“Galilê” – Hành Trình Tái Sinh Trong Đời Sống Thánh Hiến

Galilê, một vùng đất lịch sử nằm ở phía bắc Israel, không chỉ nổi bật trong Kinh Thánh mà còn mang một ý nghĩa sâu sắc đối với đời sống đức tin của người Kitô hữu. Đây là nơi Chúa Giêsu bắt đầu sứ vụ công khai của Người, gặp gỡ và chọn gọi các môn đệ đầu tiên. Galilê là vùng đất khởi đầu, nơi các môn đệ được chọn gọi, trải qua những va vấp, thử thách, và dần dần trải nghiệm sự biến đổi sâu sắc. Galilê không chỉ là một vùng đất địa lý mà còn là biểu tượng của sự khởi đầu mới và hành trình biến đổi trong đời sống thánh hiến. Trong hành trình thiêng liêng của mỗi tu sĩ, Galilê phản ánh những giai đoạn thử thách và sự trưởng thành. Đây là nơi các tu sĩ đối diện với khó khăn, lỗi lầm, và thách thức, nhưng cũng là nơi họ có thể tìm thấy sức mạnh và hy vọng để vượt qua, trở thành những con người mới trong tình yêu và sự phục sinh của Chúa.

Galilê cũng là vùng đất nơi mà nhiều người sống đời thánh hiến không được kính trọng, là nơi ghi dấu những hiểu lầm và khó khăn trong hành trình lên Giêrusalem với Người. “Hãy đi và nói với các môn đệ Người và với ông Phêrô rằng Người sẽ đến Galilê trước các ông. Ở đó, các ông sẽ được thấy Người, như Người đã nói với các ông” (Mc 16, 7). Đó là nơi diễn ra những biến cố đời thường của đời sống thánh hiến, nơi mà các tu sĩ đối diện với những thử thách và yếu kém. Ở đó, nhiều tu sĩ trải qua những khó khăn, chưa hoàn toàn vâng lời và còn cứng nhắc, thể hiện sự bất đồng và khó chấp nhận quyền bính của bề trên. Các tu sĩ đã gặp phải những đụng chạm, soi xét và phê bình, đôi khi sử dụng lời nói chưa phù hợp. Họ chưa thực sự chấp hành luật lệ, làm việc chưa tận tâm. Chính nơi đó, họ không được kính trọng.

Chúa đã mời gọi các môn đệ hãy trở lại Galilê, sử dụng sức mạnh quyền năng phục sinh của Người để làm mới lại hành trình. Hôm nay, Chúa cũng gọi các tu sĩ hãy ra khỏi con người cũ, nơi làm cho họ đổ vỡ, thất bại và tội lỗi. Chúa hẹn gặp các tu sĩ ở Galilê trong năm tới với một con người mới. Người muốn họ, như Phêrô từ một người chối Chúa và như Phaolô từ một người bắt đạo, trải qua sự biến đổi cuộc đời tại Galilê. Phêrô và Phaolô đã rao giảng Tin Mừng, dù phải đối diện với sự đóng đinh và xử tử tại Rôma. Chúa cũng muốn các tu sĩ quay lại Galilê và trở thành những con người mới, hoàn toàn vâng phục quyền bính của vị bề trên hợp pháp, đại diện của Thiên Chúa trong niềm tin tưởng.

Chúa muốn các tu sĩ trở nên mềm mỏng hơn và chu đáo hơn trong công việc của mình, vì mỗi công việc đều có ý nghĩa riêng. Người khuyến khích họ tiếp tục học hỏi và mở rộng hiểu biết, thay đổi theo hướng nhanh nhẹn, hoạt bát và năng động, tránh sự thụ động. Họ cần mạnh dạn bày tỏ ý kiến và xây dựng những chương trình cụ thể cho ngày sống với mục đích rõ ràng. Chúa cũng mong muốn các tu sĩ có sự cởi mở hơn đối với các cộng tác viên, sử dụng sự dịu dàng và hiền hậu thay vì lời lẽ chưa phù hợp. Họ cần học cách tha thứ cho những lỗi lầm và cảm xúc mà người khác có thể gây ra cho họ. Cuối cùng, Chúa mời gọi họ tránh xa tội lỗi và tiếp tục sống một đời sống trọn vẹn hơn trong tình yêu của Người.

Có một câu chuyện kể rằng, một thầy dòng kia rất giỏi tiếng Pháp, tiếng Anh, tiếng Đức… nhưng bất ngờ gặp phải tai nạn và bị chứng rối loạn ngôn ngữ. Cộng đoàn đã tạo điều kiện để thầy vẫn có thể làm việc, và cha bề trên đã nghĩ ra sáng kiến nhờ thầy dịch một bản văn khoa học tiếng Pháp. Sau hai ngày,  thầy xuống phòng cha bề trên và bảo rằng: “Con không dịch được, con không thể dịch được.” Cha bảo rằng không sao đâu thầy, có thể do bản văn khoa học có những từ chuyên môn, nên thầy không dịch được. Cha bề trên lại kiên nhẫn tìm một bản dịch khác dễ hơn liên quan đến linh đạo của Dòng, nhưng sau hai ngày, thầy vẫn không dịch được. Cuối cùng, cộng đoàn lại họp và tìm mọi cách để ông thầy có thể tham gia vào các công việc chung của cộng đoàn như đọc sách, chủ sự và hướng dẫn giờ chầu thiêng liêng, để thầy cảm thấy cuộc đời mình có ý nghĩa với những đóng góp đó. Nhưng chứng rối loạn ngôn ngữ của thầy đã làm cộng đoàn không thể nhịn được cười khi thầy đọc sách và đổi luôn danh tính của Đức Giêsu là trinh nữ thay vì Đức Giêsu là vua các trinh nữ. Còn lúc thầy đọc sách có đoạn nói về Phêrô, Barnaba được dân tôn làm thần Dớt, thần Jupiter thì thầy tự đảo lộn các câu văn và đọc rằng Phêrô xông vào đánh dân. Dù sự rối loạn và mất trật tự trong cộng đoàn gia tăng mỗi khi thầy chủ sự, nhưng anh em trong cộng đoàn đều chấp nhận chịu vậy để đem lại hạnh phúc cho người anh em của cộng đoàn mình.Chuyện cũng kể rằng, một cha già kia mỗi lúc giải tội xong là phải thay luôn tấm đệm để ngồi vì không còn điều khiển được “cái van”. Có lúc tham dự tiệc có sự hiện diện của Đức Tổng Giám Mục, vô tình vị cha già đó lại ngồi vào bàn có vị Giám Mục, thế là cộng đoàn phải để cha ngồi vậy, chẳng lẽ lại mời ngài xuống… thế rồi tất cả anh em trong cộng đoàn đều chịu vậy. Vì Galilê của chúng ta là ở nơi đó.

Chuyện cũng kể rằng, một cha già kia mỗi lúc giải tội xong là phải thay luôn tấm đệm để ngồi vì không còn điều khiển được “cái van”. Có lúc tham dự tiệc có sự hiện diện của Đức Tổng Giám Mục, vô tình vị cha già đó lại ngồi vào bàn có vị Giám Mục, thế là cộng đoàn phải để cha ngồi vậy, chẳng lẽ lại mời ngài xuống… thế rồi tất cả anh em trong cộng đoàn đều chịu vậy. Vì Galilê của chúng ta là ở nơi đó.

Galilê của chúng ta là nơi đó, nơi Chúa muốn chúng ta trở lại, để gặp gỡ và biến đổi, trở thành con người mới trong tình yêu và sự phục sinh của Người. Galilê của bạn ở đâu vậy?

Biển

Hội dòng Mến Thánh Giá Huế