Nguyễn Ánh thống nhất sơn hà, lên ngôi hiệu Gia Long (1802), vì lòng biết ơn đối với Đức Giám mục Bá đa Lộc là vị ân nhân đã giúp vua trong thời gian chiêu binh, nên nhà vua có lòng kính trọng các giáo sĩ, dành nhiều ân huệ cho các xứ đạo.
Tháng 11.1801, Đức cha Jean Labartette viết: “Chúng tôi không còn mong ước gì hơn nữa về thái độ nhà vua đối với đạo Công giáo. Lòng biết ơn sâu xa của vua Gia Long đã khiến nhà vua bùi ngùi cảm động khi nhắc nhở đến giám mục Bá Đa Lộc”[1].
Nhờ những năm bằng yên này, đạo được phát triển về nhiều mặt, các phước viện Mến Thánh Giá Huế cũng được lớn mạnh thêm cho đến đầu năm 1833. Phải chăng những năm bằng yên đó là để chuẩn bị cho một thời gian dài đầy đau khổ và thử thách!
Vua Minh Mạng đã ra chỉ cấm các “Tây dương đạo trưởng” bên ngoài không được vào Việt Nam, và bên trong cho lệnh lùng bắt các đạo trưởng. Nhưng Tả quân Lê Văn Duyệt đã can gián với lời lẽ thẳng thắn, nên vua chưa bắt đạo cách ráo riết công khai. Năm 1823, Lê Văn Duyệt từ trần.
Ngày 06.01.1833, Minh Mạng hạ sắc dụ cấm đạo trên toàn quốc. Lúc bấy giờ ở Bình-Trị-Thiên có 9 phước viện Mến Thánh Giá kể theo thứ tự thời gian thành lập: phước viện Mến Thánh Giá Thợ Đúc, Di Loan, Kẻ Bàng, Trung Quán, Mỹ Hương, Phủ Cam, Bố Liêu, Nhu Lý và Dương Sơn.
Tình trạng giáo phận có thể tóm tắt trong một vài dòng sau đây. Thư đề ngày 01.02.1833, cha chính Jaccard viết: “Đã ngoài 30 năm sống bằng yên, nay có lệnh cấm đạo, họ hết sức thất đảm. Đại đa số các nữ tu Mến Thánh Giá phải về gia đình. Trong khi tôi biên thư này, tất cả các nhà thờ đều bị triệt hạ”.
Đời Minh Mạng bắt đạo, nhưng tương đối dễ thở đối với các chị, các chị sống trong phước viện ít bị để ý, vì các chị ăn mặc như thường dân, giao tiếp cởi mở, không gây thắc mắc nguy hiểm bao nhiêu. Tuy nhiên, đối với Mến Thánh Giá, giai đoạn này lại nổi bật lên gương chứng nhân của nữ tu Madalêna Nguyễn Thị Hậu của Phước viện Nhu lý.
Khi nghe về chị Madaleina Hậu, Phước viện Mến Thánh Giá Nhu Lý tử đạo, ta tưởng chị chết rũ tù hay bị chém đầu ở pháp trường nào đó. Bây giờ xin mời quý chị xem chuyện chị Hậu qua phần nghiên cứu của Linh mục Giuse Đào Quang Toản [2].
Chị Madalêna Nguyễn Thị Hậu thuộc Phước viện Mến Thánh Giá Nhu Lý Họ đạo Nhu Lý là một họ đạo toàn tòng. Vào năm 1831, Linh mục Thừa sai trẻ 32 tuổi, cha Gilles Delamotte (1769-1840, tên Việt là Y) mới từ Pháp đến Quảng Trị. Ngài ở tại chủng viện An ninh học tiếng Việt vài tháng, sau đó sang định cư bên làng Nhu Lý, ở nhà dòng các chị Mến Thánh Giá Nhu Lý. Lúc đó, trong các nữ tu có một chị tên Maria Madaleina Nguyễn Thị Hậu, chị mới 17 tuổi. Chị là người được bề trên nhà dòng là bà Phan Thị Khiêm (Mụ Khiêm, 72 tuổi) giao nhiệm vụ săn sóc vị thừa sai. Tới năm 1839, vì tình hình trở nên bất an cho cha De la Motte Y, giáo dân phải đưa cha sang làng An ninh, không xa Nhu Lý lắm về phía Bắc. Các ngã đường, đường bộ, đường sông, đều bị canh giữ, người ta đưa cha đi bằng thuyền vào ban đêm. Nhưng khi đò đang đi trên sông (Cao Ly ?) thì bị quân lính chận xét, Cha Delamotte nhảy lên bờ chạy trốn và bị đuổi theo (đánh cha) và bắt được cha.
Chị Maria Mađalêna Nguyễn Thị Hậu (1814-1841) Vào đêm 12 rạng 13 tháng 4 năm 1839, trên đường đưa linh mục Gilles Joseph Louis Delamotte, đi lánh nạn, lính tráng đang truy nã bằng đường thủy, chị Hậu bị bắt cùng với bà Maria Trần Thị Vững (chủ thuyền), cha Delamotte, lương y Simon Phan Đắc Hòa, lương y Trần Văn Thuật. Ngoài 5 người kể trên, còn thêm 3 người liên can bị bắt, sau đó: ông xã trưởng Nhu Lý Phêrô Nguyễn Công Duyên, ông xã Nguyễn Công Nghiêm (còn gọi Gioan Baotixita Trang) bị bắt thay con trai (vì chú Điền giúp việc thư ký cho cha Delamotte đã trốn thoát), ông Nguyễn Viết Tốt (Vincentê Luật), người làng An Do. Tổng cộng 8 người. Trừ bà chủ thuyền Maria Vững, 7 vị khác đều tử đạo.
Chị Madaleina Hậu bị giam ở nhà tù Trấn Phủ Huế[3], bị đánh 5 đòn, bị hình phạt “trùn rúc” (lính trói 2 chân lại, bắt đứng trong một chậu nước vo gạo có thả nhiều trùn đất: vers de terre), đây là một kiểu tra tấn tù nhân rất dã man, những con trùn đất này sẽ bám ngay vào chân tù nhân, tìm xâu xé và nhất là chui vào da thịt tù nhân cho đến tận xương cốt. Người chịu cực hình này sẽ đau đớn không sao tả xiết.
Chị Nữ tu Madaleina Hậu lại còn bị phải quỳ trên tấm gỗ có đinh nhọn nữa. Tuy nhiên, chị vẫn một mực kiên trung trong Đức tin. Lòng can đảm của chị đã làm cho những kẻ ngoại giáo phải thán phục.
Cha Delamotte Y còn cho biết thêm là quan sai lính lên núi tìm rắn đem về hành hạ hai nữ tù nhân Madaleina Hậu và Maria Vững, nhưng lính trở về tay không, hoặc vì không tìm thấy rắn, hoặc không muốn bắt rắn đem về như ý ác độc quan đòi. Hành hạ tù nhân nữ theo lối này là bó ống quần tù nhân lại, rồi thả rắn vào trong, mặc cho rắn làm gì thì làm. Mục đích các quan quân là không để nữ tù phải chết vì rắn, nhưng làm cho họ sợ hãi khiếp vía lên mà khai thú như quan mong chờ.
Cha Delamotte Y từ trần trong nhà tù ngày 03.10.1840[4]. Cái chết của cha hẳn đã gây nên một nỗi đau rất lớn trong lòng chị Hậu… Chị đã được sống gần gũi ngài, phục vụ ngài và nhất là được ngài hướng dẫn bảo ban gần suốt 10 năm trời, từ ngày ngài đến Nhu Lý. Tuy nhiên, cái chết của ngài cũng là một gương sáng và là một động lực mạnh mẽ giúp chị thêm kiên cường trong cơn thử thách.
Hơn hai tháng sau đó, ngày 12 tháng chạp năm 1840, ông Simon Phan Đắc Hòa bị chém đầu ở Cống Chém, An Hòa[5]. Và đã được phong hiển Thánh ngày 19.8.1988. Hẳn chị Hậu cũng một lòng ao ước như thế.
Quan đã ngạc nhiên trước lòng kiên trì và hiên ngang của người nữ tu này.
Quan nói:
– Kỳ lạ! Thị này đã thấy cái chết kề bên cạnh mà thị không sợ hãi!
Chị trả lời:
– Quan có chém tôi ra làm ba, tôi cũng chẳng hề sợ.
Quan nói sẽ tha cho chị nếu chị chà đạp Thánh Giá dưới chân.
Chị cao giọng trả lời quan:
– Tôi xin các quan cứ chặt tôi ra làm ba, tôi sẽ sẵn lòng vui chịu; nhưng đạp Thánh Giá dưới chân, thì tôi sẽ không bao giờ ưng chịu cả.
Đó là một lời duy nhất mà lịch sử ghi lại được từ miệng chị Hậu.
Chị Hậu và bà góa Vững bị án đi đày và làm nô tỳ. Thân phận nô tỳ là cảnh nhiều nguy hiểm cho đời sống người có đạo, do đó các giáo hữu lúc ấy đã lo toan chạy, đút lót các quan xin đổi án “nô tỳ” thành án “đi đày” mà thôi.
Ngày 28 tháng chạp năm 1840, hai nữ tù nhân can đảm trên bị đưa đến chốn lưu đày. Nơi này, theo Đức Cha Lefèbvre Ngãi, gọi là đồn điền “vùng núi non”, một nơi mà nước thì xấu, khí trời thì độc, khiến những ai sống ở đó một thời gian thì sẽ xuống mồ ngay. Nhưng may thay, ông quan trông coi nơi này lại là người công giáo. Mấy hôm sau, ngày 02.01.1841, ông quan ấy đã cho dẫn chị Hậu cùng bà Vững về một làng công giáo quen gọi là Đá Hàn. Giáo hữu Đá Hàn đem hai người về Phủ Cam, cạnh kinh đô. Chị Hậu và Bà Vững chỉ sống tại nơi phát lưu khoảng 5 ngày.
Về Phủ Cam, chị Hậu được tiếp đón trong nhà dòng Mến Thánh Giá tại đây. Tuy nhiên, chị Hậu đã mang trong mình chất độc hại sẽ làm chị phải chết. Lui ẩn vào một nhà người công giáo, chị bị đau đớn quằn quại trong bụng. Chị đã nhận lãnh các bí tích cuối cùng với tâm tình sốt mến đạo đức, khiến tất cả mọi người chứng kiến phải khâm phục. Tháng giêng năm đó, chị đã đưa linh hồn mình về với Chúa và xứng đáng lên trời lãnh nhận triều thiên dành cho những kiệt sĩ anh hùng Đức tin. Chị qua đời lúc 27 tuổi, năm 1841.
Đó là chứng từ của Đức Cha Lefèbvre Ngãi trong lá thư ngài viết gởi về Chủng viện Hội Thừa Sai Paris ngày 25 tháng 5 1841, bốn tháng sau khi chị Madaleina Hậu qua đời.
Nt. Maria Nguyễn Thị Tuyệt
[1] PHAN Phát nguồn, Việt nam Giáo sử, in lần thứ Năm, copyright USA, tr. 348.
[2] ĐÀO Quang Toản, Chị Madaleina Nguyễn Thị Hậu, Toulouse, 2000.
[3] PHAN Phát Huồn, sđd, tr. 375: Bị giam ở khám đường hay Trấn Phủ, người công giáo luôn tỏ bộ mặt hân hoan, vui vẻ. Họ tràn trề hy vọng và trong những giây phút đau thương, họ đã lập lại với nhau: «Hãy can đảm, anh em chúng ta sẽ đoàn tụ với những đấng tiền nhân bất diệt, vẻ vang của chúng ta».
[4] PHAN Phát Huồn, sđd, tr. 436: Cha de la Motte, đã được tuyên phong bậc Đáng kính năm 1927.
[5] Ibid., tr. 376.