho những người di cư – và cho tất cả những người đang gặp khó khăn nhất”, Đức Thánh Cha nói.
“Trieste là một trong những thành phố có ơn gọi quy tụ những con người khác nhau: trước hết vì đây là một cảng, một cảng quan trọng, kế đến vì nó nằm ở ngã tư giữa Ý, Trung Âu và Balkan”, Đức Thánh Cha lưu ý. “Trong những tình huống này, thách thức đối với cộng đồng Giáo hội và dân sự là biết cách kết hợp sự cởi mở và sự ổn định, sự chào đón và bản sắc”.
Sau Thánh lễ và Kinh Truyền Kin, Đức Thánh Cha Phanxicô lên trực thăng trở về Vatican từ Bến tàu Audace gần đó. Theo Văn phòng Báo chí Tòa Thánh, Đức Thánh Cha đã trở về Vatican ngay trước 2 giờ chiều.
Một số hình ảnh:
Minh Tuệ (theo CNA)
Nguồn: https://dcctvn.org/duc-thanh-phanxico-nhan-manh-pham-gia-cua-nhung-nguoi-di-cu-va-cac-tu-nhan-thien-chua-an-minh-trong-noi-khon-cung-cua-con-nguoi/