Bài Viết Chủ Đề Tháng 12 – Cộng Đoàn Hiến Thân Cho Sứ Mạng: Chiếu Sáng Căn Tính Đời Tu

Ánh sáng của anh em phải chiếu giãi trước mặt thiên hạ, để họ thấy những công việc tốt đẹp anh em làm, mà tôn vinh Cha của anh em, Đấng ngự trên trời” (x. Mt 5, 14-16).

Đời tu hay Đời sống thánh hiến là bước theo Chúa Ki-tô (sequela Christi). Trong vườn hoa của Giáo Hội có nhiều đặc sủng khác nhau, muôn màu muôn vẻ, dưới nhiều hình thức, để diễn tả vẻ đẹp và tình yêu dịu dàng của Thiên Chúa trên nhân loại. Ở mỗi ngóc ngách của thế giới này, tình yêu thương xót của Thiên Chúa vươn xa và chạm đến từng con tim, khi những con người thánh hiến kiên trì và trung thành bước theo tiếng mời gọi và trên con đường của Thầy Chí Thánh với tất cả sự ngạc nhiên, niềm vui và lòng biết ơn. Bởi đối với họ, ơn gọi là một huyền nhiệm và là một hồng ân lớn lao, một khi họ đã được chạm đến và chiêm ngưỡng trong suốt hành trình thánh hiến của mình, họ khao khát đáp trả và trao ban món quà họ đã lãnh nhận.

Thế nhưng, đôi khi, với những ‘quyến rũ’ rất đời thường và bình thường của trần thế, họ sẽ và đã từng cảm thấy đời sống của mình nhạt nhẽo, ít ý nghĩa, mất phương hướng và từ từ cạn dần “dầu” tình yêu, đức tin, niềm vui, nhiệt thành,… Bên cạnh đó, những khó khăn và chướng ngại trong đời sống cũng như các mối tương quan cũng làm họ chùn bước, và họ rơi vào cơn khủng hoảng về căn tính của chính mình, của ơn gọi và sứ mạng.

Trong dòng chảy như thế, mỗi tu sĩ được mời gọi chân nhận lại căn tính đời tu của mình, khởi đi từ căn tính của bản thân; can đảm duyệt xét lại cách sống các lời khấn và đức ái huynh đệ cũng như các yếu tố cốt yếu khác. Khi quyết tâm đối diện và hoán cải từ những vấn đề của mình, họ sẽ có được trái tim khôn ngoan (sapientia cordis) và một ý thức tình yêu dành cho Chúa, cho Hội Thánh, Hội dòng và chính mình.

  1. Hạn từ “Căn tính đời tu”
  2. Căn tính là gì?
  • Theo Wiktionary, “căn” là gốc, “tính” là chất.[1]
  • Căn tính là từ gốc Hán-Việt 根性, căn là “rễ” , vậy nghĩa thông thường được hiểu là cái tính nết cội rễ, viết cho văn hoa là bản tính. Căn Tính, theo giáo lý của Phật : “Gốc của khí lực gọi là “Căn”, tập nên thiện ác gọi là “Tính”.[2]
  • Căn tính [identity] là bản sắc, bản vị của một người hay một vật thể. Mỗi người chúng ta đều có một bản sắc riêng, được gọi là căn tính cá nhân [personal identity]. Theo Hiệp hội Tâm lý học Hoa Kỳ (APA), căn tính bao gồm hai thành phần chính là: (1) tập hợp những đặc điểm cá nhân: hình thể, tâm lý, và cách tương tác với người khác; cùng (2) tổng hòa các sở thuộc xã hội – ví dụ như một dân tộc, một tôn giáo v.v… – và các vai trò xã hội. Theo nhà tâm lý học xã hội Baumeister, căn tính là những định nghĩa mà một cá nhân đưa ra về chính bản thân mình.[3]
  • Theo Từ điển Tiếng Việt[4], căn tính là bản tính (vd. Phải biết căn tính của từng người mà đối xử cho đúng lẽ). Bản chất là thuộc tính căn bản, ổn định, vốn có bên trong của sự vật, hiện tượng.
  1. Căn tính đời tu

Lý tưởng đời tu được định nghĩa qua ba thuật ngữ: đi theo Đức Ki-tô, thánh hiến, đặc sủng. Ba thuật ngữ này dựa trên căn bản của Tân ước, nhắm nêu bật mối tương quan giữa đời tu với Thiên Chúa Ba Ngôi: Thiên Chúa kêu gọi con người hãy theo gương Đức Ki-tô dâng hiến trót đời để phụng sự Nước Trời; con người ý thức ơn gọi ấy và đáp trả nhờ đặc sủng của Thánh Linh.

Căn tính của đời tu là hoàn toàn hiến thân để sống Tin Mừng một cách trọn vẹn và triệt để, nghĩa là muốn theo sát Đức Giê-su Ki-tô. Ước muốn này được bộc lộ bằng ba lời khấn công khai được Giáo Hội chuẩn nhận một cách hợp pháp : khó nghèo, khiết tịnh và vâng phục.

Theo Thánh Tô-ma A-qui-nô (II-II, q.186,a.7), qua ba lời khuyên Phúc âm, tu sĩ dâng cho Chúa những giá trị cao quý nhất của con người: tài sản, thân xác và tự do. Qua lời khấn khó nghèo, con người dâng cho Thiên Chúa những tài sản ngoại vật; qua lời khấn khiết tịnh, con người dâng cho Chúa thân xác; qua lời khấn vâng lời, con người dâng ý chí và tất cả những tài năng tinh thần.[5]

Từ thế kỷ XIV, ba lời khấn dòng: khó nghèo, khiết tịnh và vâng phục được coi như yếu tố cấu tạo của đời tu trì, biểu lộ ý chí muốn nên trọn lành, là phương tiện đạt tới đức ái trọn hảo[6]. “Qua lời khuyên khiết tịnh, chúng ta dâng khả năng yêu thương và muốn được yêu; qua lời khuyên nghèo khó, chúng ta dâng khả năng chiếm hữu và tài sản trên đời; qua lời khuyên vâng lời, chúng ta dâng khả năng tự do, muốn làm chủ định đoạt cuộc đời”.[7]

Hiến chế Tín lý về Giáo hội minh định rằng, các tu sĩ không thuộc về cơ cấu phẩm trật của Giáo Hội nhưng gắn chặt với đời sống và sự thánh thiện của Giáo hội, do việc tuyên khấn các lời khuyên Phúc âm. Vì thế, các tu sĩ mặc lấy một danh nghĩa mới và đặc biệt (LG 44). Họ là những người được Thiên Chúa mời gọi và tuyển chọn, đi theo sát Đức Ki-tô và họa lại đời sống của Người.

Sự tiết dục hoàn toàn vì Nước Trời luôn được Giáo hội đặc biệt quý trọng và coi như dấu chỉ và động lực của đức ái, và như nguồn mạch đặc biệt sinh nhiều ơn ích thiêng liêng trong thế giới… Giáo hội Mẹ vui mừng khi thấy trong lòng mình có nhiều con cái nam nữ muốn theo sát gương Đấng Cứu Thế và biểu lộ rõ ràng hơn sự tự hủy của Người khi họ biết chấp nhận nghèo khó trong sự tự do của con cái Thiên Chúa và từ bỏ ý riêng” (LG 42cd).

  1. Căn tính đời tu
  2. Tại sao phải chiếu sáng?

Duc in altum – chèo ra chỗ nước sâu mà thả lưới”. Lời mời gọi của thầy Giê-su với các môn đệ ngày xưa vẫn còn mới mẻ và sống động trong thế giới hôm nay, và còn là câu trả lời thiết thực cho các thảm trạng, xung đột, khủng hoảng không ngừng gia tăng trên thế giới. Những năm gần đây, cùng với sự phát triển của thế giới phẳng, mọi thông tin được cập nhật liên tục, đa chiều và cho thấy các góc cạnh của thế giới. Xã hội toàn cầu hóa về kỹ thuật và kinh tế, còn có cả nỗi bất an và lo sợ, tội ác và bạo lực, bất công và chiến tranh. Các thảm kịch nhân loại vốn là nạn nhân của sự căm thù và chết chóc cần được biện phân để tiếp nhận mầu nhiệm tha thứ và hòa bình giữa các dân tộc; tình hình xáo trộn của các quốc gia được Thánh Linh khơi dậy trong lòng nhiều người niềm mơ ước về một thế giới khác đã hiện diện giữa chúng ta.[8]

Nền văn hóa tạm bợ của thời đại cũng ảnh hưởng đến những lựa chọn trong cuộc sống của người tu sĩ, nó đem đến một sự trung tín mỏng manh, bấp bênh, sự trung tín cằn cỗi và sự trung tín thiếu thận trọng. Do  đó, người tu sĩ đang để cho mình bị vây nhiễm bởi các hình thức cám dỗ tinh vi của các phương tiện kỹ thuật số; giá trị sống của thế giới hiện đại; các quan điểm cá nhân liên quan đến phẩm giá và nhân vị bị lạm dụng; những mối tương quan thiếu trong sáng và lành mạnh; việc thủ đắc, sử dụng và phân phối của cải vật chất; các ứng dụng mua hàng online mà ‘không cần’ xin phép.

Việc ra đi của người anh/chị/em trong cộng đoàn cũng có thể khích động một cảm thức thất bại trong những người ra đi và gây ra sự bất an mới cho những người ở lại. Đôi khi, chúng ta phản ứng cách thiếu trách nhiệm đối với vấn đề của chính mình, cộng đoàn mình thuộc về hay thụ động trước các lời mời gọi dấn thân, canh tân, biện phân.

Những bóng tối hay bóng mờ luôn luôn có trong mọi bậc sống. Chúng cần có ánh sáng chiếu vào hay được thắp sáng lại, khơi lên từ đống tro tàn để làm bùng cháy lên ngọn lửa của niềm tin, niềm hy vọng và tình yêu, khởi phát lại từ Đức Ki-tô, gương mẫu của người sống đời thánh hiến.

  1. Chiếu sáng như thế nào?

Vì nằm ngay giữa lòng Giáo hội và sống giữa thế gian, người thánh hiến được Thánh Thần mời gọi hoán cải không ngừng để chiều kích ngôn sứ của ơn gọi mang lấy một sinh lực mới. “Giáo hội đặt kỳ vọng nơi sự dâng hiến liên tục của đoàn con cái nam nữ được tuyển chọn, niềm khao khát nên thánh và lòng nhiệt thành phục vụ nhằm cổ võ và nâng đỡ nỗ lực sống thánh thiện nơi mọi Ki-tô hữu, và nhằm gia tăng việc tiếp đón người thân cận, nhất là những người túng thiếu. Làm như thế, tình yêu Chúa Ki-tô sẽ được chứng thực giữa mọi người.”[9]                                                                                                                                    Để có thể làm được như thế, người thánh hiến được mời gọi “xuất phát lại từ Đức Ki-tô” để một lần nữa tìm lại tình yêu ban đầu của mình; can đảm trong việc bước theo Đức Ki-tô cách quảng đại và vui tươi, hoán cải và thanh tẩy; chiêm ngưỡng Đức Ki-tô, chăm chú vào khuôn mặt của Đức Chúa.[10]

Trong tất cả mọi khía cạnh của cuộc sống, người tu sĩ đều có thể tiếp tục lớn lên và hiến dâng một điều gì đó lớn hơn cho Thiên Chúa, ngay cả trong những lãnh vực mà họ cảm thấy là khó khăn nhất.[11] Có những khủng hoảng mà họ đang đối diện hay đã trải qua, tất cả đều có thể trở thành cơ hội thuận lợi cho chính mình và cho tất cả cộng đoàn.[12]

  1. Tình huynh đệ chiếu sáng căn tính đời tu

Tương quan huynh đệ cộng đoàn được diễn tả bàng bạc trong Kinh thánh, đem đến cho ta nhiều cảm hứng và sự dịu ngọt: “Ngọt ngào tốt đẹp lắm thay / Anh em được sống vui vầy bên nhau” (Tv 133,1). Tính liên đới, cảm thông, chia sẻ cũng đã là lựa chọn lâu dài trong Giáo hội sơ khai: “Lúc bấy giờ, tất cả đoàn tín hữu đông đảo đều đồng tâm nhất trí. Chẳng ai kể của gì mình có là của riêng, song để mọi sự làm của chung” (Cv 4,32). Đức Giê-su cũng đã muốn các môn đệ của Người thực thi giới răn “mến Chúa yêu người”, và trong các sách Tin mừng cho thấy tầm quan trọng của đức ái huynh đệ như là linh hồn của cộng đoàn, là giá trị thiết yếu cho đời sống chung.[13]

Cộng đoàn dòng tu ngày nay đa dạng hơn nhiều giữa các thành viên thuộc nhiều vùng miền, quốc gia; đa dạng trong các hình thái phục vụ. Tuy nhiên, cũng có những khủng hoảng và bấp bênh vẫn thường thấy trong lịch sử dòng tu: mối tương quan khó khăn giữa cá nhân với cộng đoàn, mối căng thẳng giữa cộng đoàn và sứ vụ. Đức Thánh Cha Phan-xi-cô lưu ý rằng “khi đời sống cộng đoàn của chúng ta trải qua những thời kỳ ‘ọp ẹp’, chuộng sự yên hàn hơn là những điều mới mẻ từ Thiên Chúa thì đó là một dấu hiệu xấu. Nó có nghĩa là chúng ta đang tìm nơi ẩn tránh khỏi cơn gió của Chúa Thánh Thần.[14]

Các văn kiện, tài liệu của huấn quyền luôn nhắc nhở người tu sĩ và các dòng tu can đảm đối diện với những khó khăn vật chất và tinh thần gặp phải trong cuộc sống hằng ngày trong “thái độ ngoan ngoãn với sự soi sáng của Thiên Chúa và sự biện phân của  Giáo hội.”[15] Huấn thị “Đời sống huynh đệ trong cộng đoàn” đưa ra tiêu chuẩn để đánh giá phẩm tính của đời sống cộng đoàn cho người tu sĩ: “Chúng ta không được quên rằng, sự bình an và hoan lạc của việc chung sống là một trong những dấu chỉ của Nước Thiên Chúa. Niềm vui sống giữa những khó khăn gặp phải trên hành trình thiêng liêng lẫn nhân bản, và cả giữa những phiền muộn hằng ngày cũng đã là một phần của Nước Trời. Niềm vui này là hoa trái của Chúa Thánh Thần và bao gồm một đời sống đơn giản và kết cấu đơn điệu thường nhật. Tình huynh đệ không có niềm vui là tình huynh đệ đang tàn dần;…” (số 28).

Hiến chế Lumen Gentium đã mô tả các gia đình tu sĩ như là một phương tiện để tiến triển “hoan hỷ tiến bước trên con đường đức ái” (số 43). “Con người đương thời muốn nhìn thấy nơi những người thánh hiến niềm vui đến từ việc được ở cùng Thiên Chúa, niềm vui từ sự trung tín, hoa trái từ sự gặp gỡ hằng ngày với Lời.[16]

Bonum est diffusivum sui – điều tốt thì tỏa lan (Thánh Tô-ma A-qui-nô). Tỏa lan tình yêu và sự ngạc nhiên mà mình lãnh nhận làm cho cuộc sống của chính mình và mọi người tốt đẹp, có ý nghĩa và tiến gần đến Sự Viên Mãn.

III. Căn tính Mến Thánh Giá

Tình yêu đối với Thánh giá Con Thiên Chúa đã được khơi mào từ cậu bé Pierre Lambert de la Motte và được chuyển trao cho các thế hệ nữ tu Mến Thánh Giá từ thế kỷ XVI cho đến nay. Có những lúc các chị bị bách hại, phải phân tán, thậm chí tử đạo, nhưng Tình yêu ấy vẫn âm thầm, bền bỉ dệt nên khúc tình ca trong dòng lịch sử của Giáo hội, của Hội dòng và nơi mà các chị được sai đến. Dòng Mến Thánh Giá là “Dòng nữ đầu tiên mang bản sắc Á Đông, vừa chiêm niệm vừa hoạt động, có lời khấn, sống thành cộng đoàn theo một bản luật, trực thuộc Đấng Bản quyền sở tại và hướng về việc truyền giáo cho lương dân” (HC 1)

  1. Đời sống thánh hiến của người nữ tu Mến Thánh Giá

Sống đời thánh hiến là bước theo Đức Ki-tô, mẫu mực đức Khiết Tịnh, Nghèo Khó, Vâng Phục; là cam kết dâng mình cho Đức Ki-tô, để thuộc trọn về Người và chu toàn các nhiệm vụ của Dòng” (HC 12). Chị em xác tín rằng ơn gọi của mình là quà tặng cao quý của Thiên Chúa. Chính trong ơn gọi này chị em thông dự vào linh đạo của Đấng Sáng Lập, đạt đến sự hiểu biết, yêu mến và hiến thân trọng vẹn cho Đức Giê-su Ki-tô, thông dự vào tinh thần trung gian và tiếp nối sứ mạng của Người. Yêu mến Đức Giê-su Ki-tô Chịu-Đóng-Đinh trên Thánh giá, yêu Thánh giá của Người và sẵn lòng đón nhận thập giá của bản thân. Lòng yêu mến ấy liên kết cách đặc biệt với công trình cứu độ của Đức Ki-tô, phát huy tinh thần liên đới với những nỗi khổ đau của đồng loại và lấp đầy tâm hồn chị em bằng niềm vui và hy vọng, xuất phát từ lòng tin vào mầu nhiệm Phục Sinh (HC 2-5).

Qua lời khấn Khiết tịnh, chị em cam kết giữ sự tiết dục hoàn toàn trong đời sống độc thân vì Nước Trời, thấu hiểu ý nghĩa cao quý của những đòi hỏi của Đức Khiết tịnh thánh hiến, ý thức đầy đủ phẩm giá của đời sống hôn nhân, sống cách quảng đại, vui tươi và hạnh phúc. Để bảo toàn và phát huy đức Khiết tịnh, chị em sống khiêm nhường thẳm sâu, chuyên cần cầu nguyện và kết hợp mật thiết với Đức Ki-tô Chịu-Đóng-Đinh. Tình chị em trong cộng đoàn với bầu khí an bình, yêu thương, tin tưởng, cởi mở, chân thành, nâng đỡ, giữ gìn ơn gọi cho nhau sẽ hỗ trợ chị em sống đức Khiết tịnh cách dễ dàng hơn. Đồng thời, vẫn cần có sự khổ chế bản thân như Hiến chương đòi buộc (x. HC 14-20).

Lời khấn Nghèo khó nhắc nhở chị em rằng đã có nhiều thế hệ nữ tu Mến Thánh Giá cần cù lao động và sống giản dị, khiêm tốn giữa những người nghèo khổ. Chị em cam kết chấp nhận sự hạn chế, tùy thuộc vào Bề trên và Hội dòng trong việc định đoạt và sử dụng của cải theo Hiến chương và Nội quy (HC 21-29).

Khi sống lời khấn Vâng phục, người nữ tu Mến Thánh Giá cam kết phục tùng các Bề trên hợp pháp thay mặt Thiên Chúa, khi Bề trên truyền dạy theo Hiến chương của Hội dòng. Chị em cũng dùng ba phương thế để xác định ý Chúa: sẵn sàng đón nhận ánh sáng qua các trung gian, thực hành đối thoại trong tình chị em đầy sự tin tưởng nhau, noi gương Đấng Sáng Lập tha thiết xin ơn Chúa Thánh Thần soi sáng. Lời khấn Vâng phục ràng buộc người nữ tu trong bất cứ sứ vụ lớn nhỏ nào trong tinh thần phục vụ và kính trọng nhân vị của nhau (HC 31-34).

  1. Đời sống cộng đoàn của người nữ tu Mến Thánh Giá

Congregavit nos in unum Christi amor” – Tình yêu của Đức Ki-tô quy tụ chúng ta.

Cộng đoàn Mến Thánh Giá là một gia đình đích thực, được quy tụ nhân danh Đức Ki-tô Khổ Nạn-Phục Sinh, muốn họa lại đời sống Giáo hội sơ khai với hai nguyên mẫu tuyệt với là gia đình Na-da-rét và cộng đoàn Ba Ngôi Thiên Chúa. Đời sống cộng đoàn xoay quanh Chúa Giê-su Thánh Thể. Chị em thông phần thập giá Đức Ki-tô qua đời sống cộng đoàn khi vác đỡ thập giá cho nhau; nhẫn nhục chấp nhận dự căng thẳng của tuổi tác, tính tình, nếp suy nghĩ; quảng đại tha thứ và khiêm tốn đón nhận sự thứ tha. Cộng đoàn cần có dự phóng chung, dự phóng cá nhân, xác định nội vi. Mỗi chị em yêu mến cộng đoàn mình được sai đến và thuộc về, có tinh thần trách nhiệm và liên đới với nhau, giữ sự cẩn mật và sự thinh lặng cần thiết, đúng lúc, đúng chỗ. Mỗi chị em như một “kho tàng thánh thiêng” được Thiên Chúa ký thác cho Hội dòng. Tương quan của chị em với gia đình thiêng liêng và gia đình ruột thịt. (x. HC 41-53).

Như một lời mời gọi

“Căn tính là sự thuộc về. Xin lưu ý điều đó, hãy quan tâm đến sự thuộc về của bạn. Đừng bán những gì sâu xa nhất trong chúng ta, tức là sự thuộc về, căn tính và những gì, trên cuộc hành trình, trở thành sự gặp gỡ của các căn tính đa dạng để làm phong phú lẫn nhau. Trở thành tình huynh đệ.” Hãy “biến căn tính của các con, sự thuộc về mà các con đã nhận được, thành một tác phẩm nghệ thuật.”[17]

Mỗi người hãy cố gắng khám phá đường lối mà Thiên Chúa dành cho mình trong trường học yêu thương, schola amoris. Từ trường học yêu thương là Hội dòng, Cộng đoàn, Nhóm, Lớp ta có những trải nghiệm rất riêng và dần lớn lên, ngày càng có cảm thức thuộc về thì chúng ta đang xây nhà, tạo ra một ngôi nhà của niềm vui, của dấn thân, của nhiệt thành, của tình yêu.

Có những bước chân đã từng đi lạc, đi hoang nhưng nhờ tình thân, sự cởi mở và chân thành của chị em trong cộng đoàn, Hội dòng mà người chị em ấy tìm thấy lại được chính mình và xác tín hơn về ơn gọi và lời đáp trả của mình.

Có những gương sáng, vui tươi, tôn trọng, bầu khí hòa ấm trong cộng đoàn và sự quảng đại hiến thân cho sứ mạng của chị em trong cộng đoàn, Hội dòng mà những người đang cộng tác với chị em trân trọng, cảm mến và khám phá ra nét đẹp của người tu sĩ nơi chị em.

Có những khi sự đơn sơ, khiêm tốn, dịu dàng, tín thác của chị em là lời chứng hùng hồn trong một xã hội xoay vòng với cơm áo gạo tiền và hưởng thụ.

Có tình yêu trao đi rất chân thành mãi đến nhiều năm sau chị em mình mới thấy quả ngọt.

Tất cả đều nằm trong kế hoạch yêu thương nhiệm mầu của Thiên Chúa. Phần chúng ta, chúng ta sống căn tính đời tu của mình cách tròn đầy để chiếu sáng cho những người sống quanh ta, những người đang được chúng ta phục vụ và cho tất cả mọi người. “Ánh sáng của anh em phải chiếu giãi trước mặt thiên hạ, để họ thấy những công việc tốt đẹp anh em làm, mà tôn vinh Cha của anh em, Đấng ngự trên trời” (x. Mt 5, 14-16).

Để Danh Chúa được rạng rỡ vinh quang!

[1] https://vi.wiktionary.org/wiki/c%C4%83n_t%C3%ADnh

[2] http://trannhuong.net/tin-tuc-56309/can-tinh-la-gi—vi-sao-phai-di-tim-can-tinh-cua-nguoi-viet-.vhtm

[3] https://www.facebook.com/dr.lenguyenphuong/posts/kh%E1%BB%A7ng-ho%E1%BA%A3ng-c%C4%83n-t%C3%ADnh-identity-crisis-l%C3%A0-g%C3%ACc%C4%83n-t%C3%ADnh-identity-l%C3%A0-b%E1%BA%A3n-s%E1%BA%AFc-b%E1%BA%A3n-v%E1%BB%8B-c%E1%BB%A7/417046413203241/

[4] Nguyễn Như Ý, Đại Từ Điển Tiếng Việt, tr. 92 và tr. 270, Nxb Văn hóa-Thông tin.

[5] Phan Tấn Thành, Đời Sống Tâm Linh VI – Những Hình Thức Tu Trì Ki-tô Giáo, tr. 229.

[6] Sđd, tr. 218-223.

[7] Đức Phao-lô VI, Tông thư Chứng Tá Tin Mừng, số 7.

[8] x. CIVCSVA, Huấn thị Xuất phát lại từ Đức Ki-tô (19/05/2002),1.

[9] Đức Gio-an Phao-lô II, Sứ điệp gởi Hội nghị khoáng đại của Bộ các Hội dòng thánh hiến và tu đoàn Tông đồ (21/09/2001): L’Osservatore Romano, 28/09/2001).

[10] x. CIVCSVA,  Hồng ân trung tín và niềm vui kiên trì (02/02/2020), số 2; Tông thư Ngàn Năm Mới, số 23.

[11] x. CIVCSVA,  Hồng ân trung tín và niềm vui kiên trì (02/02/2020), số 47.

[12] Sđd, số 46.

[13] Đức Gio-an Phao-lô II, Những bài huấn giáo về Đời thánh hiến, Bài 11 (14/12/1994), trong Theo Chúa Ki-tô, Những văn kiện đời tu, Tập 2, tr. 61.

[14] Sđd, số 9.

[15] x. Đức Gio-an Phao-lô II, Tông huấn Đời sống thánh hiến, số 37.

[16] x. CIVCSVA,  Hồng ân trung tín và niềm vui kiên trì (02/02/2020), số 42.

[17] Sứ điệp video của Đức Thánh Cha Phan-xi-cô gởi cho các tham dự viên của cuộc Gặp gỡ giới trẻ thế giới do tổ chức “Scholas Occurentes” tài trợ, diễn ra ở Buenos Aires, Argentina, từ ngày 29/10 đến 1/11/2018.

Nữ tu Catarina Văn Đình Bằng Lăng

Hội dòng Mến Thánh Giá Huế

__________________

Các sách tham khảo

  1. Công đồng Vaticanô II, Nxb. Tôn giáo, 2016.
  2. Bộ Giáo Luật, Nxb. Tôn giáo, 2006.
  3. Hiến chương Dòng Mến Thánh Giá Huế.
  4. Valesio de Paolis, La vita consacrata nella Chiesa, EDB 1992.
  5. Giu-se Nguyễn Tất Trung, Theo Chúa Ki-tô – Những văn kiện đời tu, Tập I, Nxb. Tôn giáo 2021.
  6. Phan Tấn Thành, Theo Chúa Ki-tô – Những văn kiện đời tu, Tập II, Nxb. Tôn giáo 2021.
  7. CIVCSVA, Hồng ân trung tín và niềm vui kiên trì,Đan viện Cát Minh Saigon, 2022.
  8. Phan Tấn Thành, Đời sống tâm linh VI– Những hình thức tu trì Ki-tô giáo, Nxb. Phương Đông.

Các trang web tham khảo

  1. http://gpbanmethuot.com/bai-giang-audio/can-tinh-va-su-mang-doi-song-thanh-hien-36472.html
  2. https://hdgmvietnam.com/chi-tiet/nhu-the-nao-goi-la-doi-song-thanh-hien–44181
  3. https://xuanbichvietnam.net/trangchu/hay-bien-can-tinh-va-su-thuoc-ve-cua-cac-con-thanh-mot-tac-pham-nghe-thuat/
  4. https://tgpsaigon.net/bai-viet/dac-sung-dong-tu-63709#_Toc73214245
  5. https://www.facebook.com/dr.lenguyenphuong/posts/kh%E1%BB%A7ng-ho%E1%BA%A3ng-c%C4%83n-t%C3%ADnh-identity-crisis-l%C3%A0-g%C3%ACc%C4%83n-t%C3%ADnh-identity-l%C3%A0-b%E1%BA%A3n-s%E1%BA%AFc-b%E1%BA%A3n-v%E1%BB%8B-c%E1%BB%A7/417046413203241/
  6. https://dcctvn.org/duc-thanh-cha-phanxico-day-la-can-tinh-cua-chung-ta-chung-ta-la-nhung-nguoi-duoc-thien-chua-yeu-thuong/
  7. https://danvienphuocly.com/linh-dao/can-tinh-va-su-mang-doi-song-thanh-hien-hieu-liem-372.html
  8. https://giaophanvinhlong.net/song-can-tinh-doi-tu.html
  9. https://gpbuichu.org/news/TIN-GIAO-HOI-HOAN-VU-73/tiep-kien-chung-lan-toa-huong-thom-chua-kito-16777.html